Trang chủ Thiền học Những pháp môn đạo Phật ngày nay

Những pháp môn đạo Phật ngày nay

by Ngo Thinh
122 views

Những pháp môn đạo Phật ngày nay – Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học

Chúng ta tạm chia đạo Phật theo những giai đoạn sau:

  • Thời kỳ Phật giáo Nguyên Thủy. Đó là thời kỳ đức Phật còn tại thế và kéo dài thêm 100 năm.
  • Thời kỳ Phật giáo phân phái. Đó là thời kỳ sau 100 năm, đạo Phật chia thành 20 bộ phái, theo hai khuynh hướng bảo thủ của Thượng tọa bộ và cải cách của Đại chúng bộ. Thời kỳ này kéo dài từ 100 năm sau Phật đến khoảng 600 năm sau Phật.
  • Thời kỳ Phật giáo Đại thừa. Nhiều khi để tránh hơn thua, người ta cũng gọi là Phật giáo Phát triển. Lúc này những bộ kinh và luận của Đại thừa thi nhau xuất hiện. Thật ra Phật giáo Đại thừa đã có manh nha sau Phật 200 năm, nhưng phải đợi khi Long Thọ hiện diện thì mới trở thành một phong trào rầm rộ.
  • Thời kỳ Phật giáo biến thái. Đó là khi Phật giáo được truyền sang các nước phía Đông như Tây Tạng, Trung hoa. Tại đây, đạo Phật pha trộn với văn hóa, tín ngưỡng bản địa và thay đổi rất nhiều. Ta có Mật tông, Thiền tông hay Tịnh độ tông đều thuộc giai đoạn này. Thời kỳ này không đồng đều, tùy theo thời gian đạo Phật du nhập vào mỗi nước, nhưng cũng khoảng gần 1000 năm sau Phật. Ngay cả Phật giáo Theravada của Nam tông từng được xem là nguyên thủy cũng không còn giữ được thuần túy, cũng đã thay đổi rất xa so với Phật giáo Nguyên thủy. Và dường như khuynh hướng biến thái này kéo dài đến ngày
  • Thời kỳ Phật giáo hiện đại. Đó là thời đại hôm nay khi các ngành kỹ thuật khoa học tiến bộ giúp cho việc nghiên cứu đạo Phật được thuận lợi. Ngày nay người ta ít bị ràng buộc bởi một tông phái duy nhất mà luôn tìm hiểu đạo Phật từ cội nguồn, tìm hiểu các tông phái khắp nơi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm tu hành. Chính thời kỳ này lại mới là lúc tinh thần của Phật giáo Nguyên thủy được tôn vinh vì giúp cho đạo Phật tìm lại điểm chung và bớt bị phân hóa.

Hôm nay chúng ta chỉ đề cập đến bốn đường lối phổ biến nhất bây giờ đó là Tịnh độ tông, Thiền tông, Mật tông và Theravada Nam tông. Một bài học ngắn như vầy thì những điều được nêu ra chỉ là sơ lược.

Học bài này, chúng ta cũng vượt ra khỏi tinh thần thành kiến tông phái để tìm sự thật. Một trở ngại lớn cho người học Phật là tinh thần tông phái quá nặng khiến cho ta không còn khách quan nữa. Bây giờ, dù ta xuất thân từ tông phái nào, ta cũng tạm quên đi để chỉ còn là đệ tử Phật chung duy nhất mà thôi. Có thể thầy tổ ta cực lực bênh vực tông phái pháp môn của mình, nhưng trên tinh thần khách quan nghiên cứu, ta phải thoát ra khỏi ảnh hưởng đó để nhìn rộng hơn. Điều bình thường là ai cũng cho tông phái mình là chân lý đúng nhất. Đó chỉ là quan niệm chủ quan không phù hợp với tinh thần nghiên cứu khoa học, cần phải được tránh để ta đi tìm một đạo Phật chung cho tất cả.

