Trang chủ Lịch sử Tôn Đức Thắng (Bác Tôn) là ai?

Tôn Đức Thắng (Bác Tôn) là ai?

by Ngo Thinh
343 views

Tôn Đức Thắng – Người lập Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

“Ngày 7/11/1917, cuộc đại cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười thành công ở nước Nga, Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô) ra đời. Đó là Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Tất cả những người công nhân, nông dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới vui mừng, phấn khởi hướng về nước Nga, coi thắng lợi của nhân dân Nga là thắng lợi của mình. Nhưng bọn đế quốc và bè lũ tay sai của chúng thì lo lắng, hoảng sợ. Chính vì vậy mà 14 nước tư bản, đế quốc đem quân đến bao vây và tiến công Liên Xô. Trong 14 nước đó, có đế quốc Pháp.

Năm 1919, tôi đang làm thủy thủ công nhân trên một chiến hạm của Pháp. Chiến hạm đó được lệnh đi đến Hắc Hải để cùng các chiến hạm của các nước đế quốc chủ nghĩa khác đánh Liên Xô. Đến Hắc Hải, anh em thủy thủ trên tàu đã bảo nhau hạ lá cờ tam tài xuống, kéo cờ đỏ búa liềm lên, làm binh biến, hoan hô thắng lợi của cách mạng tháng Mười và ủng hộ Nhà nước Xô Viết.

… Cuộc binh biến đã đạt kết quả thực tế là buộc chiến hạm Pháp phải quay mũi trở về Pháp. Được như thế là nhờ sự đoàn kết của công nhân Pháp, nhờ phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động thế giới, bảo vệ cách mạng tháng Mười.

… Tôi cho rằng bất cứ người Việt Nam yêu nước nào có mặt trong giờ phút lịch sử đó cũng không thể có hành động khác tôi”.

Tôn Đức Thắng (1888-1980)

Tôn Đức Thắng (1888-1980)

Sự kiện này diễn ra vào lúc 8 giờ sáng ngày 20/4/1919. Lá cờ đỏ búa liềm đã tung bay ngạo nghễ trên cột cờ chiến hạm France là một biểu hiện hùng hồn cho tình hữu nghị của một dân tộc bị áp bức sẵn sàng bảo vệ thành quả cách mạng mà một dân tộc bị áp bức khác đã giành được. Hành động hào hiệp này khiến ta nhớ đến Che Guevara (1928-1967), sinh tại Rosario (Áchentina) – khi có một người phụ nữ người Tây Ban Nha cùng họ đã viết thư báo tin có thể bà con với Che, ông viết thư phúc đáp: “Tôi không tin là chúng ta có bà con gần với nhau, nhưng nếu bà có thể run lên vì phẫn uất mỗi khi có người gây ra một sự bất công trên thế giới, thì chúng ta sẽ là đồng chí với nhau, điều đó mới quan trọng hơn”. Trong trường hợp các công nhân Việt-Pháp làm cuộc binh biến, bảo vệ thành quả cách mạng tháng Mười Nga cũng nằm trong suy nghĩ của tình giai cấp tương tự như thế.

Người công nhân Việt Nam đã kéo cờ trên chiến hạm để làm cuộc binh biến vang dội ấy là Tôn Đức Thắng, mà sau này nhân dân ta thường gọi một cách tôn kính là “Bác Tôn” – sinh ngày 20/8/1888 trên cù lao Ông Hổ, ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc tỉnh An Giang), con trai cả của ông bà Tôn Văn Đề và Nguyễn Thị Dị. Sau khi học xong tiểu học ở Long Xuyên, năm 1906, Tôn Đức Thắng rời quê nhà lên Sài Gòn để học nghề làm thợ. Những năm tháng này khởi đầu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời một thanh niên yêu nước: đưa Bác đến với giai cấp công nhân. Tuy chỉ mới là thợ học việc, nhưng Bác đã tham gia cùng công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống lại bọn cai thợ vô lý đánh đập công nhân…

Từ năm 1915, 27 tuổi, bác vào học nghề điện và ô tô ở Trường Thợ máy châu Á (tức trường Bá Nghệ) (1). Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Phan Thanh Tài (Viện Khoa học Xã hội TP.HCM): “Để hợp thức hóa việc học trong trường, Tôn Đức Thắng đã sửa chữa lại tuổi của mình là 20, chứ không phải 27 và sinh ở thôn An Hóa thuộc tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang…Việc khai nhỏ tuổi lại để được vào học trong Trường Thợ máy Á châu là hợp lý, bởi lẽ, nhà trường chỉ thu nhận học sinh từ 17 đến 20 tuổi. Hơn nữa việc khai giấy tờ, tuổi tác lúc bấy giờ chưa được kiểm tra nghiêm ngặt, mặc dù thực dân Pháp đã ban Nghị định “lập hộ tịch cho nhân dân bổn xứ” từ ngày 23/7/1871. Ngoài ra, trong hồ sơ theo dõi học sinh của nhà trường, còn ghi rằng:

“Thắng, Tôn Đức

Theo học lớp điện và ô tô. Bị động viên sang Pháp (tháng 9/1916). Từ Pháp trở về vào tháng 8/1920. Đây là phần tử ít được tín nhiệm. Khi từ Pháp trở về (anh ta) có đến trình diện tại trường, xin được học bổ túc lấy văn bằng, không mất tiền ăn – ở trọ, với lời hứa làm tài xế cho nhà trường; nhưng khi sắp niêm yết tên thi, thì dột nhiên (anh ta) rời khỏi nhà trường”

Trường Cơ khí Á châu được thành lập ngày 22/2/1906. Lúc đầu chỉ có vài chục học sinh, mục tiêu đào tạo là chuyên viên kỹ thuật sơ cấp, thợ cơ khí lành nghề cho hải quân và một số ngành kỹ nghệ. Đây là một trong những trường dạy nghề đầu tiên của nước ta, qua năm tháng trường nhiều lần đổi tên: trường Cơ khí Á châu, trường máy Đỗ Hữu Vị, trường Kỹ thuật chuyên môn, trường Trung học đệ nhất cấp, trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng và nay là trường Kỹ thuật Cao Thắng. Hiệu trưởng đầu tiên là ông Anmanuel Rosel – đảm nhiệm từ năm 1906 đến năm 1939. Sau đó vẫn là người Pháp tiếp tục làm hiệu trưởng, mãi đến năm 1954ù người Việt Nam mới được giữ chức vụ này. Hiện nay, ngày 20/4 hằng năm được chọn làm ngày truyền thống của trường; đó là ngày Bác Tôn đã dũng cảm kéo cờ đỏ trên biển Đen ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga.

 

Bác Tôn thời trẻ (1906)

Bác Tôn thời trẻ (1906)

Trong thời gian ở Pháp, Tôn Đức Thắng vào làm thợ máy ở xưởng Arsebal de Toulon. Chính thời gian này, mối tình đầu trong cuộc đời của Bác Tôn đã diễn ra với biết bao xúc động.

Buổi chiều hôm ấy. Nắng vàng như tơ lụa giãi xuống mặt biển ở quân cảng Tulon miền Nam nước Pháp. Tiếng sóng vỗ ì oạp vào bãi bờ…Những cánh chim hải âu bay liệng trên vòm trời. Lòng buồn rười rượi. Nhớ nhà quá. Rướn người nhìn qua cửa sổ của bệnh viện hải quân, trên khóe mắt của Đoàn Công Sở (tức Ba Sứ) – một thanh niên Việt Nam ứa ra giọt nước mắt. Câu ca quê nhà vọng đến trong tâm tưởng:

Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo thơm Nàng Quốc em nuôi mẹ già

Là em kết nghĩa của Tôn Đức Thắng, trong cơn đau Ba Sứ đã nắm lấy tay người anh mà nghẹn ngào:

– Chắc em bỏ xác ở đất khách quê người. Dù về suối vàng, nhưng không bao giờ em quên ơn anh những ngày tháng đã cưu mang em…

Tôn Đức Thắng vội can em nuôi thôi nói những lời gàn giở, nhưng Ba Sứ vẫn nghẹn ngào:

– Nhưng anh ơi! Em biết số phần của em chỉ đến đây thôi. Có lá thư của em đây, nhờ anh chuyển giúp về quê nhà cho ba má em.

Thật vậy, lưỡi hái tử thần đã đưa linh hồn người em nuôi vắn số về trời. Đau buồn khôn nguôi, Tôn Đức Thắng đã đứng ra lo chôn cất chu đáo cho cậu. Trong phần cuối lá thư của Ba Sứ có dòng chữ viết bằng nét mực xanh, nét run nhưng gẫy gọn: “Ba má nên gả chị Hai Oanh cho anh Hai Thắng”.

Chàng thanh niên Tôn Đức Thắng cầm lá thư của người em kết nghĩa mà bàng hoàng, trong tâm trí bỗng nhớ về xã Mỹ Hòa Hưng rợp mát vườn cây ăn trái, lảnh lót tiếng chim hót bình yên…

Người con gái nết na ấy mọi người trong làng gọi là Hai Oanh, chứ tên thật của chị là Đoàn Thị Giàu.

Lời trăn trối cuối cùng của người em kết nghĩa khiến Tôn Đức Thắng không thể không suy nghĩ. Từ đó, hai người thường xuyên viết thư cho nhau. Nhưng trong thư chưa bao giờ Hai Thắng dám hứa hẹn một điều gì cả. Cuối thư thường chỉ là dòng “tái bút”: “Ngày gặp nhau chưa dám hẹn bao giờ”. Tôn Đức Thắng biết, vì nhiệm vụ cách mạng phía trước còn biết bao bất trắc, vì mình mà người thương mình phải gánh chịu thì tội nghiệp lắm. Trong những ngày lênh đênh trên biển lạ xứ người, đứng trầm ngâm trên boong tàu, chàng trai thường ngâm nga một mình:

Từ Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao
Thấy con cá đao bổ nhào vô lưới
Biết chừng nào anh cưới được em?

Bác Tôn (áo trắng) cùng các bạn thợ Việt Nam tại thành phố Toulon (1919)

Bác Tôn (áo trắng) cùng các bạn thợ Việt Nam tại thành phố Toulon (1919)

Trong khi đó, ở quê nhà nhiều người đến giạm hỏi, nhưng cô Hai Oanh vẫn lắc đầu từ chối…

Nhưng rồi, những tình cảm riêng tư ấy cũng gác qua một bên, khi Tôn Đức Thắng lao vào cuộc đấu tranh cùng anh em công nhân chiến hạm France. Sau này, Bác Tôn có kể: “Bầu không khí trên tàu căng thẳng hơn. Một vài đồng chí hô hào thủy thủ họp mít-tinh để thanh toán bọn chỉ huy. Họ đã bảo tôi: “Họp mít-tinh, cậu hãy kéo cờ đỏ lên, để cho người Nga biết rằng chúng ta là bạn, không phải là thù”. Tôi vui vẻ nhận lời. Vào lúc rạng đông, tuần dương hạm tới Biển Đen. Kèn tập hợp vang lên- đó là kèn tập hợp thông thường của thủy thủ. Song lần này, kèn đã vang lên không phải do lệnh của Bộ chỉ huy, và giờ đây, cờ đỏ đã được giương lên”. Còn nhà thơ Nguyễn Đình Thi với cảm hứng của thi ca đã miêu tả:

… Anh chạy tới cột cờ cao nhất
Anh băng mình thoăn thoắt leo nhanh
Bóng anh mất trên trời sâu hút
Giữa gió gầm sóng lồng lộn vùng quanh
Đoàn thủy thủy cùng nhau ngửa mặt
Ngóng nhìn lên đêm tối mịt mùng
Bỗng nghe rõ trên cao chót vót
Tiếng cờ bay phần phật reo mừng…

Sau khi diễn ra sự kiện này, Bác Tôn bị trục xuất về nước. Đó là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của bác, đánh dấu sự chuyển biến từ quan điểm dân tộc đến quan điểm giai cấp, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Trở về nước, Tôn Đức Thắng lặn lội về quê nhà viếng song thân và có sang thăm gia đình cô Hai Oanh. Bấy giờ, trai tài gái sắc mới thật sự gặp nhau. Đêm trăng sáng. Dưới gốc cây xoài xum xuê phía trước nhà, hai người thì thầm những câu nói yêu thương. Ít lâu sau đám cưới được tổ chức.

Cưới xong, bà Hai Oanh theo chồng lên Sài Gòn mướn nhà ở. Bác gái học thêm nghề may, còn Bác Tôn tiếp tục hoạt động trong phong trào công nhân. Thời gian đầu, bác vào làm công nhân cho hãng Kroff et Cie, chuyên lãnh thầu vét đáy sông, rạch thành phố – trụ sở đặt tại số 200 đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng). Trong thời gian làm việc tại đây, Bác Tôn đã liên hệ với anh em công nhân làm các nghề nghiệp khác nhau và bí mật lập Công hội đỏ – đây là Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

Có thể nói lúc bấy giờ, từ lực lượng nông dân, một giai cấp vô sản công nghiệp đã xuất hiện trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến Việt Nam. “Nó sinh ra và lớn lên không phải từ khi có thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa của giai cấp tư sản dân tộc, mà ngay từ khi có sự khai thác đầu tiên của tư bản nước ngoài trên đất nước ta” (Lê Duẩn). Thử đặt câu hỏi, tại sao trong thời điểm này Bác Tôn đã đứng ra tổ chức đoàn kết các lực công nhân?

