Trang chủ Du lịch Du lịch là gì? Các tác động của hoạt động du lịch

Du lịch là gì? Các tác động của hoạt động du lịch

by Ngo Thinh
705 views

Từ xa xưa trong lịch sử nhân loại, du lịch đã được ghi nhận như một sở thích, một hoạt động nghỉ ngơi tích cực của con người. Ngày nay du lịch đã trở thành một hiện tượng kinh tế – xã hội phổ biến không chỉ ở các nước kinh tế phát triển mà còn ở cả các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Du lịch không còn là một hiện tượng riêng lẻ, đặc quyền của cá nhân hay một nhóm người mà đã trở thành một nhu cầu phổ biến, đáp ứng mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho con người.

1. Khái niệm

1.1. Khái niệm du lịch

Khái niệm du lịch dưới các góc độ nghiên cứu khác nhau cũng sẽ có những cách hiểu khác nhau.

Năm 1811 định nghĩa về du lịch lần đầu tiên xuất hiện tại nước Anh: “Du lịch là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lý thuyết và thực hành của các cuộc hành trình với mục đích giải trí’’. Khái niệm này tương đối đơn giản và coi giải trí là động cơ chính của hoạt động du lịch.

Năm 1930, ông Guzman (Thụy Sĩ) đã định nghĩa : “Du lịch là sự chinh phục không gian của những người đến một địa điểm mà ở đó họ không có chỗ cư trú thường xuyên’’.

Hai học giả Hunziker và Krapt đưa ra định nghĩa: “Du lịch là sự chinh phục không gian của những người đến một địa điểm, mà ở đó họ không có chỗ cư trú thường xuyên’’.

Theo I.I Pirojnik: “Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi liên quan đến sự di chuyển và lưu trú tạm thời bên ngoài nơi lưu trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi, chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao nhận thức – văn hóa hoặc thể thao kèm theo việc tiêu thụ những giá trị tự nhiên, kinh tế và văn hóa’’.

Tháng 6/1992 tại Otawa (Cananđa), Hội nghị quốc tế về thống kê du lịch đã đưa ra định nghĩa: “Du lịch là hoạt động của con người đi tới một nơi ngoài môi trường thường xuyên, trong khoảng thời gian ít hơn khoảng thời gian đã được các tổ chức du lịch quy định trước, mục đích của chuyến đi không phải là để tiến hành các hoạt động kiếm tiền trong phạm vi vùng tới thăm’’.

Hội nghị lần thứ 27 (năm 1993) của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã định nghĩa: “Du lịch là hoạt động về chuyến đi đến một nơi khác với môi trường sống thường xuyên của con người và ở lại đó để tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hay các mục đích khác ngoài hoạt động để có thù lao ở nơi đến với thời gian liên tục ít hơn một năm’’.

Luật Du lịch Việt Nam (năm 2005) tại điều 4, chương I đã quy định: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định’’.

Như vậy, du lịch là một hoạt động có nhiều đặc thù, gồm nhiều thành phần tham gia, tạo thành một tổng thể phức tạp. Hoạt động du lịch vừa có đặc điểm của ngành kinh tế, vừa có đặc điểm của ngành văn hóa – xã hội.

1.2. Khái niệm khách du lịch

 Theo một số nhà nghiên cứu, khái niệm khách du lịch lần đầu tiên xuất hiện vào cuối thế kỷ XVIII tại Pháp và được hiểu là: “Khách du lịch là những người thực hiện một cuộc hành trình lớn’’.

Vào đầu thế kỷ XX, nhà kinh tế học người Áo, Josef Stander định nghĩa: “Khách du lịch là những hành khách đi lại, ở lại theo ý thích ngoài nơi cư trú thường xuyên để thỏa mãn các nhu cầu sinh hoạt cao cấp mà không theo đuổi các mục đích kinh tế’’.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới khách du lịch gồm có khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa.

Khách du lịch quốc tế là một người ra khỏi quốc gia đang sinh sống trong thời gian ít nhất 24h và không quá 12 tháng liên tục với mục đích không phải là làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến.

Khách du lịch nội địa là một người ra khỏi nơi cư trú thường xuyên của mình trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó với thời gian ít nhất 24h và không quá 12 tháng liên tục với mục đích không phải là làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến.

Ở nước ta, tại điều 4, chương I, Luật Du lịch Việt Nam (2005) quy định: “Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến’’. Khách du lịch gồm khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa:

– Khách du lịch quốc tế gồm hai nhóm khách: khách du lịch vào Việt Nam (khách inbound) và khách du lịch ra nước ngoài (khách outbound).

– Khách du lịch vào Việt Nam (khách inbound): là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch.

– Khách du lịch ra nước ngoài (khách outbound): là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch.

– Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đi du lịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

2. Các tác động của hoạt động du lịch

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, việc phát triển du lịch có tác động đối với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội và môi trường. Những tác động này bao gồm cả tác động tích cực và tiêu cực.

2.1. Tác động về kinh tế

a. Đối với phát triển du lịch nội địa:

Xét về ý nghĩa của phát triển du lịch nội địa có thể thấy du lịch tham gia tích cực vào quá trình tạo nên thu nhập quốc dân như sản xuất hàng lưu niệm, chế biến thực phẩm, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật… Quá trình này giúp làm tăng tổng sản phẩm quốc nội.

Ngoài ra, việc phát triển du lịch nội địa cũng tham gia tích cực vào quá trình phân phối lại thu nhập quốc dân giữa các vùng. Hay nói cách khác, du lịch tác động tích cực vào việc làm cân đối cấu trúc của thu nhập và chi tiêu của nhân dân theo các vùng. Vì thường các vùng phát triển về du lịch lại là những vùng kém sản xuất ra của cải vật chất dẫn đến thu nhập từ sản xuất của người dân tại những vùng đó rất thấp.

Du lịch nội địa phát triển tốt cũng sẽ củng cố sức khỏe cho nhân dân lao động và từ đó góp phần tăng năng suất lao động cho xã hội.

b. Đối với phát triển du lịch quốc tế:

Việc phát triển loại hình này có thể tạo ra những tác động tích cực nhất định về kinh tế. Trước hết phải kể đến việc giúp làm tăng thu nhập quốc dân thông qua việc thu ngoại tệ, đóng góp lớn trong việc cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.

Du lịch quốc tế cũng được coi là hoạt động xuất khẩu có hiệu quả cao. Tính hiệu quả được thể hiện ở chỗ du lịch được coi là ngành “xuất khẩu tại chỗ’’. Hàng hóa được tiêu thụ thông qua con đường du lịch không phải chịu hàng rào thuế quan mậu dịch quốc tế. Du lịch không chỉ là “ngành xuất khẩu tại chỗ’’ mà còn là ngành “xuất khẩu vô hình’’ hàng hóa du lịch. Đó là cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, di tích lịch sử – văn hóa, tính độc đáo trong truyền thống, phong tục tập quán … mà không bị mất đi sau mỗi lần bán thậm chí giá trị và uy tín của nó còn tăng lên qua mỗi lần đưa ra thị trường nếu như đảm bảo được chất lượng dịch vụ du lịch. Sở dĩ có hiện tượng trên là do chúng ta bán cho khách hàng không phải là bản thân tài nguyên du lịch mà chỉ là giá trị, khả năng thỏa mãn nhu cầu đặc trưng của khách du lịch chứa đựng trong tài nguyên du lịch. Với hai hình thức xuất khẩu trên cho thấy hàng hóa và dịch vụ bán thông quan du lịch đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn do tiết kiệm được các chi phí đóng gói bao bì, bảo quản và thuế xuất, nhập khẩu, có khả năng thu hồi vốn nhanh và lãi suất cao do nhu cầu du lịch là nhu cầu cao cấp có khả năng thanh toán.

Du lịch khuyến khích và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Một xu hướng hiện nay là chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giá trị dịch vụ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng sản phẩm xã hội. Do vậy, các nhà kinh doanh quan tâm đến hiệu quả của đồng vốn thì du lịch là lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn so với nhiều ngành kinh tế khác. Du lịch đem lại tỷ suất lợi nhuận cao vì vốn đầu tư vào du lịch tương đối ít so với ngành công nghiệp nặng, giao thông vận tải mà khả năng thu hồi vốn nhanh, kỹ thuật không phức tạp. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bổ sung thì nhu cầu về vốn đầu tư lại càng ít hơn so với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cơ bản, mà lại thu hút lao động nhiều hơn, thu hồi vốn nhanh hơn. Du lịch góp phần củng cố và phát triển các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Các tổ chức quốc tế mang tính chính phủ và phi chính phủ về du lịch tác động tích cực trong việc hình thành các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Du lịch quốc tế phát triển tạo nên sự phát triển đường nối giao thông quốc tế. Ngoài ra, du lịch quốc tế cũng như một đầu nối xuất – nhập khẩu ngoại tệ góp phần làm phát triển quan hệ ngoại hối quốc tế.

Du lịch làm tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương phát triển du lịch. Hoạt động du lịch phát triển tạo nguồn thu ngân sách cho các địa phương từ các khoản trích nộp ngân sách của các cơ sở du lịch trực thuộc quản lý trực tiếp của địa phương và từ các khoản thuế phải nộp của các doanh nghiệp du lịch kinh doanh trên địa bàn. Du lịch góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Trước hết, hoạt động kinh doanh du lịch đòi hỏi sự hỗ trợ liên ngành là cơ sở cho các ngành khác như giao thông vận tải, tài chính, bưu điện, công nghiệp, nông nghiệp, hải quan… phát triển. Đối với nền sản xuất xã hội, du lịch mở ra thị trường tiêu thụ hàng hóa. Mặt khác, sự phát triển du lịch tạo điều kiện để khách du lịch tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng về sản xuất kinh doanh trong nước, tận dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật ở các ngành kinh tế khác.

Phát triển du lịch sẽ mở mang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, như mạng lưới giao thông công cộng, mạng lưới điện nước, các phương tiện thông tin đại chúng… Đặc biệt, ở những vùng phát triển du lịch, do xuất hiện các nhu cầu đi lại, vận chuyển thông tin liên lạc … của khách du lịch cũng như những điều kiện cần thiết cho cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động nên các ngành này phát triển.

Tuy nhiên, về mặt kinh tế, du lịch cũng có những ảnh hưởng tiêu cực cố hữu như: tiền tệ tiêu hao từ khu vực này sang khu vực khác, đất đai trở nên khan hiếm và đắt đỏ do quy hoạch du lịch. Hệ quả tiếp theo là tình trạng lạm phát cục bộ hay giá cả hàng hoá tăng cao, nhiều khi vượt quá khả năng chi tiêu của người dân địa phương, nhất là khả năng chi tiêu của những người có thu nhập không liên quan đến du lịch.

2.2. Tác động về văn hóa – xã hội

a. Tác động tích cực

Việc phát triển du lịch giúp tạo ra những tác động tích cực đối với văn hóa – xã hội. Những tác động tiêu biểu phải kể đến như:

–  Nâng cao trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, hiểu biết xã hội.

Du lịch là hoạt động mà qua đó du khách cũng như người hoạt động kinh doanh du lịch, dân cư địa phương có điều kiện tăng thêm hiểu biết, mở mang kiến thức, thêm kinh nghiệm và vốn sống.

Đối với các đối tượng tham gia hoạt động du lịch, để đáp ứng được yêu cầu của công việc như tiếp xúc với khách du lịch, nhất là khách quốc tế, hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, những người phục vụ khách … cần thiết phải nâng cao trình độ, rèn luyện để hình thành các kỹ năng, tham gia các khóa học ngoại ngữ, chuyên môn hoặc tìm đọc các thông tin, kiến thức… từ đó củng cố và nâng cao kiến thức của bản thân. Ngoài việc tự học, việc học tập, bồi dưỡng kiến thức định kỳ còn là yêu cầu bắt buộc của ngành.

Để phục vụ được du khách, các nhân viên bán hàng cũng cần có cách cư xử, giao tiếp khéo léo. Vô hình chung hành vi cư xử có văn hóa đã được phát triển, làm đẹp cho cộng đồng và cho toàn xã hội.

Đối với du khách, du lịch là điều kiện tốt để hiểu biết hơn về thực tế. Khi đi du lịch, qua thông tin được hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch cung cấp, khách du lịch có hiểu biết tốt hơn về đối tượng tham quan, các thắng cảnh, di tích, lễ hội, phong tục tập quán, truyền thuyết… từ đó nâng cao được kiến thức của mình.

– Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc

Theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới, hiện nay có tới hơn 80% số lượng du khách đi du lịch nhằm hưởng thụ các giá trị văn hóa độc đáo và khác biệt so với nền văn hóa bản địa của họ. Du khách bị hấp dẫn bởi các điểm du lịch với cảnh quan thiên nhiên đẹp và nền văn hóa truyền thống, gây ấn tượng mạnh và độc đáo. Có thể nói, đối tượng văn hóa là tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn. Phát triển du lịch cũng là cách để bảo tồn kiến trúc cổ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa hát dân tộc, lễ hội truyền thống…

Cũng chính nhờ du lịch, các nền văn hóa có điều kiện giao lưu, hội nhập với nhau, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của con nguời trở nên phong phú hơn. Du lịch làm sống lại những làn điệu dân ca, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, nhiều lễ hội, nhiều nét văn hóa khác được khôi phục, bảo tồn nhờ hoạt động du lịch.

– Phát triển du lịch cũng được coi là một yếu tố thúc đẩy văn hóa ẩm thực

Nhiều du khách đi du lịch mong muốn được thưởng thức các món ăn ngon, độc đáo, đặc sắc của từng vùng, miền, quốc gia. Các sản phẩm văn hóa dân tộc khác như tranh vẽ, điêu khắc, thêu ren … cũng là những sản phẩm nghệ thuật làm du khách ưa thích cũng được phát triển. Như vậy, thông qua du lịch vừa có tác đụng bảo tồn làng nghề truyền thống, vừa cung cấp sản phẩm cho du khách.

– Góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ tại địa phương

Có thể nói, đối với du lịch thì tài nguyên du lịch là tiền đề để phát triển. Thường tài nguyên du lịch đặc biệt là những tài nguyên du lịch được phân bố của những vùng núi xa xôi, hẻo lánh. Để khai thác các tài nguyên này cần phải có sự đầu tư về mọi mặt như xây dựng đường sá giao thông, liên lạc, dịch vụ xã hội… Bên cạnh đó là việc xây dựng hàng loạt các dịch vụ đi kèm như hệ thống nhà hàng, bưu điện, siêu thị … đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Do vậy, phát triển du lịch tất yếu làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội của khu vực đó.

– Các tác động khác

Du lịch góp phần giữ gìn và phục hồi sức khỏe. Ở một chừng mực nhất định, du lịch có tác dụng hạn chế bệnh tật, kéo dài tuổi thọ và khả năng lao động của con người. Một số công trình nghiên cứu đã đi đến nhận định rằng, nhờ chế độ nghỉ ngơi và du lịch tối ưu, khả năng bệnh tật của dân cư giảm trung bình 30%. Điều này thể hiện rõ nét ở một số bệnh như tim mạch giảm 50%, tiêu hóa giảm 20%, hô hấp giảm 40% và bệnh thần kinh giảm 30%.

Du lịch phần nào dẫn đến sự thay đổi lối sống, nhịp điệu sống và phong cách làm việc, nó thể hiện qua thời gian trong hoạt động du lịch. Hoạt động du lịch liên quan đến thời gian rỗi, nên có thể diễn ra ngoài giờ làm việc, không khí nhiều lúc, nhiều nơi rất náo nhiệt, cuộc sống cộng đồng trở nên sôi động, cuốn hút mọi người.

