Sinh học nghiên cứu vô số các dạng sinh vật trên nhiều khía cạnh khác nhau như cấu trúc, chức năng, sự phát triển cá thể, sự tiến hoá và mối quan hệ với môi trường… và ở các mức độ tổ chức khác nhau như mức phân tử, tế bào, cơ thể, loài và trên loài… Nó là một khoa học rất rộng lớn nên khó có nhà khoa học nào biết được đầy đủ mọi khía cạnh của nó, phần lớn các nhà sinh học là chuyên gia của một lĩnh vực nào đó được gọi là bộ môn của sinh học. Mỗi bộ môn chuyên sâu ở những lĩnh vực nhất định và chúng không ít chỗ trùng lặp.
Sau đây là một số bộ môn chủ yếu
- Thực vật học (Botany): nghiên cứu thế giới thực vật.
- Động vật học (Zoology): nghiên cứu thế giới động vật.
- Hệ thống học (Systematics): sắp xếp hệ thống các dạng sinh vật trong mối quan hệ họ hàng.
- Sinh lý học (Physiology): nghiên cứu các hoạt động chức năng của cơ thể.
- Sinh học phát triển (Developmental biology): nghiên cứu sự phát triển cá thể từ phôi đến trưởng thành.
- Tế bào học (Cytology): nghiên cứu cấu tạo, thành phần và chức năng của tế bào.
- Mô học (Histology): nghiên cứu các mô
- Giải phẫu học (Anatomy): nghiên cứu cấu trúc bên trong cơ thể.
- Di truyền học ( Genetics): nghiên cứu tính di truyền và biến dị
- Sinh hóa học (Biochemistry): nghiên cứu các quá trình sinh hoá
- Lý sinh học (Biophysics): nghiên cứu các quá trình vật lý trong cơ thể sống
- Sinh thái học ( Ecology ): nghiên cứu quan hệ giữa sinh vật và môi trường
- Vi sinh học (Microbiology)nghiên cứu thế giới vi sinh vật
Mỗi môn học lại có thể chia nhỏ ra. Ví dụ động vật học có thể nghiên cứu động vật có xương và động vật không xương. Động vật có xương có thể chia ra như ngư học (nghiên cứu về cá) hay điểu học (nghiên cứu về chim)…
Do sự phát triển mạnh của sinh học nhiều lĩnh vực mới được hình thành như sinh học phân tử (molecular biology), enzyme học (enzymeology)…
Vậy “sinh học là một tổ hợp các môn khoa học nghiên cứu từ những khía cạnh khác nhau ở những mức độ khác nhau toàn bộ tính đa dạng của sự sống”.