Trang chủ Tâm linh Bùa chú là gì? Phân loại bùa chú

Bùa chú là gì? Phân loại bùa chú

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,2K views

Có thể thấy rằng, trong đời sống tâm linh của người Việt Hồn, Vía, Ma, Quỷ, Thần chính là những yếu tố nòng cốt tri phối, tác động vào đời sống của họ, khống chế cuộc sống của họ, là những sức mạnh vô hình mà họ hoàn toàn bị động bởi vậy họ đã tìm đến Bùa chú với mong muốn có thể khống chế, điều khiển những tác động của các thế lực vô hình này tới cuộc sống của họ, bảo vệ họ, mang lại may mắn cho họ. Vậy Bùa chú là gì?

Khái niệm về Bùa chú

Bùa chú hay còn gọi là Phù Chú là hai thứ nhưng lại thường đi đôi với nhau và gắn với nhau, do có nguồn gốc từ Trung Hoa nên theo gốc Hán Việt có nhiều tên gọi được sử dụng để chỉ chung về bùa chú: Phù chú, phù bèn, phù lục, hay linh phù ….

Lật lại cuốn từ điển Hán Việt chúng tôi có Từ Phù ( 符 ) tức là: Lá bùa, đạo bùa. Lê Văn Lân cho rằng: Nghĩa nguyên thủy của chữ Phù ( 符 ) hay Bùa là cái thẻ làm bằng tre, viết chữ vào rồi chẻ ra làm đôi, mỗi người giữ một mảnh, khi so lại với nhau mà khớp thì đúng; thẻ tre này dùng để làm tin. Khi nhà vua ra lệnh cho một tướng soái ra trận giao cho một tấm thẻ thay quyền uy của mình để chỉ huy ba quân thì đó là  Lệnh Phù. Vợ chồng ngày xưa gặp loạn lạc phải tạm xa nhau, thì mỗi người thường giữa nửa mảnh gương hay mảnh ngọc gọi là ngọc phối hay ngọc phù làm tin để chắp lại khi tái ngộ. Hiểu rộng ra, phù là một thứ sứ vụ lệnh, một thứ vật chứng minh hay là một thứ “phù hiệu” tượng trưng của đơn vị. Về sau phù có nghĩa rộng là vật tốt lành, một thứ bùa giữ lấy may, lấy phước hay là những vật “hộ phù” mà tiếng anh gọi là Amulet. Chữ Chú (呪) thì có tới ba nghĩa là:1 -Nguyền rủa; 2-Thần chú; 3-Theo nghĩa Kinh nhà Phật thì chú nghĩa là chúc nguyện. Vũ Hồng Thuật khi nghiên cứu bùa chú cũng cho rằng: Từ “Phù” có nghĩa là lá bùa/đạo bùa còn từ “chú” là niệm chú cho lá bùa trở nên linh thiêng. Cả hai từ này khi truyền sang Việt nam được gọi gộp theo tiếng Việt là bùa chú hay bùa.

Ngoài ra, bùa ngải cũng được coi như một loại phù chú nhưng mức độ và tính thực tiễn cao hơn. Ở Việt Nam, bùa chú được tồn tại dưới nhiều dạng và theo nhiều tông phái khác nhau. Mỗi loại môn phái lại có những loại bùa đặc trưng của riêng mình, nhưng điều thú vị là giữa những môn phái này luôn có sự “vay mượn” các ông thần của nhau. Bên cạnh một ông thần chính tông đóng vai trò là người chủ trì của lá bùa thì xung quanh ông ta vẫn có sự xuất hiện của những vị thần có liên quan hay thậm chí là của những môn phái khác nhau.

Trên thực tế trong cuộc sống, khái niệm bùa chú vô cùng phong phú và đa dạng: Chúng tôi nhận thấy: Bùa chú là một hiện vật tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống tâm linh ra đời cùng với những tín ngưỡng nguyên thủy. Nó là một dạng kĩ thuật mang đậm tính chất ma thuật. Thông qua lá bùa, con người chuyển giao mong muốn của mình đến các thế lực siêu nhiên. Theo đó, bùa chú ẩn chứa trong bản thân nó thiên hướng về niềm tin của con người vào năng lực của bản thân mình đối với việc thay đổi hiện thực theo mong muốn chủ quan.

