Chất thải nhựa là gì?

by Ngo Thinh
94 views

1. Chất thải nhựa là gì?

Chất thải nhựa là nhựa và các vật dụng bằng nhựa được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác. Chất thải nhựa có thể được phân loại dựa vào các tiêu chí khác nhau, như:

– Nhựa cứng và nhựa dạng màng, nếu có đủ thông tin từ việc phân loại này (tuy nhiên không phải là trường hợp phổ biến)

– Các dạng polyme được sử dụng (PET, PP, PE, PS, v.v..)

– Các dạng khác như đồ chứa, bao bì, v.., gồm:

  • Chai/bình PET
  • Chai/bình HDPE
  • Chai/bình nhựa hỗn hợp
  • Túi đựng chất thải
  • Túi đựng hàng hóa
  • Bao bì công nghiệp và thương mại (không ở dạng túi)
  • Các sản phẩm dạng màng
  • Các loại màng khác
  • Các vật dụng bằng nhựa có tuổi thọ cao (bền)
  • Các loại nhựa còn lại/nhựa composit

Việc phân loại chất thải nhựa chủ yếu dựa trên hệ thống polyme được sử dụng trong quá trình sản xuất vì mỗi loại công nghệ chỉ thích hợp đối với một loại nhựa và do đó thông tin này rất cần cho việc đánh giá công nghệ.

Nhận diện đặc điểm của chất thải nhựa

Những người có kinh nghiệm và kỹ năng tốt đôi khi có thể nhận diện các loại nhựa bằng quan sát trực tiếp, cảm nhận và xem xét cấu trúc. Tuy nhiên, do biểu hiện bề ngoài hoặc một số tính chất tương tự của một số loại nhựa nên trong nhiều trường hợp rất khó để xác định ngay các loại khác nhau. Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm chắc chắn sẽ giúp xác định các đặc điểm của nhựa, tuy nhiên công việc này có thể rất tốn kém.

Phương pháp nhận diện có thể gồm các phương pháp sau:

  • Theo mã nhận diện nhựa (Plastic Identification Code) – chỉ phù hợp khi mã này được sử dụng ở các khu vực có hoạt động đặc trưng hóa chất thải nhựa.
  • Theo tính chất của nguyên liệu – việc nhận diện được thực hiện trước đối với các loại nhựa chính trong chất thải đô thị theo tính chất và các ứng dụng của sản phẩm.
  • Tùy theo người thu gom chất thải tại các bãi chất thải – họ là chuyên gia trong việc nhận diện chất thải nhựa bởi mỗi loại nhựa có một giá trị kinh tế nhất định trên thị trường.
  • Thu hồi trả về nhà sản xuất – việc nhận diện được thực hiện trước đối với các loại vật liệu nhựa chính trong chất thải đô thị bằng cách liên lạc với các nhà sản xuất. Phương pháp này mất nhiều thời gian và kết quả không khả quan bởi rất khó có thể nhận diện và phân loại tất cả các loại nhựa.

2. Nguồn gốc phát sinh chất thải nhựa

a. Chất thải đô thị

Tùy thuộc vào địa giới hành chính, chất thải đô thị có thể bao gồm chất thải từ khu dân cư và thương mại hoặc cũng có thể bao gồm chất thải nông nghiệp đô thị hoặc chất thải công nghiệp từ căng tin/nhà hàng, nhà ở và văn phòng trong các khu công nghiệp (chất thải không nguy hại). Do đó, thuật ngữ “chất thải đô thị” được đưa ra trên cơ sở các quy định và thực tiễn hiện nay tại các vùng địa lý cụ thể.

Thông thường ở hầu hết các nước đang phát triển, chính quyền thành phố chịu trách nhiệm thu gom và xử lý chất thải đô thị và chất thải từ khu dân cư, trong khi các ngành khác (thương mại, công nghiệp và nông nghiệp) tự thu xếp vận chuyển chất thải của mình đến các cơ sở xử lý của thành phố (bãi chôn lấp và nhà máy đốt chất thải) nếu chất thải này được phép xử lý tại các cơ sở đó và họ sẽ phải trả một mức phí phù hợp.

b. Chất thải từ khu dân

Chất thải từ khu dân cư phát sinh từ các hộ gia đình, các chung cư đơn lẻ hay tổ hợp các chung cư và gồm nhiều loại chất thải khác nhau, trong đó có chất thải nhựa.

