Trang chủ Lịch sử Kỳ Đồng (Nguyễn Văn Cẩm) – Việc đời vẩn đục sao đành ngồi trông?

Kỳ Đồng (Nguyễn Văn Cẩm) – Việc đời vẩn đục sao đành ngồi trông?

by Ngo Thinh
130 views

Đây là nhân vật rất lạ lùng trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Trong 4.577 bức tranh dân gian do Henri Oger sưu tập được và công bố ở Paris thì có đến 5 bức tranh khuyết danh vẽ Kỳ Đồng. Bức tranh vẽ cậu học trò đang ngồi khom mình trước trang sách, bên cạnh là cụ đồ nho nghiêm khắc, phía trên có hàng chữ Nôm: “Ở xã Ngọc Đình, tỉnh Thái Bình, có một nhà nho nghèo đã lọt qua trường hai, trường ba, sau sinh được một bé trai, đang lên sáu, thiên tư đỉnh ngộ, miệng lưỡi lanh lợi.

Một hôm khi nghe cha đọc sách thì cậu bé vừa nghe vừa đồ theo. Đột nhiên cậu bé chất vấn nghĩa lý, người cha không trả lời được bèn đi hỏi các quan huyện, tỉnh. Nhưng cũng không ai giải đáp được nên mới đặt tên cậu là “Kỳ Đồng”. Thật ra, Kỳ Đồng tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, sinh ngày 8/10/1875 ở làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng (nay xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà – Thái Bình), con trai của cụ Đồ Tị đã đậu nhị trường, sống bằng nghề dạy học và đan rổ rá.

Kỳ Đồng (1875-1929)

Thuở nhỏ, Kỳ Đồng học với cha. Một hôm có người khách lại chơi, thấy cậu bé lên năm đang hý hoáy tập viết chữ bèn nói đùa:

– Tam tài: thiên, địa, nhân;

Khách vừa dứt thì Kỳ Đồng ứng khẩu đọc:

– Tứ thi: phong, nhã, tụng.

Ai nấy đều kinh ngạc.

Năm lên mười tuổi, có kỳ thi hạch ở tỉnh Hưng Yên, thấy Kỳ Đồng còn bé mà cũng đi thi, quan huyện ra câu đối:

– Đứng giữa làng Trung Lập;

Không ngờ cậu bé đối lại ngay:

– Dấy trước phủ Tiên Hưng.

Mọi người đều lấy làm lạ, ra thêm một câu đối nữa để thử tài:

– Khổng môn truyền đạo chư hiền: Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử;

Vế ra có cái khó và lắt léo như thế nhưng không để mọi người đợi lâu, Kỳ Đồng đối luôn:

– Chu thất khai cơ liệt thánh: Thái Vương, Vương Quý, Văn Vương.

Ai nấy đều lấy làm kinh dị, liền làm sớ dâng về kinh. Vua Tự Đức đã sắc ban cho hai chữ “Kỳ Đồng” và phê vào tờ sớ: “Tên này còn ít tuổi chưa thể lục dụng được, nay giao cho tỉnh thần Hưng Yên dạy bảo, dành để khi lớn lên, nhà nước sẽ dùng”. Trong Đại Nam thực lục của Sử quán triều Nguyễn có ghi lại thời vua Tự Đức xuống dụ: “Cấp cho trẻ lạ Nguyễn Văn Cẩm mỗi tháng 3 quan tiền. một phương gạo, quần áo mỗi thứ hai cái, mỗi năm cho một lần”. Từ đó tiếng tăm và huyền thoại Kỳ Đồng càng lan xa. Ứng với lời “Sấm truyền” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Bao giờ Nhân Lý có đình
Trạm Chay mở chợ Ngọc Đình có vua
Bao giờ Tiền Hải có chùa
Trạm Chay mở chợ thì vua ra đời

Mọi người đều tin rằng đó là Kỳ Đồng, người được trời phái xuống để cứu nước thoát giặc ngoại xâm. Các nhà yêu nước đã lợi dụng những câu sấm truyền đó và hiện tượng Kỳ Đồng – nhằm tạo sự tin tưởng trong nhân dân về thắng lợi của cuộc kháng chiến đang âm ỉ diễn ra…

