Trang chủ Thể dục Thể thao Thể dục thể thao là gì? Nguồn gốc, đặc điểm, chức năng

Thể dục thể thao là gì? Nguồn gốc, đặc điểm, chức năng

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,3K views

Thể dục thể thao (TDTT) là một bộ phận hữu cơ của nền văn hóa xã hội. Vậy, Thể dục thể thao là gì? Nguồn gốc và các tính chất, đặc điểm của thể dục thể thao?

1. Khái niệm về văn hóa

Muốn hiểu được TDTT (còn gọi là văn hóa thể chất), trước tiên cần hiểu đúng khái niệm văn hóa, một hệ thống tập hợp lớn hơn, bao gồm cả TDTT, mới có thể tạo cơ sở mở đầu chung về phương pháp luận để đi sâu vào TDTT, tìm ra những cái chung và riêng (ở mức cần thiết) so với các bộ phận văn hóa khác.

Ngay từ thời Phục hưng, thuật ngữ văn hóa đã được hiểu là một hoạt động, một lĩnh vực tồn tại thực sự của con người, mang “tính người”, đối lập với “tính tự nhiên”, “tính động vật”, phát triển phù hợp với bản chất của họ. Nó trước hết là tất cả tài sản, thành tựu về tinh thần và vật chất, kể cả thể chất của từng con người, của xã hội, xuất hiện trong quá trình phát triển lịch sử, được xác định như một “thiên nhiên thứ hai”, được cải biến, nhân hóa qua nhiều thế hệ. Trong quá trình này, con người vừa là chủ thể lẫn khách thể. Nói khái quát hơn, thuật ngữ này dùng chỉ đặc trưng vật chất và tinh thần của một thời đại (ví dụ như văn hóa cổ đại), của một dân tộc (như văn hóa Việt Nam), của một phạm vi hoạt động sinh sống hoặc sáng tạo (văn hóa lao động, văn hóa nghệ thuật, văn hóa thể chất – TDTT…). Văn hóa bao gồm những thành tựu vật chất của hoạt động con người (máy móc, công trình xây dựng, nhà thi đấu…), kết quả của nhận thức (tác phẩm nghệ thuật, chuẩn mực đạo đức, những luật lệ ngày càng chính xác, công bằng trong thi đấu thể thao…), những khả năng được hiện thực hóa trong đời sống (sự hiểu biết, tổ chức xã hội, phong tục, tập quán, trình độ thưởng thức, thành tích thể thao…). Mỗi một hình thái kinh tế xã hội được xác định bởi một kiểu văn hóa. Văn hóa thay đổi do sự chuyển đổi của một hình thái kinh tế – xã hội, đồng thời kế thừa nhiều giá trị văn hóa của quá khứ.

Trong điều kiện xã hội có giai cấp, song song với văn hóa của giai cấp thống trị, còn có văn hóa của những người lao động bị trị, mang những yếu tố dân chủ và nhân đạo. Ở Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, chúng ta đang từng bước xây dựng nền văn hóa mới, có nội dung XHCN và tính chất dân tộc.

Tiếc rằng lâu nay, chúng ta thường chỉ chú ý nhiều đến văn hóa tinh thần (khoa học, nghệ thuật…) mà còn coi nhẹ văn hóa thể chất.

2. Nguồn gốc của TDTT

Có thể hiểu rõ thêm bản chất xã hội, tính chất văn hóa – giáo dục của TDTT thông qua tìm hiểu cội nguồn và lịch sử phát triển của nó.

TDTT ra đời phát triển theo sự phát triển của xã hội loài người. Lao động sản xuất là nguồn gốc cơ bản của TDTT. Nói cách khác, đó là cơ sở sinh tồn của tất cả mọi hoạt động, là hoạt động thực tiễn cơ bản nhất. Trong quá trình tiến hóa từ vượn thành người, lao động là nhân tố quyết định. Cơ thể từ loài vượn thành người, bàn tay dùng để lao động, vỏ đại não để tư duy và ngôn ngữ để giao tiếp… đều từ lao động mà phát triển thành như ngày nay.

Thật đúng như Ănghen đã nói trong tác phẩm “Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người”: “Lao động là điều kiện thứ nhất của toàn bộ đời sống con người, thậm chí đến mức, trên một số ý nghĩa nào đó, không thể không nói rằng: Lao động sáng tạo ra bản thân con người”.

