1. Khái niệm lao động
Hiểu theo nghĩa rộng, lao động là một hoạt động thực tiễn nào đó do con người tiến hành theo một nhiệm vụ xác định, nhằm đạt được một mục đích nhất định. Trong tác phẩm kinh điển “Vai trò của lao động trong quá trình chuyển hóa từ vượn thành người”, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ rằng: “lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người… lao động đã sáng tạo ra bản thân con người. [C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr 20, 641]
C.Mác đã nêu ra một định nghĩa kinh điển về lao động và vai trò của nó trong sự hình thành con người như sau: “Lao động trước hết là một quá trình diễn ra giữa con người với tự nhiên một quá trình trong đó bằng hoạt động của chính mình con người làm trung gian điều tiết và kiểm tra sự trao đổi chất giữa họ và tự nhiên…”. [C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr 23, 266]
Có thể xem xét khái niệm “lao động” ở nhiều góc độ khác nhau để hiểu rõ hơn nội dung của nó.
Trước hết, lao động của con người có tính chất xã hội. Ngay từ đầu, lao động của con người đã là công việc của những nhóm xã hội chứ không do một cá nhân riêng lẻ thực hiện và mục đích của bất kỳ hình thức lao động nào cũng có tính chất xã hội. Trong tác phẩm “Tư bản”, C.Mác đã xác định bản chất xã hội và mục đích chung của lao động như sau: “Lao động là một hoạt động có mục đích để tạo ra những giá trị sử dụng”.
Xét về phương diện sinh lí học, theo ý kiến của C.Mác: “Dù các dạng lao động có ích có khác nhau như thế nào, dù những hoạt động sản xuất có khác nhau đến đâu thì về phương diện sinh lí học, đó vẫn là những chức năng của cơ thể con người và mỗi một chức năng ấy, dù nội dung và hình thức của nó như thế nào về thực chất vẫn chỉ là sự tiêu hao não, thần kinh, cơ bắp và các cơ quan cảm giác…”. [Phạm Tất Dong, Tâm lý học lao động – Tài liệu dùng cho học viên cao học, viện KHGD, 1979]
Việc hiểu bản chất xã hội và bản chất sinh lí học của lao động giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản chất tâm lí của lao động bởi vì cái tâm lí trong lao động không thể tách rời và cô lập với những hiểu biết về những bản chất đó.
Trong lao động cái tâm lí chung nhất được bộc lộ ra là tính tích cực, tính mục đích, là những hình ảnh nảy sinh trong đầu con người mà nhờ nó con người xác định được kết quả hoạt động của mình.
Dù hoạt động lao động có khác nhau về mục đích, đối tượng, công cụ và điều kiện như thế nào chăng nữa, bao giờ nó cũng gồm hai cơ chế đặc thù: trước hết đó là quá trình đối tượng hóa sức mạnh bản chất của con người. Nói cho cùng, mọi sản phẩm lao động đều là những biểu hiện cụ thể của tài năng, đức độ, tình cảm… con người. Cái tâm lí đã hóa thân vào toàn bộ thế giới đồ vật do con người tạo ra. Kết quả của quá trình đối tượng hóa sức mạnh bản chất con người trong lao động là loài người có được một nền văn hóa xã hội – lịch sử ngày càng phát triển. Đến lượt mình, nền văn hóa đó lại là hiện thân trực tiếp của sự tiến hóa của loài người – một hình thức tiến hóa đặc thù ở loài người – sự tiến hóa theo quy luật xã hội – lịch sử. Lao động của con người cứ từng bước thay đổi thế giới đồ vật xung quanh họ. Cứ mỗi thay đổi được ghi dấu trong thế giới đồ vật này đều có thể được coi như là một điều kiện góp phần vào việc tạo ra những bước phát triển của loài người.
