“Đồng cảm” là khả năng hiểu hoặc cảm nhận được cảm xúc, cảm nghĩ, tình cảm của người khác ở một thời điểm nhất định qua cách nhìn của họ, nghĩa là khả năng đặt bản thân vào vị trí của người khác để cảm nhận được điều đang diễn ra ở những người xung quanh, từ đó có những hành động phù hợp thể hiện sự cảm thông đối với những người đó. Đồng cảm là yếu tố rất cần thiết trong một xã hội văn minh, trong đó mọi người phải biết quan tâm đến nhau, mong muốn được chia sẻ với những cảnh ngộ bất hạnh, là sự tinh tế của con người trong việc cảm nhận bản thân mình và thế giới xung quanh để có thể sống hòa nhập cùng môi trường thiên nhiên và xã hội.
1. Khái niệm về đồng cảm
“Đồng cảm” từ lâu đã là một khái niệm được quan tâm của ngành tâm lí học và các chuyên ngành khác. Nguồn gốc của từ “đồng cảm” là từ “Einfühlung” của tiếng Đức, có nghĩa là “cảm giác thành” do Robert Vischer (1873) khi ông nghiên cứu ở lĩnh vực thẩm mĩ. Theo ông, “Einfühlung” là để mô tả kinh nghiệm của một cá nhân với nghệ thuật, chẳng hạn như cảm giác “tuyệt vời” khi ngắm một bức tranh đẹp hay nghe một giai điệu âm nhạc [1; tr 101].
Cuối thế kỉ IXX, nguồn gốc của “đồng cảm” do Thoedore Lipps một triết gia người Đức, ông đã chấp nhận quan điểm của Robert Vischer về sự đồng cảm hay cảm xúc thẩm mĩ (Einfühlung, nghĩa đen là cảm giác) và đặt tên cho “Einfühlung” nghĩa là thấy từ bên trong (in – feeling). Lipps sử dụng “Einfühlung” trong lĩnh vực triết học để mô tả mối quan hệ giữa các cá nhân với môi trường xung quanh.
Edward Titchener, một nhà tâm lí học Mĩ gốc Anh đã rất thích thuật ngữ “Einfülung” và khi được bổ nhiệm làm giáo sư tâm lí học tại Đại học Cornell, New York, ông đã cố gắng giới thiệu thuật ngữ “Einfülung” tới Mĩ nhưng người Mĩ đã không dùng đến thuật ngữ phức tạp của người Đức [2]. Vì vậy, năm 1909 ông là người đầu tiên chuyển từ bản dịch của tiếng Đức “Einfühlung” sang tiếng Anh “Empathy”. Đồng cảm được Titchener đề cập trong lĩnh vực thẩm mĩ, thực nghiệm xúc cảm và mối liên hệ của cảm xúc và thẩm mĩ. Titchener được coi là người đầu tiên đề cập đồng cảm bằng tiếng Anh “Empathy” từ bản dịch của tiếng Đức “Einfühlung”, có nghĩa là hiểu được cảm xúc của người khác “Đồng cảm là đặt mình vào vị trí của người khác để thực sự hiểu người đó đang nghĩ gì và trải qua điều gì đó” [1; tr 100]. Trong những giai đoạn đầu xuất hiện, “đồng cảm” vẫn chưa được chú ý nghiên cứu sâu về bản chất, đặc điểm, cơ chế của nó. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, những nghiên cứu về đồng cảm được nhiều nhà tâm lí học quan tâm.
Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Đồng cảm là cùng có chung một mối cảm xúc, cảm nghĩ” [3; tr 423]. Nói cách khác, giữa thông cảm, lây lan cảm xúc với đồng cảm không có ranh giới rõ ràng. Như vậy, tính xúc cảm trong đồng cảm được đề cao, lấn át cả vai trò của nhận thức và đây là xu hướng chung khi khái niệm đồng cảm được sử dụng trong mối quan hệ cá nhân. Trong giao tiếp, đồng cảm là một yếu tố quan trọng giúp cho quá trình giao tiếp thành công và có hiệu quả cao, đồng thời, giúp cho các mối quan hệ ngày càng phát triển. Có thể cách diễn đạt là khác nhau nhưng tựu chung vẫn là khả năng biết xác định vị trí trong giao tiếp, biết đặt vị trí của mình vào vị trí của đối tượng để có thể vui, buồn với niềm vui, nỗi buồn của họ.