Bùa chú xuất hiện ở người Việt (Kinh) từ rất sớm, Vũ Hồng Thuật cho rằng “Nó không chỉ là sản phẩm của xã hội dưới thời phong kiến, mà còn được sản sinh ra từ “ma thuật” nguyên thủy, khi con người chưa chế ngự được thiên nhiên, nhưng lại cảm nhận được mối quan hệ giữa thiên nhiên với con người bằng sức mạnh “quyền lực” tôn giáo thông qua nghi lễ[59, tr.403], còn học giả Lê Văn Lân cho rằng “Bùa chú, không phải chuyện mới có mà đã có tự xa xưa, có thể nói tự hồi có xã hội loài người. Bùa chú của người Việt hiện nay rất đa dạng, phong phú từ chất liệu làm bùa, các trường phái bùa, loại hình bùa, cách thức làm bùa và sử dụng bùa.

Phân loại bùa chú

Việc phân loại bùa chú là một vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp và nhiều khi sự phân loại này nó trồng lấn lên nhau, nên người ta thường lẫn lộn với nhau trong nhiều trường hợp không thể phân loại được nó theo một cách thông thường được. Cho đến hiện nay, để phân loại bùa chú người ta thường dựa vào các tiêu chí: Vật liệu tạo ra bùa; các trường phái làm bùa; theo mục đích sử dụng bùa hay nói cách khác là theo chức năng của bùa; theo cách thức sử dụng bùa… Ngoài ra còn rất nhiều cách phân loại nữa tuy nhiên trong nghiên cứu của mình chúng tôi sẽ dựa trên 4 tiêu chí: Vật chất, mục đích sử dụng bùa, trường phái tạo ra bùa, cách thức sử dụng bùa để có thể bao quát tất cả các loại bùa trên địa bàn chúng tôi tiến hành khảo sát và có thể trả lời câu hỏi có những loại bùa nào một cách khoa học và hệ thống nhất.

Theo vật liệu tạo ra bùa:

Bùa chú được tạo ra bằng rất nhiều vật liệu khác nhau: Có khi bằng đất, sỏi, đá, gạch, ngói, kim cương, gỗ, vải, thẻ tre, cây cỏ, răng, xương, da, lòng động vật, tóc, máu kinh nguyệt, ghét trên cơ thể người, móc chân, móng tay, răng hổ, răng lợn nòi, giấy, tiền kim loại, tàn nhang, nước thải,… xét về vật liệu làm ra bùa chú nó rất đa dạng có những thứ bùa được làm từ: Các cây cỏ, động vật, có những thứ bùa được làm từ vật dụng tiếp xúc với con người, hay một bộ phận trong cơ thể con người, thậm trí cả chất thải của con người cũng có thể dùng để làm bùa, có những thứ bùa được làm từ những nguyên liệu cao sang và quý hiếm như: Kim cương, ngọc trai, hay Ngà Voi, nhưng có những thứ bùa được làm từ những thứ cặn bã nhất trong cơ thể con người; về mặt kích thước có thể thấy có những thứ bùa nhỏ li ti nhưng cũng có những thứ bùa to đùng…Thế cho nên chúng ta phải tiến hành phân loại bùa chú theo vật liệu tạo ra bùa để hình dung ra về mặt vật liệu có những loại bùa được làm từ những loại vật liệu như thế nào?.

Vũ Hồng Thuật nghiên cứu về bùa chú của người Việt đã tổng hợp về mặt vật liệu tạo ra bùa và cho rằng: “Theo truyền thống, chất liệu làm bùa của người Việt gồm 7 loại: Thảo mộc và dược liệu; Động vật; Kim loại; Vải; Giấy; cơ thể con người”

