Trang chủ Lịch sử Vương quốc Phrăng và Sự hình thành chế độ phong kiến ở Tây Âu

Vương quốc Phrăng và Sự hình thành chế độ phong kiến ở Tây Âu

by Ngo Thinh
506 views

Sự hình thành chế độ phong kiến ở Tây Âu.

I. Sự thành lập các quốc gia ở Tây Âu từ thế kỷ V – X

Trước khi đế quốc Tây La Mã diệt vong (năm 476), trên đất đai của Tây La Mã đã thành lập một số vương quốc của người Giécmanh như Tây Gốt, Văngđan, Buốcgông… Sau khi Tây La Mã diệt vong, người Giécmanh tiếp tục thành lập những vương quốc mới. Đó là vương quốc Phrăng thành lập năm 486 ở xứ Gôlơ, Vương quốc Đông Gốt thành lập năm 493 ở Ý.

Như vậy là đến cuối thế kỷ V, toàn bộ đất đai của Tây La Mã đã trở thành địa bàn của các vương quốc mới của người Giécmanh.

Tuy vậy, đa số các nước này tồn tại không được lâu: Vương quốc Văngđan bị Đông La Mã tiêu diệt năm 534. Cũng năm đó vương quốc Buốc Gông bị vương quốc Phrăng thôn tính.

Năm 535, vương quốc Đông Gốt bị hoàng đế Đông La Mã tấn công, và đến năm 555 thì bị diệt vong.

Vương quốc Tây Gốt tồn tại được gần ba thế kỷ, nhưng đến năm 711 cũng bị A- rập chinh phục.

Sau khi Đông La Mã tiêu diệt vương quốc Đông Gốt chiếm lại được bán đảo Ý, năm 568 người Lôngba đã tràn vào chiếm được miền Bắc và miền Trung bán đảo Ý rối thành lập vương quốc Lôngba. Nhưng nước này cũng chỉ tồn tại đến năm 774 thì bị vương quốc Phrăng chinh phục.

Thế là trong số các nước do người Giécmanh thành lập chỉ có vương quốc Phrăng là tồn tại lâu dài và có vai trò quan trọng trong mấy thế kỷ đầu của chế độ phong kiến ở Tây Âu.

II. Vương quốc Phrăng

Người Phrăng lúc đầu cư trú ở vùng hữu ngạn sông Ranh. Từ thế kỷ thứ III, họ vượt qua sông Ranh tràn vào xứ Gôlơ, đến thế kỷ thứ IV, họ được coi là bạn đồng minh của La Mã và được định cư ở vùng Đông Bắc xứ Gôlơ. Sau khi Tây La Mã diệt vong người Phrăng chiếm thêm được nhiều đất đai ở xứ này và đến năm 486 thì chuyển sang xã hội có nhà nước.

Người đầu tiên đặt cơ sở cho việc thành lập vương quốc Phrăng là Clôvít (481- 511), vốn là một thủ lĩnh bộ lạc, đến năm 486 thì biến thành ông vua đầu tiên của triều đại Mêrôvanhgiêng (Mérovingiens, 481-751).

Sau khi thành lập nước, các vua của vương quốc Phrăng không ngừng chinh phục bên ngoài, do đó lãnh thổ của vương quốc càng được mở rộng.

Năm 732, Tể tướng của vương quốc Phrăng là Sáclơ Macten có công đánh bại cuộc tấn công của người A-rập nên uy tín vang dội trong cả nước. Vì vậy, sau khi ông chết (741), con của ông là Pêpanh Lùn được thay chức Tể tướng. Đến năm 751, Pêpanh Lùn được hội nghị quí tộc cử lên làm vua, triều Mêrôvanhgiêng kết thúc, triều Carôlanhgiêng (Carolingiens) được thành lập.