Thông thường, chính quyền thành phố chịu trách nhiệm thu gom và vận chuyển chất thải từ các khu dân cư và đây được xem là chất thải đô thị. Tuy nhiên ở một số nước, việc thu gom và vận chuyển chất thải từ các chung cư có thể là trách nhiệm của người dân. Ở một số nước có các quy định về phân loại chất thải tại nguồn đối với chất thải có thể tái chế, trong khi một số nước khác lại không có bất kỳ quy định nào về tái chế. Thông tin về các quy định hoặc thông tin về chất thải có ý nghĩa rất quan trọng để ước tính số lượng và chất lượng của chất thải nhựa, từ đó đưa ra quyết định về việc thiết kế và xây dựng các cơ sở tái chế.

c. Chất thải thương mại

Ở nhiều nơi, chất thải nhựa là một phần của chất thải thương mại không nguy hại được sinh ra từ các công trình thương mại (trung tâm mua sắm, chợ, văn phòng, v.v..) và được coi là chất thải đô thị. Chính quyền địa phương hoặc chính quyền thành phố sẽ thu gom loại chất thải này. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chủ các công trình thương mại hợp đồng với tư nhân để thu gom chất thải. Dù bằng cách nào đi nữa thì các doanh nghiệp có thể tách riêng các chất thải nhựa và bán chúng cho các công ty tái chế. Thông tin này sẽ hữu ích để ước tính tổng khối lượng và chất lượng của chất thải nhựa và phương pháp xử lý cuối cùng.

d. Chất thải công nghiệp

Chất thải công nghiệp có thể nguy hại và không nguy hại. Thông thường, chất thải công nghiệp không được coi là chất thải đô thị; tuy nhiên, ở một số nơi, các thành phần không nguy hại (trong đó có chất thải nhựa) được xử lý tại các cơ sở xử lý của thành phố. Trong trường hợp này, các ngành công nghiệp tự vận chuyển chất thải đến các cơ sở xử lý và trả phí xử lý chất thải. Một số hoặc toàn bộ chất thải nhựa phát sinh từ các ngành công nghiệp có thể được bán trực tiếp cho các nhà tái chế. Thông tin này có thể hữu ích cho việc triển khai hoạt động tái chế của thành phố.

e. Chất thải xây dựng

Ở các nước phát triển, chất thải xây dựng có thể không chứa nhiều chất thải nhựa. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải này (tái chế hay xử lý tại bãi chôn lấp) tùy thuộc vào các địa phương và cần khuyến khích tách chất thải nhựa khỏi dòng thải này. Ngoài ra cũng nên tách PVC ra khỏi các loại nhựa khác và xem đó như là một dòng thải riêng.

f. Chất thải điện tử

Chất thải điện tử và chất thải từ các thiết bị điện là một trong những loại chất thải tăng nhanh nhất trên thế giới. Ở các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ, lượng chất thải bình quân đầu người hàng năm là gần 1 kg và mức này đang tăng theo cấp số nhân. Thành phần chất thải điện tử rất đa dạng và khác nhau với các chủng loại khác nhau. Chất thải điện tử gồm hơn 1.000 chất khác nhau, thuộc nhóm chất thải “nguy hại” và “không nguy hại”. Nói chung, loại chất thải này gồm kim loại màu (50%), sắt (13%), nhựa (21%) và các thành phần khác như thủy tinh, gỗ, ván ép, bê tông và gốm sứ, cao su, v.v.. Thông thường, hầu hết các thành phần nhựa trong chất thải điện tử được tháo dỡ và bán cho các nhà tái chế. Những thông tin này rất quan trọng để đánh giá khối lượng và chất lượng của chất thải nhựa của một thành phố.

(Lytuong.net – Nguồn tham khảo: vista.gov.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]