Hiện nay ở một số địa phương, phát triển du lịch đi đôi với việc tạo và làm sống lại một số nghề thủ công truyền thống, dịch vụ xã hội. Đây là lĩnh vực thu hút nhiều lao động nữ. Phụ nữ tham gia nhiều hơn vào công tác xã hội, trực tiếp làm kinh tế tạo nên thu nhập. Điều này có tác dụng làm thay đổi địa vị của người phụ nữ trong xã hội, nâng cao vai trò của họ trong gia đình.

Đẩy mạnh các hoạt động du lịch, khai thác các thế mạnh tài nguyên du lịch tự nhiên sẽ kích thích việc tìm kiếm các hình thức bảo vệ tự nhiên, đặc biệt điều kiện sử dụng hợp lý tài nguyên và phát triển lâu bền. Nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan của du khách là yếu tố làm xuất hiện những công viên, khu bảo tồn vừa có giá trị đa dạng sinh học, vừa tổ chức hoạt động giải trí, tham quan… Điều này có thể hiểu rằng có ý nghĩa nhất định trong việc bảo vệ môi trường.

Phát triển du lịch thu hút nhiều du khách cũng là hình thức, phương tiện quảng cáo một cách tự nhiên. Du khách đến trước và kể lại cho những người chưa đi về những nơi mình đã qua, những mặt hàng lưu niệm mà du khách đã mua là những sản phẩm quảng cáo cho nền sản xuất của quốc gia.

Du lịch có tác dụng nâng cao lòng yêu nước, yêu thiên nhiên cuộc sống. Đi du lịch con người ta hiểu biết hơn về vẻ đẹp của thiên nhiên, bàn tay lao động sáng tạo của con người. Ngoài ra, đi du lịch mọi người có điều kiện tiếp xúc với nhau, gần gũi nhau, tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng. Từ đó hình thành những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, phát triển nhân cách. Qua du lịch cũng phần nào giáo dục lòng mến khách, tạo nên tình bằng hữu giữa các dân tộc.

Du lịch là ngành nhu cầu sử dụng lao động ở mức cao. Do đó việc phát triển du lịch sẽ tạo cơ hội việc làm cho cả lao động trực tiếp làm việc trong ngành du lịch và lao động gián tiếp.

b. Tác động tiêu cực

Ngoài những tác động tích cực đã được phân tích ở trên, việc phát triển du lịch cũng gây ra những tác động tiêu cực nhất định.

– Làm biến đổi các giá trị truyền thống.

Cùng với việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, hoạt động du lịch lại có những tác động theo hướng ngược lại. Vì mục đích đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều giá trị văn hóa bị xuống cấp, bị thương mại hóa. Nhiều giá trị truyền thống bị lu mờ do sự lạm dụng vì mục đích kinh tế. Do chạy theo số lượng, không ít mặt hàng truyền thống được chế tác làm hàng lưu niệm cho du khách bị sản xuất cẩu thả, làm méo mó các giá trị truyền thống. Ở nhiều nơi, người ta cố tình tạo ra nền văn hóa tiêu biểu, biến lễ hội thành các buổi trình diễn làm thay đổi văn hóa để thích nghi với nhu cầu của du khách. Những thay đổi về văn hóa này nếu không được quan tâm ngăn chặn, chắc chắn sẽ là nguyên nhân làm giảm sút sự hấp dẫn du khách, suy thoái nền văn hóa truyền thống, không đảm bảo tính bền vững của phát triển du lịch.

– Tác động đối với tài nguyên du lịch.

Tài nguyên du lịch là điều kiện tiền đề để phát triển du lịch bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Sự suy thoái các giá trị văn hóa nghệ thuật đã đề cập ở trên là một minh chứng cho sự suy thoái tài nguyên du lịch nhân văn.