Năm 768, Pêpanh chết, con là Sáclơmanhơ lên thay. Đây là ông vua lỗi lạc nhất của vương quốc Phrăng. Trong 46 năm ở ngôi, ông không ngừng chinh chiến, do đó đã làm cho vương quốc Phrăng trở thành một nước có cương giới rộng lớn tương đương với lãnh thổ của đế quốc Tây La Mã trước kia. Vì vậy năm 800, ông được Giáo hoàng Lêông III cử hành lễ Gia miện (Lễ đội mũ miện bằng vàng của hoàng đế La Mã) tôn làm hoàng đế của La Mã, vì vậy ông được coi là Sáclơmanhơ tức là “Đại hoàng đế Sáclơ”.

Năm 814, Sáclơmanhơ chết, người con trưởng là Lu-y “Mộ đạo” lên nối ngôi (814-840). Trong thời gian này, cuộc đấu tranh trong nội bộ cung đình dã xảy ra, năm 840, Lu-y “Mộ đạo” chết, cuộc nội chiến giữa ba người con của Lu-y Mộ đạo lập tức bùng nổ.

Năm 843, ba anh em phải ký với nhau hòa ước Vécđoong. Theo hòa ước này, lãnh thổ của vương quốc chia làm 3 phần:

  • Người anh cả Lôte được phần giữa bao gồm vùng tả ngạn sông Ranh và miền Bắc bán đảo Ý.
  • Người em thứ hai là Lu-y xứ Giécmanh được phần đất phía Đông sông
  • Người em út Sáclơ Hói được phần đất phía Tây của vương quốc.

Như vậy đến đây, vương quốc Phrăng tan rã, đồng thời hòa ước Vécđoong cũng là mốc lịch sử đánh dấu sự thành lập ba nước mới là Pháp, Đức, Ý.

III. Quá trình hình thành chế độ phong kiến ở vương quốc Phrăng:

Sau khi thành lập nước, người Phrăng từ xã hội nguyên thủy chuyển lên chế độ phong kiến. Quá trình phong kiến hóa ấy chủ yếu biểu hiện ở ba mặt:

1. Biến toàn bộ ruộng đất trong xã hội thành lãnh địa phong kiến. Giai cấp Lãnh chúa xuất hiện:

Trong quá trình chinh phục, người Phrăng chiếm được nhiều ruộng đất. Vua Phrăng đem một phần trong số ruộng đất ấy ban cấp cho các thân binh của mình và biếu tặng các cơ sở của giáo hội Kitô. Việc ban cấp này không kèm theo một điều kiện nào cả. Ngoài ra một số quý tộc cũ ở đó vẫn được giữ lãnh địa của mình. Tất cả những người đó bao gồm vua quan, tướng lĩnh, giáo chủ, tu viện trưởng, chủ nô cũ… lập thành giai cấp địa chủ mới.

Đến thế kỷ VIII, chính sách ban cấp ruộng đất ở vương quốc Phrăng có một sự thay đổi. Trước đây, ruộng đất ban cấp không kèm theo điều kiện nào cả, nay việc ban đất là có kèm theo điều kiện. Chính sách ban cấp đất này gắn liền với việc xây dựng kỵ binh của Sáclơ Macten.

Những điều kiện đó là :

+ Người được phong đất (gọi là bồi thần) phải thề trung thành với người phong đất (gọi là tôn chủ) và phải thực hiện nghĩa vụ quân sự mỗi năm 40 ngày.

+ Đất phong chỉ được sử dụng suốt đời chứ không được truyền cho con cháu.

Loại ruộng đất phân phong có điều kiện này gọi là bênêphixơ (bénéfice), ta có thể dịch là thái ấp.

Đến thời Sáclơmanhơ, đất đai chinh phục được càng nhiều, chế độ phong cấp thái ấp càng phát triển do đó thế lực của tầng lớp bồi thần càng mạnh.