Các Thảo mộc và dược liệu được dùng để làm bùa cũng vô cùng đa dạng Vũ Hồng Thuật đã thống kê các loại thảo mộc dược liệu sử dụng làm bùa bao gồm: “Cây ngải, cây dâu, ngải cứu, dứa dại, xương rồng xanh, gai mây, cà độc dược… Những loại cây này được làm thành thuốc để làm bùa uống, hoặc để nguyên và treo trong nhà, cửa chuồng gia súc, gia cầm”. Trên thực tế các loại thảo mộc được sử dụng làm bùa còn rất phong phú và đa dạng bởi mỗi trường phái làm bùa họ lại có những quan niệm về công năng của thảo dược và dược liệu khác nhau và tùy vào mục đích của lá bùa mà họ sử dụng những loại thảo mộc và dược liệu đặc trưng. Chẳng hạn, các thầy bùa của đạo giáo thường sử dụng những “lá cam” để dùng làm bùa chữa chứng đau nửa đầu, hoặc sử dụng gừng để hạ sốt. Hay sử dụng: lá bưởi, lá tre và các cây có gai dùng để xông hơi và xoa bóp cơ thể. Còn các thầy bùa đạo giáo dùng lá cây đa, hoặc cây vú sữa, cây tre để chữa chứng mất sữa ở phụ nữ mới sinh…hay “đối với em bé không đi ngoài được, các thầy bùa cho thuốc nước gồm: Đại hoàng và chỉ sắc được sử dụng. Nếu người ta muốn chữa chứng bí đái ở trẻ em, cần phải thêm “Xa tiền mộc thông” vào vị thuốc trên. Một cách khác nữa là trộn phân trâu ở trong chuồng với nước rồi đắp lên rốn của em bé”. Các nguyên liệu kể trên, nhiều khi có hiệu quả thực sự như một liều thuốc vậy. Tuy nhiên những nguyên liệu này chỉ phát huy tác dụng của mình khi được các thầy làm bùa đưa cho bệnh nhân của mình, nếu người bệnh sử dụng những phương thuốc này mà không có sự cho phép, thay vì thuyên giảm căn bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bởi vậy, Các vị thuốc này chỉ phát huy tác dụng nhờ vào khả năng ma thuật của thầy làm bùa. Đơn cử như có một số cây thuốc đơn giản chỉ phát huy tác dụng khi được thu hoạch trong một vài điều kiện xác định, vào thời điểm nhất định trong năm, vào ngày nào, giờ nào: “Chúng ta biết rằng mười hai giờ trưa ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch cỏ làm thuốc”. Tuy nhiên, trong việc làm bùa chú nhiều khi các thảo mộc và dược liệu này được sử dụng không đúng với đặc tính của chúng, mà nó được sự dụng như một chất xúc tác truyền dẫn ma thuật từ người thầy cúng tới người “dùng bùa”. Chẳng hạn, các thầy bùa của đạo giáo thường sử dụng: Thuốc bột bao gồm: Hạt tiêu, gừng, đậu xanh, nếu ném thuốc bột này vào một người phụ nữ thì cô này sẽ vén váy lên còn nếu ném vào đầu cô này, cô này sẽ khỏa thân nửa người ngay lập tức.

Động vật được sử dụng trong làm bùa: Các loại động vật được sử dụng trong làm bùa cũng rất đa dạng như: Bọ hung, bọ cạp, sâu róm, dế mèn, thạch sùng, cóc tía, nhái xanh, chó đen, xương hổ, ngà voi, lươn, chạch, cá chép, nanh lợn rừng…, dùng làm bùa để cho vào thức ăn, nước uống hay đeo trên người.

Kim loại: Vàng, đồng, nhôm, sắt, gương kính, dùng làm bùa treo trước cửa nhà hay đeo trên người.

Vải: vải màu (đỏ, hồng, vàng), vẽ hay in bùa lên đó để mang theo người hoặc dán ở nhà, trên xe ô tô…

Giấy: Giấy là nguyên liệu cơ bản và được sử dụng nhiều nhất khi làm bùa. Màu của giấy (đỏ, vàng, trắng, đen, tím). Tùy thuộc vào mục đích của lá bùa mà các thầy cúng làm bùa sử dụng màu giấy tương ứng. Tuy nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc vào các trường phái làm bùa bởi mỗi trường phái có quan niệm và sử dụng các màu thường không giống nhau. Thông thường, nếu để trấn trạch, bình an, kinh doanh thì bùa được làm bằng giấy vàng hoặc đỏ. Còn bùa bình an thường được làm bằng giấy vàng, bùa dùng trong tang ma thường làm bằng giấy trắng…nhưng dùng loại giấy nào còn tùy thuộc vào từng trường phái làm bùa cụ thể.