Chúng ta sẽ dựa trên vài đạo lý căn bản nhất của Phật để so sánh từng pháp môn và biết rõ sự sai biệt để bổ sung hay phát huy. Cuối cùng, ước mơ của chúng ta vẫn là xây dựng lại một đạo Phật hòa hợp đoàn kết và không còn bị phân hóa trầm trọng như hiện nay.

1.  Tịnh độ tông

Tông Tịnh độ xuất hiện theo tinh thần của kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh A di đà. Những bậc tông sư như Huệ Viễn, Đàm Loan, Đạo Xước…. hết mực xiển dương ca ngợi cái mong ước sinh về cõi Phật A di đà sau khi chết, bằng cách lúc sống cứ chuyên tâm niệm danh hiệu Phật Adiđà.

Cõi nước của Phật Adiđà được gọi là cõi Cực Lạc, hay còn gọi là Tịnh độ. Đó là nơi các vị Bồ tát đông vầy, đất trời trang nghiêm đẹp đẽ, chúng sinh thuần hòa sáng suốt. Tại đó, mọi người sẽ được sinh ra từ một hoa sen, rồi tu hành cho đến khi thành Phật.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rằng lúc chưa đắc đạo, còn là tỳ kheo Pháp Tạng, Phật Adiđà đã phát 48 lời nguyện với sự hứa hẹn rằng bất cứ ai niệm danh hiệu ngài đều sẽ được ngài dùng thần lực đưa về cõi Cực lạc sau khi chết. Chính vì tin vào lời hứa hẹn đó mà tông Tịnh độ xuất hiện kêu gọi mọi người tha thiết niệm Phật để được vãng sinh.

Ưu điểm của tông Tịnh độ là không triết lý rườm rà nên dễ được quần chúng bình dân chấp nhận khiến cho tín đồ Phật giáo đông hẳn lên. Mục tiêu vãng sinh cũng đơn giản gần giống như các tôn giáo khác chuyên hứa hẹn một thiên đường sau khi chết nên đã cạnh tranh rất tốt với các tôn giáo chủ trương sinh thiên đương thời. Riêng Tịnh độ tông vượt hơn hẳn là còn nói đến trách nhiệm tu hành sau khi vãng sinh chứ Cực Lạc chưa là mục đích cuối cùng.

Sự chuyên tâm niệm Phật cũng được xem là một cách nhiếp tâm trong thiền định, trong đó, ý niệm về tôn kính Phật được giữ gìn thường xuyên.

Ngoài ra, do không tốn nhiều thời gian cho triết lý nên tông Tịnh độ phát triển theo hướng nghi lễ giúp cho Phật giáo có nghi lễ đáp ứng nhu cầu cúng kiếng cầu nguyện cho tín đồ như cầu an, cầu siêu, tang lễ… Nhiều người có đạo đức sẵn, lại thêm chuyên cần niệm Phật, cũng đã tìm thấy an lạc trong cuộc sống và khi chết.

Nhược điểm của tông Tịnh độ là rời xa mục tiêu Vô ngã của Phật nên nếu không khéo, người tu có thể trở nên ích kỷ dần dần mà không hay. Do chỉ ước ao vãng sinh Tịnh độ nên người ta cũng bỏ quên thế giới thực tại này, không chung tay góp sức xây dựng cuộc đời, lơ là với sự nghiệp truyền bá chánh pháp nên tín đồ đạo Phật ít dần, nhường đất cho các tôn giáo khác nhảy vào thay thế. Thường thường là sau thời gian Tịnh độ tông phát triển mạnh thì đạo Phật lại suy yếu là vì như thế.

Câu niệm Phật có thể là phương tiện tốt ban đầu để an trú tâm, nhưng nếu không buông bỏ được thì hành giả không thể vào sâu trong định vì định bắt buộc phải là một nội tâm trống vắng hoàn toàn.

