Khái niệm nhà nước là gì? Tìm hiểu nguồn gốc, đặc điểm, bản chất và các kiểu nhà nước. Phân biệt và xác định được các hình thức Nhà nước trong lịch sử cũng như hiện nay trên thế giới.
Nhà nước là hiện tượng xã hội đa dạng và phức tạp, liên quan đến mọi lĩnh vực, mọi hoạt động của đời sống xã hội. Vì vậy ngay khi hình thành xã hội, con người đã quan tâm và tìm cách lý giải về nguồn gốc hình thành Nhà nước.
Nguồn gốc Nhà nước
Trong lịch sử có nhiều quan điểm giải thích nguyên nhân hình thành Nhà nước, có thể liệt kê các lý thuyết như sau:
Thuyết thần học
Từ thời cổ, trung đại các nhà tư tưởng theo lý thuyết thần học cho rằng sự hình thành Nhà nước là do ý muốn của thượng đế, chính thượng đế đã sáng tạo ra Nhà nước để bảo vệ xã hội. Do đó quyền lực Nhà nước là vĩnh cửu, sự phục tùng quyền lực trong xã hội là tất yếu và thượng đế đã trao quyền lực Nhà nước cho một số người thay mặt thượng đế để quản lý xã hội.
Quan điểm này nhằm mục đích bảo vệ cho vị trí thống trị xã hội của giai cấp phong kiến, giữ quyền lực vô hạn cho người lãnh đạo. Nguồn gốc Nhà nước được lý giải không mang tính khoa học.
Thuyết gia trưởng
Thuyết này do Aristote, Philmer và một số nhà tư tưởng nêu lên, cho rằng Nhà nước ra đời từ sự phát triển của hình thức gia đình, là hình thức tổ chức tự nhiên của đời sống con người. Xã hội cần có người quản lý đó là Nhà nước cũng giống như gia đình cần có người đứng đầu gia đình đó là người gia trưởng, về mặt bản chất quyền lực Nhà nước cũng giống như quyền gia trưởng.
Quan điểm này chưa giải thích đầy đủ cội nguồn hình thành Nhà nước chỉ là sự ghi nhận hiện tượng Nhà nước trong xã hội có những điểm giống quyền lực gia trưởng trong gia đình. Thực chất Nhà nước và gia đình xuất hiện là do sự tác động phát triển kinh tế dẫn đến sự tan rã của chế độ cộng sản nguyên thủy.
Thuyết khế ước xã hội
Do các nhà tư tưởng tư sản như: J.J. Rousseau, S.L.Montesquieu, D. Diderot, J.Locke khởi xướng, cho rằng sự ra đời của Nhà nước là kết quả của một khế ước được ký kết giữa những con người sống trong trạng thái tự nhiên không có Nhà nước. Vì vậy Nhà nước phản ánh lợi ích của các thành viên trong xã hội và mỗi thành viên đều có quyền yêu cầu Nhà nước phục vụ và bảo vệ lợi ích của họ.
Quan điểm này giải thích sự hình thành Nhà nước trên cơ sở chủ nghĩa duy tâm, coi Nhà nước ra đời là do ý muốn, nguyện vọng chủ quan của các bên tham gia khế ước, không giải thích đúng nguồn gốc của Nhà nước.
Quan điểm học thuyết Mác – Lênin
Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin đã giải thích nguồn gốc Nhà nước trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng và phương pháp duy vật lịch sử, cho rằng:
Nhà nước không phải là hiện tượng xã hội vĩnh cửu, bất biến. Nhà nước có quá trình hình thành, phát triển và tiêu vong gắn liền với những điều kiện khách quan của xã hội.
Trong lịch sử xã hội, loài người đã trải qua quá trình phát triển gồm 5 hình thái kinh tế xã hội: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư sản và xã hội chủ nghĩa.
Cộng sản nguyên thủy là hình thái kinh tế xã hội đầu tiên trong lịch sử loài người, là xã hội chưa có giai cấp, chưa có Nhà nước, nhưng sự ra đời của Nhà nước hình thành trong chính xã hội này.
Khi xã hội có sự phát triển về kinh tế làm xuất hiện chế độ tư hữu tài sản (là tiền đề kinh tế cho sự hình thành Nhà nước), đồng thời dẫn đến việc xã hội phân hóa thành các giai cấp, các tầng lớp người có quyền lợi đối kháng nhau và mâu thuẫn gay gắt không thể điều hòa được (là tiền đề xã hội cho sự hình thành Nhà nước), dẫn đến đấu tranh giai cấp.
