Trang chủ Tôn giáo học Quan điểm của Hồ Chí Minh về Nho giáo

Quan điểm của Hồ Chí Minh về Nho giáo

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 699 views

Nho giáo do Khổng tử sáng lập ra ở Trung Quốc vào cuối thế kỷ VI trước công nguyên. Ra đời trong cảnh vương đạo suy vi, bá đạo lấn át  vương đạo, tình hình chính trị xã hội, đạo đức, trật tự, kỷ cương xã hội bị đảo lộn, rối loạn, lý tưởng chính trị của Khổng tử xây dựng dựa trên học thuyết về Nhân- Lễ- Chính danh. Trong đó “Nhân” là hạt nhân là nội dung của học thuyết chính trị. “Lễ” là hình thức của “Nhân”. “Chính danh” là   con đường đạt tới điều “Nhân”. “Nhân” là kết tinh cao nhất của triết học Khổng Tử.

Nho giáo Trung Quốc đã phát triển qua nhiều thời kỳ. Giai đoạn Khổng Tử – Mạnh Tử – Tuân Tử được coi là giai đoạn sơ kỳ. Ở giai đoạn này nó không mang tính chất tôn giáo mà mang tính chất một học thuyết chính trị – đạo đức – xã hội, nên gọi là Khổng học hoặc Nho học mới đúng. Nho giáo trở thành một tôn giáo phải tính từ thời Hán Nho, Đường Nho, Minh Nho… Từ Hán Nho trở đi Nho học đã biến tướng các tư tưởng của mình cho thích hợp với chế độ phong kiến Trung ương tập quyền Trung Quốc.

Nho giáo vào Việt Nam thời Bắc thuộc là Hán Nho, Tống Nho, Minh Nho, nó không còn là tư tưởng Khổng học nữa. Nho giáo chỉ mới được coi trọng ở Việt Nam thời Lý – Trần, phát triển và trở nên địa vị độc tôn thời Tiền Lê. Ở thế kỷ XVI trở đi, đặc biệt ở thế kỷ XVII Nho giáo suy yếu hẳn. Dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX Nho giáo lại trở lại địa vị độc tôn. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nho giáo bị bọn thực dân Pháp lợi dụng như một công cụ để nô dịch dân tộc Việt Nam.

Sinh ra và trưởng thành trong một gia đình nhà Nho yêu nước, Hồ  Chí Minh chịu những ảnh hưởng không nhỏ của Nho giáo. Nếu tìm những tác phẩm của Người viết về Nho giáo thì không có nhiều lắm, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Người có nhiều biểu hiện của sự vận dụng uyên thâm Nho giáo vào Việt Nam theo hướng tích cực.

Năm 1921 vì cổ vũ cho phong trào dân chủ, đấu tranh cho tự do bình đẳng, bác ái, Người đã viết bài “Phong trào cộng sản quốc tế ở Đông Dương” đăng trên tạp chí Laruvue Communiste số 15 tháng 5/1921. Trong bài này có đoạn về Khổng Tử, Người viết: “Khổng Tử vĩ đại (551TCN)  khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá sự bình đẳng về tài sản. Ông từng nói: thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng. Người ta không sợ thiếu chỉ sợ có không đều. Bình đẳng sẽ xoá bỏ nghèo nàn v.v.. Học trò của Khổng Tử là Mạnh Tử tiếp tục tư tưởng của Thầy và vạch ra một kế hoạch chi tiết để tổ chức sản xuất và tiêu thụ, sự bảo vệ và phát triển lành mạnh của trẻ em, sự giáo dục và lao động cưỡng bức đối với người lớn, sự lên án nghiêm khắc thói ăn bám, sự nghỉ ngơi của người già, không có điều gì đề án của ông không đề cập đến. Việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người, đấy là đường lối kinh tế của vị hiền triết. Trả lời một câu hỏi của Vua, ông đã nói thẳng: “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”55.

Bất cứ một ai hiểu về Nho giáo thì chắc chắn là không tán thành Nho giáo tuyên truyền cho sự bình đẳng về tài sản, cho thế giới đại đồng. Nếu Mạnh Tử có nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” thì chính Mạnh tử đã rất coi thường người lao động chân tay. Theo Mạnh Tử người lao động chân tay phải phục tùng người lao động trí óc… Dân của Nho giáo không bao gồm nhân dân lao động. Ngược lại dân trong quan niệm Hồ Chí Minh là rất rộng, dân bao gồm toàn bộ những người lao động và những người yêu  nước, bao gồm nhiều giai tầng, tầng lớp, thậm chí có cả người thuộc giai  cấp bóc lột.

Dân trong quan niệm của Hồ Chí Minh là bao gồm mọi người Việt Nam có chung nhau lòng yêu nước, hy sinh vì độc lập dân tộc mà bộ phận nòng cốt là bộ phận trung thành với bản chất giai cấp công nhân. Vậy khi viết như trên về Khổng Tử, Mạnh Tử không phải Hồ Chí Minh không hiểu về họ, không hiểu về Nho giáo mà chính là vì chiến lược đại đoàn kết, Người còn tranh thủ để tập hợp mọi lực lượng khi có thể.

Năm 1925, trong tác phẩm “Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc” do người chủ biên, viết bằng tiếng Pháp được dịch sang tiếng Nga do nhà xuất bản Matxcơva ấn hành, Người đã viết: “Toàn bộ đời sống trí tuệ của người Trung Quốc đều thấm đượm tinh thần Triết học và giáo  lý  của Khổng tử”56. Với nhận xét ấy, năm 1927 khi mà Chính phủ Trung Quốc ra quyết định ngày 15/02/1927 về việc xoá bỏ những nghi lễ tưởng niệm Khổng tử, Người tỏ ra không tán thành cách làm ấy.  Trong bài: “Khổng  Tử” viết 20/02/1927 tại Quảng Châu, Người đã xem xét quan điểm của Khổng Tử trong bối cảnh lịch sử của nó và cho rằng với những quan điểm  ấy Khổng Tử đáng để cho người ta khâm phục. Người cũng  vạch  cho những người cách mạng Việt Nam cần có một cách nhìn đúng, khách quan, khoa học đối với học thuyết của Khổng Tử, cho dù đến  thời đại ngày nay  thì nó không còn phù hợp nữa. Chúng ta có quyền trung thành  với chủ  nghĩa Mác – Lênin nhưng cũng không nên quên khai thác di sản Khổng Tử. Người viết: “Khổng tử sống thời Chiến quốc, đạo đức của ông, học vấn của ông và những kiến thức của ông làm cho những người cùng thời và hậu thế phải cảm phục. Ông nghiên cứu và học tập không mệt mỏi. Ông không cảm thấy xấu hổ tý nào khi học hỏi người bề dưới, còn việc không được mọi người biết đến đối với ông chẳng quan trọng gì. Công thức nổi tiếng của ông: “Nhìn ngoài, nhìn vào công việc từ chỗ nào đi đến như thế, xem cái người ta đi đến chỗ đó, xét cái người ta hoà lòng, thì người ta giấu làm sao được mình” biểu hiện chiều sâu trí tuệ của ông”57. Người cũng phê phán Khổng tử “là người phát ngôn bênh vực những người bóc lột chống lại những người bị áp bức”58. Người cho rằng nếu Khổng tử sống ở thời chúng ta mà vẫn khư khư giữ ý kiến của mình thì ông ta trở thành phần tử phản cách mạng, nhưng nếu Khổng tử chịu thích ứng với hoàn cảnh thì rất nhanh chóng có thể là người kế tục trung thành của Lênin. Vì vậy, “còn những người An nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng tử, và về cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin”59. Loại trừ chi tiết nói Khổng tử sống ở thời Chiến Quốc chắc là lỗi của người dịch (Khổng Tử không sống ở thời Chiến Quốc mà sống ở  thời Xuân Thu) thì tư tưởng trên của Hồ Chí Minh về Khổng Tử và Nho giáo là rất quý, soi sáng cho chúng ta biết trân trọng khai thác các di  sản  văn hóa của dân tộc và nhân loại.

Hồ Chí Minh, trong phong cách, tư tưởng, đạo đức của Người có nhiều nét của người quân tử, đại trượng phu. Nếu Nho giáo khuyên người quân tử là “bần bất hoặc nhi hoặc bất quân” thì Người dạy chúng ta “không sợ thiếu chỉ sợ không đều”. Nếu Nho giáo đã từng quan niệm “mệnh trời  tức lòng dân”, thì Hồ Chí Minh đã viết vở kịch “Rồng tre” để cảnh  cáo  Khải Định rằng “dân có quyền truất phế vua bất minh”, hoặc Người thường dạy: “dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ việc gì làm cũng không nên”60. Nếu Nho giáo đã quan niệm “Nước lấy dân làm gốc” thì Hồ Chí Minh nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn chân lý ấy mà khẳng định “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”61. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhớ “cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra… chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”62. Nếu Nho giáo từng quan niệm đạo đức của người quân tử là “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” thì Hồ Chí Minh thường dạy những cán bộ, đảng viên phải rèn luyện để trở thành những người giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khổ không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất  phục. Mạnh Tử có tư tưởng “hằng sản hằng tâm” thì Hồ Chí Minh cũng thường dạy chúng ta: có thực mới vực được đạo nên phải đẩy mạnh sản xuất. Nho giáo rất nhấn mạnh mối quan hệ hữu cơ không thể chia cắt giữa rèn luyện bản thân với  trị quốc bằng mối quan hệ bản chất tác động làm  tiền đề cho nhau giữa các khâu cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân,  tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Hồ Chí Minh vẫn thường dạy muốn cải tạo  thế giới thì trước hết phải cải tạo bản thân chúng ta, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phải trung với nước, phải hiếu với dân…

Từ đó phải thấy rằng những quan niệm về chính trị, đạo đức của Nho giáo đã được Hồ Chí Minh mở rộng, nâng cao, cải tạo, hoàn thiện nó với những nội dung mới phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam trong thời đại mới. Tiếp thu một cách có phê phán, người khẳng định: “Học thuyết của Khổng tử có ưu điểm của nó là tu dưỡng đạo đức cá nhân”. Trong nhiều bài nói và viết Người thường trích dẫn những câu trong sách Khổng Tử nhưng vận dụng nó một cách sáng tạo và tài tình vào nhiệm vụ mới của đất nước, của cách mạng. Chẳng hạn, khi nhấn mạnh nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ Người dạy: “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, “muốn có CNXH trước hết phải có con người XHCN”, thì ở đó Người đã vận dụng tư tưởng giáo dục của Khổng Tử, của Nho giáo rồi. Hồ Chí Minh đã gạt bỏ những tiêu cực của Nho giáo, kế thừa và phát huy các giá trị tích cực về nhân văn của Nho giáo: đề cao tính người qua Tam cương, Ngũ thường; biết trọng sự sống và giá trị sự sống của con người; thừa nhận khát vọng hạnh phúc và tìm hết cách đáp ứng hạnh phúc của con người.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net