1. Khái niệm
Khái niệm “giám sát” được đề cập trong một số từ điển, như: Từ điển tiếng Việt, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Nghiệp vụ phổ thông của Viện Khoa học Công an, Từ điển Luật học và trong các văn bản pháp luật, v.v…
Theo Từ điển tiếng Việt: “Giám sát là theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều quy định không”.
Từ điển Bách khoa Việt Nam ghi: “Giám sát là một hình thức hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội nhằm bảo đảm pháp chế hoặc sự chấp hành những quy tắc chung nào đó. Chẳng hạn: Giám sát chất lượng là “theo dõi, kiểm tra và xác nhận liên tục tình trạng của sản phẩm, dịch vụ hay tổ chức, và phân tích hồ sơ để tin chắc rằng các yêu cầu quy định đang được thỏa mãn…”. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Từ điển Nghiệp vụ phổ thông của Viện Khoa học Công an giải thích: “Giám sát là dùng lực lượng công an hoặc quần chúng để trực tiếp quan sát, theo dõi tại chỗ các biến động của đối tượng theo yêu cầu cụ thể”.
Còn theo Từ điển Luật học, “Giám sát là sự theo dõi, quan sát hoạt động mang tính chủ động, thường xuyên, liên tục và sẵn sàng tác động bằng các biện pháp tích cực để buộc và hướng hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát đi đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước, đảm bảo cho pháp luật được tuân theo nghiêm chỉnh”.
Từ các khái niệm trên về giám sát, có thể rút ra khái niệm giám sát của Đảng như sau: Giám sát của Đảng là việc các cấp uỷ, tổ chức đảng uỷ, ban kiểm tra các cấp theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên chịu sự giám sát trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, bảo đảm cho hoạt động đúng quỹ đạo, mục tiêu, yêu cầu đã được xác định, góp phần phục vụ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
2- Đặc trưng của giám sát
Giám sát là hoạt động không thể thiếu trong hoạt động lãnh đạo và quản lý của bất kỳ tổ chức nào trong xã hội (tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp), diễn ra trong tất cả các khâu của quy trình lãnh đạo và quản lý của mọi tổ chức. Vì vậy, giám sát là hoạt động có mục đích, có chủ định từ trước của chủ thể giám sát đối với đối tượng giám sát để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Không thể có giám sát một cách chung chung. Từ khái niệm trên về giám sát cho thấy giám sát có bốn đặc trưng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, giám sát là sự theo dõi, quan sát, nắm tình hình hoạt động mang tính chủ động, trực tiếp, thường xuyên, liên tục của chủ thể giám sát đối với đối tượng giám sát. Hoạt động giám sát phải xác định rõ phạm vi, nội dung, đối tượng, hình thức, phương pháp giám sát một cách cụ thể trong từng thời điểm, thời gian, không có hoạt động giám sát một cách chung chung, hình thức. Vì vậy không có hoạt động tự giám sát, mà chỉ có hoạt động tự kiểm tra.
Thứ hai, hoạt động giám sát phải nhằm bảo đảm cho chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy định của các đoàn thể chính trị – xã hội,… được chấp hành nghiêm túc, đúng quỹ đạo, mục tiêu, yêu cầu đã được xác định từ trước và có kết quả.
Thứ ba, hoạt động giám sát phải được tiến hành bằng một tổ chức hoặc cá nhân được tổ chức có thẩm quyền phân công. Việc tiến hành giám sát của tổ chức hoặc của cá nhân được tổ chức có thẩm quyền phân công phải được thực hiện bằng những hình thức, phương pháp theo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định của từng loại hình tổ chức. Việc tiến hành giám sát có thể bằng hình thức, phương pháp công khai, có thể bằng hình thức, phương pháp bí mật (thường các cơ quan điều tra sử dụng hình thức này). Trong Đảng, việc giám sát chỉ được thực hiện bằng hình thức công khai.
Thứ tư, qua giám sát, chủ thể giám sát xem xét, nhận xét, đánh giá về đối tượng, nội dung giám sát nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động của tổ chức, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống của cá nhân; phát hiện những nhân tố mới, những vấn đề cần nghiên cứu, đề xuất để hoàn chỉnh các chủ trương, chính sách, nghị quyết, quyết định, quy chế… của chủ thể quản lý. Nếu thấy đối tượng giám sát có những hoạt động (hành vi, lời nói, việc làm) chưa đúng với các quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội,… có thiếu sót, khuyết điểm thì chủ thể giám sát kịp thời lưu ý, uốn nắn, nhắc nhở, cảnh báo, yêu cầu hoặc đề nghị thực hiện đúng quy định; nếu thấy đối tượng giám sát có những việc làm có biểu hiện sai trái thì kiến nghị với tổ chức có thẩm quyền biết để chỉ đạo giải quyết hoặc kiểm tra, xem xét, quyết định.
Nguồn: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/book/sach-chinh-tri/cam-nang-ve-ky-nang-giam-sat-cua-dang-344