Các tác giả như: Greenson (1960), Stoland (1969), Mehrabian & Epstein (1972), Hoffman (1987), Batson (1991), Gillett (1993) cho rằng đồng cảm được hiểu là một quá trình cảm xúc, cụ thể là “Sự chia sẻ cảm xúc” của chủ thể đối với khách thể. Cơ sở của nó là lây lan cảm xúc (emotional contagion) hay bắt chước cảm xúc của người khác.
Nghiên cứu tâm lí học xã hội cũng cho thấy, trạng thái cảm xúc của con người là đặc điểm của đồng cảm. Davis và các cộng sự (1987) đã nghiên cứu và chứng minh rằng, khi con người ở một tâm trạng hạnh phúc có xu hướng từ thiện nhiều hơn, yêu thương, đồng cảm nhiều hơn và tích cực hơn trong việc trong việc giúp đỡ những người khác. Trạng thái cảm xúc của con người cũng là một đặc tính của đồng cảm. Đây là mặt phát triển quan trọng của đồng cảm.
2. Một số quan điểm về giáo dục đồng cảm cho trẻ mầm non
Giáo dục đồng cảm (GDĐC) cho trẻ em được các nhà nghiên cứu đề cập với nhiều quan điểm khác nhau. Vậy các quan điểm về đồng cảm và GDĐC cho trẻ như thế nào?
2.1. Sự đồng cảm ở trẻ
Đến cuối thế kỉ XX, nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lí học phát triển đã bắt đầu tập trung vào việc trẻ sơ sinh và trẻ mầm non có sự đồng cảm hay không? Đồng cảm có ở trẻ bắt đầu khi nào? Có cần phải GDĐC cho trẻ hay không? GDĐC vào thời điểm nào lứa tuổi nào và giáo dục ra sao?
Các nghiên cứu đã chỉ ra, đồng cảm xuất hiện từ tuổi sơ sinh. Theo Hoffman, M.L. (1976), Zahn-Wexler et al (1990) cho rằng, trẻ sơ sinh có cũng có dấu hiệu đồng cảm khi chúng nghe tiếng khóc của những trẻ sơ sinh khác. Những trẻ phát triển bình thường bắt đầu có mối quan tâm đồng cảm đến các thành viên trong gia đình từ 12-24 tháng tuổi [4; tr 128], [2; tr 119]. Hay dựa trên các nghiên cứu cổ điển của Simper (1971) và các nghiên cứu của Hoffman (1976), đồng cảm nổi lên trong giai đoạn sớm, và có thể được quan sát thấy trong phản ứng khóc của trẻ sơ sinh. Trong các nghiên cứu này, trẻ sơ sinh dù chỉ mới sinh một ngày tuổi, nhưng nếu được tiếp xúc với âm thanh tiếng khóc của những trẻ sơ sinh khác trẻ cũng dễ khóc hơn [4; tr 132]. Đây là một bằng chứng cho sự hiện diện của phản ứng bẩm sinh đồng cảm. BischofKöhler, D. (1989) cho rằng ở giai đoạn này, trẻ đã có đồng cảm được thể hiện thông qua một phản ứng khóc tự động, nó gần như hoàn toàn sinh học và có thể phục vụ một mục đích phát triển [5; tr 14].
Wispé (1987) đã dựa vào nghiên cứu của Lipps khi nghiên cứu tâm lí học lí thuyết cũng cho rằng đồng cảm là mang tính bản năng. Bản năng con người khi mới sinh ra đã có sự đồng cảm trong cảm xúc, những cảm xúc này được nuôi dưỡng và giáo dục tốt sẽ phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn trong những giai đoạn lứa tuổi tiếp theo [6; tr 21].