Những nơi có tài nguyên có giá trị hấp dẫn sẽ có khả năng thu hút khách du lịch mạnh. Sự tập trung đông du khách sẽ tạo ra tác động tiêu cực cho tài nguyên du lịch. Khi đi du lịch, du khách thường mua những món quà lưu niệm để kỷ niệm về những nơi mình đã đi qua. Nhiều khi để tạo ra hàng lưu niệm này, vô tình người dân đã phá vỡ đi các hệ sinh thái, tài nguyên du lịch tự nhiên. Hay do thiếu ý thức, nhiều du khách vứt rác, chất thải bừa bãi trên các con sông, bãi biển, trong các hang động, làm ảnh hưởng đến san hô .. gây ô nhiễm môi trường, xuống cấp các tài nguyên.

– Tác động đến đời sống của cộng đồng dân cư địa phương

Dưới góc độ xã hội, hoạt động du lịch mang tính nhịp điệu khá rõ nét. Tại một số điểm du lịch có thể có thời gian rất đông khách, nhiều khi gây ra sự quá tải về sức chứa, ngược lại có những lúc hầu như không có khách. Chính điều đó tạo ra tính mùa trong hoạt động du lịch, từ đó hình thành nên tính mùa vụ trong đời sống của nhân dân. Du lịch văn hóa, lễ hội là điển hình về tính thời vụ. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu vào thời gian ngắn, gây ra ảnh hưởng đến đời sống của dân cư, mùa rất bận rộn, mùa lại nhàn rỗi và sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các thời kỳ trong năm.

Dân cư địa phương tại các khu, điểm du lịch rất dễ bị ảnh hưởng một số hành vi, lối sống “hiện đại’’, “văn minh’’ quá mức của du khách, nhất là giới trẻ, nhiều trường hợp trở thành phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tôc.

Mặt khác, ở các điểm, khu du lịch, nhiều khi người dân địa phương lại chịu ảnh hưởng về giá cả rất cao. Vào các mùa du lịch, nhiều hàng quán bình dân phục vụ cho dân cư cũng phục vụ du khách nhằm mục đích kiếm lời hơn. Điều này phần nào ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.

Ngoài ra, hoạt động du lịch gián tiếp tạo ra sự mâu thuẫn trong đời sống của cư dân như mâu thuẫn do tranh giành khách mua hàng, chờ khách, tranh giành, lấn chiếm đất để mở hàng quán. Thậm chí có thể gây hiểu lầm giữa khách du lịch và cư dân do những khách biệt về văn hóa, phong tục và chính trị. Do cách nhìn nhận về đạo đức khác nhau, nhiều du khách không biết rằng mình đã có những hành vi gây cảm giác khó chịu cho người dân địa phương.  Các hiện tượng quá tải sức chứa

Vào các mùa du lịch, lượng du khách tập trung cao sẽ gây nên hiện tượng quá tải sức chứa. Từ tình trạng này có thể gây ra hiện tượng tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến tính mạng của du khách và người dân địa phương. Ngoài ra nếu không có tính toán chính xác có thể dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm cung ứng cho du khách.

– Tệ nạn xã hội 

Đặc trưng cơ bản của hoạt động du lịch là tính đa thành phần, biểu hiện ở tính đa dạng trong thành phần khách du lịch, người phục vụ du lịch, cộng đồng dân cư và các tổ chức tham gia vào hoạt động du lịch được thực hiện thông qua giao tiếp. Quá trình giao tiếp này là điều kiện để nhiều ảnh hưởng tiêu cực thâm nhập vào xã hội một cách nhanh chóng, làm phát triển các tệ nạn xã hội.

Nhiều du khách có thể lợi dụng mục đích du lịch để thực hiện các hoạt động không hợp pháp.

Khả năng tài chính của du khách là một trong những yếu tố làm nảy sinh nhu cầu du lịch, nhưng không phải mọi du khách đều có thu nhập cao. Tuy nhiên trong mắt một số người dân địa phương, du khách là những người có khả năng về tài chính. Chính vì vậy, họ trở thành mục tiêu cho việc kiếm tiền bất hợp pháp như trộm cắp, cướp giật, các đối tượng đeo bám để bán hàng lưu niệm và những người ăn xin.