Trong quá trình sản xuất lâu dài, loài người thời nguyên thuỷ đã chế tạo ra và sử dụng các công cụ lao động. Ngay trong quá trình giải quyết những vấn đề thiết thân về ăn, ở, mặc, con người đã đồng thời nâng cao trí lực và thể lực của mình. Thời đó, điều kiện lao động rất gian khổ, nguy hiểm, hoàn cảnh khắc nghiệt, công cụ rất thô sơ, lao động thể lực cực kỳ nặng nhọc. Do đó, muốn kiếm ăn và sống an toàn, họ phải luôn đấu tranh với thiên tai và dã thú. Thực tế đấu tranh khốc liệt để sinh tồn đó buộc con người phải biết chạy, nhảy, leo trèo, ném, bơi, mang vác nặng và chịu đựng được trong điều kiện sống khắc nghiệt. Bởi vậy, những năng lực hoạt động đó cùng với kinh nghiệm đã trở thành tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá trình độ, uy tín của con người lúc bấy giờ. Mầm mống của TDTT đã nẩy sinh chính từ thực tế của những hoạt động ấy và kết hợp tự nhiên ngay trong quá trình lao động.

Mặt khác TDTT chỉ thực sự ra đời khi con người ý thức được về tác dụng và sự chuẩn bị của họ cho cuộc sống tương lai, đặc biệt cho thế hệ trẻ; cụ thể là sự kế thừa, truyền thụ và tiếp thu những kinh nghiệm và kỹ năng vận động (lao động). Do vậy, đó là nội dung chủ yếu của giáo dục thời cổ xưa. Và ngay từ khi mới ra đời, TDTT đã là một phương tiện giáo dục, một hiện tượng xã hội mà ở con vật không thể có được.

Từ thời cổ xưa, con người thường có những hoạt động tế lễ dùng những động tác có tính chất tượng trưng để biểu thị tình cảm, nỗi vui buồn, sự sùng bái thần linh. Vũ đạo ra đời từ đó. Các động tác vật, giao đấu ra đời trong các cuộc xung đột giữa các bộ lạc, người với dã thú. Ngoài ra còn có các trò chơi vui thích trong lúc nhàn rỗi, giải trí và về sau còn thêm dần một số hoạt động rèn luyện thân thể khác để phòng chữa một số bệnh. Tất cả những điều này đã góp phần quan trọng để phát triển TDTT. Sau này, do trình độ sản xuất, mức sống, khoa học kỹ thuật, nhu cầu đào tạo và giáo dục ngày càng cao nên TDTT dần trở thành một lĩnh vực tương đối độc lập, có một hệ thống khoa học cho riêng mình.

3. Tính lịch sử, tính giai cấp và tính dân tộc của TDTT

Điều kiện sống thô sơ, nghèo nàn và đời sống tinh thần và vật chất rất thấp của con người trong xã hội cổ sơ (chưa phân chia giai cấp) hạn chế rất nhiều khả năng phát triển TDTT. Tuy vậy, so với điều kiện lịch sử thời ấy, nó cũng có ý nghĩa tiến bộ nhất định vì mọi thành viên trong xã hội đều được hưởng thụ bình đẳng. Về sau, sự phân chia giai cấp xuất hiện đã làm mất đi sự bình đẳng đó. Tuy vậy, những cuộc xung đột, chiến tranh hầu như liên miên giữa các bộ lạc, lãnh chúa, quốc gia cũng thúc đẩy TDTT phát triển nhanh để phục vụ cho quân sự. Những tư liệu lịch sử để lại cho thấy trình độ phát triển TDTT thời cổ đại khá cao, (hệ thống tổ chức huấn luyện thể lực – quân sự chặt chẽ và quy mô trong các nhà nước Spactơ, Aten; sự ra đời và phát triển của các đại hội Ôlimpic; các tác phẩm nghệ thuật thể hiện lý tưởng phát triển thể chất cân đối cho con người …). Trong xã hội có bóc lột, chỉ một số ít thuộc giai cấp thống trị được hưởng thụ những giá trị đó. Trong một chế độ áp bức, bóc lột, dù có thực hiện phần nào việc giáo dục thể chất cho một số người lao động, nhưng nếu không có tự do, bình đẳng thì thực chất vẫn không thể đảm bảo tính nhân đạo thật sự. Dấu ấn cơ bản này thể hiện xuyên suốt (theo các mức độ khác nhau) trong tất cả các xã hội còn có bóc lột bất công sau này.

