Hồ Chí Minh được tổ chức UNESCO ghi nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam trong Nghị quyết 24C/18.6.5 của Khóa họp 24 Đại Hội đồng UNESCO từ ngày 20-10- 1987 đến ngày 20-11-1987.
Nghị quyết khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; Người có sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật; tư tưởng của Người là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và hiện thân cho khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
1. Quan điểm chung của Hồ Chí Minh về văn hóa
a. Định nghĩa văn hóa
Định nghĩa văn hóa của Hồ Chí Minh
– Tháng 8-1943, Hồ Chí Minh đã đưa ra định nghĩa văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
– Định nghĩa văn hóa nêu trên của Hồ Chí Minh được hiểu theo 02 nghĩa:
+ Nghĩa rộng: Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra nhằm phục vụ cho con người.
+ Nghĩa hẹp: Văn hóa là đời sống tinh thần của xã hội, thuộc về kiến trúc thượng tầng xã hội.
b. Về quan hệ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác của đời sống
– Quan hệ giữa văn hóa với chính trị:
+ Chính trị quy định văn hóa, chính trị được giải phóng sẽ mở đường cho văn hóa phát triển.
+ Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong chính trị, tức là văn hóa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị.
+ Mọi hoạt động của tổ chức và nhà chính trị phải có hàm lượng văn hóa.
– Quan hệ giữa văn hóa với kinh tế:
+ Kinh tế quy định văn hóa, vì kinh tế là cơ sở hạ tầng, là nền tảng cho việc xây dựng văn hóa. HCM cho rằng, cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và có đủ điều kiện phát triển được.
+ Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải đứng trong kinh tế, nghĩa là văn hóa không hoàn toàn phụ thuộc vào kinh tế, mà có vai trò tác động tích cực trở lại kinh tế.
+ Sự phát triển của kinh tế sẽ thúc đẩy văn hóa phát triển; ngược lại, mỗi bước phát triển của kinh tế đều có sự khai sáng của văn hóa.
– Quan hệ giữa văn hóa với xã hội:
+ Xã hội thế nào văn hóa thế ấy. Văn học, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam rất phong phú, nhưng trong chế độ nô lệ của kẻ áp bức, thì văn nghệ cũng bị nô lệ, bị tồi tàn không thể phát triển được.
+ Văn hóa có tác động trở lại xã hội, góp phần vào việc đấu tranh thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của văn hóa
a. Văn hóa là mục tiêu, động lực của sự nghiệp cách mạng
– Văn hóa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng.
+ Mục tiêu của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Như vậy, cùng với chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa nằm trong mục tiêu chung của toàn bộ tiến trình cách mạng.
+ Văn hóa là mục tiêu – nhìn một cách tổng quát – là quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc; là khát vọng của nhân dân về các giá trị chân, thiện, mỹ. Đó là một xã hội dân chủ – dân là chủ và dân làm chủ – công bằng, văn minh, ai cũng cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành; một xã hội mà đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân luôn luôn được quan tâm và không ngừng nâng cao, con người có điều kiện phát triển toàn diện.
– Văn hóa là động lực của sự nghiệp cách mạng.
+ Văn hóa chính trị là động lực có ý nghĩa soi đường cho quốc dân đi, lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự chủ, tự cường.
+ Văn hóa văn nghệ góp phần nâng cao lòng yêu nước, lý tưởng, tình cảm cách mạng, sự lạc quan, ý chí, quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
+ Văn hóa giáo dục diệt giặc dốt, xóa mù chữ, giúp con người hiểu biết quy luật phát triển của xã hội. Với sứ mệnh “trồng người”, văn hóa giáo dục đào tạo con người mới, cán bộ mới, nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp cách mạng.
+ Văn hóa đạo đức, lối sống nâng cao phẩm giá, phong cách lành mạnh cho con người, hướng con người tới các giá trị chân, thiện, mỹ.
+ Văn hóa pháp luật bảo đảm dân chủ, trật tự, kỷ cương, phép nước.
b. Văn hóa là một mặt trận
– Văn hóa là một trong bốn nội dung chính của đời sống kinh tế – xã hội, quan trọng ngang các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội. Mặt trận văn hóa là cuộc đấu tranh cách mạng trên lĩnh vực văn hóa – tư tưởng.
