Trang chủ Văn học - Nghệ thuật Chủ nghĩa hậu hiện đại – sự kết và mở cho tiến trình văn học

Chủ nghĩa hậu hiện đại – sự kết và mở cho tiến trình văn học

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 618 views

Càng về cuối thế kỷ XX càng lộ rõ diện mạo của một thời đại hậu công nghiệp, thời bùng nổ tri thức, các ngành khoa học phát triển siêu tốc, sức sản xuất cao hơn mười chín thế kỷ trước cộng lại, những biến động lớn về những cuộc cách mạng xã hội,… từ đó làm cho những quan niệm về vũ trụ và nhân sinh, những phương thức và mục tiêu tồn tại của con người, có những thay đổi sâu sắc, trong môi trường toàn cầu hóa về tất cả các lĩnh vực đời sống. Lẽ tất yếu phải dẫn đến một thời đại hậu hiện đại, thay thế  cho thời hiện đại vừa nhanh chóng trôi qua, trong sự đan xen, gối đầu và tiếc nuối.

Nhìn vào tiến trình văn học, trên những bước phát triển lớn có tính toàn cục từ thời có lý thuyết văn chương, đã trải qua thời tiền hiện đại, đến thời hiện đại và bước sang thời hậu hiện đại. Những trào lưu chủ yếu của thời tiền hiện đại như chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực (thế kỷ XIX), chủ nghĩa tự nhiên tuy có những khác nhau về căn bản (chủ nghĩa lãng mạn chuộng tình cảm và lý tưởng, chủ nghĩa hiện thực coi trọng các mối quan hệ kinh tế-xã hội, chủ nghĩa tự nhiên chú tâm vào những vấn đề bản năng sinh vật), nhưng cũng có những điểm chung trong quan niệm về đời sống, ẩn chứa những điều thiết yếu, sâu xa, chi phối mọi sự phát sinh, phát triển, tồn tại và suy vong tất cả mọi điều. Đó là những mô thức có chiều sâu, để có thể nhận ra bên trong hiện tượng có chứa đựng bản chất, trong ngẫu nhiên có tất yếu, trong hình thức có nội dung, vì vậy, họ biết chọn ra những vấn đề, nhân vật trung tâm, luôn đề cao quyền uy và chăm chút cho chỉnh thể… Các chủ nghĩa hiện đại đã phá bỏ toàn bộ những mô thức chiều sâu đó, để xây dựng những mô thức chiều sâu khác, có tính mơ hồ, khó xác định, khó kiểm chứng, nghĩa là họ tự đập vỡ mình ra để làm lại chính mình, làm mới mình với những vô thức bản năng, vô thức tập thể, sinh tồn một cách hiện sinh, kết cấu tầng sâu của các cấu trúc… Vì thế, tuy mơ hồ, đôi khi phi lý tính, nhưng vẫn có yếu tố trung tâm, có quyền uy và tồn tại những chỉnh thể. Do vậy nhân vật của họ thường cô độc, âu lo, bất an, hiện ra qua những thủ pháp nghệ thuật về trực giác, ảo mộng, huyền ảo, tượng trưng, ẩn dụ như là những biện pháp cứu cánh trong thi pháp biểu hiện… Chủ nghĩa hậu hiện đại, xuất hiện như một sự kết thúc những chu trình nghệ thuật, khép lại một tiến trình và mở ra một tiến trình văn học mới. Hẳn nhiên, nghệ thuật cũng như các hiện tượng sự vật khác, bao giờ cũng có sự đan xen, giao thoa, gối đầu và kế thừa lẫn nhau, nhưng nó không phải là sự phát triển cao của chủ nghĩa hiện đại, mà là một hiện tượng văn hóa tinh thần khác, là sản phẩm của một thời đại khác. Chính J.F.Lyotard (1924-1998), người được coi là thủy tổ của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học, trong công trình Hoàn cảnh hậu hiện đại đã coi chủ nghĩa hậu hiện đại có quan hệ mật thiết với chủ nghĩa hiện đại, nó không là kết quả, là con đẻ hay là sự phủ nhận chủ nghĩa hiện đại thế kỷ XX, mà là “xử lý lại một số đặc điểm của hiện đại, nhất là tham vọng của nó trong việc đặt cơ sở cho đề án giải phóng toàn bộ nhân loại bằng khoa học và kỹ thuật”.