Zahn-Waxler at al (1990) trong nghiên cứu về sự phát triển ở trẻ em đã sử dụng phương pháp quan sát sự quan tâm của trẻ đến với người thân cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ khi họ gặp chuyện buồn hay căng thẳng. Họ phát hiện ra rằng, trẻ em sớm nhất là 2 tuổi đã có dấu hiệu của sự đồng cảm, biểu hiện là trẻ biết giúp đỡ, chia sẻ, thể hiện những cử chỉ hành vi như ôm, hôn hoặc vỗ lưng… và mức độ thể hiện sự đồng cảm tùy thuộc vào đối tượng mà trẻ tiếp xúc (cha mẹ, ông bà hay người chăm sóc chúng) [2; tr 115].
Như vậy, quan điểm của các nhà nghiên cứu cho thấy biểu hiện đồng cảm của trẻ đã có khi trẻ mới sinh, đồng cảm sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này. Trong giai đoạn trẻ còn nhỏ, vai trò của người lớn nhất là những người gần gũi chăm sóc cho trẻ có ảnh hưởng rất lớn đối với biểu hiện và phát triển đồng cảm của trẻ. Do đó, người lớn cần phải gần gũi, yêu thương, chăm sóc và giáo dục trẻ, để giúp sự đồng cảm của trẻ phát triển tốt hơn.
2.2. Một số quan điểm về giáo dục đồng cảm cho trẻ mầm non
Theo các nghiên cứu trên thì đồng cảm đã có ở trẻ từ sơ sinh và phát triển dần theo độ tuổi. Vậy, để GDĐC cho trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non, các nhà nghiên cứu thể hiện quan điểm như thế nào?
Trẻ em bẩm sinh có thể kết nối tình cảm với người khác và trong quá trình phát triển trẻ có khả năng học tập, lĩnh hội kinh nghiệm, sự giáo dục của người lớn. Theo Ann Stone (2015) [7], GDĐC cho trẻ là đa diện bởi vì nó liên quan đến nhiều khía cạnh phát triển của con người, bao gồm cả thần kinh, xúc cảm, nhận thức và xã hội. Ngôn ngữ chính là phương tiện để người lớn giao lưu chia sẻ và giáo dục cho trẻ về đạo đức, hành vi xã hội và trong đó có sự đồng cảm. Vì thế, GDĐC cho trẻ có thể bằng con đường giao tiếp, bằng những hành động đẹp… của những người thân trong gia đình và mọi người xung quanh trẻ.
Erin Browne (2010) [8] cho rằng, đồng cảm và sự phát triển đồng cảm rất quan trọng đối với trẻ, giúp cảm nhận và hiểu người khác, giúp cho hành vi của trẻ mang tính đạo đức và ý thức xã hội. Trong nghiên cứu, tác giả chỉ ra sự đồng cảm của trẻ có mối quan hệ lớn với cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Trẻ em học tập, tiếp nhận hành vi, cảm xúc và hành động từ “mẫu” của người lớn, những bài học về đồng cảm qua sự tiếp xúc và giao tiếp của trẻ với cha mẹ, người chăm sóc có nghĩa rất lớn giúp cho đồng cảm và sự phát triển đồng cảm ở trẻ với người khác. Tác giả cũng chỉ ra mối quan hệ đồng cảm giữa cha mẹ và trẻ: phần lớn cha mẹ có sự đồng cảm cao thì con cũng có tính đồng cảm cao, đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi tính đồng cảm của mẹ nhiều hơn cha. Đặc biệt, tác giả còn chỉ ra trẻ có cha mẹ càng lớn tuổi thì có tính đồng cảm cao hơn những trẻ có cha mẹ còn ít tuổi. Từ đó, tác giả khẳng định người lớn trong gia đình có vai trò rất lớn trong việc GDĐC cho trẻ nhỏ.
