Trang chủ Văn học - Nghệ thuật Gốm trong kiến trúc cổ tại Việt Nam

Gốm trong kiến trúc cổ tại Việt Nam

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 287 views

Ngày nay khi sắt thép, xi măng đang trở thành vật liệu quan trọng trong ngành xây dựng hiện đại, thì các vật liệu: gạch, ngói và những sản phẩm làm từ chất liệu gốm vẫn đang có những đóng góp xứng đáng vào nền nghệ thuật kiến trúc mới.

Có thể nói, nghệ thuật gốm kiến trúc Việt Nam có một truyền thống huy hoàng khá lâu đời, phong phú về chủng loại, chất liệu và phẩm chất nghệ thuật.

Nghệ thuật kiến trúc Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật gốm kiến trúc được phát triển và đạt được những thành tựu cao kể từ thế kỷ X, khi đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập sau gần 1000 năm chống giặc phương Bắc. Nghệ thuật gốm kiến trúc phát triển rực rỡ nhất từ thời Lý, sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi và dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Nhà Lý đã xây dựng được một nền văn hóa nghệ thuật dân tộc. Thời này nghệ thuật gốm thực dụng cũng đạt được những thành tựu mới như các loại gốm men ngọc màu xanh, họa tiết lung linh ẩn hiện, gốm hoa nâu đậm đà, bình dị. Chất liệu gốm đàn khá phát triển đã cùng với chất liệu đất nung tạo nên những sản phẩm phục vụ kiến trúc mới, và được tiếp tục phát triển trong thời Trần.

Từ thế kỷ XIV – XVII, nghệ thuật kiến trúc bắt đầu đi sâu vào thôn xóm với những quán nghỉ ngoài đồng, cầu, nhà, và đình làng là nơi thờ thần, thành hoàng làng và cũng là trung tâm hoạt động của làng nước. Do đó, gốm kiến trúc bắt đầu phục vụ đối tượng rộng rãi hơn, đã có nhiều địa phương sản xuất nổi tiếng…

Gốm kiến trúc Việt Nam bao gồm các loại gạch, ngói, gạch hoa, gạch trổ thủng, gạch chạm nổi… Nó có vai trò quan trọng không phải chỉ để trang trí các công trình nguy nga lộng lẫy, mà còn là vật liệu kiến tạo nên công trình.

Có thể chia gốm kiến trúc thành ba loại theo tính năng tác dụng như sau:

Loại thứ nhất: các sản phẩm gốm kiến trúc mang tính chất thực dụng như các loại gạch chỉ, gạch vồ, gạch ống, ống cống… được sử dụng như một trong những chất liệu để kiến tạo công trình, thay thế cho các loại đất chình tường, gỗ, đá… Loại này không mang tính chất trang trí nghệ thuật, bởi nó bị bao che bằng những chất liệu khác, do tính chất sử dụng rộng rãi nên nó là loại sản phẩm phổ biến.

Loại thứ hai: các sản phẩm gốm kiến trúc ngoài việc dùng để kiến tạo công trình còn làm nhiệm vụ trang trí, tạo nên vẻ đẹp nghệ thuật. Sản phẩm này bao gồm các loại gạch phù điêu, gạch hoa, gạch trổ thủng, ngói mũi hài, ngói ống.

Loại thứ ba: là các sản phẩm gốm kiến trúc chỉ mang tính chất trang trí đơn thuần, làm cho công trình kiến trúc thêm đẹp, thanh thoát, bay bổng.

Về mặt chất liệu, phổ biến là đồ gốm đất nung và sành nâu (một loại đất nung ở nhiệt độ cao), kết cấu bền vững. Ngoài loại sản phẩm gốm đất nung không men, còn thấy một số sản phẩm khác như ngói, gạch hoa thủng, phù điêu được tráng men màu, thường là màu xanh lá cây hoặc màu vàng. Sau này, khi đồ sành trắng và đồ sứ phát triển thì các loại chất liệu đó cũng được sử dụng để tạo nên các sản phẩm gốm trang trí kiến trúc với lợi thế trắng, mịn, chắc, có thể sử dụng nhiều màu sắc. Qua từng thời kỳ, từng bước phát triển, cho đến nay chất liệu gốm kiến trúc rất phong phú, đa dạng, nghệ thuật cao.