2.3. Tác động về môi trường

a. Tích cực

Ngoài kinh tế, văn hóa xã hội, việc phát triển du lịch cũng được ghi nhận là có những tác động tích cực nhất định đến môi trường. Những tác động tích cực có thể là:

Bảo tồn thiên nhiên: Du lịch góp phần khẳng định giá trị và góp phần vào việc bảo tồn các diện tích tự nhiên quan trọng, phát triển các Khu Bảo tồn và Vườn Quốc gia.

Tăng cường chất lượng môi trường: Du lịch có thể cung cấp những sáng kiến cho việc làm sạch môi trường thông qua kiểm soát chất lượng không khí, nước, đất, ô nhiễm tiếng ồn, thải rác và các vấn đề môi trường khác thông qua các chương trình quy hoạch cảnh quan, thiết kế xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình kiến trúc.

Đề cao môi trường: Việc phát triển các cơ sở du lịch được thiết kế tốt có thể đề cao giá trị các cảnh quan.

Cải thiện hạ tầng cơ sở: Các cơ sở hạ tầng của địa phương như sân bay, đường sá, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc có thể được cải thiện thông qua hoạt động du lịch.

Tăng cường hiểu biết về môi trường của cộng đồng địa phương thông qua việc trao đổi và học tập với du khách.

b. Tiêu cực

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực trên, việc phát triển du lịch cũng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

Ảnh hưởng tới nhu cầu và chất lượng nước: Du lịch là ngành tiêu thụ nước nhiều, thậm chí tiêu hao hơn cả nhu cầu nước sinh hoạt của địa phương.

Nước thải: Nếu như không có hệ thống xử lý nước thải cho khách sạn, nhà hàng có thể sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm hoặc các thuỷ vực lân cận (sông, hồ, biển), làm lan truyền nhiều loại dịch bệnh như giun sán, đường ruột, bệnh ngoài da, bệnh mắt hoặc làm ô nhiễm cảnh quan và gây hại cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Rác thải: Vứt rác thải bừa bãi là vấn đề chung của nhiều khu du lịch. Đây là nguyên nhân gây mất cảnh quan, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và nảy sinh xung đột xã hội.

Ô nhiễm không khí: Tuy được coi là ngành “công nghiệp không khói”, nhưng du lịch có thể gây ô nhiễm không khí thông qua phát xả khí thải động cơ xe máy và tàu thuyền, đặc biệt là ở các trọng điểm và trục giao thông chính, gây hại cho cây cối, động vật hoang dã và các công trình xây dựng bằng đá vôi và bê tông.

Năng lượng: Tiêu thụ năng lượng trong khu du lịch thường không hiệu quả và lãng phí.

Ô nhiễm tiếng ồn: Tiếng ồn từ các phương tiện giao thông, các cơ sở cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Đối với hệ thống các vườn quốc gia, tiếng ồn cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến các loại động vật hoang dã.

Ô nhiễm phong cảnh: Việc xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ như nhà hàng, điểm du lịch không phù hợp với cảnh quan môi trường, thiết kế kiến trúc không hợp lý sẽ làm xấu đi phong cảnh tự nhiên.

Làm nhiễu loạn sinh thái: Việc phát triển hoạt động du lịch thiếu kiểm soát có thể tác động lên đất (xói mòn, trượt lở), làm biến động các nơi cư trú, đe dọa các loài động vật hoang dại (tiếng ồn, săn bắt, cung ứng thịt thú rừng, thú nhồi bông, côn trùng…). Xây dựng đường giao thông và khu cắm trại gây cản trở động vật hoang dại di chuyển tìm mồi, kết đôi hoặc sinh sản, phá hoại rạn san hô do khai thác mẫu vật, cá cảnh hoặc neo đậu tàu thuyền…

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình bồi dưỡng Nghiệp vụ cho Thuyết minh viên Du lịch, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net