Thế là ngày 27/3/1887, một đám rước đưa Kỳ Đồng từ chùa Vị Xuyên về làm lễ tại Phủ Giày, huyện Vụ Bản (Nam Định) đã diễn ra. Đám rước này thu hút hàng trăm người đi theo. Họ khăn áo chỉnh tề, giương cờ hiệu Thái bình thần tướng, trang bị gươm đao đều bằng gỗ. Kỳ Đồng ngồi chễm chệ trên kiệu, tay cầm cờ trông rất oai phong lẫm liệt! Đoàn rước kiệu đi trang nghiêm, thỉnh thoảng phải dừng lại để mọi người nhìn rõ mặt cậu bé 12 tuổi mà họ tin rằng có “chân mạng” đế vương. Những lúc đó, Kỳ Đồng lại đọc thơ, đại loại như bài Dòng Xích Bích – nói về tổng Lý Hà có con sông Tẻ chạy qua làng Ngọc Đình (Phạm Môn dịch):

Dòng Xích Bích nước trôi lênh láng
Nào ai sang Phú Lãng cùng anh
Thơ rằng: phong cảnh trong xanh
Xanh mây in bóng chốn lành thánh sinh
Sinh ra trời đất thái bình
Việc đời vẩn đục sao đành ngồi trông?
Trông ra thiên địa hổ rồng
Rồng đang lợi thế non sông – dân tình
Tình người sông Nhỉ kết sinh
Sinh ra thánh chủ tự giành chiến công

hoặc những câu như:

Trời còn muốn mở nền thịnh trị
Không tớ thì ai giúp nước nhà?

Mọi người vỗ tay hoan nghênh ầm ĩ. Với một đoàn người được vũ trang như thế, nhưng bọn cho săn tai mắt của giặc lại cho là Kỳ Đồng có ý muốn đánh chiếm thành Nam Định và các phủ huyện. Tin này lập tức được cấp báo về cho công sứ Ninh Bình – Nam Định. Viên công sứ Brière đã báo cáo lên Tổng công sứ Trung – Bắc kỳ như sau: “Kỳ Đồng chỉ là một đứa trẻ và bản thân nó chẳng có gì nguy hiểm. Phong trào tiếng là có tính chất tôn giáo, do Kỳ Đồng hay những người khác thúc đẩy Kỳ Đồng gây ra cũng có thể trở thành một phong trào chính trị, dẫn đến những hậu quả tai hại”. Và không muốn ra mặt đàn áp sợ làm kinh động trong dân chúng, nên công sứ Brière chỉ sai lính bắn thị uy và giải tán đám đông. Về sự kiện này trong dân gian có tranh vẽ với lời ghi chú khác hẳn nhưng có chủ đích: “Kỳ Đồng rất nghịch ngợm, trò chơi của cậu thường là cùng 5, 6 trẻ em nghèo, mỗi cậu cầm một tờ giấy đi dạo trong phố, đánh trống, hét to rằng: “Khởi nghĩa của Kỳ Đồng muốn hạ thành Nam Định”, bị quan tỉnh thu hồi, hạ ngục”.

Để ngăn ngừa với hậu họa có thể xẩy ra, chính phủ Pháp đã đối phó bằng cách cấp học bổng cho Kỳ Đồng du học mười năm ở Algérie. Đây cũng là chính sách chung mà thực dân cũng đã áp dụng cho con em các lãnh tụ kháng chiến, chúng quỷ quyệt thi hành một đường lối giáo dục mới để “tẩy não” tinh thần phản kháng của thế hệ kế tiếp. Rời khỏi đất nước năm 13 tuổi, Kỳ Đồng sẽ là người Việt Nam đầu tiên đậu Tú tài Pháp về khoa học lẫn văn chương.

Năm 1886, Kỳ Đồng về cố hương. Trên chuyến tàu trở về nước, ông làm quen với bác sĩ Gillard. Hai người cùng bàn bạc kế hoạch cộng tác mở đồn điền ở miền ngược. Theo yêu cầu của Kỳ Đồng, bác sĩ Gillard đã viết thư cho Thống sứ Bắc kỳ. Bức thư ngày 21/7/1897 nêu rõ: “Nhằm giúp cho tôi dễ dàng trong việc tăng dân cư vùng Yên Thế, nhất là vùng đất tôi đã làm đơn xin lập đồn điền, tôi tha thiết xin ngài Thống sứ những điều sau đây:

  1. Thông báo cho các ông công sứ ở các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình và Hải Dương biết Kỳ Đồng được phép mộ dân An Nam đi khẩn điền ở Yên Thế. Thông báo cho dân bốn tỉnh trên biết ai muốn theo Kỳ Đồng thì đến gặp ông ta tại nhà riêng để thỏa thuận.
  2. Có những biện pháp thích đáng nhất nhằm đảm bảo hành trình cho người An Nam đi lên Yên Thế, một khi ngày giờ đã được xác định”.