Trong tác phẩm Giai cấp công nhân Việt Nam những năm trước khi thành lập Đảng (NXB Khoa học Xã hội – 1978) của nhà nghiên cứu Ngô Văn Hòa, Dương Kinh Quốc đã góp phần lý giải khá thuyết phục: “Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười làm dấy lên một phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ trong giai cấp công nhân thế giới. Nước ta nằm ở vị trí chiến lược trên con đường giao thông quốc tế đã được tiếng vang của các phong trào đấu tranh ấy dội vào” (trang 298) và “Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp đã đưa hàng vạn lính thợ Việt Nam (O.N.S) sang làm việc bên Pháp. Những ngày tại đất Pháp, những người lính thợ Việt Nam đã được tiếp xúc với tư tưởng dân chủ của nhân dân Pháp và họ đã trông thấy những điều mà như Paul Monet đã viết: “Những điều tệ hại thối nát, điều khốn khổ, những cu-li tây và những gái điếm của chúng ta. Họ đã ngao du với những kẻ khốn nạn và những kẻ bất mãn: những kẻ này với thái độ cố ý của kẻ bất mãn sẽ có nhiệm vụ chỉ cho họ thấy những lỗi lầm của một nền dân chủ đang trong quá trình hoàn thiện và chúng đã tố cáo chủ nghĩa tư bản theo những mục đích của riêng mình” (Entre deux feux. Les éditions Rieder, Paris, 1928, tr. 78). Họ cũng học được nhiều kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Pháp “trong thời gian lưu lại bên Pháp, ở những xí nghiệp Nhà nước, việc tiếp xúc hàng ngày với công nhân Pháp đã dạy cho họ biết những khái niệm của một chủ nghĩa công đoàn tích cực, và ảnh hưởng này làm thay đổi hoàn toàn tinh thần của họ và họ trở nên một kẻ mất gốc hoàn toàn, một mối đe dọa thực sự cho tế bào cộng đồng làng xã” (Geoges Garros. Forceries Humaines. André Delpeuch. Paris, 1926, tr. 44).

Hầm xay lúa ở Côn Đảo (ký họa từ sách của Demariaux) – nơi Bác Tôn từng bị giam

Theo báo cáo của thực dân Pháp thì đến tháng 7/1919, toàn Đông Dương tiếp nhận 11.518 người từ bên Pháp về, bao gồm 4.338 lính thợ và 7.180 lính, trong số đó có 149 người bị đuổi về nước vì lý do “vô kỷ luật”, nghĩa là những người có tinh thần đấu tranh chống cách đối xử vô nhân đạo của thực dân Pháp (Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au conseil de gouvernement, Session 1919. IDEO, Hà Nội 1919, tr.101-102). Chả thế mà ngay sau chiến tranh lần thứ nhất, Toàn quyền Đông Dương đã ra chỉ thị cho những cấp dưới: “Cần phải chú ý theo dõi tư tưởng của những người lính thợ, nhất là cái đám đã sống trong các nhà máy gần gũi với công nhân Pháp. Khác hơn những người khác, họ là những người không bị luật lệ, kỷ cương nhà binh kiềm chế, có thể là tư tưởng của họ không tốt” (tr.300-301).

Trong trường hợp cụ thể của công nhân Tôn Đức Thắng – người từng tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn phong phú trong phong trào công nhân Pháp (1916 – 1920) – ta thấy Bác Tôn đã ý thức phải lập Công hội nhằm đấu tranh, bảo vệ cho giai cấp của mình. Sự kiện quan trọng này diễn ra vào cuối năm 1920. Ban chấp hành Công hội gồm có: Tôn Đức Thắng (thợ máy hãng Kroff et Cie) hội trưởng; Nguyễn Văn Côn (thợ nguội hãng Faci), phó hội trưởng; Hạnh (thợ vẽ nhà đèn), thơ ký; Đặng Văn Sâm (thợ tiện nhà đèn), thủ quỹ; kiểm soát viên (chưa biết tên). Tính đến năm 1925, số hội viên của Công hội đã phát triển lên đến 300 công nhân. Từ khi Công hội đỏ bí mật ra đời, Bác Tôn đã lãnh đạo giai cấp công nhân ở Nam kỳ đồng loạt làm nhiều cuộc đấu tranh vang dội.