Dù sao, sự hạn chế về giai cấp đối với phát triển TDTT trong bất cứ xã hội có phân chia giai cấp nào cũng không đơn giản chỉ phụ thuộc vào những lợi ích chủ quan của giai cấp thống trị mà nó còn phụ thuộc vào những quan hệ kinh tế khách quan gắn bó với lợi ích thiết thân mà họ cần được củng cố. Những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin đã phân tích sâu sắc mâu thuẫn giữa quy luật phát triển của các lực lượng sản xuất đòi hỏi phát triển cân đối những người lao động và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã làm cản trở sự phát triển này. Muốn loại bỏ mâu thuẫn đó tạo điều kiện cho TDTT phát triển một cách thật sự triệt để, cơ bản thì phải gắn với quá trình phát triển và hoàn thiện xã hội, từng bước xây dựng nên một xã hội tự do, bình đẳng và ngày càng hạnh phúc hơn.

Tuy vậy, cũng cần xem xét đầy đủ tình hình thực tế có liên quan trong xã hội tư sản hiện đại. Ở đó, các nhà cầm quyền cũng ít nhiều quan tâm đến phong trào TDTT cho những người lao động và con em họ. Đó trước tiên là do những yêu cầu về tăng cường độ và chất lượng sản xuất; về quốc phòng và chiến tranh; về tuyên truyền, lôi kéo, giáo dục cho đông đảo quần chúng, trước hết là thanh thiếu niên, lý tưởng và lối sống theo quan niệm của họ. Mục đích cao nhất là củng cố chế độ chính trị hiện có, thu được lợi nhuận càng nhiều. Ngoài ra, cũng không thể coi nhẹ áp lực của cuộc đấu tranh của những người lao động đòi cải thiện điều kiện sống, trong đó có TDTT.

Tính dân tộc thể hiện rất rõ trong lối sống, nếp nghĩ, tập tục, truyền thống và văn hóa nói chung (trong đó có TDTT) của từng dân tộc. Nó được hình thành và phát triển trong quá trình dựng nước và giữ nước, đấu tranh trong tự nhiên và xã hội, trong phát triển TDTT của từng dân tộc ở từng điều kiện cụ thể. Tính dân tộc của TDTT Việt Nam như thượng võ, mang đậm tính chất nhân văn, liên kết cộng đồng… thể hiện rất rõ qua kho tàng của dân tộc về mặt này, từ triết lý rèn luyện thân thể cho đến các trò chơi dân gian, các môn võ dân tộc… và cả ở sự cải biên, sử dụng thể thao dân tộc cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện hiện đại của mình. Tuy vậy, cũng không nên nghĩ một đặc trưng dân tộc trong nền TDTT của nước nào đó không thể có trong các dân tộc khác. Trong quá trình phát triển, các dân tộc (đặc biệt là các dân tộc sống gần và có điều kiện tương tự) luôn tiếp thu cái hay, cái đẹp của các dân tộc khác và giữa họ ngày càng có nhiều điểm giao hoà.

Bởi vậy, không nên tách biệt tính dân tộc với tính hiện đại (quốc tế) hoặc lệch về một vế nào. Chúng ta trân trọng truyền thống nhưng không nệ cổ, đóng cửa, giữ gìn nguyên xi những di sản của quá khứ. Cần kế thừa những tinh hoa từ xưa để lại rồi từ đó sáng tạo nên những tinh hoa mới. Xét cho cùng, xưa nay, tính lịch sử, giai cấp (trong xã hội có giai cấp) và dân tộc luôn gắn với nhau.

4. Khái niệm thể dục thể thao

Việc nghiên cứu các khái niệm về TDTT đã được nhiều nước chú ý. Từ thập kỷ 50 này đã có một số nước bước đầu lý giải thống nhất nội hàm của một số thuật ngữ TDTT thông dụng. Năm 1962, Hội đồng thuật ngữ của tổ chức văn hóa – giáo dục – khoa học của Liên hiệp quốc đã quyết: “Để cho công tác phân loại tài liệu và thông tin khoa học đạt tiêu chuẩn quốc tế, yêu cầu các bộ phận nghiên cứu chuyên môn phải có thuật ngữ thống nhất, chính xác, rõ ràng; tránh những hiện tượng dùng đồng ngữ khác nghĩa hoặc ngược lại để giao lưu…”. Và cũng trong năm đó, Liên Hợp Quốc đã tổ chức một hội nghị quốc tế về công tác biên soạn và chỉnh lý các văn kiện về TDTT. Hội nghị cũng công nhận kết quả hoạt động của Hội nghiên cứu thuật ngữ TDTT thống nhất của Úc và đã thảo luận các khái niệm cơ bản của TDTT. Đến năm 1965, lại tổ chức tiếp hội nghị quốc tế về nghiên cứu thống nhất thuật ngữ TDTT, đặc biệt thảo luận nhiều về thuật ngữ thể thao (sport). Hội nghị khoa học thế giới năm 1980 cũng coi việc nghiên cứu các khái niệm về TDTT là vấn đề cấp thiết. Như vậy, khái niệm TDTT là một vấn đề học thuật được cộng đồng TDTT quốc tế chú trọng. Và dù ý thức nhiều hay ít, ở nước ta cũng đã có những nghiên cứu về vấn đề này.

