Theo quan điểm duy vật biện chứng: vật chất và ý thức tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động lẫn nhau thông qua hoạt động thực tiễn; trong mối quan hệ đó, vật chất giữ vai trò quyết định đối với ý thức.
Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức.
Vai trò của vật chất đối với ý thức
Trong mối quan hệ với ý thức, vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau; vật chất là nguồn gốc của ý thức; vật chất quyết định ý thức; ý thức là sự phản ánh đối với vật chất.
Ý thức là sản phẩm của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ óc người nên chỉ khi có con người thì mới có ý thức. Trong mối quan hệ giữa con người với thế giới vật chất thì con người là kết quả quá trình phát triển lâu dài của thế giới vật chất. Kết luận này đã được chứng minh bởi sự phát triển hết sức lâu dài của khoa học về giới tự nhiên; nó là một bằng chứng khoa học chứng minh quan điểm: vật chất có trước, ý thức có sau.
Các yếu tố tạo thành nguồn gốc tự nhiên, nguồn gốc xã hội của ý thức đều hoặc là chính bản thân thế giới vật chất, hoặc là những dạng tồn tại của vật chất nên vật chất là nguồn gốc của ý thức.
Ý thức là cái phản ánh thế giới vật chất, là hình ảnh về thế giới vật chất nên nội dung của ý thức được quyết định bởi vật chất. Sự vận động và phát triển của ý thức, hình thức biểu hiện của ý thức bị các quy luật sinh học, các quy luật xã hội và sự tác động của môi trường sống quyết định. Những yếu tố này thuộc lĩnh vực vật chất nên vật chất không chỉ quyết định nội dung mà còn quyết định cả hình thức biểu hiện cũng như mọi sự biến đổi của ý thức.
Vai trò của ý thức đối với vật chất
Trong mối quan hệ với vật chất, ý thức có thể tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người.
Vì ý thức là ý thức của con người nên nói đến vai trò của ý thức là nói đến vai trò của con người. Bản thân ý thức tự nó không trực tiếp thay đổi được gì trong hiện thực. Muốn thay đổi hiện thực con người phải tiến hành những hoạt động vật chất. Song, mọi hoạt động vật chất của con người đều do ý thức chỉ đạo, nên vai trò của ý thức không phải trực tiếp tạo ra hay thay đổi thế giới vật chất mà nó trang bị cho con người tri thức về thực tại khách quan, trên cơ sở ấy, con người xác định mục tiêu, đề ra phương hướng, xây dựng kế hoạch, lựa chọn phương pháp, biện pháp, công cụ, phương tiện…để thực hiện mục tiêu của mình. Ở đây, ý thức đã thể hiện sự tác động của mình đối với vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người.
Sự tác động trở lại của ý thức đối với vật chất diễn ra theo hai hướng: tích cực hoặc tiêu cực. Nếu con người nhận thức đúng, có tri thức khoa học, có tình cảm cách mạng, có nghị lực, có ý chí thì hành động của con người phù hợp với các quy luật khách quan, con người có năng lực vượt qua những thách thức trong quá trình thực hiện những mục đích của mình, thế giới được cải tạo – đó là sự tác động tích cực của ý thức; còn nếu ý thức của con người phản ánh không đúng hiện thực khách quan, bản chất quy luật khách quan thì ngay từ đầu, hướng hành động của con người đã đi ngược lại các quy luật. Hành động ấy sẽ có tác dụng tiêu cực đối với hoạt động thực tiễn, đối với hiện thực khách quan.
Như vậy, bằng việc định hướng cho hoạt động của con người, ý thức có thể quyết định hành động của con người, hoạt động thực tiễn của con người đúng hay sai, thành công hay thất bại, hiệu quả hay không hiệu quả.
Tìm hiểu về vật chất, về nguồn gốc, bản chất của ý thức, về vai trò của vật chất, của ý thức có thể thấy: không bao giờ và không ở đâu ý thức lại quyết định vật chất. Trái lại, vật chất là nguồn gốc của ý thức, quyết định nội dung và khả năng sáng tạo của ý thức; là điều kiện tiên quyết để thực hiện ý thức; ý thức chỉ có khả năng tác động trở lại vật chất, sự tác động ấy không phải tự thân mà phải thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Sức mạnh của ý thức trong sự tác động này phụ thuộc vào trình độ phản ánh của ý thức, mức độ thâm nhập của ý thức vào những người hành động, trình độ tổ chức của con người và những điều kiện vật chất, hoàn cảnh vật chất trong đó con người hành động theo định hướng của ý thức.
Ý nghĩa phương pháp luận của mối quan hệ giữa vật chất và ý thức
Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định trong mối quan hệ giữa vật chất và ý thức thì: Vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất là nguồn gốc của ý thức, quyết định ý thức, song ý thức có thể tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người; vì vậy, con người phải tôn trọng khách quan, đồng thời phát huy tính năng động chủ quan của mình.
Tôn trọng khách quan là tôn trọng tính khách quan của vật chất, của các quy luật tự nhiên và xã hội. Điều này đòi hỏi trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn con người phải xuất phát từ thực tế khách quan, lấy thực tế khách quan làm căn cứ cho mọi hoạt động của mình. V.I. Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh không được lấy ý muốn chủ quan của mình làm chính sách, không được lấy tình cảm làm điểm xuất phát cho chiến lược và sách lược cách mạng. Nếu chỉ xuất phát từ ý muốn chủ quan, nếu lấy ý chí áp đặt cho thực tế, lấy ảo tưởng thay cho hiện thực thì sẽ mắc phải bệnh chủ quan duy ý chí.
– Nếu ý thức có thể tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn thì con người phải phát huy tính năng động chủ quan.
Phát huy tính năng động chủ quan tức là phát huy vai trò tích cực của ý thức, vai trò tích cực của nhân tố con người. Bản thân ý thức tự nó không trực tiếp thay đổi được gì trong hiện thực. ý thức muốn tác động trở lại đời sống hiện thực phải bằng lực lượng vật chất, nghĩa là phải được con người thực hiện trong thực tiễn. Điều ấy có nghĩa là sự tác động của ý thức đối với vật chất phải thông qua hoạt động của con người được bắt đầu từ khâu nhận thức cho được quy luật khách quan, biết vận dụng đúng đắn quy luật khách quan, phải có ý chí, phải có phương pháp để tổ chức hành động.
Vai trò của ý thức là ở chỗ trang bị cho con người những tri thức về bản chất quy luật khách quan của đối tượng, trên cơ sở ấy, con người xác định đúng đắn mục tiêu và đề ra phương hướng hoạt động phù hợp. Tiếp theo, con người với ý thức của mình xác định các biện pháp để thực hiện tổ chức các hoạt động thực tiễn. Cuối cùng, bằng sự nỗ lực và ý chí mạnh mẽ của mình, con người có thể thực hiện được mục tiêu đề ra.
Ở đây ý thức, tư tưởng có thể quyết định làm cho con người hoạt động đúng và thành công khi phản ánh đúng đắn, sâu sắc thế giới khách quan, vì đó là cơ sở quan trọng cho việc xác định mục tiêu, phương hướng và biện pháp chính xác. Ngược lại, ý thức, tư tưởng có thể làm cho con người hoạt động sai và thất bại khi con người phản ánh sai thế giới khách quan. Vì vậy, phải phát huy tính năng động sáng tạo của ý thức, phát huy vai trò nhân tố con người để tác động cải tạo thế giới khách quan; đồng thời phải khắc phục bệnh bảo thủ trì trệ, thái độ tiêu cực, thụ động, ỷ lại, ngồi chờ trong quá trình đổi mới hiện nay.
Vận dụng vào công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay
Thực trạng:
_Trước đổi mới:
Kinh tế(vật chất):
Cơ sở vật chất yếu kém, cơ cấu kinh tế nhiều mặt mất cân đối, năng xuất lao động thấp, sản xuất chưa đảm bảo nhu cầu đời sống, sản xuất nông nghiệp chưa cung cấp đủ thực phẩm cho nhân dân, nguyên liệu công nghiệp hàng hóa cho xuất khẩu.
