Trang chủ Tâm linh Ma, Quỷ là gì?

Ma, Quỷ là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 452 views

Khái niệm Ma, Quỷ

Chúng ta thấy rằng: Ma, quỷ là những từ khá phổ biến trong ngôn ngữ của các dân tộc. Mặc dù vậy, để đi tìm định nghĩa cho nó không phải là việc dễ dàng. Ma quỷ thuộc thế giới tâm linh của con người, vì thế, khu biệt rõ ràng khái niệm của các từ này là vấn đề tương đối khó khăn. Mỗi tộc người lại có quan niệm về Ma, Quỷ khác nhau.

Macel Mauss thì cho rằng: Ý niệm về ma quỷ hiển nhiên là có từ rất sớm, và người ta đã phát triển nó lên thành “Luận thuyết về ma quỷ”. Thực ra người ta nhìn nhận luận thuyết về ma quỷ như là một phương tiện để thể hiện các hiện tượng ma thuật: Những sự hồn lìa khỏi xác đều coi như dạng ma quỷ. Và ông cũng đồng nhất danh từ quỷ cũng đồng nghĩa với ma và khái niệm ma, quỷ nhiều khi chồng lấn lên nhau và khó tách rời.

Trong “Từ điển Hán Việt” của Nguyễn Văn Khôn tác giả có đề cập đến Ma, quỷ. Theo tác giả ma, quỷ là nham hiểm, quỷ quyệt, thường mưu hại người. Còn trong “Việt Nam Tự điển” của nhóm Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ thì ma có ba nghĩa: Thứ nhất, ma là hồn người chết không được cúng giỗ, không nơi nương tựa, hiện ra phá quấy người sống. Thứ hai, ma tức là ý xấu, phần vô hình trong con người giục làm bậy. Thứ ba, dùng chỉ lễ chôn cất người chết: Đám ma. Cũng theo Việt Nam tự điển thì với tư cách danh từ Quỷ là hồn kẻ tiểu nhân, kẻ dữ, hung ác, hoặc người chết oan hiện ra. Còn với chức năng tính từ thì quỷ chỉ sự tinh nghịch, sâu sắc: Mưu thần chước quỷ, …Các loại quỷ thường được dùng trong lời ăn tiếng nói như quỷ sứ, quỷ sa tăng, quỷ nhập tràng, quỷ truyền kiếp, quỷ kiếm sầu,

Trong truyền khẩu dân gian, ma thường được miêu tả là một dạng thường có màu “trắng bạc”, “cái bóng lờ mờ”, “nửa trong suốt”, hay “tựa như sương mù”, “đống đen thùi lùi”, “đầu tóc bù xù, rũ rượi”, … Ma là hình bóng, là linh hồn của người đã khuất. Ma không có cơ thể sống như con người. Xã hội của ma theo nhiều người là “âm phủ” còn chỗ ở của ma là cái mộ (sống cái nhà thác cái mồ). Ma cũng có thể vương vất ở những nơi tăm tối, vắng vẻ nơi có liên quan đến khi họ còn sống. Và họ cho rằng chỉ có người có “duyên” với linh hồn đó mới có thể nhìn thấy ma hoặc người có khả năng đặc biệt như các nhà ngoại cảm, thầy bói, thầy phù thủy… mới “giao tiếp” được với ma quỷ. Họ còn cho rằng ma có khả năng biết tất cả nhưng gì người sống nghĩ, có khả năng biết được các việc đã, đang và sắp xảy ra, hoặc có khả năng tác  động lên thể xác, lời nói của người sống.

Đào Duy Anh cho rằng: Ma, quỷ chính là hồn của người chết. L.Cadière thì lại cho rằng: “Ma có thể là một người đã chết trong gia đình mà không yên phận? Hay là bà cô vô tự về đòi phục dịch? Có thể là một ông thần nào đó của một trong số am miễu trong làng, hay là thần cây, thần mốc mà anh ta đã trót xúc phạm”. Nội hàm Ma của L.Cadière rộng lớn hơn nội hàm Ma của Đào Duy Anh. Cũng giống như các tác giả trên Lê Văn Lân cho rằng: Ma chính là linh hồn của người chết và nó phân định ra các loại ma tùy theo nghiệp khi chết. Chết trôi thì thành ma rà; chết thắt cổ thì thành ma trành, chết bị chém đầu thì thành ma cụt; chết bệnh dịch thì thành ma ôn. Những con ma rà, ma vòng, ma trành, ma ôn thường phải lôi kéo những người sống phải chết giống như chúng để thế cho chúng thì hồn chúng mới có thể đầu thai được.

W.K.McNeil trong Thuật Ngữ Văn Hóa Dân gian có đưa ra khái niệm về Ma: Ma là những linh hồn đã bị tách rời ra khỏi cơ thể, và chúng thường được nghĩ là nói tới linh hồn con người sau khi chết mặc dầu cũng có những con vật ma. Những từ như ma hiện về, hồn ma, bóng ma, ma quỷ và hồn thường được sử dụng để miêu tả cùng một hiện tượng. Người ta nghĩ rằng những người chết quay trở về dưới vài hình dạng. Chúng có thể trở về trong cùng cơ thể mà chúng có trong lúc còn sống, chúng cũng có thể hiện ra trong hình dạng bóng ma, hoặc chúng có thể là vô hình và chỉ được biết đến qua những hành động, tiếng động hoặc những trò tinh quái của chúng.

Nguyễn Duy Hinh cũng đưa ra những lý giải về nguồn gốc của chữ ma: Ma không phải là chữ Hán vốn có, mà Ma tức là Mâra là một khái niệm của người Ấn độ được Trung Quốc hóa rồi nhập vào nước ta. Theo ông Mâra của người ấn Độ là chỉ vị thần cai quản 6 tầng trời của Dục giới. Còn trong kinh phật, Mâra có nghĩa là “Sát, phiền não…”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh Người Việt dùng thuật ngữ “Ma” để chỉ linh hồn người chết nhưng không chỉ tổ tiên.

Còn Quỷ, Quỷ xuất phát từ tiếng Hán Gwei( 鬼 ), dùng để gọi linh hồn của những người đã chết. Theo quan điểm của người phương Đông, sau khi chết đi, linh hồn của con người sẽ đầu thai chuyển thế vào kiếp khác. Nhưng vì một lý do nào đó, linh hồn không thể đầu thai mà vẫn lưu lạc trên thế giới vật chất thì được gọi là “Quỷ”. Nguyễn Duy Hinh, khi đề cập đến “Quỷ” ông có viết: “Người Việt dùng “Quỷ” để chỉ “quỷ sứ” của Địa Ngục, còn trên trần gian thì thường dùng “Tinh”, “Yêu” và “Ma” hơn là Quỷ tuy cũng chỉ một hiện tượng tương tự như Quỷ nói chung…. Và trong tâm linh của người Việt thì Quỷ là hình tượng tinh linh vạn vật làm hại con người. Ở người Việt không có bằng chứng nào nói Quỷ là linh hồn người chết.

Như vậy, chúng ta thấy rằng khái niệm Ma, Quỷ là các khái niệm ngoại lai khi du nhập vào nước ta tùy theo từng tộc người mà khái niệm này mang những nội hàm khác nhau. Ở  người Việt khái  niệm Quỷ chỉ  cái Thiêng  tiêu  cực không xuất  phát từ hồn phách con người mà là loại tinh linh vạn vật. Còn khái niệm Ma được dùng để chỉ linh hồn người chết nhưng lại không phải là tổ tiên.Ma và Quỷ chính là đối tượng để người Việt phải tìm đến và sử dụng bùa chú.

4.5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]