Chantal D. Hayes (2015) [9; tr 297] trong nghiên cứu của mình đã khẳng định: đồng cảm là kĩ năng rất cần thiết mà trẻ em cần phải học trong quá trình phát triển toàn diện, góp phần vào sự thành công trong tương lai của trẻ. Để GDĐC cho trẻ, cha mẹ cần dạy dỗ và uốn nắn trẻ thường xuyên. Tác giả đưa ra 3 hướng dẫn đơn giản để cha mẹ GDĐC cho trẻ trong hoạt động hàng ngày ở gia đình:
– Tạo nền tảng cho sự đồng cảm: bằng cách mỗi ngày trước khi đến trường mẫu giáo nhắc nhở trẻ hãy vui vẻ, yêu thương mọi người, chiều về hỏi trẻ có vui không và làm được việc gì tốt, giúp đỡ được cho ai, có ai giúp đỡ trẻ không…, sau đó khen ngợi hành vi tốt của trẻ và trò chuyện nói về sự biết ơn của trẻ với người đã giúp đỡ trẻ. Đây là một yếu tố ban đầu góp phần quan trọng trong việc GDĐC cho trẻ và được hình, thành củng cố thường xuyên hàng ngày.
– Xác định cảm xúc: Ban đầu có thể khó khăn đối với trẻ nhưng phải tập cho trẻ nêu lên những cảm xúc cụ thể của bản thân và có thể xác định cảm xúc của trẻ ở những người khác. Giúp trẻ đặt tên cho cảm xúc của bản thân. Khi trẻ thấy tức giận, người lớn có thể nói, “Có vẻ như con đang cảm thấy tức giận à. Đôi khi chúng ta đều có tức giận” hay nếu như trẻ lấy đồ chơi của người khác chúng ta có thể nói “Bạn ấy đang buồn và khóc đấy” hay
“Có vẻ như bạn ấy đang buồn khi con lấy đồ chơi của bạn ấy, con có thể làm gì để giúp bạn ấy cảm thấy tốt hơn?”. Có thể sử dụng sách làm cơ hội để yêu cầu trẻ xác định cảm xúc trong các nhân vật của câu truyện.
– Người lớn hãy là tấm gương cho trẻ: Theo tác giả, người lớn là tấm gương GDĐC cho trẻ, vì trẻ luôn theo dõi bạn và học cách cư xử theo hành động, cảm xúc, đồng cảm của người lớn trong cuộc sống hàng ngày.
Đa phần các nhà nghiên cứu về GDĐC cho trẻ mầm non đều cho rằng, GDĐC cho trẻ ngay lứa tuổi mầm non là rất quan trọng góp phần hình thành nhân cách tốt cho trẻ, bên cạnh đó họ cũng đề ra một số phương pháp cho cha mẹ và những người xung quanh trẻ GDĐC cho trẻ tốt hơn.
Ngày nay, với xu thế hội nhập thế giới và trong khu vực, các nhà nghiên cứu tâm lí học – giáo dục học trẻ em Việt nam đã quan tâm nhiều đến xúc cảm tình cảm và giáo dục xúc cảm tình cảm ngay từ nhỏ, trong đó có GDĐC. Mọi công trình nghiên cứu về GDĐC cho trẻ đều bắt đầu lứa tuổi mầm non.
Đinh Thị Kim Thoa (2000) cho rằng “Đồng cảm – một biện pháp quan trọng để giải quyết xung đột ở trẻ mẫu giáo”. Tác giả đề cập một số quan niệm về sự đồng cảm và hiểu biết xã hội; các giai đoạn phát triển đồng cảm của con người; sự đồng cảm và sự nhập vai; đồng cảm và xung đột. Tác giả khẳng định “xung đột xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi trong xã hội và trong cuộc sống tinh thần, là yếu tố không tránh khỏi, đặc biệt là khi con người tham gia vào hoạt động cùng nhau. Trẻ em rất khác nhau trong hứng thú, hiểu biết và thói quen cho nên xung đột rất dễ xảy ra. Tuy nhiên để giải quyết tốt các xung đột chúng ta cần phát triển đồng cảm ở trẻ… Xung đột có thể ít xảy ra hơn nếu trẻ biết chia sẻ những cảm xúc nhu cầu với bạn, biết đặt mình vào vị trí người khác để có thể hiểu tình cảm và suy nghĩ của người khác. Trẻ có khả năng đồng cảm thì nhân cách càng năng động” [10; tr 25]. Vì vậy, tác giả cho rằng, việc giúp các cô giáo mầm non hiểu biết vai trò của xung đột, khả năng đồng cảm và mối quan hệ giữa chúng là rất cần thiết trong việc giáo dục trẻ ở trường mầm non hiện nay.
