Trang chủ Xã hội học Sự ra đời của Xã hội học

Sự ra đời của Xã hội học

by Ngo Thinh
517 views

Nhu cầu cho sự ra đời của Xã hội học

Xã hội học là một môn khoa học về xã hội, nghiên cứu về các quan hệ xã hội, nó ra đời do yêu cầu của bản thân sự vận động xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động. Là môn khoa học nghiên cứu về con người về cách ứng xử và quan hệ của con người trong các nhóm, các tổ chức xã hội, sự ra đời của xã hội học nhằm đáp ứng ba nhu cầu căn bản sau đây:

Nhu cầu nhận thức xã hội:

Con người là một thực thể xã hội, con người tồn tại và phát triển trong xã hội. Và, trong tiến trình lịch sử, con người luôn muốn tìm hiểu bản chất mối quan  hệ giữa người với người trong đời sống xã hội. Do vậy, xã hội được tạo ra bởi các quan hệ xã hội. Đó là mối quan hệ giữa người với người, được hình thành trong quá trình hoạt động thực tiễn. Trong việc giải quyết những vấn đề của đời sống xã hội, cải tạo xã hội thì con người phải nhận thức được xã hội, hiểu được xã hội và phải có những kiến thức phong phú về một xã hội đa dạng. Xã hội học phải nhận thức và nghiên cứu xã hội, mới có phương cách để biến đổi chúng, nhằm mục đích phục vụ con người. Khi nhận thức một xã hội cụ thể, phải dựa theo quan điểm lịch sử, cụ thể và căn cứ vào những tiêu chí văn hóa, dân cư, dân tộc, và đường lối, chính sách của một quốc gia cụ thể. Đồng thời cần phải phản ánh trung thực thực trạng xã hội phức tạp, đa dạng và phải tính đến đặc điểm đặc thù của mối quốc gia, mỗi dân tộc cụ thể trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể.

Nhu cầu hoạt động thực tiễn

Xã hội học ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động thực tiễn. Thực tiễn cuộc sống của xã hội là hết sức phong phú, xã hội học luôn luôn gắn liền với sự vận hành của một xã hội cụ thể, luôn gắn liền với quá trình hoạt động thực tiễn của con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xã hội học là một khoa học xuất phát từ thực tiễn và chỉ có dựa vào thực tiễn thì nó mới thực hiện được các nhu cầu khác.

Nhu cầu phát triển của xã hội

Xã hội học ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của bản thân sự vận động xã hội, mỗi ngày một đa dạng, phong phú và hết sức phức tạp. Xã hội luôn nảy sinh những vấn đề cho xã hội học.

Những điều kiện và tiền đề của sự ra đời môn xã hội học

Điều kiện về kinh tế

Cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ từ những năm giữa thế kỷ XVIII ở châu Âu, đã thúc đẩy nền sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển. Chủ nghĩa tư bản sau 100 năm hình thành (thế kỷ XIX) đã tạo nên một khối lượng sản phẩm, của cải vật chất khổng lồ tương đương với tất cả những gì mà con người sáng tạo nên từ khi con người xuất hiện cho đến khi chủ nghĩa tư bản phát triển. Sự biến đổi to lớn trong kinh tế, trong sản xuất đã làm thay đổi mạnh mẽ mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Lao động công nghiệp, cơ khí hóa trong các công xưởng đã thay thế lao động thủ công, làm thay đổi nền sản xuất nông nghiệp cổ  truyền; lối sống đô thị theo phong cách công nghiệp đã đẩy lùi ảnh hưởng của lối sống điền dã, tản mạn, manh mún kiểu nông nghiệp, nông thôn. Rất nhiều nhân tố mới, hiện tượng xã hội mới xuất hiện. Hiện tượng dân cư tập trung, chen chúc ở đô thị làm nảy sinh các vấn đề về dân số, về môi trường, về bệnh tật; đồng thời nạn thất nghiệp đã xuất hiện.

Quá trình công nghiệp hóa, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Anh từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, đã thúc đẩy sự phát triển đô thị một cách nhanh chóng, từ đó đã hình thành các trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại và kéo theo sự hình thành các tầng lớp dân cư mới, hình thành các nhóm xã hội, cộng đồng xã hội khác nhau. Hiện tượng dân cư tập trung, chen chúc ở đô thị làm này sinh các vấn đề về dân số, về môi trường, về bệnh tật.  Đồng thời sự phát triển của đô thị, đã làm đảo lộn trật tự và thói quen của

cộng đồng. Sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, đã làm thay đổi mối quan hệ ổn định từ lâu mà con người đã gắn bó với cộng đồng. Sự thay đổi đó làm cho con người băn khoăn về tương lai, suy nghĩ về sự ổn định của một trật tự xã hội. Nhu cầu xã hội đòi hỏi khoa học phải nghiên cứu để lý giải và tìm cách giải quyết các vấn đề trên ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Các yếu tố trên đã đặt ra cho các nhà khoa học cần phải nghiên cứu để giải quyết những bức xúc đó, để tìm hiểu xã hội xem bản chất xã hội là gì, đó cũng chính là điều kiện để xã hội học xuất hiện.

Những điều kiện về chính trị- xã hội

Cuộc cách mạng tư sản nổ ra liên tiếp ở nhiều nước châu Au, như ở Hà Lan, Anh (1642-1648), báo hiệu giờ cáo chung của chế độ phong kiến đã đến. Tiêu biểu là cuộc đại cách mạng tư sản Pháp (1789-1794), đã có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội – đòn quyết định tiêu diệt chế độ phong kiến châu Au. Nó đã đưa ra các vấn đề xã hội mới mẻ: tự do – bình đẳng – bác ái … Nó tạo ra bầu không khí tự do cho nhóm trí thức và làm xuất hiện những tư tưởng tiến bộ, họ có cách nhìn khoa học đối với xã hội -tự nhiên, họ giải thích thế giới một cách khoa học, giải thích xã hội bằng những quy luật.

Bên cạnh đó sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội đã tạo tiền đề cho sự khẳng định vị thế, vai trò của cá nhân trong đời sống xã hội. Ngay từ thời kỳ Phục Hưng trở đi, quyền con người, vai trò của các cá nhân đã được sáng lập và khẳng định, nhất là sự đề cao tự do của con người. Xã hội tư bản được hình thành và củng cố, điều kiện và yêu cầu của sự phát triển kinh tế-xã hội kiểu  mới đã khác với thời kỳ Phục Hưng. Xã hội tư bản đòi hỏi tự do của con người phải đặt trong khuôn mẫu, trong thiết chế xã hội và tuân thủ theo pháp luật. Nhu cầu nghiên cứu về vai trò của cá nhân trong các quan hệ xã hội đặt ra cho xã hội học những vấn đề cụ thể, bức thiết.

Hơn nữa, thời kỳ này, sự giao lưu quốc tế, quan hệ thương mại …đã tạo cơ hội, tiền đề cho các hoạt động tiếp xúc, làm ăn đối với nhiều xã hội, nhiều nền văn hóa, nhiều lối sống khác lạ. Con người bắt đầu quan sát, so sánh và nhận ra rằng xã hội Tây Âu có nhiều đặc điểm khác lạ so với xã hội Châu Á, Châu Úc, Châu Mỹ, Châu Phi về kinh tế, về quan hệ chính trị, xã hội, về cá nhân trong đời sống xã hội. Từ những vấn đề trên đã đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng nghiên cứu phát hiện, tìm hiểu các quy luật, xu thế phát triển của xã hội và con người, định hướng cho sự phát triển xã hội tương lai. Không thể nghiên cứu các vấn đề trên chỉ trong phạm vi triết học, kinh tế học, dân tộc học, văn hóa học và càng không thể bằng lòng với những lý thuyết đã có. Tất cả những điều nói trên đã tạo tiền đề cho sự xuất hiện một lý thuyết, một khoa học mới nghiên cứu về sự vận động, phát triển của đời sống xã hội- đó là xã hội học.

Những tiền đề về tư tưởng- lý luận khoa học

Xã hội học, cũng như bất cứ một khoa học nào khác, sẽ không thể phát triển được nếu chỉ xuất phát, căn cứ từ các nhu cầu thực tiễn mà thiếu những tiền đề lý thuyết, cơ sở khoa học nhất định.

Khi đi sâu nghiên cứu mặt xã hội trong đời sống con người- một thực thể sinh động và rất phức tạp, xã hội học phải dựa trên một cơ sở lý luận nhất định làm công cụ cho quá trình nghiên cứu, sáng tạo. Dựa vào thành tựu của nhiều ngành khoa học, A. Comte đã xác định đối tượng, phương pháp nghiên cứu, nội dung và cấu trúc của xã hội học với tư cách là một khoa học riêng biệt so với các khoa học khác trong hệ thống các khoa học xã hội.

Trong quá trình nghiên cứu, xã hội học đã tiếp thu và vận dụng có hiệu quả, nhất là về phương pháp nghiên cứu của khoa học tự nhiên, các khoa học về con người, kể cả một số phương pháp của khoa học kỹ thuật. Nhờ vậy chất lượng nghiên cứu ngày càng cao, càng có độ tin cậy nhất định. Trong các phương pháp ấy, phương pháp nghiên cứu theo cấu trúc-hệ thống vốn có trong khoa học tự nhiên, trong khoa học kỹ thuật đã được mô phỏng, chọn lọc, áp dụng vào việc nghiên cứu xã hội, và tương quan giữa các cá nhân với đời sống xã hội. Ví dụ như sự xuất hiện của lý thuyết tiến hóa trong sinh học đã cung cấp các quan điểm, phương pháp luận trong nghiên cứu xã hội học. Các nhà xã hội học lớn như: A. Comte, Karl Marx trong các công trình nghiên cứu về xã hội học đều có quan điểm xem xã hội cũng giống như sinh vật, có quá trình hình thành, vận động và phát triển. Còn Emile Durkheim, trong tác phẩm “Các quy tắc của phương pháp xã hội học” đã xem xã hội cũng như một cơ thể sống, có cấu trúc, và vận hành theo quy luật nhất định, và nếu đã có thể nghiên cứu được cơ thể của sinh vật thì cũng hoàn toàn có thể nghiên cứu được cơ cấu và sự vận hành của xã hội dù đó là một cấu trúc hết sức phức tạp.

Trong rất nhiều các công trình nghiên cứu xã hội học từ trước đến nay, người ta đã áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu của các khoa học khác nhau (như các phương pháp toán học, các phương pháp nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu triết học. ) đặc biệt là các phương pháp định lượng trong khoa học tự nhiên.

Ngày nay, xuất phát từ thực tiễn, dựa trên các cơ sở lý thuyết khoa học, xã hội học ngày càng nâng cao tính chất khoa học của mình, qua việc thu thập số liệu, thực hành quan sát, phân tích dữ liệu, mô tả, tái lập mô hình tổng quát, áp dụng những phương pháp, kỹ thuật, thủ thuật nghiên cứu của nhiều của nhiều khoa học có liên quan.

Ý nghĩa của sự ra đời

Sự xuất hiện của xã hội học có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với đời sống xã hội. Xã hội học cùng các ngành khoa học khác giúp chúng ta những tri thức,

những hiểu biết để nhận thức các quy luật khách quan của thực tiễn xã hội, để nhận biết sự vận động của hệ thống các mối quan hệ xã hội của các nhóm và cộng đồng. Đồng thời, xã hội học trang bị những tri thức để hiểu biết về con đường và các biện pháp, để đạt được mục đích cải tạo thế giới, cải tạo hiện thực xã hội.

3.7/5 - (3 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net