Đáng chú ý nhất là cuộc bãi công vào đầu năm 1925 của hàng ngàn công nhân hãng Ba Son (1) đòi tăng lương 20%, đòi nhận lại thợ đã bị sa thải, đòi giữ lệ nghỉ trước nửa giờ trong ngày lãnh lương…

Cuộc đấu tranh dằng dai này kéo dài đến ngày 4/8/1925 – đó là ngày họ đồng loạt nghỉ việc. Tám ngày sau, Thống đốc Nam kỳ và Tư lệnh Hải quân Pháp phải đích thân đến gặp đại biểu công nhân. Ban đầu, chúng hăm dọa sẽ đóng xưởng và đuổi tất cả công nhân đã bãi công, nhưng cuối cùng đành phải nhượng bộ trước đòi hỏi chính đáng trên. Lý do chính để chúng nhượng bộ là bấy giờ, chúng đang cho tu sửa chiến hạm Michelet để đưa sang đàn áp cách mạng Trung Quốc. Dù công nhân Ba Son làm việc lại từ ngày 12/8, nhưng Công hội vẫn bí mật vận động họ lãn công. Do đó, mãi đến ngày 28/11/1925, tàu Michelet mới xuống nước ra khơi được. “Cuộc bãi công Ba Son mở đầu cho giai đoạn đấu tranh có tổ chức, có cơ sở Công hội rải khắp đất nước, giai đoạn phong trào công nhân dần dần đi lên tự giác. Đây là cuộc đấu tranh đầu tiên của công nhân Việt Nam mang tính chất chính trị và quốc tế rõ nét”. Có một điều trùng hợp thú vị: đây cũng là năm mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (VNTNCMĐCH) ở Quảng Châu (Trung Quốc). Cuối năm 1926, những cán bộ cốt cán như Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi về Sài Gòn hoạt động và phát triển Hội đã bắt liên lạc với Bác Tôn Đức Thắng. “Có thể nói, vào thời kỳ đầu hình thành tổ chức cách mạng theo khuynh hướng vô sản tại

Về tên gọi Ba Son, trong Sài Gòn năm xưa, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển có đưa ra bốn cách giải thích như sau: 1.Trước khi Ba Son được thành lập thì nơi đó có một con xẻo chạy qua, nhỏ nhưng nhiều tôm cá, thuở ấy người Pháp thích câu cá và gọi là “mare aux poisson” (ao cá) tại đây; về sau xẻo này bị lấp nhưng tên vẫn còn, người ta phiên âm poisson thành Ba Son để gọi xưởng mới xây dựng. 2. Ba Son do tiếng Pháp réparation (công việc sửa chữa) mà ra, vì đây là nơi sửa chữa tàu thủy. 3.Từ thuở xưa thời…bà cổ hỷ (!) nào đó có người thợ nguội tên Son, thứ ba, đã vào làm trong xưởng này; người ta đã lấy thứ và tên của anh ta mà gọi xưởng này là Ba Son. 4. Ba Son là do “bassin de radoub” (ụ sửa chữa vỏ tàu) mà ra (bassin > BaSon) và theo ông cách giải thích này “có phần đứng vững như thuyết thứ 1 “mare aux poisson”. Theo quyển Promenades dans Saigon, tác giả, bà Hilda Arnold ghi, rằng buổi đầu người Pháp đã xuất ra trên bảy triệu quan thời ấy để lấp đất và xây cái ụ tàu “bassin de radoub” này, để có thể sửa chữa các thứ tàu chiến, tàu buôn tại đây khỏi đem về tận Pháp quốc. Thời ấy cuộc chuyển vận đều do đường thủy, nên cái “bassin de radoub” giúp họ nắm vận mạng xứ này trong tay” (Nhà sách Khai Trí (Sài Gòn) xuất bản năm 1968, tr. 104). Nhiều người cho rằng cách giải thích thứ 4 là hợp lý nhất.

