Trang chủ Lịch sử Sự ra đời của Chủ nghĩa Tư bản phương Tây

Sự ra đời của Chủ nghĩa Tư bản phương Tây

by Ngo Thinh
439 views

Từ thế kỷ XIV,XV, những nhân tố lẻ tẻ của chủ nghĩa tư bản đã xuất hiện trong các thành thị ở Ý, ở vùng sông Ranh và ở Nêđéclan, nhưng đến đầu thế kỷ XVI, chủ nghĩa tư bản mới thật sự ra đời và tồn tại phổ biến ở Tây Âu.

I. Những tiền đề của sự ra đời của chủ nghĩa tư bản

Sự ra đời của chủ nghĩa tư bản là do 2 điều kiện có trước sau đây:

1. Sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa:

Đến thế kỷ XVI, công nông thương nghiệp ở Tây Âu đều có bước phát triển rất lớn so với trước.

– Về thủ công nghiệp: Đến thời kỳ này có những tiến bộ đáng kể về kỹ thuật mà trước hết là việc sử dụng sức nước làm nguồn năng lượng. Nhờ vậy các nghề khai mỏ, luyện kim, dệt len dạ v…đều phát triển nhanh chóng về năng suất lao động cũng như về chất lượng sản phẩm.

– Về nông nghiệp: Nhờ sự tiến bộ trong công nghiệp nên trong nông nghiệp đã được sử dụng nhiều loại công cụ hoàn thiện, do đó diện tích canh tác được mở rộng và năng suất cây trồng cũng tăng lên.

– Về thương nghiệp: Do sự phát triển của thủ công nghiệp và nông nghiệp, số lượng hàng hóa được đem bán ở thị trường ngày càng tăng. Hơn nữa, nhờ những tiến bộ mới trong nghề hàng hải, nên khối lượng hàng hóa đem về Tây Âu càng nhiều và phạm vi buôn bán cũng càng mở rộng đến tận những nơi xa xôi.

2. Quá trình tích lũy ban đầu của chủ nghĩa tư bản:

Sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa là điều kiện cơ bản để dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, nhưng chỉ có kinh tế hàng hóa thì chưa đủ. Muốn có quan hệ tư bản chủ nghĩa thì còn phải có một quá trình chuẩn bị gọi là quá trình tích lũy vốn ban đầu.

Quá trình tích lũy ban đầu là quá trình tập trung vốn vào tay một số ít ngườivà cũng là quá trình tước đoạt tư liệu sản xuất của quần chúng lao động mà chủ yếu là nông dân nhằm biến họ thành những người làm thuê.

Quá trình tích lũy ban đầu đó được thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó tiêu biểu nhất là phong trào rào đất Anh việc cướp bóc thuộc địa.

Lúc bấy giờ, do sự phát triển nhanh chóng của nghề dệt len dạ, nhu cầu về lông cừu ngày càng tăng và giá cả lông cừu cũng ngày càng đắt. Vì vậy, các chúa đất đã khoanh những vùng rộng lớn trong đó không chỉ có ruộng đất của họ mà còn có cả ruộng đất nhà cửa của nông dân và đất hoang mà mọi người cùng được sử dụng.

Sau khi tước tư liệu sản xuất của nông dân, nhà nước liền ban hành các đạo luật cấm những người vô sản đi ăn xin và đi lang thang, do đó họ không có con đường nào khác là phải làm thuê cho các nhà tư bản.

Song song với biện pháp trên là việc cướp bóc tài nguyên kể cả bản thân con người ở những vùng mới phát hiện. Những của cải chiếm đoạt được ở những nơi này được đưa về chính quốc và biến thành tư bản.

Như vậy, trong hai biện pháp ấy, biện pháp thứ nhất đem lại kết quả chủ yếu là tạo nên tầng lớp vô sản đông đảo phải làm thuê cho các nhà tư bản, còn kết quả chủ yếu của biện pháp thứ hai là tích lũy tiền vốn một cách nhanh chóng.

