Trang chủ Logic học Bác bỏ là gì? Các phương pháp bác bỏ một mệnh đề

Bác bỏ là gì? Các phương pháp bác bỏ một mệnh đề

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 898 views

1. Định nghĩa bác bỏ

Bác bỏ là một thao tác được sử dụng thường xuyên trong khoa học và trong tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Chúng ta phải bác bỏ những lý thuyết hay mệnh đề khoa học sai lầm hoặc thiếu cơ sở. Chúng ta thường phải bác bỏ những lời bịa đặt của những kẻ có dụng ý xấu, những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc sự thật. Chúng ta phải bác bỏ những chính sách sai lầm, hoặc những quyết định phiêu lưu, thiếu cơ sở, …

Bác bỏ một mệnh đề là dựa trên những tri thức đã biết, những chứng cứ đã được kiểm tra để chứng tỏ rằng mệnh đề đó là sai lầm, hoặc chỉ ra rằng mệnh đề đó không có cơ sở.

Khái quát hơn, chúng ta có thể nói đến việc bác bỏ một tư tưởng. Nghĩa là bác bỏ một học thuyết, một giả thuyết, một quan điểm, một chính sách, một lập luận,… Bác bỏ giả thuyết, học thuyết, v.v., về bản chất hoàn toàn không khác bác bỏ một mệnh đề, vì một học thuyết, chẳng hạn, có thể coi là một mệnh đề, được tạo thành bằng cách hội tất cả các câu của học thuyết đó.

Trường hợp bác bỏ một chính sách có khác biệt một chút. Người ta thường cho một chính sách là đúng nếu nó phục vụ lợi ích của cộng đồng có chính sách đó. Như vậy các từ đúng sai ở đây khác với các từ đúng sai khi dùng với mệnh đề. Người ta thường bác bỏ một chính sách bằng cách chỉ ra rằng nó không mang lại lợi ích mà nó dự tính. Ta có thể quy việc bác bỏ chính sách này về trường hợp bác bỏ mệnh đề bằng cách sau đây. Coi chính sách là mệnh đề A, lợi ích mà nó nhắm tới được biểu đạt bằng mệnh đề B. Khi đó bác bỏ chính sách A tương đương với bác bỏ mệnh đề A ⊃ B. Chính vì thế sau này chúng ta nói như nhau về bác bỏ mệnh đề hay bác bỏ học thuyết, hay bác bỏ những thứ khác tương tự như vậy.

2. Một số ví dụ

Ví dụ 1. Một số phòng khám Trung Y ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định rằng họ có thể chữa được cả các chứng bệnh nan y như ung thư. Khẳng định đó của họ bị bác bỏ bởi thực tế là họ không hề chữa được chứng bệnh nói trên.

Ví dụ 2. Nhà toán học Euler bác bỏ mệnh đề “có số nguyên tố lớn nhất” như sau. Nếu có số nguyên tố lớn nhất thì ta có thể ký hiệu các số nguyên tố từ bé đến lớn lần lượt là p1, p2, p3, …, pn, với pn là số nguyên tố lớn nhất. Khi đó p1 x p2 x p3 x … x pn + 1 cũng là một số nguyên tố, vì nó không chia hết cho bất cứ số nguyên tố nào nhỏ hơn nó. Trong khi đó nó lớn hơn pn vốn là số nguyên tố lớn nhất ! Nghịch lý. Vậy không có số nguyên tố lớn nhất.

Ví dụ 3. Một vụ giết người xảy ra. Cảnh sát xác định được rằng kẻ giết người hành động một mình. Một người bị tình nghi sau đó đã bị tòa án tuyên phạm tội giết người trong vụ án đã nêu trên và bị tống giam. Sau đó một thời gian, nhờ một sự tình cờ người ta tìm được kẻ giết người thật sự trong vụ án đã nêu trên. Nhờ đó lời buộc tội trước đây bị bác bỏ, bản án đã tuyên bị hủy, người bị giam trước đây được giải oan và được trả tự do.

Ví dụ 4. Để có cớ tiến hành cuộc chiến tranh Iraq, các chính quyền Mỹ và Anh khẳng định rằng chính quyền Saddam Hussein đang phát triển và cất giấu các lọai vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các lực lượng chống chiến tranh trên thế giới đã bác bỏ luận điểm đó của các chính quyền Mỹ và Anh bằng cách chỉ ra rằng những thông tin tình báo mà luận điểm đó dựa vào mâu thuẫn với thực tế thanh tra vũ khí được tiến hành ở Iraq, và vì thế sai, không đáng tin cậy.

