Một số Quan điểm của C.Mác, Ph.Ăng-ghen về tôn giáo.
Quan niệm của Mác, Ph.Ăng-ghen về sự hình thành và phát triển của tôn giáo.
C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã tiếp thu tư tưởng vô thần truyền thống tiến bộ trong lịch sử nhân loại và đưa lý luận cũng như thực tiễn của chủ nghĩa vô thần khoa học lên một trình độ cao, tiến bộ nhất. Các ông đã chứng minh rằng, tôn giáo không có một lịch sử độc lập tách rời những nguồn gốc trần thế của lịch sử phát triển. Cần phải tìm nguồn gốc của tôn giáo ở dưới đất chứ không phải ở trên trời. “Con người sáng tạo ra tôn giáo chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người… Tôn giáo là sự tự ý thức và sự tự cảm giác của con người chưa tìm được bản thân mình hoặc đã lại để mất bản thân mình một lần nữa”.
Hai ông cho rằng, tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, nó phản ánh tồn tại xã hội. Toàn bộ nội dung của tôn giáo đều có nguồn gốc là thế giới hiện thực. Đặc trưng của tôn giáo là ở chỗ những khách thể của hiện thực không được phản ánh đúng. Cái trần thế thì được biểu hiện như là cái thần thánh, cái tự nhiên như là cái siêu nhiên. Mọi tôn giáo xuất hiện đều là sự đền bù hư ảo sự bất lực thực tiễn của con người, là sản phẩm của quan hệ hạn chế của con người với thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy. Hai ông nhấn mạnh cần phải giải thích sự ra đời và phát triển của tôn giáo xuất phát từ những điều kiện lịch sử mà trong đó nó xuất hiện và đạt đến địa vị thống trị.
Hai ông xem tôn giáo như một hiện tượng xã hội phức tạp, đa dạng gắn liền với những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Khi quan niệm tôn giáo là sự phản ánh hoang đường vào đầu óc con người những lực lượng bên ngoài thống trị họ trong cuộc sống hàng ngày, hai ông cũng ngăn ngừa sự giản đơn và hẹp hòi trong việc nhận thức vấn đề tôn giáo. Hai ông đã nghiêm khắc phê phán Đuy Rinh, khi ông ta đòi cấm mọi tôn giáo trong “một nhà nước tương lai”. Ăng ghen từng chế nhạo những người theo thuyết Blăng ky, khi họ tuyên bố cấm thần thánh, biến con người thành người vô thần theo mệnh lệnh ban hành từ trên xuống.
Những phân tích của Mác, Ăng ghen về nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội của tôn giáo là những luận điểm cơ bản hết sức quan trọng làm thay đổi căn bản cách nhìn nhận vấn đề bản chất của tôn giáo, nguyên nhân và con đường khắc phục tôn giáo. Các ông đã gắn cuộc đấu tranh chống tôn giáo với những biến đổi thế giới có tính cách mạng. Chỉ có xây dựng lại triệt để một xã hội thì mới tạo ra những điều kiện cho việc khắc phục tôn giáo. Tôn giáo có thể mất đi, khi mà những quan hệ của đời sống hiện thực hàng ngày của con người sẽ được thể hiện trong những mối quan hệ trong sáng và đúng đắn giữa con người với nhau và con người với tự nhiên. Hai ông là những người đấu tranh triệt để cho sự giải phóng ý thức quần chúng khỏi nọc độc tôn giáo, kiên quyết đấu tranh chống lại mọi hình thức thỏa hiệp cơ hội với tôn giáo.
Tài liệu tham khảo: Tuyển tập Mác, Ăng-ghen, Tập 1, tr 566; Tập 5, tr 447- 466; Tập 6, tr 145, 154, 373, 374, 388, 389, 416, 420.
Quan niệm của Mác, Ăng-ghen về bản chất, chức năng xã hội của tôn giáo.
Bản chất :
“Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo – vào trong đầu óc của con người – của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ, chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế..”