Thông qua đấu tranh giai cấp giải quyết mâu thuẫn xã hội. Giai cấp thống trị đã lập nên tổ chức để bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp mình. Tổ chức đó là Nhà nước.
Bản chất của Nhà nước
Bản chất là khái niệm diễn đạt những đặc tính bên trong của sự vật, cái cốt lõi của sự vật gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của sự vật đó.
Bản chất của Nhà nước theo quan điểm học thuyết Mác -Lênin có 2 thuộc tính: tính giai cấp và tính xã hội.
Tính giai cấp
Thể hiện ý chí và quan điểm của giai cấp thống trị thông qua hoạt động của bộ máy Nhà nước nhằm duy trì quyền lực thống trị trước các giai cấp khác trong xã hội. Sự thống trị thể hiện dưới 3 phương diện chính là kinh tế, chính trị và tư tưởng.
Tính xã hội
Thể hiện qua vai trò quản lý xã hội của Nhà nước, Nhà nước phải phục vụ những nhu cầu mang tính chất công cho xã hội như: xây dựng bệnh viện, trường học, đường sá…
Hai thuộc tính này của Nhà nước bổ sung cho nhau thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa lợi ích giai cấp và lợi ích xã hội.
Đặc điểm của Nhà nước
Là những dấu hiệu đặc trưng cơ bản riêng có của Nhà nước để phân biệt tổ chức là Nhà nước với các tổ chức khác trong xã hội. Các đặc trưng này làm cho Nhà nước giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính trị của đời sống xã hội.
Có 5 đặc điểm chính:
1, Nhà nước có quyền phân chia lãnh thổ theo đơn vị hành chính và quản lý dân cư theo lãnh thổ: Nhà nước là tổ chức có chức năng quản lý xã hội, để thực hiện hiệu quả công việc quản lý này, Nhà nước được quyền phân chia lãnh thổ rộng lớn thành từng đơn vị khác nhau trong phạm vi lãnh thổ. Những đơn vị này thường được các Nhà nước căn cứ vào vị trí địa lý, đặc tính dân cư theo từng vùng, miền khác nhau để xác lập. Đồng thời Nhà nước xây dựng các cơ quan nhà nước trên từng đơn vị này để thực hiện chức năng quản lý xã hội. Ở mỗi quốc gia khác nhau cách gọi tên các đơn vị này có khác nhau, thông thường là tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường xã… hay tên gọi chung là các đơn vị hành chính.
Chức năng quản lý xã hội còn cho phép nhà nước có quyền quản lý dân cư trong phạm vi lãnh thổ, có quyền ban hành và thực hiện chính sách quản lý, tác động tất cả mọi người trong lãnh thổ. Đặc tính này, ngoài nhà nước thì không có một tổ chức nào trong xã hội có được.
2, Nhà nước là tổ chức có quyền lực công: Để giúp Nhà nước thực hiện việc quản lý xã hội, Nhà nước thiết lập quyền lực đặc biệt cho phép Nhà nước có quyền lực bao trùm trên khắp các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội… trong xã hội. Với quyền lực này Nhà nước có quyền sử dụng sức mạnh cưỡng chế buộc tất cả các thành viên trong xã hội phải phục tùng ý muốn Nhà nước, từ đó duy trì sự thống trị của giai cấp thống trị trong xã hội.
3, Nhà nước là tổ chức có chủ quyền quốc gia: Chủ quyền quốc gia là chủ quyền độc lập về lãnh thổ, dân cư và chính quyền, chủ quyền này được các nước trên thế giới tôn trọng. Các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều được bình đẳng với nhau trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến chức năng đối nội và đối ngoại của một nước, thể hiện quyền tự quyết của một quốc Chủ quyền quốc gia là thuộc tính gắn liền với Nhà nước. Về mặt đối nội Nhà nước có quyền quyết định tất cả các vấn đề thuộc các ngành, các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Về mặt đối ngoại Nhà nước có quyền đại diện nhân dân tham gia vào các quan hệ với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
4, Nhà nước có quyền ban hành Pháp luật và đảm bảo việc thực hiện Pháp luật: Nhà nước là tổ chức có chức năng quản lý xã hội, để đảm bảo hiệu quả công việc quản lý xã hội, Nhà nước sử dụng Pháp luật là công cụ chủ yếu. Nhà nước có quyền ban hành Pháp luật nhằm định hướng xã hội theo ý chí của Nhà nước và đảm bảo việc thực hiện Pháp luật trong xã hội.