Chính trị (ý thức):
Chúng ta chưa tìm ra được đầy đủ những nguyên nhân đích thực của sự trì trên trong nền kinh tế của nước ta và cũng chưa đề ra các chủ trương chính sách toàn diện về đổi mới. Nhất là về kinh tế, chúng ta chưa kiên quyết khắc phục chủ quan, trì trệ trong bố trí cơ cấu kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý nền kinh tế và những sai lầm trong lĩnh vực phân phối lưu thông.
_Sau đổi mới:
Chính trị:
Đảng và nhà nước đã đi sâu nghiên cứu phân tích tình hình, lấy ý kiến rộng rãi của cơ sở, của nhân dân và đặc biệt là đổi mới tư duy về kinh tế.
Đại hội lần thứ VI của Đảng đã rút ra bài học kinh nghiệm lớn, trong đó: phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Đảng đã đề ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Và đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, ta đã đánh giá tình hình chính trị xã hội Việt Nam sau hơn bốn năm thực hiện đường lối đổi mới: công cuộc đổi mới bước đầu đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, tình hình chính trị của đất nước ổ định.
Kinh tế:
Nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nguồn lực sản xuất của xã hội được huy động tốt hơn, đời sống vật chất tinh thần của một bộ phân nhân dân có phần được cải thiện. Sinh hoạt dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy.
…
Đảng chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát trển kinh tế xã hội với tăng cường quốc phòng an ninh.
Cùng với quá trinh vận dụng của Đảng trong công cuộc đổi mới kinh tế đất nước thì phát triển giáo dục và đào tạo khoa học ông nghệ, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân téc. Về giáo dục đào tạo tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đổi mới nội dung phương pháp va hệ thống quản lý giáo dục…Về khoa học công nghệ khoa học xã hội và nhân văn hướng vào giải đáp các vấn đề lý luận và thực tiễn, dự báo các xu thế phát triển , cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối chủ trương cuả Đảng …
Tăng cường quốc phòng và an ninh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa la bảo vệ vững chắc độc lập tự chủ, an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, kết hợp chặt chẽ kinh tế quốc phòng và an ninh và kinh tế trong các chiến lược. Mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chủ động hội nhập kinh tê quốc tế và khu vực. Phát huy sức manh đại đoàn kết toàn dân.
Vận dụng:
-“ Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” trong đánh giá tình hình, “Tôn trọng quy luật khách quan” trong quá trình đổi mới.
+ Xuất phát từ hiện thực khách quan của đất nước, của thời đại để hoạch định chiến lược, sách lược phát triển đất nước.
+Biết tìm kiếm, khai thác, tổ chức, sử dụng những lực lượng vật chất (cá nhân-cộng đồng, kinh tế-quân sự, trong nước-ngoài nước, quá khứ-tương lai…) để phục vụ cho sự nghiệp Đổi mới.
+Coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu phát triển đất nước.
+Biết kết hợp hài hòa các dạng lợi ích khác nhau (kinh tế, chính trị, tinh thần: cá nhân, tập thể, xã hội…) thành động lực thúc đẩy Đổi mới.
+ “Mọi đường lối chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan”
– Khơi dậy và phát huy tối đa sức mạnh tinh thần, truyền thống tốt đẹp của dân tộc
+Coi sự thống nhất nhiệt tình cách mạng và tri thức khoa học là động lực tinh thần thúc đẩy công cuộc Đổi mới
+Bồi dưỡng nhiệt tình phẩm chất cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, tài trí người Việt Nam…
+Coi trọng và đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng (chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng HCM…), nâng cao và đổi mới tư duy lý luận (về CNXH và con đường đi lên CNXH…)
+Phổ biến tri thức khoa học – công nghệ cho cán bộ, nhân dân
– Khắc phục chủ nghĩa chủ quan duy ý chí, đầu óc bảo thủ, trì trệ trong quá trình Đổi mới
+Kiên quyết ngăn ngừa tái diễn bệnh chủ quan duy ý chí; lối suy nghĩ, hành động giản đơn; nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan ảo tưởng, bất chấp quy luật hiện thực khách quan
+Chống lại thái độ thụ động, ỷ lại, bảo thủ, trì trệ, thói thờ ơ lãnh đạm…
+Phê phán thói vô trách nhiệm hay đổ lỗi cho hoàn cảnh mà lẫn trốn trách nhiệm cá nhân…