Nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế.
1. Sự cần thiết phải đoàn kết quốc tế
a. Thực hiện đoàn kết quốc tế nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp cho cách mạng
– Theo Hồ Chí Minh, thực hiện đoàn kết quốc tế để tập hợp lực lượng bên ngoài, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của các trào lưu cách mạng thời đại để tạo thành sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt
Sức mạnh dân tộc là sự tổng hợp của các yếu tố vật chất và tinh thần, song trước hết là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và ý thức tự lực, tự cường dân tộc; sức mạnh của tinh thần đoàn kết; của ý chí đấu tranh anh dũng, bất khuất cho độc lập, tự do… Sức mạnh đó đã giúp cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong dựng nước và giữ nước.
Sức mạnh thời đại là sức mạnh của phong trào cách mạng thế giới, đó còn là sức mạnh của chủ nghĩa Mác – Lênin được xác lập bởi thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Trong quá trình hoạt động cách mạng, nhờ chú ý tổng kết thực tiễn dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã từng bước phát hiện ra sức mạnh vĩ đại tiềm ẩn trong các phong trào cách mạng thế giới mà Việt Nam cần tranh thủ.
– Hồ Chí Minh đã sớm xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới ngay từ khi tìm thấy con đường cứu nước, Người cho rằng, cách mạng Việt Nam chỉ có thể thành công khi thực hiện đoàn kết chặt chẽ với phong trào cách mạng thế giới. Thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế; đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở cho việc thực hiện đoàn kết quốc tế. Cùng với quá trình phát triển thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong quan hệ với quốc tế, tư tưởng đoàn kết với phong trào cách mạng thế giới đã được Hồ Chí Minh phát triển ngày càng đầy đủ, rõ ràng và cụ thể hơn.
b. Thực hiện đoàn kết quốc tế nhằm góp phần cùng nhân dân thế giới thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng của thời đại
- Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, chủ nghĩa yêu nước chân chính phải được gắn liền với chủ nghĩa quốc tế vô sản, đại đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế; thực hiện đoàn kết quốc tế không những vì thắng lợi của cách mạng mỗi nước mà còn vì sự nghiệp chung của nhân loại tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế.
- Thời đại mà Hồ Chí Minh sống và hoạt động chính trị là thời đại đã chấm dứt thời kỳ tồn tại biệt lập giữa các quốc gia, mở ra các quan hệ quốc tế ngày càng sâu rộng cho các dân tộc, làm cho vận mệnh của mỗi dân tộc không thể tách rời vận mệnh chung của cả loài người. Ngay sau khi nắm được đặc điểm của thời đại mới, Hồ Chí Minh đã hoạt động không mệt mỏi để phá thế đơn độc của cách mạng Việt Nam, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.
- Theo Hồ Chí Minh, muốn tăng cường đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu chung, các đảng cộng sản trên thế giới phải kiên trì chống lại mọi khuynh hướng sai lầm của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa vị kỷ dân tộc, chủ nghĩa sô vanh…, tiến hành có hiệu quả việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản cho nhân dân.
2. Lực lượng đoàn kết quốc tế và hình thức tổ chức
a. Các lực lượng cần đoàn kết
Lực lượng đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm: phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào hoà bình, dân chủ thế giới, trước hết là phong trào chống chiến tranh của nhân dân các nước đang xâm lược Việt Nam.
- Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Hồ Chí Minh cho rằng, sự đoàn kết giữa giai cấp công nhân quốc tế là một bảo đảm vững chắc cho thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Chủ trương đoàn kết giai cấp công nhân quốc tế, đoàn kết giữa các đảng cộng sản trong tư tưởng Hồ Chí Minh xuất phát từ tính tất yếu về vai trò của giai cấp công nhân trong thời đại ngày nay. Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa tư bản là một lực lượng phản động quốc tế, là kẻ thù chung của nhân dân lao động toàn thế giới. Trong hoàn cảnh đó, chỉ có sức mạnh của sự đoàn kết, nhất trí, sự đồng tình và ủng hộ lẫn nhau của lao động toàn thế giới theo tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em” mới có thể chống lại được.
- Đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã thấy rõ âm mưu chia rẽ dân tộc của các nước đế quốc. Chính vì vậy, Người đã lưu ý Quốc tế Cộng sản về những biện pháp nhằm “làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”. Thêm vào đó, để tăng cường đoàn kết giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản chính quốc, Hồ Chí Minh còn đề nghị Quốc tế Cộng sản, bằng mọi cách phải “làm cho đội quân tiên phong của lao động thuộc địa tiếp xúc mật thiết với giai cấp vô sản phương Tây để dọn đường cho một sự hợp tác thật sự sau này”.
- Đối với các lực lượng tiến bộ, những người yêu chuộng hoà bình, dân chủ, tự do và công lý, Hồ Chí Minh cũng tìm mọi cách để thực hiện đoàn kết. Trong xu thế mới của thời đại, sự thức tỉnh dân tộc gắn liền với sự thức tỉnh giai cấp, Hồ Chí Minh đã gắn cuộc đấu tranh vì độc lập ở Việt Nam với mục tiêu bảo vệ hòa bình, tự do, công lý và bình đẳng để tập hợp và tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Gắn cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc với mục tiêu hòa bình, tự do và công lý, Hồ Chí Minh đã khơi gợi lương tri của những người tiến bộ tạo nên những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ của các tổ chức quần chúng, các nhân sĩ trí thức và từng con người trên hành
b. Hình thức tổ chức
- Đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là vấn đề sách lược, một thủ đoạn chính trị nhất thời mà là vấn đề có tính nguyên tắc, một đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam. Từ năm 1924, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm về thành lập “Mặt trận thống nhất của nhân dân chính quốc và thuộc địa” chống chủ nghĩa đế quốc, đồng thời kiến nghị Quốc tế Cộng sản cần có giải pháp cụ thể để quan điểm này trở thành sự thật.