Cơ thể người: móng tay, tóc, kinh nguyệt, ghét, chất thải cơ thể (phân, nước tiểu, ghét) làm bùa yêu và thôi miên.

Đá: dùng loại đá xanh mịn để làm bùa trấn trạch theo hình gương bát quái. Ngoài ra, còn thấy một đạo bùa được khắc hoàn chỉnh trên tấm bia đá đặt tại hiên nhà tiền đường của đình làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế) và đá phong thủy đặt trong nhà hay trên bàn làm việc để điều chỉnh dương khí.

Tuy nhiên, sự phân loại theo vật liệu này cũng không thể bao quát hết được các vật liệu dụng sử dụng trong làm bùa. Trên thực tế, vật liệu được sử dụng để làm bùa rất đa dạng và còn tùy thuộc vào mục đích của lá bùa, trường phái làm bùa cụ thể mà các thầy cúng chọn và sử dụng những vật liệu nào. Bởi vậy, cách phân loại theo vật liệu này khó có thể bao quát hết các vật liệu được sử dụng làm bùa cũng như tính chất của lá bùa.

Theo các trường phái làm Bùa

Bùa chú của người Việt hiện nay rất đa dạng nhưng thường tập trung vào 3 trường phái làm bùa chính là: Bùa của Đạo giáo, phật giáo và công giáo. Mỗi trường phái lại được phân ra rất nhiều môn phái khác nhau và mỗi môn phái cũng tạo dựng họ những “bản ngã” riêng, mang sắc thái địa phương riêng biệt. Chúng tôi nhận thấy, Bùa chú trong đạo giáo thôi đã vô cùng đa dạng, mặc dù cùng là đạo giáo nhưng mỗi trường phái lại lựa chọn tôn thờ một số vị thần nhất định và sử dụng những bí quyết nhà nghề riêng của trường phái đó để làm bùa. Ngay trong Đạo giáo bùa chú của các môn phái cũng khác nhau: Có bùa của Đạo Lão, đạo Mẫu, đạo Thiên Tiên, bùa của môn phái Nội Đạo Tràng. Hay trong Đạo Phật cũng có rất nhiều trường phái bùa khác nhau như: Trường phái Phật Trúc Lâm, Nam Tông, Bắc Tông…Phân loại theo các trường phái tạo ra bùa, sẽ cho chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc của bùa chú, từ đó biết được đặc điểm cơ bản của bùa chú từng trường phái. Vũ Hồng Thuật cho rằng: “Bùa chú của người Việt được làm ra từ các trường phái cơ bản như: Bùa chú của Đạo giáo; bùa chú của Phật giáo; Bùa chú của Công giáo.

Bùa của Đạo giáo

Bùa chú của Đạo giáo có nguồn gốc từ Trung Hoa, ngay từ sớm trong lịch sử qua con đường giao lưu và tiếp xúc đã được truyền bá vào nước ta. Theo Nguyễn  Đăng Duy: “Vua Hùng thủ lĩnh bộ Gia Ninh (vùng Phong Châu Phú Thọ ngày nay) đã dùng pháp thuật áp phục được các bộ lạc khác, lập ra nhà nước Văn Lang. Khi khai quật di chỉ Gò De ở đây đã phát hiện được những vuốt đồng, giống vuốt hổ” và Nguyễn Đăng Duy cũng đã ngờ vực “phải chăng đây là những đạo cụ (dụng cụ hành đạo) mà vua Hùng dùng để làm pháp thuật”. Lê Văn Lân cho rằng: “Theo truyền tụng dân gian, vua An Dương Vung đã dùng bùa chú để trấn áp ma quỷ khi xây thành cổ Loa” và theo ông Đạo giáo với bùa chú của Trung Hoa có thể đã truyền sang vùng Giao chỉ vào đầu thời Bắc thuộc, nên mới có truyện tướng Mã Viện dựng cột đồng để trấn yểm dân Giao Chỉ và thứ sử Cao Biền xây trận đồ bát quái trấn yểm long mạch ở sông Tô Lịch khi xây thành Đại La. “Đến thời nhà Đường thống trị nước ta, thế kỷ VIII, có đạo sĩ nổi tiếng là Lý Tường Minh, dựng Đạo Linh quán ở Bạch Hạc (Việt Trì) dùng phù phép đánh nhau với Mộc tinh từ cây Chiêng Đàn ở Bạch Hạc sống lâu năm biến thành tinh phá hại nhân dân. Đặc biệt, thời đường có Cao Biền, thái thú Giao Châu là người giỏi pháp thuật thường cưỡi diều bay khắp núi, sông thấy chỗ nào có vượng khí, Biền liền cho yểm mạch, hòng triệu nhân tài nước Nam”. Bên cạnh đó, một số sách chính sử của Việt Nam như: Đại Việt sử ký toàn thư; Việt điện u linh; Lĩnh Nam chích quái; Lịch triều hiến chương loại chí… cũng đề cập việc dùng bùa của người Việt nhưng chỉ nói đến như là một hiện tượng. Phải đến khi đạo phái “Đông Phương Sóc” và “Thái Thượng Lão Quân” của Trung Quốc truyền vào nước ta thì việc dùng bùa mới phát triển mạnh. Đạo phái “Đông Phương Sóc” theo pháp thuật mu rùa, xương cừu, chân gà, được thờ tại đền Sái (Đông Anh); Phái “Thái Thượng Lão Quân” theo thuật cỏ thi và bát quái, thờ tại chùa Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm), chùa Đa Sĩ (Hà Đông), Linh Tiên quán (Đan Phượng, Hà Nội), đình Thổ Hà (Bắc Giang).

Thời nhà Nguyên, quân Mông Cổ phái phù thủy Phạm Nhan sang dọa nạt dân  ta bằng phép thuật, nhưng đã bị thanh kiếm thần của đức Thánh Trần chém đầu. Theo quan niệm của người dân, đức Thánh Trần không chỉ là một vị anh hùng dân tộc, mà còn là một đạo sĩ có thuật trừ tà, chữa bệnh, chiêm tinh, nên được các đạo sĩ nước ta tôn làm: “Đệ nhất tổ sư phù chú Việt Nam”. Cũng vào thời Trần, tại vùng Sầm Sơn (Thanh Hóa) có một vị thần biển là Độc Cước thường xuyên giúp đỡ ngư dân trừ thủy tộc. Để tưởng nhớ công ơn đó, cư dân ven biển và vùng sông nước từ Nghệ An trở ra đã lập đền thờ riêng hoặc phối thờ trong các di tích. Với sự linh ứng của thần, các đạo sĩ thường đến đền cầu đảo. Vào đầu thế kỷ 16, ở Thanh Hóa xuất hiện môn phái tu tiên với tên gọi “Nội Đạo Tràng”, các đạo sĩ thường đến đền Độc Cước cầu đảo, xin phù ứng các phép thuật để trừ tà, trị bệnh cứu giúp dân lành. Với uy lực phép thuật của vị thần này, họ đã tôn xưng thần Độc Cước làm “Đệ nhị tổ sư bùa chú Việt Nam”. Tùy thuộc vào từng môn phái và địa bàn cư trú mà đạo sĩ lựa chọn tổ sư bùa chú để thờ.

Song song với các đạo phái đã kể tới, vào thời Tần – Hán, Đạo giáo Trung Quốc chia ra làm 3 phái: Huyền lý, thần tiên và chiêm nghiệm. Theo Vũ Hồng Thuật về sau cả ba giáo phái đều truyền vào miền bắc nước ta và đã nhanh chóng hòa nhập vào tín ngưỡng của người Việt vì tư tưởng của nó phù hợp với tâm lý, văn hóa, tập quán, tín ngưỡng của người Việt, cụ thể như sau:

Huyền lý phái: Dùng lý lẽ huyền bí của sự vận hành giữa con người với vũ trụ để tạo ra sự tương thích trong cuộc sống. Các đạo sĩ phái này thường tu tại các thảo am trên núi hay tĩnh am ở chùa, như Chùa một mái (Yên Tử), chùa Thầy, chùa Hương (Hà Nội) và chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc). Nay đạo phái này đang có nguy cơ bị mai một.