Theo Nguyễn Thụy Anh (2010) [11], đồng cảm là kĩ năng quan trọng không kém những kĩ năng khác mà cha mẹ cần phải dạy cho con của mình. Bởi vì, đồng cảm chính là cái gốc của lòng nhân ái, tính nhân văn của trẻ khi trưởng thành. Đứa trẻ, trước khi trưởng thành ra xã hội rộng lớn, thì trong một bối cảnh nhỏ hơn là gia đình, trẻ phải được học cách quan sát và nhận biết cảm xúc của những người thân, cả cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực. Điều này giúp trẻ có những phản ứng hợp lí, đúng mực với từng trường hợp – đó chính là sự đồng cảm. Tác giả đề cập, khi chúng ta nói “dạy trẻ sự đồng cảm” có lẽ là chưa chính xác, vì sự đồng cảm có mầm mống tự nhiên trong tâm hồn trẻ thơ, là tiềm năng có sẵn của mỗi cá nhân. Người lớn – thầy cô, bố mẹ – chỉ cần khơi gợi để giúp năng lực ấy không bị thui chột, hơn thế nữa, được phát triển đầy đủ và linh hoạt, hài hòa với xã hội mà đứa trẻ đang tồn tại và lớn lên. Ở đây, tác giả nhấn mạnh “linh hoạt” là khả năng đồng cảm của đứa trẻ phải được hướng sao cho đúng chỗ và công bằng – có nghĩa giáo dục trẻ đồng cảm với việc tốt, người tốt và có thái độ ngược lại với người xấu. Có thể lấy ví dụ về những “người xấu”, những nhân vật phản diện trong truyện bố mẹ thường đọc cho trẻ (như người anh trong truyện Cây khế…) khi bị trừng phạt có gợi hay không ở trẻ sự đồng cảm – thương xót?
Khả năng đồng cảm ở trẻ nhỏ có được nhờ những phẩm chất như: tố chất tinh tế, nhạy cảm; khả năng quan sát chi tiết; khả năng tưởng tượng, đặt mình vào vị trí của người khác và bằng tưởng tượng nhận được những trải nghiệm mà người khác có thể phải trải qua; khả năng lưu giữ những cảm nhận có được do trải nghiệm (nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần… mình từng phải chịu đựng hay niềm vui sướng mà mình từng có); khả năng chia sẻ khó khăn với người khác, cùng người khác giải quyết vấn đề; khả năng cảm thấy hạnh phúc khi người khác có niềm vui. Dựa vào những phẩm chất này, tác giả đưa ra 5 biện pháp để GDĐC cho trẻ ngay từ lúc trẻ chưa biết nói như sau: Các cách khơi gợi và trau dồi lòng đồng cảm với người, vật xung quanh ở trẻ mẫu giáo; Bài tập quan sát; Dạy trẻ cách thể hiện sự đồng cảm qua hành động; Luôn tìm hiểu cảm nhận của trẻ sau hành vi chia sẻ với người khác cảm xúc và các vấn đề của họ và hãy hướng cho trẻ có được lòng trắc ẩn không vụ lợi; Dùng văn học đánh thức và trau dồi sự đồng cảm.
Như vậy, đa phần các quan điểm về GDĐC cho trẻ em mầm non đều nhấn mạnh rằng, đồng cảm là khả năng sẵn có trong mỗi trẻ và khả năng này cần được bồi dưỡng, rèn luyện trẻ để giúp trẻ biết cảm nhận và chia sẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống, góp phần phát triển cách toàn diện về nhân cách cho trẻ.
3. Kết luận
Đồng cảm là đặt mình vào vị trí của người khác để thực sự hiểu người đó đang nghĩ gì và trải qua điều gì đó. Đồng cảm xuất hiện sớm từ tuổi sơ sinh; trẻ em bẩm sinh có thể kết nối tình cảm với người khác và trong quá trình phát triển, trẻ có khả năng học tập, lĩnh hội kinh nghiệm và sự giáo dục của người lớn. Vì vậy, cần có biện pháp giáo dục trẻ ngay từ sơ sinh và các giai đoạn phát triển tiếp theo. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, trong GDĐC, vai trò của người lớn rất quan trọng; tình cảm, sự quan tâm chăm sóc, lời nói, tấm gương của những người ông bà, cha mẹ và các cô giáo lứa tuổi mầm non giúp trẻ cảm nhận, thấu hiểu đồng cảm và có sự đồng cảm cao đối với người khác ngay từ tuổi thơ. GDĐC góp phần quan trọng hình thành và phát triển toàn diện về nhân cách của trẻ; nhà giáo dục, phụ huynh, mọi người xung quanh trẻ cần hiểu trẻ và có phương pháp GDĐC cho trẻ phù hợp ngay từ lứa tuổi mầm non.
Chú thích:
[1] David Depew (2015). Empathy, Psychology, and Aesthetics: Reflections on a Repair Concept; An Interdisciplinary Journal of Rhetorical Analysis and Invention, University of Iowa, Vol. 4, DOI: 10.13008/2151-2957.1033, pp. 99-107.
[2] Zahn-Waxler, C., & Radke-Yarrow, M (1990). The origin of empathic concern. Motivation and Emotion, Vol. 14, No. 2, pp.107-130.
[3] Vĩnh Lộc (Chủ biên) – Bắc Đoan – Ngọc Hạnh – Quỳnh Tâm (2000). Từ điển tiếng Việt. NXB Thanh niên.
[4] Hoffman, M.L. (1976). Empathy, roletaking, guilt and the development of altruistic motives. In T. Lickona (Ed.). Moral development and behavior (pp.124-143). New York: Holt, Rinehart & Winston.
[5] Bischof-Köhler, D. (1989). Spiegelbild und Empathie. Die Anfänge der sozialen Kognition.Bern: Huber.
[6] Wispé, L. (1987). History of the concept of empathy. In N. Eisenberg & J. Strayer (Eds.), Empathy and its development (pp. 17-37). Cambridge: Cambridge University Press,
[7] Sarah Ann Stone (2015) A Path to Empathy: Child and Family Communication, Dissertations – Brigham Young University – Provo.
[8] Erin Browne (2010). The Relationship between Empathy in Children and their Parents. A Senior Project submitted in partial fulfillment of the requirements for the Bachelor of Science Degree in Child Development, California Polytechnic State University.
[9] Chantal D. Hayes (2015). The Importance of Teaching Children Empathy. An Interdisciplinary Journal of Rhetorical Analysis and Invention, University of Iowa, Vol. 53, No. 3, pp. 285-306.
[10] Đinh Thị Kim Thoa (2000). Đồng cảm – một biện pháp quan trọng để giải quyết xung đột ở trẻ mẫu giáo. Tạp chí Nghiên cứu giáo dục, số 9, tr 24-25.
[11] Nguyễn Thụy Anh (2010). Giáo dục đồng cảm cho trẻ mầm non. Tạp chí Mẹ và Bé, số 1, tháng 7, tr 15-17.
[12] Carol Anne Wien (2006). Developmentally Appropriate Practice in “Real Life”. Education, York University, Toronto, Canada.
[13] Published in Slovakia as: Zákulisie a pôvod empatie.Yehuda TagarVitalita magazine, Bratislava Slovakia. Yehuda Tagar, April 2014, pp. 54‐55.
(Nguồn tài liệu tham khảo: Nguyễn Thị Minh Trang, Một số quan điểm về giáo dục đồng cảm cho trẻ mầm non, Trường Đại học Bạc Liêu, 2019)