Lời đề nghị này nhanh chóng được chấp thuận, nó thuận lợi vì ngày 26/7 năm đó, chính phủ Pháp đã bắt vua Thành Thái ký dụ bãi bỏ Nha Kinh lược Bắc kỳ để chuyển mọi quyền hành sang Thống sứ Pháp ở Bắc kỳ.

Nhờ có uy tín của mình ngày trước, nên chỉ trong một thời gian ngắn, Kỳ Đồng đã mộ được hàng ngàn nông dân lên khai khẩn đồn điền ở Chợ Kỳ. Ngoài ra để khuếch trương thanh thế của phong trào này, ông đã làm bài thơ chữ Hán: Đường lên Yên Thế. Đây là một bài thơ độc đáo và chơi chữ thuần túy Việt Nam: hai chữ cuối của câu trên, nói lái lại tiếp thành hai chữ đầu của câu cuối. Chẳng hạn:

Hà sự phân vân thuyết lộ ky,
Kị lô tương cố một tương tùy.
Tuy tường thiên nhận, do ngu nạn,
Nan ngụ cô sơn tác trụ trì.

(Bước đi ngàn dặm xa vời vợi – Cưỡi lừa ngoảnh lại không thấy người đi theo – Dầu bay cao đến nghìn dặm, vẫn phải lo quốc nạn-Khó lòng lấy chốn núi non heo hút này làm nơi trụ trì).

Bài thơ này được truyền tụng sâu rộng trong quần chúng. Tháng 8/1897 việc tuyển mộ này đã trở thành một phong trào rộng lớn. Những tên mật thám Pháp dĩ nhiên không thể làm ngơ trước sự kiện này. Chúng trà trộn, cải trang để tìm hiểu thực chất của việc tuyển người. Từ những nguồn thông tin này, Toàn quyền Paul Doumer đã báo cáo về Bộ Thuộc địa: “Trong số 2.500 đến 3.000 người tập trung chung quanh Kỳ Đồng ở Yên Thế, có nhiều người quan lại cũ và nho sĩ hơn là nông dân, những người chưa hề mó tay đến ruộng đất. Đáng lưu ý là có cả chiến sĩ của phong trào Cần Vương mang theo lương thực, gia dụng và dụng cụ lao động tình nguyện đi khai phá đồn điền”. Trong khi đó, lúc trực tiếp đôn đốc việc khẩn hoang thì Kỳ Đồng lại động viên họ… bằng thơ! Có lúc ông cao hứng đọc bài Niềm vui vỡ đồn điền (Nguyễn Tiến Đoàn dịch):

Phương đoài ứng triệu giáng sinh
Chín tầng rồng hiện trời xanh tuyệt trần
Phá nương thánh xuống cõi trần
Mãnh sĩ mưu thần như nước như non
Trần công một tấm lòng son
Đào Tiềm đi ẩn cũng toan xuất hành
Chu Công, Y Doãn triều thần
Ngõ hầu trở lại tinh thần Đường Ngu
Thái bình thiên hạ vui ca
Đông Tây yên ổn nước nhà thành công

Đầu tháng 9/1897 công việc của Kỳ Đồng tạm ổn. Ông đã lập được năm đồn điền bát ngát ở Yên Thế và khéo léo xây dựng thành những làng pháo đài, tuy bề ngoài vẫn như làng xóm bình thường. Hầm hào phòng thủ đã được triển khai. Tổ chức và sinh hoạt được thực hiện theo một số quy định nghiêm khắc, có nghĩa quân bí mật canh gác, kiểm tra người lạ mặt, tập dượt cứu hỏa, phổ biến mật hiệu báo động v.v… Đáng lưu ý là Kỳ Đồng đã ban hành 5 điều quy định, trong đó có những câu “khó hiểu” như: “Vào rừng đốn cây, khi gặp người cũng đang đốn cây thì phải có thái độ kính trọng (?), ai gây khó khăn cho họ sẽ bị xử phạt nghiêm khắc (?)”.