Song, để thực hiện được quá trình đối tượng hóa sức mạnh bản chất của mình, con người lại phải sử dụng công cụ lao động (mà công cụ lại là kết quả của quá trình đối tượng hóa nói trên). Phải nắm được cách thức sử dụng công cụ lao động thì lúc đó công cụ mới tồn tại với đúng tư cách là một công cụ. Người ta phải học cách sử dụng công cụ. Thực chất của quá trình học cách sử dụng công cụ là sự lĩnh hội cái tâm lí chứa bên trong công cụ đó. Ta gọi quá trình này là sự người hóa sức mạnh bản chất của con người trong lao động.
2. Cấu trúc của hoạt động lao động
Hoạt động lao động là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học trong đó có tâm lí học. Đối với các nhà tâm lí học, điểm cơ bản trong lao động mà họ quan tâm là tính mục đích, tính tự giác, tính tích cực của con người. Hoạt động lao động là sự thống nhất của cái tâm lí và cái sinh lí. Trong khái niệm hoạt động lao động, những hiện tượng tinh thần (động cơ, mục đích, hứng thú,…) bạo giờ cũng ở trong một thể thống nhất hữu cơ với những biểu hiện bề ngoài của chúng là những vận động thực hiện. Vì vậy, phải nghiên cứu hoạt động lao động với đầy đủ những thành phần nêu trong cấu trúc của nó.
Hoạt động lao động là một dạng hoạt động đặc biệt của con người. Khi tiến hành lao động, con người sử dụng công cụ, phương pháp, cách thức và nghệ thuật sử dụng công cụ được gọi là thuật lao động.. Hoạt động lao động của con người bao giờ cũng nhằm đạt được một mục đích nhất định do họ tự giác đặt ra.
Mục đích của hoạt động lao động là hình ảnh về kết quả công việc sắp được tiến hành. Hình ảnh đó tồn tại trong đầu óc con người trước khi họ thực sự bắt tay vào công việc. Mục đích lao động nảy sinh trong ý thức trên cơ sở những nhu cầu tinh thần và nhu cầu vật chất của con người. Sự nảy sinh mục đích lao động còn phụ thuộc vào kinh nghiệm lao động đã tích luỹ được. Mục đích có thể là gần nhưng cũng có thể là xa. Song, nhìn chung hoạt động lao động bao giờ cũng có mục đích xa, bao trùm lên những mục đích gần có tính chất bộ phận. Quá trình tiến hành một hoạt động lao động là quá trình đạt từ mục đích bộ phận này sang mục đích bộ phận khác cho đến khi đạt được mục đích cuối cùng. Như vậy, ta có được một sơ đồ giản lược, mô tả một quá trình hoạt động như sau:
Mục đích có tính chất bao trùm các mục đích bộ phận chính là động cơ của hoạt động. Mục đích bao trùm (động cơ) có tác dụng thúc đẩy việc thực hiện các mục đích bộ phận được kết lại thành một hệ thống. Chính vì vậy, khi nói đến một hoạt động, bao giờ người ta cũng xét đến động cơ tương ứng với nó.
Một hoạt động diễn ra trong từng giai đoạn đạt được những mục đích nhất định. Quá trình hoạt động để đạt được mục đích bộ phận được gọi là hành động.
Hành động là yếu tố của hoạt động, cụ thể hơn, đó là một đơn vị của hoạt động. Kết quả của hành động là đạt đến một
“Mục đích 1 -> Mục đích 2 -> … -> Mục đích cuối cùng”
mục đích cụ thể nào đó mà con người đã nhận thức được. Có thể nói, mỗi hành động bao giờ cũng nhằm giải quyết một nhiệm vụ sơ cấp cơ bản, nghĩa là nhiệm vụ không thể phân nhỏ hơn được nữa. Như vậy là, muốn xem một hoạt động lao động có bao nhiêu hành động, ta cần phải xác định có bao nhiêu nhiệm vụ sơ cấp cơ bản trong đó, hoặc có bao nhiêu mục đích cụ thể. Vì vậy, khi tổ chức một hoạt động sản xuất, điều quan trọng bậc nhất là phải chỉ ra cho được những mục đích bộ phận và trình tự đạt tới những mục đích đó.
Trong lao động sản xuất, muốn đạt tới mục đích, người ta cần tính xem phải hành động theo phương thức nào (bằng công cụ gì? với những phương tiện nào? Cách thức sử dụng công cụ ra sao?…).
Nói đến phương thức thực hiện hành động là nói đến thao tác Trong công nghiệp, thuật ngữ “thao tác” có khi được dùng để chỉ một yếu tố của một quá trình công nghệ được thực hiện trên một vị trí làm việc, do một hoặc nhiều nhóm công nhân tiến hành để làm ra một chi tiết hoặc một số các chi tiết được gia công đồng thời, hoặc tạo ra một số bán thành phẩm cho đến khi chuyển sang những chi tiết sau.
Trong hoạt động lao động, thao tác là “đơn vi cơ động” của hành động. Một hành động có thể có một hoặc nhiều thao tác. Nhưng, để xác định được số lượng những thao tác trong một hành động, ta phải căn cứ vào công cụ và phương thức thực hiện hành động đó. Cùng một hành động, người ta có thể dùng một hệ thống thao tác này hoặc một hệ thống thao tác khác. Điều đó phụ thuộc vào điều kiện trang bị kỹ thuật. Như vậy là, một hành động được tiến hành thông qua một hoặc nhiều thao tác. Nhiều thao tác khác nhau có thể dẫn đến một mục đích như nhau. Chính vì vậy ta nói thao tác là đơn vị cơ động của hành động.
Nội dung của mỗi thao tác là do đặc điểm cấu trúc của công cụ quy định. Tuỳ thuộc vào hình dáng, kích thước và những đặc trưng cơ cấu của công cụ mà xác định tư thế và những vận động (động tác) phù hợp. Như vậy, trong mỗi thao tác cụ thể có một hệ thống những tư thế và vận động riêng. Tư thế cũng có thể coi là một dạng của động tác. Hơn nữa, động tác cũng chưa phải là yếu tố hợp thành nhỏ nhất trong thao tác. Người ta còn phân động tác thành những “vi động tác”.
Một hành động lao động được lặp lại nhiều lần trong quá trình luyện tập và trở nên tự động hóa được gọi là kỹ xảo. Tuy nhiên, khi người công nhân thực hiện thành thạo, điêu luyện các thao tác trong hành động không có nghĩa là ý thức của họ không kiểm tra lại cách thức tiến hành thao tác. Ta gọi là sự tự động hóa của kỹ xảo chỉ với nghĩa là thao tác đã thành thạo, không cần sự tập trung chú ý mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, độ chính xác.
Danh ngôn về lao động:
- “Nếu nhân loại ngừng lao động sản xuất trong một tuần thôi, chứ chưa nói một tháng hay một năm, thì loài người sẽ chết đói” (V.I.Lê- nin).
- “Khi lao động trở thành điều kiện không thể thiếu được của cuộc đời, nó mau chóng biến thành danh dự và nền tảng đạo đức của xã hội”.
- “Lao động là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta” (Hồ Chí Minh)
- “Toàn bộ lịch sử không phải là cái gì khác, mà chính là sự hình thành con người bằng lao động của con người” (C. Mác).
- “Tiêu diệt những kẻ ăn bám và đề cao lao động, đó là xu hướng thường xuyên của lịch sử” (N. Đô-brô-lui-bốp).
- “Dấu hiệu đầu tiên của cuộc sống lành mạnh là lao động” (A. Bô-gô-mô-lét).
- “Lao động bao giờ cũng là cơ sở cho cuộc sống con người và cho văn hoá” (A.Ma-ca-ren-cô).
- “Ai lao động nhiều, người đó sẽ hạnh phúc” (L.D.Vanh-xi).
(Tài liệu tham khảo: Đào Thị Oanh, Tâm lý học Lao động)