Về khái niệm, thuật ngữ hậu hiện đại đã xuất hiện vào những năm bảy mươi của thể kỷ XIX, khi những họa sĩ người Anh dùng để gọi những bức tranh của trường phái ấn tượng Pháp, sau đó xuất hiện đầu tiên trong văn học là ở Tuyển tập thơ Tây Ban Nha và Mỹ Latinh (1934) của P.D.Onise, rồi đến những nhà lịch sử, những nhà lý luận, các nhà kiến trúc sử dụng thuật ngữ này. Sau cuộc tranh luận, một bên là khẳng định, bảo vệ, một bên phủ định, phản đối chủ nghĩa hậu hiện đại giữa J.F.Lyotard và J.Harbamas vào những năm tám mươi của thế kỷ XX, khái niệm hậu hiện đại đã được sử dụng rộng rãi và phổ biến trên tất cả các lĩnh vực như văn học, nghệ thuật, văn hóa, triết học, đến mức D.W.Fokkema phải thốt lên rằng “thậm chí người ta chưa kịp xác định ý nghĩa của nó, thì nó đã trở thành một thuật ngữ thông dụng cho mọi nhà” (Tiến đến chủ nghĩa hậu hiện đại).

Chủ nghĩa hậu hiện đại là sản phẩm của thời đại mọi niềm tin của con người không còn nơi bám víu. Thế chiến I đã lôi cuốn ba mươi nước vào vòng khói lửa, gây ra hậu quả 30 triệu người phải tử vong. Thế chiến II lại càng kinh hoàng hơn khi số người chết gần gấp 5 lần so với thế chiến trước. Khoa học kỹ thuật phát triển, thời đại “hậu công nghiệp” với nền văn minh máy tính đã thu nhỏ “thế giới trên đầu mười ngón tay”, con người dưới áp lực của chủ nghĩa kỹ trị, trở nên hoang mang, hoài nghi và bi quan, từ tư tưởng, tình cảm đến kết cấu tâm lý đều có sự thay đổi cùng với sự thay đổi của mọi thang bậc giá trị. F.Nietzsche (1844-1900) nhà triết học thời danh đã tuyên bố một điều làm nhân loại sửng sốt: “Chúa đã chết”. Thậm chí nhà phê bình người Mỹ gốc Ai Cập I.Hassan còn qui kết nặng nề: “Chúng ta đã giết chết thần thánh của mình (…) chúng ta không còn gì hết, cái gì cũng tạm thời, không hoàn chỉnh, do mình gây ra, chúng ta xây dựng sự phát ngôn trên cõi hư vô” (Sự chuyển hướng về hậu hiện đại). Tất cả trật tự cũ hầu như đã tan vỡ, cái mới đang đến, trật tự mới đang được xây dựng trên cõi hư vô. Đó là ngọn nguồn để triết gia người Pháp J.F.Lyotard hình dung cặp đôi khái niệm đại tự sự tiểu tự sự nhằm chỉ sự chuyển đổi từ thời hiện đại sang thời hậu hiện đại, là chuyển từ đại tự sự sang tiểu tự sự. Đại tự sự là những gì đã đặc định hóa, đã được định hình, đúc kết thành nguyên lý, có thể vạch hướng, chỉ đường cho hành động của con người, hình mẫu những nguyên tắc tư tưởng, một quan điểm xã hội nhân sinh. Còn tiểu tự sự là những gì đang trong quá trình hình thành, chưa đặc định hóa, chưa thành khuôn mẫu, chỉ gợi mở một khả năng chưa xác định, một nguyên tắc có tính vô nguyên tắc. Tóm lại, hậu hiện đại là sự phá vỡ những gì đã thành qui luật và xây dựng cái vô qui luật có tính dị biệt. Với chủ nghĩa hậu hiện đại, thì phía sau hiện tượng không hề có bản chất, bên trong ngẫu nhiên không hề có tất yếu, bên dưới vô thức không hề có ý thức, bên trên ngôn từ không thể có ngôn ngữ, thậm chí bên trong nhân vật hoang vu trống vắng không hề có bóng dáng con người.