Đây là tầm nhìn chiến lược của Kỳ Đồng và chủ đích của ông khi mộ dân lên đây. Hơn ai hết, ông biết rằng khi lên Yên Thế dứt khoát sẽ gặp những nghĩa binh của anh hùng Đề Thám đang lén lút hoạt động. Và sự thật ông cũng tìm cách liên lạc với ngọn cờ Cần Vương mà Đề Thám đang nắm giữ một cách kiên cường và dũng cảm. Qua sự móc nối của bà Ba Cẩn – vợ ba Đề Thám, Kỳ Đồng đã nhiều lần giúp đỡ lương thực, tiền bạc cho nghĩa quân Hùm Thiêng Yên Thế. Không những thế, ông còn khuyến khích các dân phu gia nhập lực lượng kháng chiến. Chính nhờ sự hậu thuẫn tích cực và có hiệu quả này mà Đề Thám tiếp tục chiến đấu một cách ngoan cường.

Việc làm tày trời của Kỳ Đồng đã không qua cái mũi thính hơi của lũ chó săn mật thám Pháp.

Ngày 21/9/1897, chúng đã phát hiện những thuộc hạ của Kỳ Đồng đang khẩn trương dỡ những kiện hàng. Mặc dù bó lại bằng chiếu, nhưng vẫn lộ ra những nòng súng xếp chéo. Giặc Pháp đã có đủ bằng chứng về căn cứ trá hình tại Chợ Kỳ của Kỳ Đồng. Đây là số vũ khí mà ông dự định tiến hành một cuộc bạo động- nhằm phối hợp cùng các đợt tiến công của nghĩa quân Đề Thám- như trong bài thơ Nổi binh, ông có cho biết:

Giờ đây quân dậy khắp tây đông,
Ai dám vùng lên lập đại công.
Cả nước phen này vui gặp gỡ,
Võ văn chính hội giúp non sông.
Lệnh truyền nhanh chóng qua binh trạm,
Vận nước vần xoay lướt gió đồng.
Tình thế kíp rồi không để lỡ,
Rồng nằm vươn dậy lập kỳ công.
(Nguyễn Tiến Đoàn dịch)

Thi hành lệnh bắt khẩn cấp của Toàn quyền Paul Doumer, tên Péroz- chỉ huy đạo binh Yên Thế- đã bí mật bắt Kỳ Đồng vào lúc giữa khuya ngày 22/9/1897. Ông mắng xối xả vào mặt hắn:

– Thiếu tá Péroz! Tôi e rằng ngài đã bị cuốn vào một việc làm bẩn thỉu!

Chúng nhanh chóng đưa Kỳ Đồng đến Phủ Lạng Thương và tại đó có chiếc tàu thủy Querné đang đợi để bí mật đưa ông về Hải Phòng. Sau đó, chúng lại đưa ông vào Sài Gòn ngay lập tức. Căn cứ vào nguồn tư liệu về Kỳ Đồng ở Kho lưu trữ Aix-en-Provence (Pháp), nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Quang cho biết thêm những thông tin mới: “Sự đề phòng này là có cơ sở, vì khi nghe tin Kỳ Đồng bị bắt và đem đi một cách bí mật vội vã, trong dân gian các tỉnh Bắc kỳ lan truyền nhanh chóng nhiều “chuyện lạ” về Kỳ Đồng, thể hiện sự ngưỡng mộ người thủ lĩnh “bất tử” cũng như sự bất bình của dân chúng trước kiểu bắt người lén lút của “chính phủ bảo hộ” chẳng khác nào một vụ bắt cóc.

Trong khoảng tháng 10/1897, điệp viên các vùng phụ cận Hà Nội, liên tiếp báo về những tin đồn xôn xao dư luận.

Ngày 15/10 điệp viên ở Thanh Oai và Chương Mỹ cho biết: “Dân An Nam ở nhiều làng nói rằng người Pháp sẽ mang Kỳ Đồng về Hà Nội cho dân chúng xem mặt. Ai muốn đi thăm Kỳ Đồng, khi đến cửa ô phải nhận một tấm thẻ, gặp cảnh binh kiểm soát mà không có thẻ sẽ bị bắt giữ và hạ ngục ba tháng. Lại có tin đồn rằng: ngày 28 âm lịch tháng này (23/10/1897) sẽ có một cuộc “thi tài” giữa Kỳ Đồng và người Tây. Nếu người này ném một hòn đá xuống nước mà hòn đá vẫn cứ nổi lềnh bềnh, thì người kia (ý nói Kỳ Đồng) tài hơn: ném một chiếc bong bóng xuống nước, bong bóng lập tức chìm nghỉm”.