Sau khi nước Pháp thành lập, năm 877, do sức ép của các bồi thần, Sáclơ Hói phải ban bố sắc lệnh quy định các bồi thần tuy vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng được truyền thái ấp và chức tước cho con cháu. Từ đó, thái ấp trở thành những lãnh địa cha truyền con nối gọi là phi- ép (fief).

Đến đây, quá trình biến ruộng đất trong xã hội thành ruộng đất phong kiến ở vương quốc Phrăng hoàn thành.

Đồng thời với việc phong đất, các bồi thần còn được phong các chức tước như Công tước, Hầu tước, Bá tước. Giờ đây, những chức tước ấy trở thành những danh hiệu quý tộc và cũng được truyền cho con cháu cùng với lãnh địa. Như vậy, ở phương Tây, giai cấp lãnh chúa đồng thời cũng là giai cấp quý tộc.

Chính sách phân phong ruộng đất ấy đã tạo ra giai cấp quý tộc phong kiến đông đảo làm cơ sở giai cấp của chế độ phong kiến.

2. Biến giai cấp nông nhân thành giai cấp nông nô:

Trong quá trình chinh phục, đồng thời với việc đem một bộ phận đất đai phong cho các thân binh và biếu tặng các cơ sở của giáo hội Kitô, vua Phrăng giao bộ phận còn lại cho các thành viên thị tộc của người Phrăng. Với những vùng đất mới này, các thành viên thị tộc người Phrăng lập thành những công xã nông thôn gọi là công xã Máccơ. Chẳng bao lâu, công xã nông thôn tan rã, nông dân trở thành những người chủ của phần đất do công xã chia cho .

Đến thế kỉ VII, vì nhiều nguyên nhân như thiên tai, phải nộp thuế quá nặng, đàn ông phải đi làm nghĩa vụ, bệnh dịch, vợ con ở nhà không kham nổi việc sản xuất v.v…,rất nhiều nông dân bị phá sản, do đó họ phải bán hoặc hiến ruộng đất của mình cho lãnh chúa . Đồng thời các lãnh chúa cũng dùng nhiều cách để chiếm đoạt ruộng đất của nông dân nên dần dần toàn bộ ruộng đất trong xã hội đều tập trung vào tay giai cấp lãnh chúa.

Sau khi mất ruộng đất, nông dân chỉ còn một cách là phải lĩnh canh ruộng đất của lãnh chúa để làm ăn, do đó bị biến thành nông dân đời đời lệ thuộc vào lãnh chúa, gọi là nông nô.

Về kinh tế, do cày cấy ruộng đất của lãnh chúa, nông nô phải nộp địa tô cho lãnh chúa mà trong thời kì đầu, hình thức địa tô phổ biến là lao dịch.

Với hình thức địa tô này, nông nô được lãnh chúa chia cho một mảnh ruộng, được thu hoạch toàn bộ sản phẩm của mảnh ruộng đó, nhưng mỗi tuần phải đến làm việc 3-4 ngày trên ruộng đất của chủ.

Ngoài ra, nông nô còn phải làm nhiều việc không công khác và phải nộp nhiều thứ thuế như thuế xay bột, thuế nướng bánh mì, thuế kiếm củi, thuế chăn gia súc, thuế qua cầu, qua đò, thuế kết hôn, thuế kế thừa tài sản v.v…

Ngoài nghĩa vụ đối với lãnh chúa của mình, nông nô còn phải nộp thuế 1/10 cho giáo hội Kitô và nhiều khoản bất thường khác.

Về địa vị xã hội, tuy nông nô chưa hoàn toàn mất tự do, họ có gia đình riêng và một ít tài sản riêng, và chủ không có quyền giết hại họ, nhưng họ không được tự tiện rời bỏ mảnh ruộng mà chủ giao cho. Hơn nữa, con cháu của họ cũng phải đời đời kế thừa mảnh ruộng ấy và phải làm nông nô cho lãnh chúa .