Lựa chọn và xác định thuật ngữ cơ bản là một vấn đề học thuật. Thực ra, thuật ngữ của một môn khoa học, một ngành bao giờ cũng là một thế hệ nhiều tầng cấp và có mối liên hệ nội tại với nhau.

Muốn xác lập một hệ thống thuật ngữ TDTT, trước tiên phải xác định bản thân khái niệm thuật ngữ. Một thuật ngữ mà nội hàm của nó được xác định một cách khoa học sẽ được chấp nhận và sử dụng ngày càng rộng rãi. Do đó, xác định thuật ngữ là một bước quan trọng trong thống nhất khái niệm. Nói chung khi xác định thuật ngữ cần chú ý những nguyên tắc sau:

  • Tính khoa học: Có nghĩa là dùng từ chính xác, phù hợp với yêu cầu về lô-gích và ngôn ngữ học;
  • Tập quán truyền thống của dân tộc: Tức là phải phù hợp với thực trạng phong trào TDTT, tập quán truyền thống và đặc điểm ngôn ngữ của từng nước. Chỉ có như thế mới được nhiều người thừa nhận, hiểu biết và sử dụng;
  • Sự phù hợp với thuật ngữ quốc tế. Coi trọng đặc điểm dân tộc không có nghĩa là nhất loạt bài xích những thuật ngữ nước ngoài. Ngôn ngữ vốn không có tính giai cấp; cần cố gắng làm cho ngôn ngữ của ta tương thích với quốc tế để cho tiện giao lưu.

Muốn xem xét khái niệm TDTT cho đúng, đầy đủ, ít nhất cũng phải theo bốn cách tiếp cận sau:

– TDTT là một quá trình hoạt động nhằm tác động có chủ đích, có tổ chức theo những nhu cầu, lợi ích của con người (không phải ngẫu nhiên, bẩm sinh, vô thức). Không có vận động sẽ không có sự sống. Không có hoạt động (trong đó có hoạt động tập luyện) sẽ không thể phát triển thể chất tốt, chưa nói tới tối ưu. Đặc điểm cơ bản, chuyên biệt của hoạt động này là sự vận động tích cực của con người nhằm chủ yếu giữ gìn và phát triển sức lực hoạt động của họ. Nhưng nó chỉ đem lại hiệu quả tốt nếu tập luyện đúng, sinh hoạt hợp lý và đảm bảo những điều kiện tối thiểu khác.

– TDTT còn là một tổng thể những giá trị có tính đối tượng rõ, những thành tựu về vật chất, tinh thần và thể chất do xã hội tạo nên. Ngày nay những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá trình độ TDTT của mỗi nước là trình độ sức khỏe và thể chất của nhân dân; tính phổ cập của phong trào TDTT quần chúng, trình độ thể thao nói chung và kỷ lục thể thao nói riêng, các chủ trương, chính sách, chế độ về TDTT và sự thực hiện; cơ sở trang thiết bị về TDTT. Thể thao nâng cao và TDTT quần chúng nói chung về cơ bản là thống nhất, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau nhưng không phải là một, lúc nào cũng tương thích, cái này làm tốt thì tự nhiên cái kia sẽ tốt.

TDTT gắn với những giá trị nhất định nhưng không phải cái gì cứ có trong thực tiễn TDTT là đều có giá trị cả (như những biểu hiện tiêu cực trong thi đấu thể thao, những cách tập có hại…). Sự phân biệt nhưng giá trị về thể chất và phi thể chất (tinh thần, trí tuệ, kinh nghiệm…) trong đánh giá tác dụng, thành tựu của TDTT chỉ là tương đối. Bởi vì trong thực tế chúng luôn gắn, “nằm” trong một thể thống nhất. Không có những cơ sở vật chất và tinh thần (trong đó có thể chế) nhất định, chúng ta không thể “làm” TDTT, chưa nói đến phát triển.

