Câu chuyện một kiếm sĩ – Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học
1. Nội dung
(Trích từ Góp Nhặt Cát Đá, thiền sư MUJU, bản dịch Đỗ Đình Đồng)
“Matajuro Yagyu là con trai của kiếm sĩ Nhật lừng danh. Cha anh cho rằng tài nghệ của con ông quá tầm thường khó mong chức phận làm thầy, nên ông đã từ chối, không dạy anh.
Vì thế Matajuro đến núi Futara và tìm được một kiếm sĩ lừng danh khác ở đó là Banzo. Banzo lại xác định lời nhận xét của cha anh, Banzo nói:
“Anh muốn ta dạy anh kiếm thuật phải không? Anh không đủ điều kiện để học kiếm đâu.” Matajuro một mực hỏi tiếp:
“Nhưng nếu con luyện tập chuyên cần thì con phải mất bao nhiêu năm để trở thành một kiếm sư?”
Banzo đáp: “Cả quảng đời còn lại của anh?”
Matajuro giải thích:
“Con không thể chờ lâu đến thế. Con sẽ vượt qua bất cứ khó nhọc nào, nếu thầy dạy con. Nếu con làm một người hiến mình giúp việc cho thầy thì con phải mất bao lâu?”
Banzo hơi dễ dãi: “ Ồ, có lẽ mười năm.” Matajuro hỏi tiếp:
“Cha con đã già rồi và con phải sớm săn sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa thì phải mất bao lâu”
Banzo đáp “ Ồ, có lẽ ba mươi năm.” Matajuro hỏi:
“ Sao thế? Trước thầy bảo mười năm bây giờ ba mươi năm. Con sẽ vượt qua bất cứ cực nhọc nào để nắm vững kiếm thuật trong một thời gian nhắn nhất.”
Banzo đáp:
“ Được, với điều kiện anh phải ở lại đây với ta bảy năm. Một người quá nóng nảy muốn đạt kết quả như anh, ít khi học nhanh được.”
Sau cùng, Matajuro hiểu rằng mình đang bị trách mắng vì không có tánh kiên nhẫn. Anh ta kêu lên:
“ Hay lắm. Con đồng ý.”
Matajuro không bao giờ nghe nói một lời nào về kiếm thuật và cũng không bao giờ đụng tới thanh kiếm. Matajuro nấu ăn cho thầy, rửa chén bát, dọn giường ngủ, quét sân quét nhà, săn sóc vườn, nhất nhất không nói một lời nào về kiếm thuật.
Ba năm trôi qua, Matajuro vẫn làm việc. Nghĩ đến tương lai, anh ta buồn. Matajuro vẫn chưa bắt đầu học thứ nghệ thuật mà anh ta đã hiến mình cho nó.
Nhưng một hôm Banzo bò đến sau lưng Matajuro và tặng cho anh ta một đường kiếm rợn tóc gáy bằng một thanh kiếm gỗ.
Ngày hôm sau, lúc Matajuro đang nấu cơm, thình lình Banzo nhảy bay qua người anh ta. Sau đó, ngày đêm Matajuro phải phòng vệ những cú đánh bất ngờ như thế. Bất cứ ngày nào, không một phút nào Matajuro không suy nghĩ đến ý vị của lưỡi kiếm Banzo.
Matajuro học rất nhanh. Anh mang lại cho thầy những nụ cười vui vẻ. Matajuro trở thành một kiếm sĩ vĩ đại nhất nước.
2. Phân tích
Câu chuyện trên cho ta nhiều ý nghĩa hay liên quan đến việc tu tập thiền định. Điều thú vị trước hết chính là vị thầy buộc Matajuro bỏ đi tham vọng trở thành một kiếm sĩ lừng danh bằng cách không cho chàng nghĩ đến kiếm hay đụng tới thanh kiếm. Suốt ba năm làm những việc bình thường khiến cho chàng nguội lạnh dần dù thỉnh thoảng cảm thấy buồn tủi.