Thần tiên phái: Có sự phát triển những tư tưởng huyền bí của triết học Lão Tử kết hợp với các phép thuật của các đạo sĩ bản địa và dịch học của Trung Hoa cổ đại, để tạo nên những phép thuật tu dưỡng, luyện đan, phù lục… Phái này sau khi truyền sang nước ta đã phát triển rất mạnh ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và ảnh hưởng tới cả các đạo sĩ người Dao, người Ngái và thầy mo người Mường.

Chiêm nghiệm phái: Kết hợp giữa Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa để làm nên các môn sấm ký, bốc phệ, tướng số và phong thủy rất thịnh hành vào đầu thế kỷ 20. Ngày nay nó vẫn còn ảnh hưởng nhất định trong đời sống văn hoá của người Việt ở miền Bắc.

Bùa của Phật giáo

Theo Vũ Hồng Thuật, bùa chú khởi nguồn từ Đạo giáo là chính, nhưng ở Việt Nam thì lại có sự giao thoa với Phật giáo trong tinh thần “Hòa quang đồng trần” của phái Trúc Lâm Yên Tử thời nhà Trần. Bùa chú Phật giáo nguyên thủy thường được viết bằng chữ Phạn, sử dụng những câu chú trong kinh tạng tán dương các vị Phật và Bồ tát. So với Đạo giáo, bùa chú của Phật giáo có số lượng ít, thường chỉ là bùa dùng trong lễ “Hô thần nhập tượng”, bùa dùng trong tang ma (in trên áo “Lục thù hải hội” dùng khâm liệm cho người chết), bùa cầu bình an để cho thân tâm an lạc, được làm bằng kim loại, có in hình đức Phật và Phật Bà Quan Âm.

Bùa của Công giáo

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể không kể đến một bộ phận bùa chú được sử dụng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt đó là bùa của Công giáo. Trước khi Công giáo du nhập vào Việt Nam, đại bộ phận người Việt theo đạo Phật và tín ngưỡng dân gian cổ truyền. Công giáo du nhập vào nước ta thế kỷ 16. Lối sống và văn hóa bản địa đã làm phong phú thêm việc thực hành những nghi thức và nghi lễ Công giáo ở Việt Nam. Những giáo sĩ truyền đạo tin rằng, với những người theo Công giáo, bùa chú sẽ bị biến mất, bởi sức mạnh ánh sáng của Chúa sẽ chiến thắng ma quỷ, tà thần. Nhưng thực tế đã không phải như vậy. Tuy đặt niềm tin vào Chúa, nhưng những con chiên của Chúa vẫn hoài niệm niềm tin vào bùa như họ vốn thế trước khi gia nhập đạo, và đã có một sự biến chuyển từ lòng tin bùa chú sang hình thức tôn thờ biểu tượng Chúa hay các vị thánh “hay làm phép lạ” (An Tôn, Vinh Sơn và Phêrô Lê Tùy), nước “phép”, cây thánh giá… Hằng năm, họ thường đến đền thờ các vị thánh “hay làm phép lạ” và cầu nguyện để mong được ban ơn “giáng phúc nhãn tiền”. Đặc biệt, ở xứ Kẻ Sặt (Hải Dương) có một số gia đình Công giáo tuy thờ Chúa trong nhà nhưng ngoài cửa vẫn treo gương “bát quái” để trừ ma quỷ, cầu may mắn. Theo tập tục trong ngày lễ “Lá” ở xứ Bùi Chu (Nam Định), người ta lấy lá dừa và cành thiên tuế về treo ở cửa sổ, hay đặt trên ban thờ Chúa, ban thờ kính nhớ tổ tiên, bàn học, nóc tủ, để trừ tà ma, cũng gài cả vào nón để đi làm đồng tránh say nắng, tránh sét đánh, hoặc đốt lấy tro và hòa với nước “phép” rồi mang ra vẩy vào những chỗ lúa bị chuột, sâu bọ phá hoại ở ruộng.