Niềm tin vào ước nguyện vãng sinh chỉ có thể là phương tiện ban đầu chứ không thể là tất cả, vì vậy, nếu không chịu học hỏi thêm, người tu sẽ hiểu sai về Phật Pháp trầm trọng, thậm chí rơi vào tà kiến. Tin vào Phật lực quá đáng sẽ phá vỡ đạo lý Nhân quả Nghiệp báo vốn là một đạo lý nền tảng tuyệt đối trong đạo Phật. Theo Nhân quả, muốn được sinh về một nơi tốt lành sau khi chết, người ta phải gắng công xây dựng cõi đời hiện tại này thành cõi Phật trước đã. Dù xây dựng chưa xong, nhưng Nhân quả cũng đưa người đó về cõi Phật sau khi chết.

Bổ sung cho những khuyết điểm của tông Tịnh độ, nhiều vị tôn túc đã đưa ra thêm những khái niệm mới như hoàn nhập Ta bà, Tín Hạnh Nguyện, Niệm Phật theo hơi thở, niệm đến vô niệm, Tự tánh Di đà Duy tâm tịnh độ… Nên tập ngồi kiết già, điều thân, thấy thân là vô thường hư ảo, rèn luyện khí lực để hỗ trợ cho công phu tu tập.

2.  Thiền tông

Thiền tông được cho là truyền thừa từ tổ Bồ đề Đạt ma, truyền dần đến lục tổ Huệ Năng. Huệ Năng có hai đệ tử ưu tú là Thanh Nguyên và Hoài Nhượng. Hai vị trên xuất hai cao đồ là Hy Thiên và Đạo Nhất Mã tổ. Từ đó Thiền tông phát triển rực rỡ lấn hết mọi tông phái khác. Lý do cũng bởi vì Thiền tông có được nhiều thiền sư đạt ngộ thực tế, hơn hẳn các tông phái khác.

Thiền tông có cách dạy đạo hơi ra ngoài truyền thống giáo điển, và được khẳng định qua lời tuyên bố (cũng được cho là của Bồ đề Đạt ma):

Bất lập văn tự

Giáo ngoại biệt truyền

Trực chỉ nhân tâm

Kiến tánh thành Phật

Chủ trương của Thiền tông là giúp cho người học ngộ được Phật tánh có sẵn nơi mình. Ban đầu thì cho rằng hễ ngộ được thì thành Phật, về sau thì bổ sung rằng ngộ rồi thì bắt đầu tu. Rất nhiều người trong Thiền tông có được hiện tượng đốn ngộ nên các vị vững tin vào đường lối của tông phái mình. Sau này, thời cận đại, Thiền tông xuất hiện lối tu tham thoại đầu rất cực đoan, bài bác hết mọi đường lối khác, kể cả kinh điển của Phật, và làm thất bại nhiều người. Ưu điểm của Thiền tông là giúp phát huy tính tự lực của bản thân nên thực tế hơn các tông phái dựa vào sự linh thiêng của chư Thánh. Vào thời kỳ hưng thịnh, Thiền tông sản sinh ra rất nhiều vị thiền sư đạt ngộ cụ thể, có tâm chứng rõ ràng.

Trí tuệ của Thiền đã tạo nên vô số luận bản đóng góp vào kho tàng văn hóa của Phật giáo, với nhiều sáng tạo kỳ thú. Dường như trong một thời gian dài, Thiền tông đã là bộ mặt chính của Phật giáo Bắc phương vì có thực hành và có thành tựu sở đắc tâm linh bởi công phu thiền định.

Thiền tông cũng có tính trong sáng vì không chấp nhận những ảo giác của tâm, trong khi có những tông phái lại xem ảo giác là thú vị.

Những thiền ngữ bí hiểm của thiền sư, thật ra lại có nghĩa lý đầy giá trị chứ không phải là vô nghĩa. Những người có duyên, có khi nghe một thiền ngữ hiểm hóc lại được đốn ngộ.