 

Sài Gòn, những học trò của Nguyễn Ái Quốc đã dựa vào Công hội của Tôn Đức Thắng để phát triển tổ chức của mình. Nói một cách khác, vào thời kỳ 1926-1927 Công hội là cơ sở cho sự phát triển của VNTNCMĐCH ở Sài Gòn và cả Nam bộ” (1). Từ năm 1927, Bác Tôn tham gia VNTNCMĐCH, là ủy viên Ban chấp hành Kỳ bộ Nam kỳ và trực tiếp lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn. Trong lúc thực dân Pháp chưa phát hiện được điều gì cụ thể thì có điều bất lợi là ngày 8/12/1928 xẩy ra vụ án giết người tại căn nhà số 5 trên đường Barbier (nay là đường Thạch Thị Thanh). Thực chất đây là vụ trừng phạt một số hội viên VNTNCMĐCH vi phạm kỷ luật với mức án tử hình. Dù đã nắm được nguyên nhân của vụ án nhưng thực dân Pháp cáo già tuyên bố là án hình sự để đánh lạc hướng của dư luận và để các thành viên trong tổ chức này không nghi ngờ. Rồi ngày 23/7/1929, do tên Hồ Cao Xường phản bội, nhận tiền của mật thám Pháp để làm chỉ điểm. Lập tức, trụ sở của Kỳ bộ bị bao vây, chúng bắt được Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Văn Phát… cùng lúc chúng giăng lưới ở khắp hang cùng ngõ hẻm. Những cán bộ cốt cán như Trần Trương, Tôn Đức Thắng bị bắt ở đầu cầu Kiệu, Phạm Văn Đồng vừa từ miền Trung vào Sài Gòn thì bị bắt tại ga xe lửa, Hà Huy Giáp chạy xuống Cần Thơ nên trốn thoát. Cùng lúc, thực dân Pháp tiếp tục theo dõi trung tâm chỉ đạo của Tổng bộ ở Quảng Châu, chúng đã liên lạc chặt chẽ với chính quyền nơi đó để tiếp tục đàn áp và hy vọng sẽ quét sạch mầm mống của VNTNCMĐCH.

Bác Tôn bị thực dân Pháp kết án 20 năm tù khổ sai trong phiên tòa xử tại Sài Gòn vào sáng ngày 26/7/1929. Sau đó, ngày 2/7/1930, trên con tàu Harmand Rousseau, Bác Tôn bị đày ra Côn Đảo với số tù 5289.20 TF (viết tắt của chữ Traveaux forcés: Lao dịch khổ sai có thời hạn). Sau này, sống với nhau đến ngày răng long tóc bạc, Bác Tôn gái nhớ lại: “Lên Sài Gòn ở được 9 năm, sanh được hai cháu gái thì ổng bị bắt ở tù. Bấy giờ con Hạnh mới 5 tuổi, con Nghiêm mới 3 tuổi. Một mình tôi nách hai con nhỏ, bơ vơ giữa đất Sài Gòn”. Cuối cùng, bác gái bồng con về quê cũ. Dù chưa đến Côn Đảo, nhưng trong chiêm bao của bà bao giờ cũng hiện lên cảnh trí của nơi mà chồng mình đang bị lưu đày. Nước mắt ướt đẫm gối.

Những lá thư của Bác Tôn gửi về cho gia đình đều bị bôi xóa, gạch nát hết. Thâm độc nhất là bọn hội tề trong làng tới tấp đến ve vãn bác gái với chủ trương: “Chồng nó làm cộng sản, phải ép lấy nó làm vợ nhỏ thì nó mang tiếng là thất tiết với chồng. Đánh đòn cân não này thì mấy thằng Bôn-sê-vích tiêu tan hết mọi hy vọng. Vợ mình đầu ấp tay gối còn bỏ mình thì nói gì đến đồng chí đâu đâu!”. Thế nhưng, cái trò ma mãnh, khốn nạn này không làm lung lạc được tấm lòng kiên trinh của những Kiều Nguyệt Nga có chồng làm cộng sản. Bác gái vẫn thủy chung đêm ngày vẫn vò võ ngóng đợi chồng.