Thế rồi ông thầy Banzo mới sử dụng tuyệt chiêu để tạo thành tâm kiếm cho Matajuro bằng cách hay bất ngờ tấn công lén chàng. Điều này khiến chàng phải lo sợ cảnh giác thường xuyên. Chính tình trạng lo sợ cảnh giác thường xuyên đó được kéo dài lâu ngày và liên tục đến một mức tột đỉnh thì biến thành xuất thần nhập hóa. Matajuro không còn học kiếm với nội tâm bình thường như mọi kiếm sinh khác, mà học với nội tâm sáng suốt nhậy bén tĩnh lặng cao độ.
Người học Thiền cũng tương tự như vậy, cũng phải có ba tâm trạng: lo sợ, cảnh giác, thường xuyên thì mới có thể thành tựu thiền định xuất sắc được.
a. Tâm trạng lo lắng
Có nhiều điều lo lắng khiến tâm ta bất an, đau khổ chẳng hạn như lo sợ người khác hơn mình, lo sợ ngày mai tài sản tiêu tan, lo sợ không có ai thương mình… Những điều lo lắng đó xuất phát từ ích kỷ nên đưa đến đau khổ đồng thời củng cố thêm Bản ngã.
Ngược lại, có những điều lo lắng làm tâm ta trở nên cao thượng và mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như lo cho vận mệnh đất nước, cho nhân loại, cho Phật Pháp. Ai thiếu những điều lo lắng như vậy trong tâm là người thiếu đạo đức.
Có một điều lo lắng rất cần thiết đối với người tu hành, đó là lo sợ phạm lỗi. Người biết lo sợ lỗi lầm, trước hết, là người tốt. Kẻ xấu không bận tâm vì điều này. Kế nữa, đó cũng là người có đạo đức khiêm hạ (xin xem Tâm Lý Đạo Đức 4) vì luôn nghĩ rằng mình có thể phạm lỗi bất cứ lúc nào. Người kiêu mạn thì cứ nghĩ rằng mình không hề sai lầm.
Người chủ quan cho mình không thể phạm sai lầm sẽ là người phạm sai lầm liên tục. Ngược lại, người lúc nào cũng nơm nớp lo sợ lỗi lầm sẽ tránh được rất nhiều lỗi lầm. Những lỗi lầm mà ta phải lo sợ bị chém vào tâm hồn, vào cuộc đời mình đó là: ghét người, nóng giận, tự ái, hơn thua, kiêu mạn, ích kỷ, tham lam, sa đọa, hiểu lầm người… những lỗi lầm này rất dễ xuất hiện trong suốt cuộc đời mình và tạo nên tội lỗi nghiệp chướng. Những lỗi lầm này cũng không phải luôn luôn được phát hiện vì chúng cũng rất vi tế. Hiểu được như vậy nên người tu phải biết lo sợ thường xuyên. Sự lo lắng này là dấu hiệu của trí tuệ và đạo đức.
Song song với lo sợ lỗi lầm, người tu thiền còn một điều lo lắng khẩn trương hơn, đó là lo sợ vọng tưởng tấn công bất ngờ mà ta không biết để trừ diệt. Banzo đã tạo cho Matajuro tâm trạng lo sợ cực kỳ khẩn thiết này để khiến cho Matajuro trở nên xuất thần nhập hóa. Người tu Thiền chúng ta bị thiệt thòi hơn vì không ai giúp ta có được sự lo sợ khẩn thiết như thế, vì vọng tưởng là cái ở bên trong tâm của ta, không đến từ bên ngoài. Nếu ta có được sự lo lắng khẩn thiết giống như Matajuro thì có lẽ ta có thêm nhiều Thiền giả xuất sắc trong Phật Pháp.