Để đi sâu vào nghiên cứu nghệ thuật gốm kiến trúc Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu một số loại sản phẩm gốm kiến trúc truyền thống tiêu biểu có giá trị nghệ thuật, rất thông dụng ở các công trình kiến trúc.

Trước hết, chúng ta hãy phân tích, nghiên cứu loại gạch hoa chạm nổi bằng đất nung: các loại gạch hoa này, được sử dụng nhiều trong các công trình kiến trúc thời Lý – Trần – Lê, thường dùng để lát nền hoặc ốp trang trí bề mặt tường. Có nhiều kích thước và hình dáng viên gạch khác nhau, thông thường hình vuông cạnh 35 cm, dày 6 – 9 cm. Viên gạch chạm nổi bố cục hoàn chỉnh, được trang trí bằng khuôn theo phương pháp in hoa trên mặt viên gạch khi đất còn mềm hoặc dùng khuôn hoa văn để tạo hình viên gạch.

Ngoài gạch vuông còn thấy những viên gạch hình đa giác, hình tròn, hình chữ nhật có kích thước đường kính hoặc cạnh từ 25 – 30 cm. Nội dung trang trí trên các viên gạch hoa rất phong phú, bao gồm hình rồng, hình phượng, hình hoa lá (hoa sen, hoa cúc), hình động vật và những hình kỷ hà.

Họa tiết được tạo bằng các chỉ nổi nhiều hơn mảng nổi. Những mảng nổi, chỉ nổi xoắn lồng nhau tạo nên nhịp điệu cho bố cục toàn bộ mảng, trang trí thêm sinh động. Các họa tiết trên viên gạch sắp xếp bố cục phong phú, chủ đề chính ở giữa và thường nằm trong hình tròn nhằm phá vỡ sự cứng nhắc của góc cạnh vuông viên gạch, ở bốn góc thường là những họa tiết phụ, nhỏ và ngoài cùng là đường đồ án kỷ hà gãy góc, đối lập với những đường cong mềm mại của các họa tiết bên trong. Đặc biệt thể thức bố cục họa tiết đăng đối được tuân thủ khá rõ ràng.

Xin giới thiệu vài mẫu gạch hoa tiêu biểu:

Viên gạch hoa lát sàn: đào được ở Hoa Lư (Ninh Bình), trang trí hoa văn chủ yếu là hoa sen, và hoa cúc. Một hoa sen lớn được tạo bằng những cánh sen rồi xếp liền nhau thành một hình tròn cân đối, xen kẽ giữa những cánh sen lớn là những cánh sen nhỏ. Vòng tròn trong, miêu tả nhị hoa và ở giữa là gương sen tròn trặn chứa những hạt sen nhỏ. Bố cục họa tiết hoa sen gợi cho ta liên tưởng đến những cánh sen tròn chân cột bằng đá thời Lý – Trần. Bốn góc của viên gạch được trang trí bốn hoa cúc cách điệu, ở tư thế nhìn nghiêng, cánh hướng ra phía các góc và cân đối với góc vuông. Hoa cúc tuy rất đơn giản nhưng vẫn được thể hiện đầy đủ từ cánh hoa, nhị hoa, đài hoa và cành lá của nó. Mỗi bông hoa là một họa tiết có trục đối xứng do lối bố cục và cách điệu rất khéo nên ta có thể tưởng như là hình bốn con bướm đang bay hướng vào hoa sen. Họa tiết mềm mại, bay bướm và nhỏ ở bốn góc đã làm cho hoa sen ở giữa thêm khỏe và nổi bật. Ngoài cùng là đường đồ án kỷ hà. Nhìn kỹ ta có thể nhận ra những hoa văn hình chữ S (rất phổ biến trên đồ đồng và đồ gốm Đông Sơn) nối liền nhau.