II. Sự ra đời của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa

1. Các hình thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong công nghiệp

Hình thức sản xuất mang tính chất tư bản chủ nghĩa đầu tiên trong lĩnh vực công nghiệp là công trường thủ công. Công trường thủ công gồm hai loại là công trường thủ công phân tán và công trường thủ công tập trung.

a/ Công trường thủ công phân tán:

Sự xuất hiện công trường thủ công phân tán thường gắn liền với hoạt động của lái buôn bao mua. Những lái buôn này đem nguyên liệu đến bán hoặc ứng trước cho thợ thủ công rồi sau đó thu mua sản phẩm với giá đã thỏa thuận. Về sau, thợ thủ công không những chỉ vay nguyên liệu mà còn phải dựa vào lái buôn bao mua để được trang bị công cụ lao động nên phải giao nộp toàn bộ sản phẩm cho lái buôn bao mua và được nhận một khoản thù lao nhất định.

Trong quá trình đó, người thợ thủ công vẫn làm việc tại nhà mình, nhưng vì phải làm việc theo yêu cầu của lái buôn bao mua, nên thực tế họ đã được tổ chức thành một tập đoàn sản xuất trong đó họ đã trở thành người làm thuê và bị bóc lột giá trị thặng dư, còn lái buôn bao mua thì thực tế đã trở thành những ông chủ xí nghiệp.

b/ Công trường thủ công tập trung:

Công trường thủ công tập trung chủ yếu do những người thợ thủ công khá giả thành lập. Nhờ tích lũy được một số vốn nhất định, họ đã mở rộng quy mô công xưởng của mình rồi thu hút những người thợ thủ công không có tư liệu sản xuất vào làm việc.

Với hình thức công trường thủ công tập trung, người ta có thể thực hiện các khâu như phân công lao động, quản lý giờ giấc và tinh thần làm việc, cải tiến công cụ sản xuất v.v…, do đó năng suất lao động và chất lượng sản phẩm đều tăng lên hết sức rõ rệt.

Quy mô các công trường thủ công tập trung thời kỳ này còn rất bé, chỉ có những xí nghiệp thuộc một số ngành như khai mỏ, luyện kim, đóng thuyền, chế tạo vũ khí, v.v…mới có 100 công nhân trở lên. Tuy vậy, công trường thủ công tập trung đã thể hiện khuynh hướng tiến tới nền sản xuất lớn, đồng thời đã đặt cơ sở về tổ chức cho việc thành lập nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa sau này.

Công trường thủ công tập trung là giai đoạn đầu tiên trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản. Giai đoạn ấy bắt đầu từ khoảng thế kỷ XV và kéo dài cho đến thế kỷ XVIII, XIX tức là khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra ở các nước Tây Âu mới kết thúc.

2. Các hình thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp

Sự phát triển nhanh chóng của công trường thủ công đòi hỏi phải có nguồn nguyên liệu dồi dào, đồng thời sự tăng lên không ngừng của cư dân thành thị đã tạo nên nhu cầu ngày càng lớn về lương thực, thực phẩm.

Tình hình ấy đã lôi cuốn nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và do đó đã tạo điều kiện cho quan hệ tư bản chủ nghĩa thâm nhập vào lĩnh vực nông nghiệp.

Những nhân tố tư bản chủ nghĩa ấy được thể hiện dưới các hình thức sau đây:

a/ Trang trại của phú nông:

Do tham gia vào việc sản xuất hàng hóa, một số ít nông dân trở nên giàu có. Họ tìm mọi cách mở rộng đất đai của mình rồi thuê cố nông (tức là những nông dân bị phá sản) vào làm việc.

b/ Nông trang của địa chủ phong kiến:

Trước tình hình thị trường ngày càng có nhu cầu lớn về các mặt hàng nông sản, môt số địa chủ phong kiến đã thay đổi cách bóc lột. Họ không phát canh thu tô nữa mà thuê cố nông vào làm việc trên đất đai của họ.

Như vậy, phương thức bóc lột của họ không còn mang tính chất phong kiến nữa và bản thân họ đã trở thành tầng lớp quý tộc mới có lợi ích gắn liền với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

c/ Đồn điền của các nhà tư sản nông nghiệp:

Ruộng đất đồn điền vốn thuộc quyền sở hữu của các lãnh chúa phong kiến mà các nhà tư sản nông nghiệp đã thuê được bằng những hợp đồng dài hạn. Sau khi thuê đất, những ông chủ mới này thuê công nhân nông nghiệp đến làm việc.