Sự phân loại theo trường phái làm bùa trong đời sống tín ngưỡng của người Việt là vô cùng khó khăn, mặc dù sự phân loại này có thể giúp cho người ta có thể hình dung về lịch sử, nguồn gốc của loại bùa đó. Tuy nhiên, trong đời sống tín ngưỡng của người Việt họ không chỉ sử dụng một thứ bùa của một trường phái duy nhất mà bản thân họ có những người sử dụng nhiều loại bùa của các trường phái khác nhau. Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận giữa các trường phái làm bùa ở Việt Nam luôn có sự vay mượn giao thoa lẫn nhau, mà người ta thường khó phân biệt chính xác đó là thuộc trường phái nào. Bởi vậy, để hiểu về bùa chú trong đời sống của người Việt dựa theo cách phân loại theo trường phái làm bùa sẽ là khó khăn, và không thể bao quát hết được các loại bùa được sử dụng trong đời sống của người dân.

Phân loại theo các hình thức dùng bùa chú

Bùa là một loại hình ma thuật được sử dụng theo nhiều cách, bởi người ta tin rằng bùa có thể trị được bệnh, xua đuổi tà ma, cải hung thành cát, có thể mang lại cho người ta hạnh phúc, tình yêu, của cải…thậm trí cũng có thể giúp cho người ta “hả giận” bởi vậy nó được sử dụng với rất nhiều cách khác nhau và được vận dụng một cách linh hoạt bởi các thầy làm bùa. Vũ Hồng Thuật cho rằng có 7 loại bùa phân theo cách thức sử dụng bùa: Bùa đốt, bùa đeo, bùa dán, bùa uống, bùa bôi, bùa mộc dục, bùa ấn. Dựa vào những quá trình điền dã chúng tôi nhận thấy:

Trên thực tế, việc phân loại bùa chú theo hình thức sử dụng bùa còn tùy thuộc rất nhiều vào sự linh hoạt của thầy làm bùa, vào mục đích của lá bùa mà thầy cúng hướng dẫn họ sử dụng lá bùa đó theo cách nào. Tuy nhiên, nếu xét về hình thức sử dụng bùa chúng tôi nhận thấy có những loại bùa:

Loại thứ nhất, Bùa đeo: Bùa đeo thường là các loại bùa hộ mệnh cho cá nhân (bùa bình an, may mắn). Thường được đeo ở cổ, vai, hoặc để vào ví, gối. Đây là loại bùa được dùng cho mọi đối tượng, dùng để cầu bình an, may mắn, sức khỏe, hạnh phúc, thân tâm an lạc, công danh thành đạt và cải hung thành cát. Hình thù của loại bùa này còn tùy thuộc vào từng trường phái làm bùa. Cùng là một loại bùa hộ mệnh cho cá nhân nhưng mỗi trường phái thì bùa của họ lại có hình dáng khác nhau.

Loại thứ 2, bùa dán: Bùa dán thường là bùa làm bằng chất liệu giấy hoặc vải thường dùng để trấn trạch, chữa trẻ khóc dạ đề, dùng yểm tang ma, trừ tà ma…

Loại bùa thứ 3, bùa đốt: Với loại bùa này cơ bản được làm bằng giấy, bên cạnh đó còn tùy thuộc vào mục đích của lá bùa mà sử dụng các vật liệu khác. Tuy nhiên,  các loại vật liệu sử dụng làm loại bùa này thông thường là những chất có thể đốt được. Bùa đốt cũng được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau từ: Trấn trạch, trị tà ma, chữa bệnh, hộ mệnh, bùa yêu….

Loại bùa thứ 4, bùa uống: Thông thường loại bùa này thường dùng để chữa bệnh, lá bùa thường được làm kết hợp với các loại dược liệu hoặc thảo mộc nào đó dùng để chữa bệnh. Lá bùa thường được đốt lấy tro rồi hòa với nước để uống nhằm: Chữa điên dại, giải độc, trừ tà, an thai, hoặc dùng trong bùa yêu,…

Thứ 5,bùa bôi: Với loại bùa này thường kết hợp với các loại thảo mộc và dược liệu dùng để chữa bệnh cho người và gia súc. Cách dùng bùa chữa bệnh như thế này thường được gọi là: Chữa mẹo, chữa dấu hay theo Alfred Gell, là hình thức chữa bệnh bằng “kỹ thuật mê hoặc”, chúng tôi nhận thấy trong đời sống của người dân tại địa bàn thực địa còn thực hành nhiều hình thức này. Để cho người phụ nữ mới sinh con có được sữa, thầy Hải thường rút chín búp tre hòa cùng với nước và cho người dùng bôi lên để mong có sữa về, hoặc sử dụng lá của cây Vú sữa, cây đa làm “hèm, chữa dấu” cho người phụ nữ có sữa….

Thứ 6, bùa mộc dục: Chất liệu là 12 loại cây bất kỳ có gai. Loại bùa này thường dùng trong trường hợp phụ nữ hay bị sẩy thai, người bị tà nhập có tác dụng trục xuất tà ra khỏi cơ thể giữ thai lại, gọi là bùa “trục tích tắm thai”. Cho bùa vào nồi nước “âm dương” đun sôi khoảng 30 phút, để nguội rồi đem rửa mặt, gội đầu và tắm.

Thứ 7, bùa trôn: Loại bùa này thường được làm bằng giấy, ngói thẻ tre, dao là chính. Bên cạnh đó còn tùy thuộc vào các trường phái làm bùa và mục đích của lá bùa mà  người ta  sử  dụng  các loại vật  liệu khác nhau để làm loại  bùa này. Thông thường, bùa trôn thường là loại bùa dùng trấn trạch trong trường hợp đất có tà, hoặc đất nặng, và dùng để yểm tang ma.

Bên cạnh đó, Vũ Hồng Thuật còn đề cập tới loại bùa ấn: Loại bùa này được “làm bằng các loại cây đàn hương, lê, đào, dâu, gạo…;dùng trong trường hợp an táng chưa đến 49 ngày nhưng mộ bị “động” hoặc đã chết vào giờ xấu. Đạo sĩ khắc hay viết chữ Hán và vẽ hình “tróc phọc” lên mặt ấn, lệnh bài hoặc mu con rùa (nặn bằng đất, bên trong có kim, chỉ ngũ sắc, lá bùa trấn yểm và miệng rùa ngậm con dao nhọn), rồi chôn ở phía đầu, chân, hai bên hông và ở giữa ngôi mộ. Theo quan niệm dân gian, với những ngôi mộ bất ổn như trên, vong hồn thường về quấy quả người thân, nên phải yểm bùa. Loại bùa này cũng sử dụng cả cho việc trấn yểm ở nghĩa địa và ở chỗ có hài cốt dưới lòng đất”

Chúng tôi nhận thấy, việc phân loại bùa chú theo các hình thức sử dụng không toát lên được tính chất của lá bùa và điều này còn tùy thuộc vào sự linh hoạt của mỗi thầy cúng. Bởi cũng là lá bùa ấy nhưng có trường hợp thầy cho uống, có trường hợp lại đeo, có trường hợp lại đốt…vì vậy rất khó để có thể hình dung và bao quát được trong trường hợp này.

Phân loại bùa chú theo mục đích (hay công năng) của lá bùa

Chúng tôi nhận thấy, theo tiêu chí mục đích sử dụng bùa hay (công năng) của lá bùa qua quá trình thực địa bước đầu tạm phân ra như sau: Bùa Trấn Trạch; Bùa hộ mệnh; Bùa độ tử (độ cho người chết); Bùa chữa bệnh; Các loại bùa khác.

Như vậy, có rất nhiều cách để phân loại bùa chú. Có thể sử dụng hình thức phân loại theo vật liệu sử dụng để làm bùa, theo các trường phái làm bùa, theo cách thức sử dụng bùa và phân loại theo mục đích sử dụng bùa (hay công năng) của lá bùa. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy mục đích cao nhất của bùa đó là mục đích sử dụng, vì thế trong tài liệu này chúng tôi sẽ sử dụng theo mục đích sử dụng để mô tả bức tranh bùa chú trong đời sống tín ngưỡng của người Việt.

(Sưu tầm)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]