5, Nhà nước quy định các loại thuế và cách thức tiến hành thu thuế: Cũng như các tổ chức khác trong xã hội khi hoạt động đều cần phải có nguồn lực, các Nhà nước thường tạo nguồn lực hoạt động thông qua các khoản thu từ xã hội là thuế. Đồng thời Nhà nước còn có quyền định ra cách thức thu thuế.
Kiểu Nhà nước
Kiểu Nhà nước là tổng thể những dấu hiệu cơ bản của Nhà nước, thể hiện bản chất giai cấp, giá trị xã hội và những điều kiện phát sinh, tồn tại, phát triển của Nhà nước trong một hình thái kinh tế xã hội nhất định.
Nhà nước tồn tại trên cơ sở kinh tế của một xã hội nhất định, do đó nói đến kiểu Nhà nước là nói đến bộ máy thống trị của giai cấp nào, tồn tại tương ứng với hình thái kinh tế xã hội nhất định nào đó.
Trong lịch sử phát triển xã hội có 4 hình thái kinh tế xã hội có Nhà nước. Như vậy tương ứng có 4 kiểu Nhà nước khác nhau, mỗi kiểu Nhà nước có bản chất và chức năng khác nhau trong quản lý và điều hành xã hội.
Kiểu Nhà nước chủ nô, phong kiến và tư sản có bản chất bóc lột trái ngược với bản chất của kiểu Pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình phát triển của mình, khái niệm Nhà nước được cụ thể hóa qua khái niệm kiểu Nhà nước, sự thay thế của kiểu Nhà nước này đối với kiểu Nhà nước kia có những tính chất sau đây:
- Tính tất yếu khách quan: do chịu sự tác động của quy luật phát triển và thay thế các hình thái kinh tế xã hội. Tuy nhiên do hoàn cảnh lịch sử khác nhau ở mỗi quốc gia nên việc thay thế không diễn ra tuần tự như hình thái kinh tế xã hội mà có thể bỏ qua những kiểu Nhà nước nhất định.
- Việc thay thế kiểu Nhà nước được thực hiện bằng cuộc cách mạng xã hội: Việc thay thế kiểu Nhà nước không tự xảy ra bởi vì không một giai cấp thống trị nào tự từ bỏ địa vị thống trị của mình do đó giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất mới phải tập hợp lực lượng để lật đổ giai cấp cũ thiết lập Nhà nước mới.
- Kiểu Nhà nước sau tiến bộ, hoàn thiện hơn kiểu Nhà nước trước: Bởi vì nó dựa trên phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn và qua thời gian xã hội ngày càng phát triển hơn đòi hỏi kiểu Nhà nước mới phải càng hoàn thiện hơn.
Hình thức Nhà nước
Hình thức Nhà nước là cách thức tổ chức Nhà nước và những biện pháp thực hiện quyền lực Nhà nước.
Khái niệm Nhà nước là khái niệm chung, được thể hiện dưới 3 góc độ: hình thức chính thể, hình thức cấu trúc và chế độ chính trị.
Hình thức chính thể
Là cách thức tổ chức và trình tự thiết lập các cơ quan tối cao của Nhà nước và xác lập mối quan hệ của các cơ quan đó.
Hình thức chính thể có 2 dạng cơ bản: chính thể quân chủ và chính thể cộng hòa.
a. Chính thể quân chủ: Là hình thức trong đó quyền lực tối cao của Nhà nước tập trung trong tay người đứng đầu Nhà nước theo thế tập (cha truyền con nối) hoặc theo chỉ định.
Chính thể quân chủ có nhiều hình thức biến dạng theo sự phát triển xã hội là chính thể quân chủ tuyệt đối (chuyên chế) và chính thể quân chủ tương đối (lập hiến).