Vì không còn Phật để minh định trình độ tu chứng nên Thiền tông không đưa ra được một thang tu chứng rõ ràng, nên các Thiền sư theo kinh nghiệm của riêng mình cũng lập ra thang giá trị riêng, Mười bức tranh chăn trâu là một điển hình, rốt cuộc cũng ăn khớp với thang Tứ thiền của Phật.

Thiền tông cũng đòi hỏi sự tinh tấn quyết liệt, không chấp nhận tu cầm chừng. Điều này phù hợp với Chánh tinh tấn trong Bát Chánh đạo, và tạo nên đạo lực thật sự cho toàn bộ Phật giáo. Nhược điểm của Thiền tông là ít để ý đến mục tiêu Vô ngã của Phật. Chủ thuyết về Phật tánh có sẵn khiến đưa đến mâu thuẩn khi trong tâm tồn tại cùng lúc vừa Bản ngã vừa Phật tánh.

Phật tánh lại có vẻ vô dụng khi con người tạo nghiệp mà Phật tánh không góp phần ngăn chận gì được. Phật tánh có hiển lộ hay không là do con người dụng công tu tập chứ chính Phật tánh lại không tự làm nên sự giác ngộ cho mình.

Từ khi cho rằng nơi chính mình có sẵn Phật tánh siêu việt, nhiều người đã trở nên kiêu căng lập dị. Nhiều người được sư phụ công nhận là kiến tánh cũng chưa có đạo đức, và trầm trọng hơn, nhiều người còn hư hỏng về sau. Phật tánh và Kiến tánh không sản sinh ra đức hạnh một cách tự động, chính con người phải tự mình rèn luyện rất nhiều để có đức hạnh.

Cùng một cảnh giới chứng ngộ, đức Phật không cho rằng đó là Phật tánh có sẵn, chỉ cho rằng đó là thuộc về Tứ thiền hay Tứ quả, trong khi Thiền tông lại lý giải rằng đó là Phật tánh có sẵn. Chủ thuyết về Phật tánh gần với Đại Ngã hay Chân ngã của kinh điển Upanishad của đạo Ấn độ hơn.

Thiền tông lại quá chú trọng tìm kiếm hiện tượng đốn ngộ mà ít chú trọng tu tập từ căn bản. Hơn nữa, việc dụng công để ý trên đầu cũng khiến Âm lực mất dần làm cho hành giả ban đầu có vẻ yên ổn, thời gian sau lại thoái thất.

Nhiều người bắt chước nói thiền ngữ để làm ra vẻ ta đã ngộ đạo, không ngờ chỉ là hơn thua và khoe khoang.

Bổ sung cho những điều đó, ta nên lấy mục tiêu Vô ngã làm chính, lấy việc tu dưỡng đạo đức làm nền, rèn luyện khí lực làm sự hỗ trợ.

3.  Mật tông

Chiếc nôi của Mật tông là Tây tạng, nơi đó, đạo Phật kết hợp với tín ngưỡng có sẵn, Bon, tạo thành một đạo Phật rất kỳ lạ. Về lý thuyết, kinh điển Mật tông Tây tạng nhiều hơn cả Phật giáo Trung hoa. Có những bản kinh mà chỉ Tây tạng mới có chứ Trung hoa cũng không có. Mật tông chú trọng về việc tìm kiếm quyền năng, cả khí lực lẫn tâm linh. Các Lạt ma có những bí quyết về luyện tập khi lực rất đặc biệt để tạo thành sức mạnh cho cơ thể. Rồi vô số những thần chú được cho rằng để tạo nên quyền năng tâm linh.

Nhưng nếu cần nói về lý thuyết Bát nhã Tánh không, Bồ tát hạnh… thì trong Mật tông cũng không thiếu lý luận cao siêu.

Phái Mật tông do ngài Tson Khapa (Tôn Khách Ba) thiết lập chiếm ưu thế với hai Lạt Ma uy tín nhất là Đạt Lai và Ban Thiền vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay. Ở Trung hoa, khi nhà

Thanh trị vì, quốc sư Ngọc Lâm đã tạo điều kiện phát triển Mật tông qua việc ra lệnh buộc các chùa phải tụng năm đệ thần chú Lăng Nghiêm vào buổi khuya, và đưa mật chú vào hầu hết các nghi thức tụng niệm. Nhiều người do tụng thần chú cũng có được năng lực đặc biệt về tâm linh.