Nông nô cũng không có quyền tự do kết hôn. Những cuộc hôn nhân của họ đều phải được lãnh chúa đồng ý, nếu không sẽ bị xử phạt nặng nề. Khi kết hôn họ phải nộp thuế cho lãnh chúa. Nếu nam nữ thuộc hai lãnh chúa kết hôn với nhau, tuy đã được hai lãnh chúa cho phép, nhưng con cái họ sinh ra phải chia cho cả hai lãnh chúa.

Lãnh chúa còn có quyền hành hạ đánh đập nông nô miễn là không nguy hại đến tính mạng hoặc cơ thể là được.

Ở Tây Âu, chế độ nông nô tồn tại đến khoảng thế kỉ XV-XVI mới tan rã.

3. Sự thành lập các trang viên phong kiến:

Thời La Mã cổ đại, trang viên (tức điền trang) đã tồn tại rồi, nhưng chủ trang viên là chủ nô và lực lượng lao động trong trang viên là nô lệ.

Đến thời kì này, trong quá trình tập trung ruộng đất vào tay các lãnh chúa phong kiến, trang viên lại được thành lập.

Trang viên thường lớn bé khác nhau, có trang viên bao gồm mấy làng, ngược lại, có khi một làng lớn lại bao gồm mấy trang viên. Lực lượng lao động chính trong trang viên phong kiến là nông nô. Những trang viên lớn có tới ba bốn trăm hộ nông nô, những trang viên nhỏ thì chỉ có vài ba chục hộ, nhưng thông thường nhất là khoảng 100 hộ.

Trong trang viên thường có lâu đài, kho tàng, cối xay bột, lò bánh mì, xưởng ép dầu, lò rèn v.v… của lãnh chúa; lại còn có nhà thờ và khu vực nhà chung của các tu sĩ. Ngoài ra còn có những túp lều của nông nô.

Đất đai trang viên bao gồm ruộng đất canh tác, bãi cỏ, rừng, ao hồ, đầm lầy…

Ruộng đất canh tác chia làm hai phần: Phần đất tự sử dụng của lãnh chúa và phần đất chia cho nông nô. Chính vì nông nô được nhận một mảnh đất ở bộ phận thứ hai này nên hàng tuần phải dành một nửa thời gian và phải đem theo súc vật, nông cụ đến làm việc trên đất đai của chủ. Đến mùa thu hoạch, nông nô cũng phải đến gặt hái và chở về kho cho chủ.

Ngoài đất canh tác ra, bãi cỏ, rừng, ao hồ … cũng là của chủ, vì vậy nông nô muốn chăn súc vật, kiếm củi, bắt cá v.v… đều phải nộp thuế cho chủ.

Trang viên phong kiến là những đơn vị kinh tế tự sản tự tiêu (còn gọi là tự cấp, tự túc) . Ngoài việc sản xuất nông nghiệp, trong trang viên còn sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Vì vậy ngoài những nông nô làm ruộng còn có những nông nô làm các loại thợ thủ công như thợ mộc, thợ rèn, thợ dao kiếm, thợ vàng bạc v.v… Những người thợ thủ công này được chủ cấp cho một mãnh đất nhỏ để tự sản xuất lương thực.

Như vậy, các trang viên về cơ bản có thể thỏa mãn được các nhu cầu về lương thực, thực phẩm cũng như các loại đồ dùng thường ngày của lãnh chúa và nông nô, chỉ có những thứ không sản xuất được như muối, sắt và các thứ hàng xa xỉ như vải lụa, hương liệu … mới phải mua của các lái buôn người Bidantium hoặc Ả Rập. Do tình hình ấy trong vòng 5 thế kỷ, nền kinh tế hàng hóa hầu như chưa có gì đáng kể, và tình hình ấy kéo dài cho đến thế kỷ XI, khi thành thị ra đời mới chấm dứt.

(Nguồn tài liệu: Nguyễn Gia Phu, Giáo trình Lịch sử thế giới trung đại)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]