Loại gạch khác, được trang trí xen kẽ với loại gạch trên trong mặt sàn lát ở Hoa Lư có hình đôi phượng đang bay đuổi nhau, tạo thành một hình tròn chính giữa, về cơ bản, bố cục cùng phong cách và bút pháp với viên gạch trên, song viên gạch này trông thoáng hơn.

Gần đây Sở Văn hóa Hà Nam Ninh kết hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã khai quật và phát hiện được một sân gạch hoa tương đối nguyên vẹn ở thôn Đệ Tứ, xã Lộc Hà thuộc ngoại thành Nam Định. Sân này được tạo thành bởi những viên gạch hoa vuông mỗi chiều 38 cm, trang trí họa tiết hoa cúc dây và đường triện. Ở đây người sáng tác đã cố tình tạo nên những đường cong tròn to nhỏ trong hình vuông, khi lát tạo nên mặt sàn như một tấm thảm lớn được trang trí khá công phu.

Một loại gạch hoa khác khá phổ biến thời Lý – Trần dùng để ốp mặt ngoài của công trình xây dựng, tạo nên những đường gạch hoa chạm nổi hoặc những bức phù điêu trang trí đẹp mắt, như viên gạch hình vuông có một cánh hoa thị lớn nằm chéo hai góc, hai góc còn lại là họa tiết của một phần tư bông hoa cúc nở tròn và những cành lá cúc mềm mại. Nếu ghép sáu viên gạch với nhau, thì bốn viên tạo một bố cục hoàn chỉnh bông hoa thị bốn cánh và những hoa cúc. Bốn viên nhìn phía dưới lại cho ta một hình vuông có bốn cạnh, hoa thị bao quanh một hoa cúc nở ở giữa với những cánh lá hướng ra ngoài, trong hình quả trám. Sự kết hợp giữa các hình khi ghép gạch quả là sáng tạo và tài giỏi. Nếu nhìn từ xa, tường gạch hoa nổi lên với những hoa thị khỏe tạo thành những ô vuông và những hình tròn. Đến gần, những chi tiết mềm mại, tinh xảo thu hút người xem mãi không chán.

Ngoài loại gạch ốp tường tạo thành những tấm thảm lớn như trên, ta còn thấy khá phổ biến loại gạch phù điêu và phù điêu trang trí. Mỗi viên là một phù điêu hoàn chỉnh. Loại gạch phù điêu (vừa là gạch để xây dựng lại có chạm trổ phù điêu mặt ngoài để trang trí, tạm gọi là gạch phù điêu) thường dày và to, có viên nặng tới 50 – 60 kg như gạch xây tháp Bình Sơn. Tùy theo yêu cầu, công dụng và vị trí đặt viên gạch trong kiến trúc mà tạo hình dáng phức tạp khác nhau, về mặt nghệ thuật, các viên gạch này thường được trang trí khá công phu trong bố cục, cũng như trong thể hiện họa tiết, xây dựng hình tượng,

Trong thời Lý – Trần, nội dung trang trí trên gạch thường ảnh hưởng họa tiết trên chạm khắc đá như rồng, phượng, sóng nước, hoa cúc dây, hoa sen cánh rời, cô tiên, vũ nữ… Phong cách thể hiện chi tiết trau chuốt, kỹ lưỡng như trên chạm đá.

Trên viên gạch đất nung chạm hình rồng với lá đề ở Bảo tàng Lịch sử, ta thấy rất rõ phong cách trang trí và họa tiết thời Lý từ hình hai con rồng chầu vào lá đề mình dài uốn lượn, mềm mại, bốn chân như bơi trong không gian. Đặc biệt là đầu rồng thời Lý với các đặc điểm miệng há to, mào quyện với răng nanh xoắn xuýt rung rinh bốc cao như ngọn lửa. Râu hàm dưới mềm mại như dải lụa uốn lượn ngược chiều nhau. Bờm từ cổ và sau gáy hướng về phía sau và thu nhỏ dần như cờ đuôi nheo. Mũi cấu tạo bằng những đường cong và những đường xoắn hình chữ S; mồm ngậm quả cầu xoắn tượng trưng cho mây mưa, lá đề được thể hiện khá chi tiết trong đó có hình hai con phượng chầu.