Ví dụ 5. “Việc ông Đuyrinh coi phép biện chứng chỉ như một công cụ dùng để chứng minh, giống như khi nhận thức một cách nông cạn thì người ta có thể coi logic hình thức và toán học sơ cấp là một công cụ như thế, – đã chứng tỏ rằng ông Đuyrinh hoàn toàn không hiểu gì bản chất của phép biện chứng cả. Ngay logic hình thức, trước hết , cũng là một phương pháp để tìm ra những kết quả mới, để tiến từ cái biết đến cái chưa biết; thì phép biện chứng cũng vậy, nhưng với một ý nghĩa còn cao hơn nhiều, vì phép biện chứng phá vỡ cái chân trời nhỏ hẹp của logic hình thức, đồng thời lại chứa đựng mầm mống của một thế giới quan rộng lớn hơn. Trong toán học cũng có một mối quan hệ như vậy. Toán học sơ cấp, tức là toán học về những con số không đổi, tự vận động, ít ra là về toàn bộ, trong những giới hạn của logic hình thức; còn toán học về các số biến, mà phần quan trọng nhất là tính những đại lượng vô cùng bé, thì căn bản chỉ là áp dụng phép biện chứng vào các quan hệ toán học mà thôi. Ở đây, so với những áp dụng muôn vẻ của phương pháp ấy vào những lĩnh vực nghiên cứu mới, thì sự chứng minh giản đơn nhất định phải đứng vào hàng thứ yếu. Nhưng hầu hết những chứng minh của toán học cao cấp, bắt đầu từ những chứng minh đầu tiên của tính vi phân, nói một cách chặt chẽ thì đều là sai theo quan điểm của toán học sơ cấp. Điều này không thể nào khác thế được nếu muốn dùng logic hình thức để chứng minh những kết quả đạt được trong lĩnh vực biện chứng, như trong trường hợp ở đây chẳng hạn. Muốn chỉ dùng phép biện chứng để chứng minh bất cứ một cái gì, đối với một kẻ siêu hình thô lỗ như ông Đuyrinh thì thật là uổng công, cũng như Leibniz và các môn đồ của ông đã uổng công khi muốn chứng minh cho các nhà toán học đương thời về các nguyên tắc của phép tính các đại lượng vô cùng bé. Số vi phân đã làm cho những nhà toán học này lên cơn co giật cũng như ông Đuyrinh lên cơn co giật vì sự phủ định cái phủ định. Vả lại, trong sự phủ định cái phủ định này số vi phân cũng có vai trò của nó như chúng ta sẽ thấy. Các ngài đó, nếu lúc bấy giờ mà chưa qua đời, thì kết cục cũng phải cằn nhằn mà nhượng bộ không phải vì người ta đã thuyết phục được họ, mà là vì những kết quả thu được bao giờ cũng đúng. Ông Đuyrinh hiện nay mới vào khoảng tứ tuần, như chính ông nói, và nếu ông ta sống lâu – chúng ta chúc ông ta được như vậy – thì có thể là ông cũng sẽ gặp cảnh ngộ ấy”.

3. Các phương pháp bác bỏ một mệnh đề

a. Bác bỏ bằng cách chứng minh rằng mệnh đề sai

Có thể chứng minh rằng mệnh đề A sai bằng nhiều cách. Cách thứ nhất là chỉ ra rằng mệnh đề đó trái với thực tế. Ví dụ 1 trên đây là một phép bác bỏ như vậy. Đây là cách bác bỏ trọn vẹn nhất. Sở dĩ như vậy là vì, một mặt, theo định nghĩa thì một mệnh đề là đúng khi và chỉ khi nó phù hợp với thực tế, mặt khác, cách bác bỏ này loại bỏ mọi khả năng “cứu vớt” mệnh đề bị bác bỏ. Cách thứ hai, chứng minh rằng mệnh đề ¬A đúng. Ăngghen, ở ví dụ 5, đã bác bỏ quan điểm của Đuyrinh một phần bằng cách chứng minh luận điểm ngược lại – tức là phép biện chứng còn dùng để phát hiện cái mới – với luận điểm của Đuyrinh. Xét chặt chẽ thì cách thứ hai

này chỉ có thể sử dụng trong các lý thuyết, hoặc khái quát hơn là trong các lĩnh vực sử dụng logic hai giá trị. Nếu lĩnh vực nào đó không sử dụng logic hai giá trị, mà sử dụng logic nhiều giá trị hơn thì phương pháp này không dùng được. Cách thứ ba, chứng minh rằng trong số các mệnh đề A, B, C, … chỉ có một mệnh đề đúng, và mệnh đề đúng là B (hoặc C, D, v.v. … ). Đây chính là cách bác bỏ được ứng dụng trong ví dụ 3. Cách này là một ứng dụng cụ thể của tam đoạn luận lựa chọn (nghiêm ngặt). Cách thứ tư, chứng minh rằng từ A có thể rút ra hệ quả B, nhưng hệ quả B sai (một trường hợp riêng của cách này là chứng minh rằng A và C tương đương với nhau, nhưng C sai). Ví dụ 4 trên đây là một phép bác bỏ như vậy. Trong phép bác bỏ đó Euler đã chỉ ra rằng mệnh đề cần bác bỏ dẫn đến một nghịch lý, tức là dẫn đến một hệ quả sai lầm. Việc bác bỏ thuyết tự sinh trong sinh vật học mà nhà sinh học vĩ đại người Pháp Pasteur thực hiện cũng theo cách này.

Ví dụ 6. Pasteur vô trùng hóa một số lọ đựng thức ăn và thực phẩm nhằm diệt hết các mầm mống của dòi bọ, sinh vật sống trong đó, bịt kín chúng lại và cất chúng trong điều kiện không thuận lợi cho vi khuẩn, vi trùng v.v. phát triển. Sau một thời gian đủ lâu dòi bọ vẫn không xuất hiện trong những mẫu thức ăn và thực phẩm đó. Điều này chứng tỏ hệ quả của học thuyết tự sinh rằng dòi bọ tự sinh ra từ thực phẩm, thức ăn để lâu ngày là sai lầm.

b. Bác bỏ bằng cách chỉ ra rằng lập luận đưa đến (tức là phép chứng minh) mệnh đề đó thiếu cơ sở.

Ở phương pháp này người bác bỏ có thể chỉ ra rằng phép chứng minh mệnh đề đang khảo sát vi phạm các quy tắc chứng minh. Chẳng hạn, chỉ ra rằng các luận cứ dùng trong phép chứng minh đó không đáng tin cậy; hoặc các quy tắc logic đã bị vi phạm khi chứng minh; hoặc từ, khái niệm bị đánh tráo trong quá trình chứng minh, … . Ở ví dụ 5 trên đây Ăngghen đã bác bỏ quan điểm của Đuyrinh bằng cả cách này, ông đã chỉ ra cái sai trong các luận cứ của Đuyrinh (logic hình thức và toán học chỉ dùng để chứng minh). Điều buộc tội bị can ở các tòa án cũng thường được bác bỏ bằng cách này. Trên các phiên tòa, bên bào chữa thường cố gắng chỉ ra sự thiếu tin cậy của các chứng cứ buộc tội. Hoặc chỉ ra sự thiếu những chứng cứ như vậy. Trong ví dụ 4 chúng ta thấy chính quyền Mỹ và Anh đã dựa trên các thông tin tình báo của họ, vốn là những thông tin không đáng tin cậy, để đi đến kết luận là Iraq dưới thời của tổng thống Saddam Husein có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Khi tính không đáng tin cậy của các thông tin tình báo đó được vạch ra cũng là khi luận điểm của các chính quyền Mỹ và Anh đã nêu bị bác bỏ.

Phương pháp bác bỏ nói ở mục (b) này không trọn vẹn, không dứt điểm như cách bác bỏ nói trong mục (a) trên kia. Nói chính xác hơn, cách bác bỏ nói đến trong mục này còn để lại khả năng khẳng định lại luận đề bị bác bỏ, vì nó để lại khả năng tìm thêm, hiệu chỉnh các luận cứ trong phép chứng minh luận đề đó; nó cũng để lại khả năng sửa chữa lại các sai lầm khác trong quá trình chứng minh luận đề đó. Chính vì thế mà ngay cả khi thừa nhận rằng các thông tin tình báo về vũ khí hủy diệt của Iraq là không đáng tin cậy thì các chính quyền Mỹ và Anh vẫn không từ bỏ luận điểm của mình về sự tồn tại của các vũ khí hủy diệt đó. Hoặc, khi một bị can được tòa án xử trắng án vì thiếu chứng cứ buộc tội thì sau đó cơ quan công tố vẫn có thể truy tố trở lại nhờ việc bổ sung các chứng cứ.

(Nguồn tài liệu: Phạm Đình Nghiêm, Nhập môn logic học)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net