Cũng ngày, điệp viên ở Vân Đình báo rằng: “Ban đêm tôi ngủ trong quán trọ nghe đồn có cô vợ người bếp lính tập kể rằng Kỳ Đồng bị Tây bắt, nhưng đã được trả về Bắc kỳ. Về đến nơi, Kỳ Đồng dùng phép thuật làm cho tất cả lính tráng đứng đờ người như tượng gỗ trong khi quan công sứ đi duyệt binh. Quan sứ bắt Kỳ Đồng nhốt vào cũi sắt nhưng Kỳ Đồng đã biến mất, sau đó bỗng xuất hiện trước đội pháo binh. Một người lính trông thấy, lên đạn nhắm Kỳ Đồng bóp cò nhưng ông không chết. Ngay sau đó, người ta phát hiện một nửa súng trong kho cũng đã biến mất. Người Tây lại bắt giữ Kỳ Đồng một lần nữa, đem chôn xuống đất nhưng đến khi đào lên Kỳ Đống vẫn sống nhăn! Lại nghe đồn rằng: hồi Kỳ Đồng đi mở đồn điền, có một quan ba đi theo đến bờ sông trưng dụng một chiếc thuyền máy cho Kỳ Đồng qua sông, nhưng ông khước từ thuyền máy và qua sông trên một chiếc dĩa!”

Tin của điệp viên ở chợ Canh: “Người ta kháo nhau rằng các công sở Hà Nội đều phải đóng cửa cho đến mồng Một âm lịch tháng sau, vì Kỳ Đồng đã dùng phép thuật tắt hết đèn lửa suốt ngày đêm để cho Tây biết tài lạ của mình (Kho lưu trữ ở Aix-GG. 6201)” (Theo Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm – GS Nguyễn Phan Quang – NXB Thành phố Hồ Chí Minh – 1993, trang 98 – 99)

Kỳ Đồng hiên ngang trước giặc Pháp (tranh dân gian)

Những tin đồn đại loại như thế này khá nhiều, ta còn có thể thấy trước đó, từ năm 1887, khi ông bị bắt đi “du học” thì trong nhân dân đã lưu truyền khá nhiều về huyền thoại Kỳ Đồng. Chẳng hạn, qua những tranh dân gian như tranh với chú thích: “Kỳ Đồng bị hạ ngục, nói năng ngạo nghễ, quan tỉnh đường nghị án, đem Kỳ Đồng ra góc thành mà bắn. Khi phát pháo, cậu bé có phép thuật làm cho ban ngày trở nên tối mịt khiến chẳng thấy đâu mà bắn”; hoặc tranh “Kỳ Đồng phạm tội phản nghịch, quan đầu tỉnh Nam Định cùng với quan công sứ Pháp họp nhau nghị án, bèn đem chôn sống song cậu vẫn sống lại”; hoặc tranh “Kỳ Đồng phạm tội phản nghịch bị đem chôn sống, việc ấy xẩy ra từ lâu. Một đêm, khi trời vừa bừng sáng, chợt thấy cậu bé sồng xộc đi vào tỉnh đường. Quan đầu tỉnh hỏi: “Mày từ đâu đến?” Cậu bé trả lời: “Từ trong mồ đến”. Thấy cậu bé đi một chiếc giày, quan đầu tỉnh bèn ra vế đối:

 – Đầu che bốn lọng

Cậu bé ứng khẩu đáp:

 – Chân đi một giày”

Rõ ràng, Kỳ Đồng là nhân vật cách mạng rất lạ lùng, có thể nói là lạ lùng nhất trong sử cận đại Việt Nam- vì ông đã được thiên hạ ngưỡng mộ như một người của… cõi trên!