b. Tâm trạng cảnh giác
Từ tâm trạng lo lắng, ta sẽ xuất hiện tâm cảnh giác. Đó là trạng thái canh chừng xem xét kỹ lưỡng để nhanh chóng phát hiện lỗi lầm hay vọng tưởng có mặt hay không nhằm trừ diệt kịp thời. Matajuro đã phải luôn luôn canh chừng đường gươm đáng sợ của Banzo không biết đến từ phía nào vì Banzo luôn luôn chịu cực núp lén và ra chiêu nhanh như chớp. Tuy Banzo không chủ tâm đả thương học trò, nhưng những đường gươm bay sát đầu sát cổ của ông cũng khiến Matajuro hết hồn lo sợ và phải luôn luôn canh chừng chung quanh vì có khi Banzo tấn công từ một bụi cây, có khi từ đống rơm, từ khúc quanh, từ dưới gầm cầu, trên mái nhà, từ sau lưng, hay bất ngờ ở trước mặt. Khi tình trạng cảnh giác đạt đến cao độ và trùm khắp, Matajuro dần dần thành tựu linh giác biết rõ mọi điều chung quanh dù ở sau lưng hoặc trong bóng tối. Lâu ngày Matajuro biết luôn cả ý định đối phương trước khi họ kịp ra đòn. Khi đã biết quá rõ đối thủ thì phần còn lại là trả đòn thích đáng chỉ là chuyện dễ dàng.
Người tu thiền cũng vậy, phải canh chừng vì không biết vọng tưởng sẽ xuất hiện lúc nào, mang theo vấn đề gì khiến tâm ta bị cuốn hút chạy theo. Có khi đó là chuyện của quá khứ; có khi đó là niềm mơ ước tương lai; có khi đó là những suy nghĩ vụn vặt, chuyện buồn thương giận ghét… Có khi đó là những lỗi lầm về đạo đức rất nguy hiểm như hận thù ganh tị…
Nếu sự cảnh giác đạt đến mức độ sâu sắc tinh vi thấu suốt thì ta có thể đạt đến sự khai ngộ bất ngờ làm thay đổi cả trạng thái tâm thức.
c. Thường xuyên
Tuy nhiên, chỉ khi nào sự lo sợ và cảnh giác được kéo dài liên tục nhiều ngày tháng thì linh giác mới xuất hiện. Banzo đã khiến cho Matajuro phải cảnh giác cao độ cả ngày và cả đêm. Có lẽ khi ngủ thiếp, Matajuro cũng vẫn bị ám ảnh bởi đường kiếm của thầy. Người tu thiền cũng vậy, sự cảnh giác cần phải được duy trì miên mật không lơi lỏng thì sự khai ngộ mới có hy vọng. Matajuro có duyên may được một vị thầy tận tâm và thiện xảo. Còn người tu chúng ta phải làm thầy chính mình bằng cách cố gắng duy trì sự lo lắng về lỗi lầm và sự cảnh giác về vọng tưởng một cách tinh tấn không gián đoạn cả ngày và cả khi ngủ. Ban đầu, Matajuro được cha mình, cũng là một kiếm sư, cho rằng không có căn cơ học kiếm đạo. Nhưng qua phương pháp phi thường của Banzo, Matajuro thành tựu tâm kiếm siêu nhiên và trở thành cao thủ đệ nhất. Cũng vậy, nếu một người có thể thường xuyên lo sợ lỗi lầm và cảnh giác vọng tưởng thì người đó vẫn có thể trở thành cao tăng chân chính. Công đức này xuất phát từ nguồn gốc đạo đức khiêm hạ và sự chuyên cần đầy thiện chí. Đạo đức khiêm hạ và sự chuyên
cần có thể đưa một người căn cơ tầm thường trở thành căn cơ xuất sắc. Riêng đạo đức khiêm hạ bao trùm một phạm vi rất rộng lớn từ công phu lễ Phật siêng năng, tôn trọng mọi người đến ngăn ngừa kiêu mạn.
Câu chuyện của Matajuro và vị thầy Banzo cho chúng ta hiểu biết thêm về kiếm đạo Nhật bản vượt hẳn kiếm thuật bình thường.
Câu hỏi: Hãy nhận xét về sự cảnh giác của chính mình, có sâu sắc và kéo dài hay không?