Ở viên gạch khác, ta lại thấy hình vũ nữ múa theo lối chạm sâu hình hai cô gái mặt nghiêng, hai tay giơ cao như đang đỡ, toàn thân uyển chuyển với những nếp dải lụa quấn qua vai và những nếp váy xòe như lá sen, như lối bố cục thường thấy trên phù điêu đá thời Lý. Loại gạch góc bệ còn lại khá nhiều, có những viên chạm cánh sen nổi cao xếp nếp thẳng hàng, có viên là một trích đoạn chạm hoa lá, cành nối cành tạo nên một đường thẳng hoa dây, có viên chạm khắc hình thú, hình người, đầu chim có cánh… rất phong phú về nội dung và phong cách biểu hiện.

Khi các ngôi đình xuất hiện phổ biến trong các làng quê Việt Nam, ta lại thấy xuất hiện nhiều phù điêu bằng gốm đất nung có nội dung gần gũi với cuộc sống, ít tính chất thờ cúng thần linh, kỹ thuật chạm khắc không tỉ mỉ như thời Lý – Trần. Đường nét đơn giản nhưng dứt khoát, trang trí thoải mái, phản ánh đời sống tư tưởng và tình cảm của người lao động, nói lên tính lạc quan yêu đời và sức sáng tạo phong phú của nhân dân ta. Nó mang đậm nét phong cách dân gian. Chẳng hạn viên gạch đắp nổi có hình con nghê ở đền Giá (Hà Sơn Bình), hay viên gạch chạm nổi hình hoa sen nở… Sự ngộ nghĩnh của hình tượng, chất tươi mát thoải mái mà nghệ nhân sáng tạo ra làm cho nó không bị gò bó về nội dung cũng như công thức cân đối hoàn toàn trong bố cục. Cách trang trí thoáng với lối tạo hình trực tiếp.

Có thể dẫn ra đây có rất nhiều những viên gạch phù điêu trang trí khác, với kích thước, nội dung, phong cách khác nhau tạo nên sự rung cảm thẩm mỹ tốt đẹp về hình ảnh quê hương, đất nước, con người. Những quan niệm về tôn giáo, tư tưởng, văn hóa của những thời đại đã sản sinh ra nó, mang những dấu ấn của chức năng nhiệm vụ khác nhau mà nó đảm nhiệm trên các công trình kiến trúc từ tháp đến cung cấm, đền đài, đình chùa.

Từ rất xưa, cha ông ta đã dùng khá nhiều những viên gạch chạm, những bức chạm nổi để tạo nên những công trình kiến trúc. Nó có thể đảm nhiệm về nhiều mặt từ một công trình hoàn toàn bằng gạch trang trí chạm khắc như tháp Bình Sơn, tháp Chàm đến những bức tường hoa lớn. Với thời gian, nó vẫn tồn tại như là một bằng chứng sống, một bằng chứng của nền nghệ thuật tạo hình và điêu khắc trang trí, một nền kiến trúc đa dạng và phong phú về chất liệu cũng như nghệ thuật. Mặt khác nó cũng chứng minh cho sự bền vững của chất liệu mà ngày nay ta có thể sử dụng một cách rộng rãi trong các công trình kiến trúc mới.

Ngoài những viên gạch hoàn chỉnh, ta còn thấy những viên gạch, tự thân nó không toát ra được một vẻ đẹp gì hấp dẫn, nhưng khi phối hợp chúng lại với nhau thì sẽ tạo nên bức tường hoa thủng (rất phù hợp với những công trình văn hóa như cung văn hóa, nhà biểu diễn), bền vững mà lại tăng thêm vẻ đẹp bởi chất liệu và rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới Việt Nam.