– Tác dụng của TDTT chủ yếu mang tính chất nhân hóa, nhập nội (tác động ngay vào trong bản thân con người, biến thành thể lực, kỹ năng, ý chí, trí tuệ, niềm vui…). Đối tượng tác động chuyên biệt để đạt hiệu quả chính là thể chất của con người. Tuy vậy, vẫn rất cần phối hợp tác động tốt với các bộ phận văn hóa, những mặt giáo dục khác trong chiến lược đào tạo con người nói chung; không nên để chúng tách biệt, “dẫm chân” nhau, thậm chí bài xích, đối nghịch nhau.

– TDTT còn có tính lịch sử rõ nét. Quá trình phát sinh và phát triển lâu dài của TDTT từng địa phương, quốc gia, thế giới đều gắn với điều kiện lịch sử cụ thể, từ đó mà tạo nên truyền thống, nét độc đáo riêng. Tách rời điều kiện lịch sử cụ thể đó sẽ không lý giải được sự phát triển trong quá khứ cũng như dự đoán triển vọng.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể xác định được khái niệm TDTT – khái niệm trung tâm rộng và quan trọng nhất của lý luận và phương pháp TDTT. TDTT là bộ phận của nền văn hóa xã hội, một loại hình hoạt động mà phương tiện cơ bản là các bài tập thể lực (thể hiện cụ thể qua các cách thức rèn luyện thân thể) nhằm tăng cường thể chất cho con người, nâng cao thành tích thể thao, góp phần làm phong phú sinh hoạt văn hóa và giáo dục con người phát triển cân đối hợp lý.

5. Chức năng cơ bản của thể dục thể thao

Việc xác định đúng chức năng, hình thức (thành phần) cơ bản của TDTT cùng mối quan hệ giữa chúng có tầm quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo vĩ mô. Ở đây, khái niệm này trực tiếp gắn liền với đặc tính hoạt động vốn có của một hệ thống, cơ quan xã hội lớn nhỏ…

a. Đôi điều về phương pháp luận để xác định chức năng của TDTT

Trong việc này không nên quá cường điệu, đơn biệt hóa một chức năng nào đó mà coi nhẹ tính đa trị, đa chức năng của TDTT. Ngược lại, cũng không nên liệt kê tràn lan, không phân biệt chính phụ, chung và chuyên biệt. Bởi vậy, cũng cần thống nhất một số điều sau:

+ Chỉ có những đặc tính, quan hệ nào biểu hiện khách quan, tương đối rõ, ổn định, xác thực trong thực tế mới được coi là những dấu hiệu để xác định, phân chia những chức năng và hình thức nào đó.

+ Chỉ có những đặc điểm nào thể hiện ưu thế, chủ yếu, rõ trong TDTT, nhưng không hoặc có ít trong những lĩnh vực khác mới đáng được coi là những chức năng chuyên biệt. Do đó, cần phân biệt giữa chức năng chuyên biệt và chung.

+ Phải xem xét chức năng gắn với những hình thức tổ chức thực hiện trong thực tế mới dễ hiểu, dễ học, dễ làm.

Đó là một thành phần hữu cơ trong cấu trúc xã hội chung. TDTT có tính kế thừa theo quy luật. Do đó cũng phải chú ý tới những dấu hiệu tương đối ổn định của nó.

b. Những chức năng của TDTT và mối liên hệ chức năng giữa chúng

b1. Những chức năng chuyên môn

Có thể thấy rõ TDTT là một bộ phận, mặt chuyên biệt, tương đối độc lập trong văn hóa, mà không có thành phần nào khác có thể thay thế. Ở đây, còn có thể tách thành những chức năng chuyên môn tổng hợp và những chức năng đặc trưng ưu thế của một số phần, hình thức tổ chức và biến dạng, thuộc nó nhưng nhỏ hơn, (chức năng phân loại)

Những chức năng chuyên môn cơ bản của TDTT là:

– Chức năng giáo dưỡng chuyên môn thể hiện rõ nhất trong hệ thống giáo dục – giáo dưỡng chung để hình thành vốn quan trọng ban đầu về kỹ năng, kỹ xảo vận động cùng những hiểu biết có liên quan (gắn với hệ thống nhà trường).