Trong khi đó tại địa ngục trần gian, để thủ tiêu Tôn Đức Thắng, bọn cai ngục đã tống giam bác ở hầm xay lúa, giao làm “cập-rằn” (caporal) để mượn tay bọn anh chị du côn giết giết bác. “Phạt nặng nhất là vào hầm xay lúa ở banh I. Mái nhà thấp, lợp tôn, bốn phía là tường cả nên rất nóng. Vào trong không thấy mặt người. Sáu cối xay bự làm bằng thùng rượu chát cưa đôi, sáu người tù luân phiên xay từ sáng đến tối, tiếng ồn át cả tiếng “cập-rằn” thét. Thường “cập-rằn” là loại anh chị khét tiếng hung dữ bị tù, được chọn phụ giúp mã-tà trong công việc khó khăn hàng ngày. Không khí trong hầm xay lúa đầy cám, bụi trấu. Tù bị phạt vào hầm xay lúa phải xích đôi, hai người một. Dù bất cứ đi đâu, người này phải lôi người kia. Cả ngày công việc đã mệt nhọc, tối lại phải tẩm quất cho ”cập-rằn”, thay phiên nhau cả đêm. Chịu không nổi, ở hầm xay lúa thường hay xẩy ra án mạng” (Côn Đảo ký sự và tư liệu – nhiều tác giả – NXB Trẻ – 1996, tr.235.). Lúc Tôn Đức Thắng mới vào hầm thì bọn lưu manh vừa giết “cập rằn” Bảy Tốt. Trước tình hình này, Bác Tôn có thái độ thân thiện với tất cả tù nhân, phân công lại công việc hợp lý hơn và công bằng, tạo điều kiện cho mọi người đều được nghỉ ngơi; lập Hội tù nhân để cùng giúp đỡ nhau trong lúc đau yếu, tai nạn; tổ chức dạy chữ cho người mù chữ v.v… Do “cập-rằn” đối xử với các bạn tù bằng tình cảm giữa người với người, chứ không phải bằng roi vọt, hận thù nên tình hình trong hầm xay lúa ngày một cải thiện dần. Mọi người đã gọi bác bằng cái tên trìu mến “Già Thắng”.

Thế là thủ đoạn bọn thực dân đã thất bại.

Mười lăm năm tù Côn Đảo, Bác Tôn đã chiến đấu ngoan cường với bản lĩnh của một người cộng sản trung kiên để tồn tại. Trong một ngày đầu xuân, Bác đã đọc mấy câu thơ gửi vợ cho bạn tù cùng nghe. Ai nấy đều ứa nước mắt và chia sẻ với niềm tin của Bác:

Năm năm, tháng tháng, ngày ngày
Lần lần, lữa lữa, rày rày, mai mai
Bóng chim tăm cá còn dài
Cách mạng thắng lợi ngày mai anh về

Trong khi đó ở quê nhà, dù không được biết bài thơ này, nhưng bằng linh cảm của sự thủy chung, niềm tin của sự chờ đợi, bác gái vẫn tin rằng chồng mình sẽ về. Sau này bác gái có kể: “Thư ổng về cho tôi, đựng đầy hộp bánh quy. Sau “bốn lăm” Tây chiếm lại, lục xét ruồng bố dữ quá, tôi mới đốt. Có thư ổng biểu tôi đừng đợi nữa, cứ đi lấy chồng. Tôi giận ổng quá! Tháng 9/1945 ổng về Mỹ Tho, nghe ai nói là tôi đã cải giá có thêm hai con riêng, đứa mười tuổi, đứa tám tuổi, ổng giận tôi không về nhà. Cậu Tám Dung- cậu ruột tôi- đi tìm ổng, dắt ổng về. Nửa đêm, người ta gọi tôi. Gặp nhau một chốc, hừng sáng ổng lại đi..” Tình yêu của đôi trai tài gái sắc lại chia cắt, mãi sau năm 1954 cả hai mới gặp được nhau ở Hà Nội…

Như thế, chiều ngày 23/9/1945, nhờ tháng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, Bác Tôn mới được trở về đất liền. Nhưng không sum vầy với gia đình được lâu, Bác Tôn lại tiếp tục đi theo cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, vì bấy giờ Trung ương Đảng đã gọi Bác vượt biển, vượt Trường Sơn ra Việt Bắc để nhận công tác mới. Từ đây cho đến lúc cuối đời, Bác Tôn đã giữ nhiều trọng trách. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, ngày 23/9/1969 Bác Tôn được cử giữ chức Chủ tịch nước cho đến lúc qua đời. Đánh giá về phẩm chất đạo đức của Bác Tôn, Hồ Chủ tịch đã phát biểu: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc…Là một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân…”