+ Thời kỳ đầu: Lực lượng thiên nhiên được phản ánh như thế,
với các thần lửa, thần mưa, thần sấm v.v…
+ Trong thời kỳ phát triển sau: Mỗi dân tộc khác nhau có cách nhân cách hóa khác nhau về lực lượng thiên nhiên. Thần thiên nhiên vì thế rất phong phú, đa dạng.
+ Về sau những lực lượng thiên nhiên mang tính xã hội. Lực lượng xã hội này đối lập với con người, xa lạ với con người là những nhân vật ảo tưởng huyền bí có sức mạnh huyền bí, vạn năng thống trị con người.
Vậy, đối tượng của tôn giáo là thế giới vô hình và sự tác động qua lại của con người với thế giới ấy – Tôn giáo là sản phẩm của con người, chính con người sáng tạo ra tôn giáo chứ không phải tôn giáo sáng tạo ra con người. Tôn giáo là hiện thực siêu hình của bản chất nhân loại.
Chức năng :
+ Chức năng xã hội.
– Tôn giáo là sản phẩm của xã hội và văn hóa: Ở từng quốc gia khác nhau, các khu vực khác nhau, trong cộng đồng người khác nhau và trong từng nền văn minh khác nhau, thì tôn giáo biểu hiện ra cũng rất khác nhau.
- Tính hai mặt của tôn giáo là Tôn giáo vừa phản ánh xã hội đương thời đã sinh ra nó (phản ánh xuyên tạc) vừa chống lại chính hiện thực đó (tồn tại xã hội đó).
- Tác dụng của tôn giáo là giảm đau, thư giãn, cân bằng cuộc sống thế gian, nơi mà ở đó còn những cảnh khổ, bất công.
- Tôn giáo luôn biến đổi thích nghi với từng giai đoạn phát triển của tính chính trị.
Tôn giáo có ba yếu tố cấu thành cơ bản khó tách rời nhau là: Niềm tin (tín ngưỡng); Hành vi (nghi thức); Nội dung (giáo lý). Tuy nhiên, niềm tin là yếu tố quan trọng nhất và luôn biến đổi.
+ Chức năng (xã hội) giáo dục
- Tôn giáo là ý thức hệ, hệ tư tưởng biểu hiện qua hệ thống giáo lý bằng kinh sách với một tổ chức những người truyền giáo.
- Gạt bỏ tính duy tâm về thế giới quan thì các tôn giáo đều là những học thuyết đạo đức, đều hướng thiện. Về mặt này, có ý kiến cho rằng, chủ nghĩa Mác không là chủ nghĩa vô thần mà là chủ nghĩa nhân đạo, là niềm tin vào con người. Quan niệm này chỉ có lý, chứ không hoàn toàn chính xác. Điều này cần phải được hiểu rằng, tôn giáo là một nhu cầu về đời sống tâm linh của nhân dân. Chừng nào tôn giáo còn là một nhu cầu của nhân dân, thì việc tuyên chiến với tôn giáo là việc làm ngu xuẩn và càng làm tăng thêm sự tồn tại lâu dài của tôn giáo.
Tài liệu tham khảo: Tuyển tập Mác, Ăng-ghen, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, Tập 1, tr 13, 14, 247. Tập 4, tr 415, 420, 736. Tập 5, tr 447, 450, 502, 547-554.
Quan niệm của Mác, Ăng-ghen về phê phán tôn giáo.
– Từ quan niệm, con người sáng tạo ra tôn giáo chứ không phải tôn giáo sáng tạo ra con người, Mác, Ăng-ghen khẳng định: Tôn giáo là sự tự ý thức và sự tự tri giác của con người chưa tìm thấy bản thân mình (đánh mất mình một lần nữa), là thế giới quan lộn ngược vì tôn giáo phản ánh chính thế giới hiện thực lộn ngược con người.
Tôn giáo biến bản chất con người thành tính hiện thực ảo tưởng.
– Các ông chỉ rõ: Xóa bỏ tôn giáo là đòi hỏi hạnh phúc thật sự của nhân dân. Vì thế, phê phán tôn giáo là hình thức manh nha của sự phê phán cái biển khổ ấy. Cái biến khổ mà tôn giáo là vòng hào quang thần thánh.
Phê phán tôn giáo làm cho con người thoát khỏi ảo tưởng để con người tư duy, hành động xây dựng tính hiện thực của mình.
Phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo biến thành phê phán pháp quyền; phê phán thần học biến thành phê phán chính trị.
Tài liệu tham khảo: Tuyển tập Mác,-Ăng-ghen, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, Tập 1, tr 13-26,145-171, 256, 257. Tập 4, tr 386.
Quan niệm của Mác, Ăng-ghen về những điều kiện để tôn giáo tự mất đi.
– Từ quan niệm về nguồn gốc và bản chất của tôn giáo là: Sự nghèo nàn của tôn giáo, một mặt là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, và mặt khác là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. “Tôn giáo là tiếng thở dài của chứng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng như nó là tinh thần của những điều kiện xã hội không có tinh thần.
Tôn giáo là thuộc phiện của nhân dân“.
Các ông chỉ ra những điều kiện để tôn giáo mất đi là:
+ Tôn giáo là hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân. Vậy khi nhân dân có
hạnh phúc thực sự sẽ là một trong các điều kiện để tôn giáo tự nó mất đi.
+ Khi con người là sự tự ý thức và sự tự tri giác của con người chưa tìm thấy bản thân mình, hoặc đã đánh mất mình một lần nữa, thì con người để cho tôn giáo (là cái mặt trời ảo tưởng) vận động xung quanh mình. Vậy khi con người thoát khỏi ảo tưởng, có lý trí để tư duy, hành động và xây dựng tính hiện thực của mình, tự vận động xung quanh bản thân mình sẽ là một trong các điều kiện để tôn giáo tự mất đi.
+ Tôn giáo chỉ mất đi khi nào trong xã hội xóa bỏ được hết những quan hệ “biến con người thành một sinh vật bị làm nhục, bị nô dịch, bị bỏ rơi, bị khinh rẻ”. Tức chỉ khi nào mọi người ở trong xã hội đều coi con người là tồn tại tối cao đối với con người thì tôn giáo mới tự mất đi3.
– Trong “Chống Đuy Rinh”, khi phân tích tính cách của người lao động trong xã hội tư bản chủ nghĩa, Ăng ghen chỉ rõ, chừng nào “con người còn bị thống trị bởi những quan hệ kinh tế do chính họ tạo ra, bởi những tư liệu sản xuất do họ sản xuất ra” như là “một sức mạnh xa lạ” đối với họ, chừng đó sự phản ánh có tính chất tôn giáo của hiện thực vẫn tồn tại. Từ đó, Ăng ghen khẳng định: “Khi nào thông qua việc nắm toàn bộ tư liệu sản xuất và sử dụng được những tư liệu ấy một cách có kế hoạch – xã hội, tự giải phóng mình và giải phóng tất cả mọi thành viên trong xã hội khỏi tình trạng nô dịch, trong đó hiện nay họ đang bị giam cầm bởi những tư liệu sản xuất do chính tay họ đã làm ra nhưng đối lập với họ như một sức mạnh xa lạ không sao khắc phục nổi; do đó khi nào con người không chỉ mưu sự mà còn làm ra thành sự nữa – thì chỉ khi đó, cái sức mạnh xa lạ cuối cùng hiện nay vẫn còn đang phản ánh vào tôn giáo mới sẽ mất đi, và cùng với nó bản thân sự phản ánh có tính chất tôn giáo cũng sẽ mất đi, vì khi đó sẽ không có gì để phản ánh nữa4.
+ Cũng trong “Chống Đuy Rinh”, Ăng ghen khẳng định một trong những điều kiện để tôn giáo mất đi là trong hôn nhân gia đình, tình yêu tự nguyện chân chính của trai gái quyết định hôn nhân của họ. Họ yêu nhau thì họ lấy nhau chứ không phải bất kỳ một thế lực nào khác. Cũng như thế, một trong những điều kiện để tôn giáo mất đi, có việc thực hiện bình đẳng tôn trọng lẫn nhau giữa đàn ông với đàn bà, giữa nam và nữ.
Tài liệu tham khảo: Tuyển tập Mác, Ăng-ghen,Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1980-1984, Tập I, tr 14, 26; Tập V, tr 448 – 449, 559 – 560.