Những chức năng đặc trưng của các thành phần (hình thức) cơ bản trong TDTT

Những chức năng đặc trưng của các thành phần (hình thức) cơ bản trong TDTT

– Chức năng thực dụng chuyên môn thể hiện chủ yếu qua hệ thống đào tạo chuyên môn về TDTT nhằm phục vụ trực tiếp cho các nghề nghiệp trong lao động và quốc phòng.

– Chức năng thể thao chuyên môn thể hiện rõ nhất trong thể thao cấp cao.

– Chức năng về giải trí và hồi phục sức khỏe; có thể chia làm hai như đã phân tích trên.

b2. Những chức năng văn hóa chung

Trên nguyên tắc, tất cả những chức năng vốn có của văn hóa (mà TDTT là một bộ phận) đều được thể hiện như thế nào đấy (theo đặc trưng) trong TDTT.

Chức năng giao tiếp – liên kết. Trước hết đều phải nhằm mục đích chung, chủ yếu là giáo dục con người (theo nghĩa rộng). TDTT có vai trò ngày càng to lớn trong quá trình xã hội hóa nhân cách và liên kết xã hội. Sẽ sai lầm hoặc thiếu sót lớn nếu chỉ lưu ý tới một trong hai khía cạnh của chức năng trên hoặc đối lập chúng với nhau trong hoạt động và đánh giá hiệu quả của TDTT. Hiệu quả thực hiện chức năng của TDTT không chỉ phụ thuộc vào tính năng chuyên biệt vốn có của nó, mà còn cả phương hướng, nội dung, tổ chức của toàn bộ hệ thống giáo dục (trước hết là hệ thống chuyên quản) trong xã hội. Không nên hiểu, cứ có chế độ chính trị – kinh tế – xã hội tốt thì sẽ tự động có kết quả mỹ mãn trong TDTT, mặc dù đó là những tiền đề cực kỳ quan trọng. TDTT không bao giờ có ảnh hưởng tuyệt đối hoàn mỹ hoặc ngược lại, mà chỉ là tương đối ưu thế nhiều ít về một trong hai phía đó.

Chức năng truyền thông. TDTT không những là vật dẫn những thông tin có ích đối với xã hội loài người trong lĩnh vực này mà còn là vật dẫn chuyển tải những giá trị của TDTT sang những con người, tập thể, đất nước, thế hệ khác. Một phong trào TDTT sôi động và đông đảo; một kỷ lục thể thao thế giới… là những cột mốc chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa chung, tư tưởng, khoa học, phương pháp…

Chức năng chuẩn mực hóa được hình thành cụ thể trong thực tiễn hoạt động TDTT để đáp ứng những nhu cầu trong giao lưu, đánh giá, điều khiển. Những chuẩn mực về đạo đức, tư tưởng, pháp lý, tổ chức… cho đến kỹ thuật, thể chất… được xã hội thừa nhận và thực thi hợp pháp thành một thể chế xã hội về TDTT.

Chức năng thẩm mỹ gắn với tính hấp dẫn, sự hoàn thiện cái đẹp của các hiện tượng, (trong đó có bản thân con người) trong lĩnh vực này, đặc biệt trong thể thao đỉnh cao, biểu diễn. Nó không chỉ được xác định duy nhất bằng đặc tính nội tại của TDTT mà còn phụ thuộc nhiều vào những yếu tố về tư tưởng, giáo dục xã hội chung và TDTT quyết định. Chính vì vậy mà chúng ta cần luôn chú ý giáo dục, bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh trong đông đảo nhân dân, trước hết là thanh thiếu niên về TDTT.

Về cơ bản, chức năng của TDTT trong các nước phát triển theo định hướng XHCN là như nhau. Sự khác biệt chính ở mức độ chức năng, chất lượng và bước đi trong thực hiện.

Các chức năng trên (chung và chuyên môn) liên quan chặt chẽ, làm tiền đề cho nhau, không thể coi nhẹ hoặc bỏ qua phần nào. Nhưng trước hết phải chú ý tới chức năng tăng cường thể chất của nhân dân (trong phần các chức năng văn hóa chung)…

Có hiểu biết được về bản chất các chức năng trên cùng mối tương quan giữa chúng, mới có thể xác định được đúng vai trò và ý nghĩa của TDTT trong xã hội, đề ra mục đích, nhiệm vụ, nội dung, nguyên tắc, phương pháp và tổ chức thực hiện phù hợp.

(Nguồn: Giáo trình lý luận và phương pháp thể dục thể thao)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]