Bác Tôn cùng các cán bộ quân sự

Hiện nay, Nhà nước ta đã chọn ngày 28/7/1929 là Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đó là ngày Ủy viên ban chấp hành Kỳ bộ Bắc kỳ Nguyễn Đức Cảnh được Đông Dương Cộng sản Đảng giao nhiệm vụ triệu tập Đại hội thành lập Công hội đỏ Bắc kỳ tại nhà số 15 Hàng Nón (Hà Nội). Đại hội quyết định xuất bản tờ Lao động làm cơ quan thông tin, tuyên truyền và tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan truyền bá lý luận Công hội đỏ trong giai cấp công nhân. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cho rằng như thế là “không thỏa đáng” và theo ông: “Phải truy cho ra ngày tổ chức Công hội Việt Nam (hoặc một quy mô tổ chức nào đó) của Công hội đỏ do Tôn Đức Thắng thành lập làm ngày khai sinh tổ chức Công hội Việt Nam. Điều này thật bình thường đối với quy trình phát triển của phong trào công nhân và cộng sản các nước: Công đoàn thành lập trước khi Đảng Cộng sản chứ không phải do Nghị quyết của Đảng Cộng sản mà Công đoàn thành lập; như thế là trật quy luật, ở đây, trật cả sự thực lịch sử” (Bác Tôn và chúng ta – Ban Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh XB 1988 – tr. 116). Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với quan điểm này. Riêng trường hợp người cộng sản Nguyễn Đức Cảnh, tưởng cũng nên nhắc lại đôi nét, sau khi thành lập Công hội Bắc kỳ, ông đã tham gia nhiều công tác do Đảng giao phó và bị giặc bắt cuối năm 1931 tại Vinh. Ngày 31/7/1932, ông bị Pháp xử chém tại Hải Phòng. Lúc đó, ông mới 24 xuân. Đêm trước khi lên đoạn đầu dài, ông vui vẻ đùa cùng các đồng chí bằng câu nói nổi tiếng: “Bây giờ tao có thể ngủ yên được rồi. Chúng mày đừng gọi, để tao ngủ lấy sức, ngày mai sẽ lên máy chém”.

Và cũng không thừa khi chúng ta cùng nhìn lại quá trình phát triển của Công đoàn Việt Nam – một tổ chức mà Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đặt những viên gạch đầu tiên. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì những phần tử tích cực nhất trong giai cấp công nhân đã được sàng lọc để được kết nạp vào Công hội đỏ. Công hội này đã phát triển rộng khắp trong cả nước và có những đóng góp tích cực cho việc cải thiện dân sinh, dân chủ, dân trí trong giai cấp công nhân. Đến khi Mặt trận Việt Minh ra đời, phát huy truyền thống đó, ngày 19/5/1941, Hội Công nhân Cứu quốc được thành lập. Ngày 20/5/1946, Hội nghị cán bộ Công nhân Cứu quốc quyết định đổi tên thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đúng hai tháng sau, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tuyên bố chính thức thành lập và đến tháng 1/1949, được Liên đoàn thế giới công nhận là hội viên. Tháng 1/1950, Đại hội Công đoàn lần thứ nhất họp ở Thái Nguyên bầu ra Ban Chấp hành Trung ương do Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch danh dự và Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch.

Trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ngày 14/9/1957 tại Hà Nội, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn. Sau đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ III (9/1960), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đổi tên là Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam.

Trong khi đó, tại miền Nam, Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam đã tiếp tục phát huy truyền thống của Hội Công nhân cứu quốc.

Sau năm 1975 “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, ngày 6/6/1976 Công đoàn toàn quốc đã thống nhất qua Hội nghị Thống nhất Công đoàn. Đến đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ 6, họp từ ngày 17 đến 20/10/1988, Tổng Công đoàn Việt Nam được đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho đến nay.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù sau này được giữ nhiều trọng trách nhưng bao giờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng thể hiện phẩm chất cao quý của giai cấp công nhân. Con người cộng sản gan góc, trung kiên ấy đã từng chịu đựng hơn 15 năm ở địa ngục Côn Đảo, không hề khuất phục trước bạo lực, trước bọn đầu trâu mặt ngựa nhưng cũng là một con người rất giàu lòng nhân ái. Khi sang Nga, Bác Tôn đã dặn bác sĩ Trần Hữu Nghiệp mua giúp cho món quà đem về tặng vợ. Sau một hồi suy nghĩ, Bác Tôn nói:

– Tánh tôi ưa ăn nhất là món cá kho tộ, bỏ nhiều tiêu. Chiều nào bà ấy cũng đem tiêu hột ra đâm trong chén đá, văng tùm lum ra ngoài. Bả lại kém mắt rồi, nên cứ mò mò từng hột bỏ vô lại. Vậy anh tìm mua cho tôi một cái cối xay tiêu đem về tặng, chắc bả mừng lắm.

Tượng Bác Tôn tại Bảo tàng Chủ tịch Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh)

Chỉ một chi tiết nhỏ ấy, chúng ta thấy Chủ tịch Tôn Đức Thắng gần gũi, thân thương biết chừng nào.

Bác Tôn từ trần ngày 30/3/1980 tại Hà Nội, thọ 92 xuân. Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh có Bảo tàng Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại số 5 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1.

(Nguồn: Lê Minh Quốc, Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]