– Nội dung mặt trận văn hóa phong phú, đấu tranh trên các lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống… của các hoạt động văn nghệ, báo chí, công tác lý luận, đặc biệt là định hướng giá trị chân, thiện, mỹ của văn hóa nghệ thuật.
– Mặt trận văn hóa là cuộc chiến đấu trên lĩnh vực văn hóa; vì vậy anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy; cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa – Nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”.
c. Văn hóa phục vụ quần chúng nhân dân
– Theo Hồ Chí Minh, mọi hoạt động văn hóa phải trở về với cuộc sống thực tại của quần chúng, phản ánh được tư tưởng và khát vọng của quần chúng. Văn hóa phải gắn với thực tiễn đời sống nhân dân.
– Văn hóa phải phục vụ quần chúng nhân dân là phải miêu tả cho hay, cho thật, phong phú đời sống. Các tác phẩm văn hóa, văn nghệ phải đạt tới sự thống nhất hài hòa giữa nội dung và hình thức. Trên cơ sở đó để phục vụ và định hướng giá trị cho quần chúng.
Hồ Chí Minh nói: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích”
– Văn hóa phải Bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và những tình cảm cao đẹp; Mở rộng hiểu biết, nâng cao dân trí; Bồi dưỡng những phẩm chất, phong cách và lối sống tốt đẹp, lành mạnh, hướng con người đến chân, thiện, mỹ để hoàn thiện bản thân.
– Chiến sĩ văn hóa phải hiểu và đánh giá đúng quần chúng. Quần chúng là những người sáng tác rất Họ cung cấp cho những nhà hoạt động văn hóa những tư liệu quý. Và chính họ là những người thẩm định khách quan, trung thực, chính xác các sản phẩm văn nghệ. Nhân dân phải là những người được hưởng thụ các giá trị văn hóa.
3. Quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới
– Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tháng 8-1943, cùng với việc đưa ra quan niệm về ý nghĩa của văn hóa, Hồ Chí Minh quan tâm đến việc xây dựng nền văn hóa dân tộc với năm nội dung:
+ Xây dựng tâm lý: Tinh thần độc lập tự cường.
+ Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.
+ Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp liên quan đến phúc lợi của nhân dân.
+ Xây dựng chính trị: dân quyền.
+ Xây dựng kinh tế.
– Trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, Hồ Chí Minh khẳng định lại quan điểm của Đảng từ năm 1943 trong Đề cương văn hóa Việt Nam về phương châm xây dựng nền văn hóa mới. Đó là một nền văn hóa có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng.
+ Tính dân tộc: ở đây chính là bản sắc của dân tộc, những nét tinh hoa, tinh tuý nhất của dân tộc, giúp phân biệt, không nhầm lẫn với văn hóa của các dân tộc khác.
+ Tính khoa học: thể hiện ở tính hiện đại, tiên tiến thuận với những trào lưu tiến bộ của thời đại. Tính khoa học của văn hóa đòi hỏi phải đấu tranh chống lại những gì trái với khoa học, phản tiến bộ. Một mặt, phải biết kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mặt khác phải tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
+ Tính đại chúng: thể hiện ở chỗ nền văn hóa ấy do quần chúng xây dựng nên và phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Nghĩa là quần chúng nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo vừa là người hưởng thụ những giá trị của nền văn hóa đó.
– Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ nhân dân miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc.
Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam
Việc xây dựng và phát triển văn hóa được thể hiện qua các Nghị quyết của TW Đảng như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (7-1998); Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội .
Theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, chúng ta phải nhận thức sâu sắc, đúng đắn, đầy đủ vai trò, sứ mệnh của văn hóa đối với sự phát triển bền vững. Mỗi bước đi lên, phát triển của đất nước đều có dấu ấn và sự khai sáng của văn hóa. Cần phải nhận thức những yếu tố bản chất của văn hóa như văn hóa gắn với con người, phản ánh những mặt căn cốt như tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách, tâm hồn, cách ứng xử. Văn hóa còn thì chế độ còn, văn hóa mất thì chế độ mất; không gì đáng sợ bằng văn hóa lâm nguy. Phát triển nền văn hóa toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Muôn việc thành công hay thất bại của cá nhân, tổ chức, cộng đồng, đất nước đều do có văn hóa hay tha hóa về văn hóa. Tập trung xây dựng văn hóa chính trị và các lĩnh vực văn hóa khác như văn hóa bổn phận, văn hóa công bộc, văn hóa ứng xử, văn hóa phê bình… Nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội.