Quan hệ thẩm mỹ và đời sống thẩm mỹ
Trong vô vàn quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên và xã hội: quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, đạo đức… có quan hệ thẩm mỹ. Một vừng trăng, một dòng sông, một cơn gió…, một lâu đài, một hành vi cao thượng, một bức tranh… là những hiện tượng tựu nhiên xã hội trong quan hệ với con người nó bộc lộ nhiều phẩm giá khác nhau: giá trị kinh tế, giá trị chính trị, giá trị văn hóa, giá trị khoa học… và giá trị thẩm mỹ.
Điều đó có nghĩa là, trong quá trình đồng hóa thế giới, con người không chỉ biết đồng hóa thế giới về cái có ích, mà còn biết đồng hóa thế giới về cái thẩm mỹ. Vừng trăng, dòng sông, cơn gió,… con người không chỉ thấy ở nó những giá trị thực dụng cho sinh hoạt và đời sống như: ánh sáng soi đường, nước tưới cho đồng ruộng, gió làm căng buồm, đẩy thuyền ra khơi…, mà còn thấy nó đẹp, còn thích thú về nó- một sự thích thú vô tư, không vụ lợi. Nghĩa là, ánh trăng ấy, dòng sông ấy, ngọn gió ấy… không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu thực dụng mà còn khơi dậy ở con người những rung cảm, những xúc động, những xao xuyến của tâm hồn- tạo ra ở con người những cảm xúc thẩm mỹ.
Đồng hóa thế giới về mặt thẩm mỹ cũng chính là quan hệ thẩm mỹ đối với thế giới, cũng chính là đời sống thẩm mỹ của con người. Các phương diện con người đồng hóa thế giới về mặt thẩm mỹ, bao gồm:
Tiếp nhận, hưởng thụ, chiếm lĩnh các phương diện thẩm mỹ của hiện thực.
Sáng tạo ra những giá trị thẩm mỹ qua :
- Hoạt động lao động sản xuất.
- Hoạt động khoa học
- Sinh hoạt và đời sống.
- Nghệ thuật.
Như thế, đồng hóa thế giới về mặt thẩm mỹ, không đơn giản chỉ tiếp nhận, hưởng thụ, mà quan trọng là con người sáng tạo ra những giá trị thẩm mỹ mới cho hiện thực, bổ sung, làm phong phú thêm mặt thẩm mỹ của hiện thực; tạo ra một tự nhiên thứ hai thông qua hoạt động sáng tạo vật chất cũng như sáng tạo tinh thần: lao động sản xuất, hoạt động khoa học, sinh hoạt và đời sống. Đặc biệt, hoạt động sáng tạo nghệ thuật là nơi thể hiện tập trung nhất, đầy đủ nhất, nổi bật nhất đời sống thẩm mỹ của con người.
Ý nghĩa của quan hệ thẩm mỹ , đời sống thẩm mỹ
Ðời sống con người có hai bộ phận: đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Cả hai bộ phận đó đều có tầm quan trọng của mình.
Nếu thiếu đời sống vật chất thì con người chết ngay. Nhưng thiếu đời sống tinh thần thì con người chưa chết ngay. Con người ăn ở trước múa hát sau (C.Mác). Ðối với một con người đang đói lả, không có hình thức tính người của thức ăn. Con người quẫn bách, nặng trĩu lo âu, không cảm nhận được gì dù trước một cảnh đẹp (C.Mác).
Tuy vậy, nếu nhu cầu vật chất được thỏa mãn, nhưng không có nhu cầu tinh thần thì con người chỉ tồn tại như là một con người sinh vật chứ không như là con người xã hội. Đời sống tinh thần, đặc biệt là đời sống thẩm mỹ của con người là thước đo giống loài, là tiêu chuẩn để phân biệt con người với con vật, là sự khẳng định mình như là một sức mạnh bản chất của con người (C.Mác).
Nhà nghiên cứu Biêlinski đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm xúc thẩm mỹ: Cảm xúc về cái kiều diễm là một điều kiện làm nên phẩm giá con người: phải có nó mới có thể có được trí tuệ, phải có nó nhà bác học mới cất mình lên tới những tư tưởng tầm cỡ thế giới, mới hiểu được bản chất và các hiện tượng trong tính thống nhất của chúng; phải có nó người cộng sản mới có thể hiến dâng cho tổ quốc những hoài vọng cá nhân, lẫn những lợi ích riêng tư của mình; phải có nó con người mới không qụy ngã dưới sức đè nặng trĩu của cuộc đời và làm nên những chiến công. Thiếu nó, thiếu đi cái cảm xúc ấy, sẽ không có thiên tài, không có tài năng, không có trí thông minh, mà chỉ còn lại một thứ đầu óc tỉnh táo một cách ti tiện cần thiết cho thói sinh hoạt thường ngày trong nhà, cho những tính toán nhỏ nhen của bệnh ích kỉ. Kẻ nào khi nghe một bản nhạc nhảy, chỉ nhún nhảy đôi chân, mà lòng không rung động, lồng ngực không mệt mỏi, tâm hồn không xao xuyến; kẻ nào khi nhìn một bức tranh chỉ thấy đấy là những đồ vật của bảo tàng được dùng để trang hoàng căn phòng và chỉ thích thú với mỗi sự gia công tinh xảo của nó; kẻ nào không yêu thơ hồi còn trẻ; kẻ nào chỉ biết thấy vở kịch là một tiết mục sân khấu, còn tiểu thuyết là một chuyện kể cho khuây khỏa lúc buồn, kẻ đó không phải là người…