Chính thể quân chủ tuyệt đối: Toàn bộ quyền lực tối cao thuộc về người đứng đầu Nhà nước thường là Vua, Hoàng đế…
Chính thể quân chủ lập hiến: Trong các quốc gia theo hình thức này, bên cạnh Vua còn có Nghị viện là tổ chức cùng chia sẻ quyền lực tối cao của Nhà nước.
b. Chính thể cộng hòa: Là hình thức trong đó quyền lực tối cao của Nhà nước được giao cho một cơ quan đại diện theo thể thức bầu cử trong thời hạn nhất định (nhiệm kỳ). Chính thể cộng hòa có 2 dạng: cộng hòa quý tộc và cộng hòa dân chủ.
- Chính thể cộng hòa quý tộc: là hình thức mà quyền bầu cử các cơ quan đại diện là đặc quyền của tầng lớp quý tộc.
- Chính thể cộng hòa dân chủ: là hình thức mà tất cả các công dân đủ một số điều kiện quy định được tham gia bầu cử các cơ quan đại diện. Hiện nay có 2 hình thức chính thể quân chủ cộng hòa: cộng hòa dân chủ tư sản và cộng hòa dân chủ nhân dân.
- Cộng hòa dân chủ tư sản: Theo chính thể này quyền lực Nhà nước được chia thành 3 quyền là lập pháp, hành pháp và tài phán theo nguyên tắc “tam quyền phân lập” của (Theo Montesquieu quyền lực Nhà nước nếu tập trung trong tay bất cứ một người hay một cơ quan tổ chức sẽ dẫn đến lạm quyền cho nên để tránh tình trạng này quyền lực Nhà nước nên chia thành 3 quyền độc lập và kiểm soát lẫn nhau là: quyền Lập pháp, quyền Hành pháp và quyền Tài phán. Mỗi quyền giao cho một cơ quan Nhà nước nắm giữ. Các cơ quan này độc lập với nhau nhưng thông qua quyền lực nắm giữ có thể hạn chế sự lạm quyền trong mỗi cơ quan).
- Cộng hòa dân chủ nhân dân: Quyền lực nhà nước tối cao không phân chia mà tập trung thống nhất trong các cơ quan quyền lực do dân bầu ra và nhân dân tham gia vào công việc quản lý Nhà nước.
Hình thức cấu trúc
Là cách thức tổ chức các cơ quan Nhà nước theo các đơn vị hành chính lãnh thổ từ trung ương đến địa phương và xác lập mối quan hệ giữa các cơ quan này với nhau.
Có 2 hình thức cấu trúc Nhà nước chủ yếu là hình thức cấu trúc Nhà nước đơn nhất và hình thức cấu trúc Nhà nước liên bang.
- Cấu trúc Nhà nước đơn nhất: Là Nhà nước có chủ quyền chung, toàn vẹn lãnh thổ, có một hệ thống cơ quan quyền lực, cơ quan quản lý Nhà nước được tổ chức thống nhất từ trung ương xuống địa phương, lãnh thổ không có chủ quyền riêng, có một Hiến pháp, một hệ thống Pháp luật áp dụng chung cho cả nước. Ví dụ: Việt Nam.
- Cấu trúc Nhà nước liên bang: Là Nhà nước có từ 2 hay nhiều Nhà nước thành viên hợp lại. Có chủ quyền chung cho toàn liên bang và chủ quyền riêng cho mỗi thành viên, có 2 hệ thống cơ quan quyền lực và cơ quan quản lý Nhà nước; một áp dụng chung cho toàn liên bang và một áp dụng cho mỗi thành viên, có 2 loại Hiến pháp và Pháp luật cùng tồn tại: Hiến pháp và Pháp luật của liên bang, Hiến pháp và Pháp luật của mỗi thành viên. Ví dụ: Hoa Kỳ.
Chế độ chính trị
Là toàn bộ các phương pháp và cách thức mà cơ quan Nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực Nhà nước.
Căn cứ vào phương pháp áp dụng có thể chia thành chế độ chính trị dân chủ và chế độ chính trị phi dân chủ.
- Chế độ chính trị dân chủ: Các phương pháp mà Nhà nước áp dụng thể hiện sự quan tâm thực sự đến dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia vào việc quản lý Nhà nước và xã hội.
- Chế độ chính trị phi dân chủ: Các phương pháp mà chế độ này áp dụng thể hiện tính chuyên quyền, độc tài, không quan tâm đến dân, chủ yếu dựa vào sức mạnh buộc người dân phải tuân theo những quy định Nhà nước.