Trong các công trình kiến trúc xưa và nay, ngói vẫn là một loại vật liệu quan trọng dùng để che lợp. Chính vì vậy, đã có một thời ngói là đối tượng nghiên cứu sáng tác của người làm gốm Việt Nam. Trong các công trình kiến trúc phần lớn sử dụng loại ngói mũi hài, có loại được tráng men màu. Ngói mũi hài lợp lên mái trông như sóng gợn hoặc lớp lớp vẩy rồng. Tôi còn thấy loại ngói uyên ương, loại ngói cong như lòng máng còn được gọi là ngói ống. Người xưa đã ca ngợi “Ngói uyên ương phơi dưới gió xập xòe như uốn lượn”.

Đặc biệt, trên các đầu ngói ống thường có những hình trang trí công phu, bởi nó là một bộ phận trực tiếp đập vào mắt người xem. Ta có thể dẫn ra đây rất nhiều mẫu ngói ống trang trí hình hoa sen, hoa cúc, hoa thị có khi là hình mặt người rất ngộ nghĩnh. Các loại ngói khác nhau kể trên đều được nghiên cứu về hình và trang trí bằng những nét đơn giản.

Ở thời Lý ta còn thấy những viên ngói bò lợp trên bờ nóc gắn liền với gạch thủng hình đầu rồng, phượng theo bố cục trông như ngọn lửa.

Vẻ đẹp của ngói kiến trúc xưa hòa hợp với tổng thể kiến trúc. Ngói không phải làm nhiệm vụ của một chất lợp chống mưa nắng đơn thuần, mà còn là một yếu tố của vẻ đẹp trong kiến trúc. Đối với đình, chùa, cung điện xưa, mái ngói thường chiếm một diện tích khá lớn.

Trên đây chúng ta vừa điểm qua một số sản phẩm gốm dùng trong kiến trúc với đầy đủ ý nghĩa vừa thực dụng vừa trang trí mỹ thuật, kết hợp với nhau thành một thể thống nhất. Trong gốm kiến trúc còn có những loại hình khác chỉ mang tính chất trang trí đơn thuần hoặc là những sản phẩm được đặt bên cạnh kiến trúc, đặt trong quần thể kiến trúc mà không gắn liền với kết cấu công năng nào. Đó là những đầu đao và những bức chạm thủng hình rồng phượng gắn trên mái nhà, tượng tròn con lân, con phượng được đặt trên các cột trụ… Tuy không có tác dụng thực dụng nhưng nó là một bộ phận không thể thiếu trong các công trình kiến trúc. Ta thử tưởng tượng nếu mái đình, mái chùa mất đi những đầu đao, con giống thì sẽ nặng nề biết bao.

Trong kiến trúc cổ Việt Nam, cũng như trong kiến trúc hiện đại, các hình thức gốm khác như chậu trồng cây, lọ, tượng gốm… vẫn được sử dụng như là một yếu tố của nghệ thuật kiến trúc.

Qua phân tích trên đây, ta có thể thấy: gốm kiến trúc Việt Nam xuất hiện đã lâu đời, rất phong phú về chất liệu, chủng loại, về nội dung trang trí cũng như nghệ thuật biểu hiện. Tiêu biểu nhất là các loại gạch hoa nổi lát sàn và ốp tường, gạch phù điêu, gạch trổ thủng, các loại ngói mũi hài, ngói uyên ương và các loại gốm trang trí khác. Qua những thời đại khác nhau, gốm kiến trúc Việt Nam đã ghi lại được những dấu ấn về văn hóa, tư tưởng cũng như nghệ thuật kiến trúc có tính thực dụng và nghệ thuật cao.

(Nguồn tài liệu: Trần Khánh Chương, Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ, NXB Mỹ thuật, 2004)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]