Tất nhiên tạo nên huyền thoại này là chủ đích của những người kháng chiến. Chính vì thế, ngay sau khi Kỳ Đồng bị bắt thì lập tức đêm 16/12/1897, một vụ biến động lớn đã diễn ra ở Hải Phòng và Hải Dương. Có khoảng từ 150 đến 200 người tiến theo đường Lạch Tray, sông đào Bonnard tiến vào bao vây tòa sứ và một số dinh thự của người Pháp… Đoàn thứ hai khoảng 200 người qua làng An Biên tiến đến ngã tư đường Quần Ngựa – Lạch Tray – Phúc Khải. Họ đốt phá và giết tên quan Gauthier. Gần sáng hôm sau, giặc phản công. Cuộc nổi dậy thất bại, chúng chém bêu đầu 16 nghĩa quân để uy hiếp tinh thần nhân dân. Nhưng cũng ngày hôm đó, một lực lượng nghĩa quân khác tiếp tục tiến đánh Hải Dương!

“Theo lời ghi chú trong cuốn Cách mạng cận đại Việt Nam của Trần Huy Liệu, Nguyễn Công Bình, Y-Ngông Niết-Đam thì cuộc bạo động này là do Mạc Đình Phúc lãnh đạo; lấy danh nghĩa là con cháu nhà Mạc xưng là Mạc Thiên Binh đánh Pháp để lấy lại nước Nam. Nhưng theo tài liệu của mật thám Pháp thì không thấy nói đến Mạc Đình Phúc. Chúng cho cuộc nổi dậy này là do Kỳ Đồng bố trí và gầy dựng cơ sở trước lúc bị bắt. Trong báo cáo mật của tên Đốc lý Hải Phòng Richard có ghi những chứng cớ tìm thấy trong cuộc bạo động đêm 16/12 giống như các tài liệu thu được ở đồn điền Chợ Kỳ, chẳng hạn như một số “bằng sắc” phong chức tước, những bài thơ tuyên truyền của Kỳ Đồng. Ngoài ra còn có lá cờ ghi chữ Hán: “Chúng ta theo lệnh trời”, “Phá tan bọn da trắng”, “Tiêu diệt triều đình nhà Nguyễn”, “Đời nhà Mạc”. Chúng còn tìm thấy ở đường phố Hải Phòng những mảnh tre có ghi chữ “Thiên Binh” và tìm thấy trong người những nghĩa quân bị bắt hoặc bị chết một số ống nhỏ đựng thuốc độc dùng để tự sát khi bị bắt (Theo báo cáo của Pháp là loại sulfure de mercure. Nhưng có người nói không phải là thuốc độc. Người ta đồn là Kỳ Đồng có nhiều phép lạ và phân phát cho nghĩa quân một viên thuốc thần để đạn không bắn vào người). Sự việc trên có thể liên quan tới lời tuyên truyền Kỳ Đồng là hiện thân của Trạng Trình đời Mạc ra đời để cứu nước và Kỳ Đồng có tham gia tổ chức và lãnh đạo cuộc bạo động này. Cũng có thể phong trào này không dính líu tới Kỳ Đồng nhưng những người lãnh đạo đã lợi dụng tiếng tăm của Kỳ Đồng để củng cố lòng tin cho nghĩa quân.

Kịch thơ “Những mối tình của người họa sĩ già trên quần đảo Marquisfs” của Kỳ Đồng

Kỳ Đồng (đứng) thời kỳ ở đảo Tahiti

Sau khi đưa Kỳ Đồng vào Sài Gòn, ngày 4/12/1898 thực dân Pháp đưa ông cùng các đồng chí của ông ra xét xử. Ông bị kết án lưu đày biệt xứ. Thời gian đầu ông bị giam đảoTahiti, nhưng vài năm sau chúng lại chuyển ông sang quần đảo Marquises làm y tá lưu động. Đặc biệt tại nơi này, Kỳ Đồng đã kết bạn với họa sĩ nổi tiếng Paul Gauguin và năm 1901 ông có sáng tác vở kịch ba hồi bằng thơ tiếng Pháp Mối tình của người họa sĩ già trên quần đảo Marquises. Nguyên bản vở kịch này đang được bảo quản tại Bảo tàng Paul Gauguin và đã được NXB Ngoại Văn Hà Nội xuất bản năm 1990 qua bản dịch của Phan Khắc Khoan. Có thể nói, Kỳ Đồng là nhà thơ đầu tiên của Việt Nam sáng tác kịch thơ.

Kỳ Đồng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 17/7/1929 nơi xứ người.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net