Do việc sử dụng ruộng đất có sự thay đổi như vậy nên cơ cấu giai cấp cũng thay đổi: quan hệ lãnh chúa – nông nô trước kia được thay thế bằng quan hệ lãnh chúa- chủ đồn điền- công nhân nông nghiệp . Đồng thời khoản tiền thuê đất mà chủ đồn điền nộp cho lãnh chúa không còn mang tính địa tô phong kiến nữa mà là địa tô tư bản chủ nghĩa vì nó được trích ra trong số giá trị thặng dư mà chủ đồn điền bóc lột được của công nhân nông nghiệp.

III. Sự ra đời của giai cấp tư sản và giai cấp vô sản

Đồng thời với quá trình tích lũy vốn ban đầu và việc thành lập những công trường thủ công, hai giai cấp mới là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản đã ra đời.

1. Giai cấp tư sản

Là giai cấp của những người có trong tay nhiều tư liệu sản xuất, trên cơ sở đó, họ sử dụng sức lao động làm thuê.

Tổ tiên của họ là những nông nô ở nông thôn. Sau khi chạy ra thành thị, những người này đã biến thành thị dân rồi dần dần do làm ăn phát đạt mà trở thành tư sản. Những nhà tư sản đầu tiên là những ông chủ công trường thủ công .

2. Giai cấp vô sản

Là giai cấp những công nhân làm thuê. Họ tuy là những người tự do nhưng vì không có tư liệu sản xuất nên buộc phải bán sức lao động của mình để sống.

Nguồn gốc của giai cấp vô sản là những người thợ bạn, những người thợ thủ công phá sản và những nông dân bị tước đoạt ruộng đất phải chạy ra thành thị.

Đời sống của công nhân lúc bấy giờ vô cùng cực khổ, họ phải làm việc 15 giờ một ngày, tiền lương ít ỏi, lại thường bị cúp phạt, giá cả thì tăng vọt. Vì vậy, tuy mới ra đời, lực lượng còn non yếu, nhưng họ đã thường nổi dậy đấu tranh chống lại sự đối xử tàn tệ của chủ xưởng.

IV. Ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản với chế độ phong kiến

1. Về kinh tế xã hội

Tuy nền sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ mới cung cấp một bộ phận nhỏ trong toàn bộ sản phẩm xã hội nhưng đó là những sản phẩm thuộc các lĩnh vực đặc biệt quan trọng như các loại khoáng sản, công cụ lao động phức tạp, vũ khí, tàu thuyền, len dạ v.v…

Đồng thời, do sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa, những hình thức sản xuất mang tính chất phong kiến cũng ngày càng bị chủ nghĩa tư bản chi phối mạnh mẽ. Hình thức tô tiền ngày càng được áp dụng phổ biến, nhiều lãnh chúa chuyển sang kinh doanh ruộng đất theo kiểu tư bản chủ nghĩa .

2. Về chính trị

Sự ra đời của chủ nghĩa tư bản đã dẫn đến sự xuất hiện một hình thức mới của nhà nước phong kiến, đó là chế độ quân chủ chuyên chế. Sở dĩ như vậy là vì lúc bấy giờ giai cấp tư sản chưa đủ khả năng giành chính quyền nên tích cực ủng hộ nhà vua để loại trừ các thế lực cát cứ, duy trì sự thống nhất đất nước, bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nền kinh tế tư bản chủ nghĩa .

Tuy nhiên, hình thức nhà nước quân chủ chuyên chế đó chỉ là biểu hiện của sự liên minh tạm thời giữa giai cấp tư sản và vương quyền mà thôi. Đến khi giai cấp tư sản đã đủ mạnh thì việc lật đổ chính quyền phong kiến là điều không thể tránh khỏi.

3. Về văn hóa tư tưởng

Trên cơ sở sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, ở Tây Âu đã hình thành một trào lưu tư tưởng mới đối lập với hệ tư tưởng phong kiến và giáo hội Kitô đã kìm hãm tư tưởng con người. Dưới sự chỉ đạo của hệ tư tưởng ấy, ở Tây Âu đã diễn ra phong trào văn hóa phục hưng và phong trào cải cách tôn giáo.

Kết quả là tư tưởng được giải phóng và nền văn hóa Tây Âu đã có một bước nhảy vọt, do đó càng thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển nhanh chóng.

(Nguồn tài liệu: Nguyễn Gia Phu, Giáo trình Lịch sử thế giới trung đại)

3/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net