- Đối với các dân tộc trên bán đảo Đông Dương, Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt. Cả ba dân tộc đều là láng giềng gần gũi của nhau, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hoá và cùng chung một kẻ thù là thực dân Pháp. Năm 1941, để khơi dậy sức mạnh và quyền tự quyết của mỗi dân tộc, theo đúng quan điểm của Hồ Chí Minh về tập hợp lực lượng cách mạng, Đảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); giúp Lào và Campuchia thành lập mặt trận yêu nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc hình thành Mặt trận nhân dân ba nước Đông Dương.
- Với các dân tộc châu Á, Người chỉ rõ, các dân tộc châu Á có độc lập thì nền hoà bình thế giới mới thực hiện. Vận mệnh dân tộc châu Á có quan hệ mật thiết với vận mệnh dân tộc Việt Nam. Do vậy, từ những năm 20 của thế kỷ XX, cùng với việc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa tại Pháp, Hồ Chí Minh đã tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tại Trung Quốc. Đây là hình thức sơ khai của mặt trận thống nhất các dân tộc bị áp bức theo xu hướng vô sản, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Với việc tham gia sáng lập các tổ chức này, Hồ Chí Minh đã góp phần đặt cơ sở cho sự ra đời của Mặt trận nhân dân Á – Phi đoàn kết với Việt Nam.
- Những năm đấu tranh giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh tìm mọi cách xây dựng các quan hệ với mặt trận dân chủ và lực lượng đồng minh chống phátxít, nhằm tạo thế và lực cho cách mạng Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, bằng hoạt động ngoại giao không mệt mỏi, Hồ Chí Minh đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, của bạn bè quốc tế và nhân loại tiến bộ, trong đó có cả nhân dân yêu chuộng hoà bình Pháp trong kháng chiến chống Pháp và cả nhân dân yêu chuộng hoà bình Mỹ trong kháng chiến chống Mỹ, hình thành Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống đế quốc xâm lược.
Như vậy, tư tưởng đoàn kết vì thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã định hướng cho việc hình thành bốn tầng mặt trận: Mặt trận đại đoàn kết dân tộc; Mặt trận đoàn kết Việt Nam – Lào – Campuchia ; Mặt trận nhân dân Á – Phi đoàn kết với Việt Nam; Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống đế quốc xâm lược. Đây thực sự là sự phát triển rực rỡ nhất và thắng lợi to lớn nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết.
3. Nguyên tắc đoàn kết quốc tế
a. Đoàn kết trên cơ sở thống nhất mục tiêu và lợi ích; có lý, có tình
Muốn thực hiện được đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng phản động quốc tế, phải tìm ra được những điểm tương đồng về mục tiêu và lợi ích giữa các dân tộc, các lực lượng tiến bộ và phong trào cách mạng thế giới. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra sự tương đồng này nhờ đặt cách mạng Việt Nam trong bối cảnh chung của thời đại, kết hợp lợi ích của cách mạng Việt Nam với trào lưu cách mạng thế giới và nhận thức về nghĩa vụ của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng chung của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
– Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Hồ Chí Minh giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện đoàn kết thống nhất trên nền tảng của chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.
– Đối với các dân tộc trên thế giới, Hồ Chí Minh giương cao ngọn cờ độc lập, tự do và quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Hồ Chí Minh thực hiện nhất quán quan điểm có tính nguyên tắc: Dân tộc Việt Nam tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của tất cả các dân tộc-quốc gia trên thế giới, đồng thời mong muốn các nước trên thế giới quan hệ hợp tác, hữu nghị với Việt Nam trên cơ sở những nguyên tắc đó.
Đối với các lực lượng tiến bộ trên thế giới, Hồ Chí Minh giương cao ngọn cờ hòa bình, chống chiến tranh xâm lược. Trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, đấu tranh cho hòa bình, một nền hòa bình thật sự cho tất cả các dân tộc – “hòa bình trong độc lập, tự do”.
b. Đoàn kết trên cơ sở độc lập, tự chủ
Đoàn kết quốc tế là để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng quốc tế nhằm tăng thêm nội lực, tạo sức mạnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng đã đặt Để đoàn kết tốt phải có nội lực tốt. Nội lực là nhân tố quyết định, còn nguồn lực ngoại sinh chỉ có thể phát huy tác dụng thông qua nguồn lực nội sinh. Chính vì vậy, trong đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh luôn nêu cao khẩu hiệu: “Tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”, “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”. Trong đấu tranh giành chính quyền, Người chủ trương “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Hồ Chí Minh chỉ rõ, muốn tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế, Đảng phải có đường lối độc lập, tự chủ và đúng đắn. Trả lời một phóng viên nước ngoài, Người nói: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Người yêu cầu phải chú trọng đến thực lực trong quan hệ quốc tế. “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.