Ưu điểm của Mật tông là tạo thêm một khía cạnh năng lực tâm linh trong Phật giáo. Nhiều hành giả Mật tông thành tựu thần thông ở mức độ nhất định cũng làm ngạc nhiên mọi người. Cuộc sống con người nhiều chướng ngại khó khăn, rồi trong lúc bế tắc, buộc họ phải đi tìm sự cứu giúp của người có khả năng tâm linh. Chính những hành giả Mật tông đã đáp ứng phần nào nhu cầu giải quyết khó khăn cho quần chúng, và giữ được tín đồ cho Phật giáo.

Câu thần chú tối nghĩa, thuần túy niềm tin, được chuyên chú trì tụng cũng được xem như một phương tiện nhiếp tâm trong thiền định. Người Ấn độ hiểu tiếng Sancrit thì có thể hiểu được nghĩa câu thần chú, hoặc ngày nay các bài thần chú cũng được dịch ra tiếng Việt giúp nhiều người hiểu nghĩa. Nhưng thật sự, hiểu thì hiểu, mà chẳng ai biết nghĩa đó là đạo lý gì. Ví dụ câu Aum mani padmé hum (án ma ni bát di hồng) có nghĩa là Om, viên ngọc trong đóa sen, có thể được hiểu nghĩa, nhưng chẳng ai biết đạo lý gì. Rồi tùy theo sư phụ cho người đệ tử niềm tin vào sự thiêng liêng của câu thần chú đó để người đệ tử ôm theo suốt đời mà nhiếp tâm trì tụng.

Ưu điểm nổi bật của các tu viện Mật tông Tây tạng là những phương pháp luyện tập khí lực rất hiệu quả. Nhờ những phương pháp đó mà các Lạt ma chịu đựng cái lạnh ghê người trên núi cao. Chính nhờ khí lực hỗ trợ mà sự tu tập tâm linh của các Lạt ma cũng đạt được nhiều kết quả phi thường. Toàn dân tộc Tây tạng theo đạo Phật cũng vì chứng kiến những quyền năng kỳ lạ của các Lạt ma.

Nhược điểm của Mật tông là việc sử dụng quyền năng làm tăng trưởng kiêu mạn ngã chấp dữ dội. Hơn nữa sự ham thích quyền năng tâm linh cũng khiến người ta đi lệch khỏi Chánh kiến của đạo Phật. Nhiều phái Mật tông thờ sọ người để rèn luyện quyền năng, y hệt các đạo phù thủy thời man rợ. Phái Mật tông ít khi nói về đạo lý sống sâu xa chân chính, mà thích khoe khoang về quyền năng thần thông. Đức Đạt lai lạt ma là điển hình hiếm hoi.

Thời gian mới xuất gia rất quan trọng đối với người tu, cần được huân tập những lý tưởng kiên cường với Phật Pháp, lý tưởng truyền bá chánh pháp rộng khắp, nhưng năm đệ thần chú Lăng Nghiêm đã gieo vào lòng người mới vào đạo một khái niệm mơ hồ không phương hướng.

Thật ra chính sự nhiếp tâm, ý muốn và phước đã tạo nên phép lạ chứ câu thần chú vô nghĩa chỉ là chỗ dựa của niềm tin. Khi tụng câu thần chú, ta có sự nhiếp tâm, ta có ý muốn đạt được khả năng gì đó, kết hợp với phước quá khứ, thế là ta có năng lực. Ví dụ người muốn có khả năng chữa bệnh, thiết tha trì tụng thần chú với niềm tin Phật. Rồi sau một thời gian tụng vào ly nước cho người khác uống thấy lành bệnh thật, thế là càng vững tin vào năng lực của thần chú, đâu ngờ rằng chính sự nhiếp tâm thiết tha, ý muốn và phước của chính mình đã làm nên như thế.

Nhiều bài kinh của Mật tông còn đi tới cực đoan là cho rằng trì tụng bài thần chú trong đó sẽ được công đức còn lớn hơn hóa độ nhiều người chứng Alahán. Đây thật sự là điều làm tan loãng đạo Phật. Chính đức Phật cũng chỉ nhận mình là một Alahán. Mặc dù công đức, trí tuệ, dung mạo, thần thông của Phật siêu việt biết bao nhiêu lần.

Bổ sung cho Mật tông là phải thiết lập chánh kiến với Tứ Diệu đế, phải lấy mục tiêu Vô ngã làm định hướng chính, phải rèn luyện Đạo đức làm nền tảng từ ngày đầu xuất gia. Phát huy phương pháp rèn luyện khí lực đừng để thất truyền.

4.  Nam tông Theravada

Phật giáo Nam tông Theravada truyền bá khắp từ các nước Tích Lan, Miến điện, Thái lan,

Lào, Kampuchea, và một phần nhỏ tại Việt Nam. Chữ Theravada có nghĩa là Thượng tọa bộ, một bộ phái được thành lập sau Phật 100 năm. Nam tông trung thành và bảo vệ giáo lý nguyên thủy từ thời đức Phật, tuyệt đối không chấp nhận bản kinh nào xuất hiện vào các thời đại sau. Những bản kinh Đại thừa xuất hiện về sau đều bị Nam tông liệt vào hàng ngoại đạo. Chỉ có bộ Nikaya do chính Phật tuyên thuyết, thêm bộ Abhidhamma (Vi diệu pháp) là kinh điển chính thức được lưu truyền và tôn sùng.

Các sư Nam tông rất chuyên chú tu tập thiền định, giữ nhiều giới luật xa xưa, do đó, đã cho phép ăn tam tịnh nhục. Chiếc y vàng quấn vừa đẹp mắt vừa rườm rà cũng là biểu hiện của sự giữ gìn truyền thống quyết liệt.

Ưu điểm của Nam tông là bảo vệ một đạo Phật truyền thống để kềm bớt những sự cải cách mà có khi đã đi quá xa của Phật giáo Bắc phương. Sự quyết liệt của Nam tông làm Bắc tông cũng dè dặt bớt sự tự tôn của mình khi đã tự cho mình là Đại thừa và chê Nam tông là Tiểu thừa.

Sự chuyên chú tu tập và truyền bá các phương pháp tu thiền định cũng nêu cao được giá trị của đạo Phật giữa một thế giới quay cuồng căng thẳng. Nhiều thiền viện tại các quốc gia Phật giáo Nam tông đã thu hút được nhiều người khắp nơi trên thế giới về thực tập.

Kinh điển Nikaya được tôn thờ nên dù cho ngôn từ xa xưa khó hiểu, lập lại nhàm chán, cũng vẫn được mọi người kiên tâm nghiên cứu và tìm thấy trong đó vô số đạo lý cực kỳ quý giá. Sự quyết tâm duy trì Giới luật cổ xưa cũng là hình ảnh đẹp như ta trân quý điều cổ kính dù cho nhiều giới điều thật sự không còn phù hợp.

So với Bắc tông thì Nam tông giữ được sự đồng nhất khắp nơi, dù ở quốc gia nào. Đây là điều vô cùng đáng ca ngợi. Bắc tông vì mạnh dạn cải cách cũng gây ra sự phân hóa, chia rẽ, biến thái khắp nơi.

Nam tông tôn trọng mục tiêu Vô ngã của Phật rất kỹ trong sự thực hành tu tập. Những chuẩn mực được thiết lập từ thời Phật như Tứ Thiền, Tứ Quả, vẫn được tôn trọng theo đuổi. Lịch sử về đức Phật hay truyện tích về các vị Thánh tăng có vẻ thực và trong sáng hơn, dù cho các chi tiết về thần thông vẫn được đề cập.

Lối tu Minh sát tuệ được phát minh sau Phật có lối theo dõi thở bụng phồng xẹp lại rất có lợi cho việc củng cố Chân âm, tạo khí lực cho việc tiến triển thiền định lâu dài về sau. Nhiều vị sư Nam tông có kết quả Thiền định rất thuyết phục, đến nổi được mọi người xưng tụng là Alahán.

Nhược điểm của Nam tông là không tìm hiểu để thấy được cái hay của tư tưởng Phật giáo Đại thừa với những sự phát triển cần thiết cho phù hợp với thời đại và khu vực. Vì thế Nam tông đã luôn coi Bắc tông như ngoại đạo góp phần làm chia rẽ đạo Phật chung. Chúng ta cần phải đoàn kết toàn thể những người tin Phật trên khắp thế giới lại để Phật giáo có được sức mạnh khi mà hiện nay rất nhiều thế lực xấu đang tìm cách phá hoại đạo Phật.

Nhiều vị trong Nam tông đi tới cực đoan coi trọng Abhidhamma hơn kinh điển chính thống Nikaya. Đó cũng là dấu hiệu Nam tông bắt đầu rời xa cội gốc dần.

Nhiều cách thiền tập của Nam tông không thống nhất được Tứ niệm xứ mà chỉ chọn một xứ nào đó để thực hành trong bốn xứ Quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp.

Hầu hết lối sống và tu của các sư Nam tông rất thụ động, không chú trọng nhiều đến việc truyền bá Phật Pháp một cách sâu rộng nên nhiều khu vực của Nam tông dần dần mất vào tay Hồi giáo hoặc các tôn giáo khác. Có những phum sóc nhiều đời theo Phật vậy mà bây giờ bắt đầu theo Tin lành khi được cho ba triệu. Phật giáo Nam tông của Thái Lan đã không giữ được đời sống văn hóa Thái lan, khiến cho đất nước này trở nên trụy lạc tha hóa. Các sư quan tâm nhiều đến những tiểu tiết giới luật mà không chịu quan tâm tới đại thể phát triển Phật giáo.

Nhưng rồi các sư cũng khó thể giữ được giới luật y hệt ngày xưa, vì có khi cũng phải đi khất thực bằng cách ngồi trên xe lam và nhận về cả xe vật thực.

Đời sống của sư tăng Miến điện cực kỳ thuận lợi trong khi sát bên ngoài người dân rất nghèo khổ vất vả. Điều này khiến người ta cho rằng đạo Phật chỉ có lợi cho giới tăng lữ.

Bổ sung cho những điều trên là ta cần một Nam tông năng động trong việc truyền bá chánh pháp sâu rộng, một Nam tông thông cảm ưu ái với Bắc tông, một Nam tông dấn thân phục vụ hơn là lặng lẽ ngồi chờ được phục vụ.

Trong một bối cảnh đa dạng Phật giáo như ngày nay, ta phải có bổn phận đi tìm cái chung đồng hợp lý nhất, vừa có hiệu quả thiết thực trong việc đi đến giác ngộ giải thoát, vừa có hiệu quả trong việc hoằng truyền chánh pháp, vừa tạo nên mẫu số chung cho các tông phái Phật giáo tìm đến sự hòa hợp đoàn kết với nhau. Cái chung đồng đó là Mục tiêu Vô ngã; cái chung đồng đó là Đức hạnh nhân cách hoàn chỉnh nghiêm túc; cái chung đồng đó là đạo lý Nhân quả Nghiệp báo; cái chung đồng đó là một Phật giáo dấn thân gây tạo được nhiều công đức vì làm lợi ích cho cộng đồng Địa cầu; cái chung đồng đó là công phu Thiền định có phương pháp hoàn hảo nhất, phù hợp với lời Phật dạy nhất.

Câu hỏi: Hãy nêu ước mơ về một đạo Phật cho thế giới ngày mai.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net