Con người là chủ thể xã hội. Con người còn là chủ thể thẩm mỹ, vì thế, nghệ thuật lấy đời sống con người làm đối tượng trung tâm. Nhưng nay con người đã chết, bởi vì “con người hiện đại chỉ có tâm lý chứ không có tâm hồn” (Octor Viopaz) nên khi tiếp xúc với tác phẩm, Nathalie Sarraute cho rằng, người ta chỉ tìm thấy “trung tâm hứng thú của tiểu thuyết không còn là chuyện liệt kê ra những tính cách và cảnh ngộ nữa, không còn là chuyện miêu tả phong tục, mà là chỉ nêu lên những chất liệu tâm lý” (Thời đại hoài nghi). Nhà phê bình văn học Pháp Pierre Boideffre còn chỉ ra một thực tế: “Nhân vật đã bị phế bỏ mà không được thay thế (…) Trong cuộc viễn du sang đầu mút của đêm khuya, nhân vật đã thải bỏ dần dần tất cả những gì khiến cho nó nên người, để trở thành bóng ma vô danh mà người ta chỉ còn nghe được giọng nói” (Tiểu thuyết sẽ đi đến đâu?). Cho nên, các nhà lập thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại tuyên bố đã diễn ra hàng loạt cái chết như: “Tác giả đã chết”, “Chủ thể  đã chết” (Roland Barthes), “Nhân vật đã chết”, thậm chí cả “Người đọc đã chết”… những cái chết đó đã dẫn đến quan niệm phi trung tâm là tất yếu, dẫu rằng cái chết ấy có ý nghĩa ẩn dụ, nhằm khẳng định con người theo nghĩa lâu nay đã cũ, đã lỗi thời, không còn phù hợp  với xu thế hậu hiện đại nữa. Cần phải có một nhân loại mới thay thế. Cũng chưa thể hình dung đó là loại con người hư vô, con người vô hồn hay con người chỉ có tâm lý? Và, cố nhiên, văn chương cũng cần bước vào một tiến trình mới.

Điều khó khăn cốt tử của vấn đề là, văn chương không thể đi lui lại, nó đang bước tới theo một tiến trình mới mà chưa thể hình dung, chưa thể xác định hình vóc như thế nào. Chưa kịp hình dung nhưng có người đã tuyên bố nó đã kết thúc hàng mấy chục năm nay để chuyển sang thời đại của chủ nghĩa hậu hậu hiện đại. Trong Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học, nhà nghiên cứu phê bình văn học Barry Lewis, sau khi đã liệt kê các hiện tượng văn xuôi hậu hiện đại có ý nghĩa toàn cầu như John Barth, Donald Barthelme, Don Delillo, William Gass, Paul Auster, Tim O Brien (Mỹ), Gunter Grass và Peter Handke (Đức), Georges Perec và Monique Wittig (Pháp), Umberto Eco và Italo Calvinho (Italy), Angela Carter và Salman Rushdie (Anh), Stanislaw Lem (Ba Lan), Milan Kundera (Czech), Mario Vargas Llosa (Peru), Gabriel Garcia Marquez (Colombia), J.M.Coetzee (Nam Phi), Peter Carey (Úc)… đã khẳng định rằng “Hình thức thống trị của văn học từ 1960 đến 1990 là kiểu viết hậu hiện đại”, từ sau 1990, theo ông, chủ nghĩa hậu hiện đại đã kết thúc, chuyển sang một tiến trình văn học mới là chủ nghĩa hậu hậu hiện đại. Điều đó có thật sự diễn ra hay không, hãy để cho thực tiễn sáng tác trả lời, nhưng dẫu sao đôi gánh văn chương trên vai nhân loại đang ngày một trĩu nặng và không mấy dễ dàng.

(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net