Trang chủ Lịch sử Lịch sử Trung Quốc cổ đại

Lịch sử Trung Quốc cổ đại

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 782 views

Tổng quan Lịch sử Trung Quốc cổ đại.

I. Địa lý và cư dân.

Trung Quốc là một nước lớn ở Đông Á. Trên lãnh thổ Trung Quốc có hai dòng sông lớn chảy qua, đó là sông Hoàng Hà (dài 5464 Km) ở phía Bắc và Trường Giang (dài 6300 Km) ở phía Nam.

Khi mới thành lập nước vào khoảng thế kỷ thứ XXI TCN địa bàn của Trung Quốc chỉ mới là một vùng nhỏ ở trung lưu lưu vực Hoàng Hà. Từ đó, lãnh thổ Trung Quốc được mở rộng dần nhưng đến thế kỷ III TCN tức là đến cuối thời cổ đại, cương giới phía Bắc của Trung Quốc chưa vượt quá dãy Vạn lý trường thành ngày nay, phía Tây mới đến đông Nam tỉnh Cam Túc và phía Nam chỉ bao gồm một dãy đất nằm dọc theo hữu ngạn Trường Giang mà thôi

Trung Quốc là một trong những nơi từ sớm đã có loài người cư trú. Về mặt chủng tộc, cư dân ở lưu vực Hoàng Hà thuộc giống Mông Cổ, đến thời Xuân Thu được gọi là Hoa Hạ, nói tắt là Hoa hoặc Hạ. Đó là tiền thân của dân tộc Hán sau này. Còn cư dân ở phía Nam Trường Giang thì khác hẳn cư dân vùng Hoàng Hà về ngôn ngữ và phong tục tập quán, ví dụ cư dân các nước Ngô, Việt có tục cắt tóc, xăm mình, đi chân đất. Đến thời Xuân Thu, các tộc này bị Hoa Hạ đồng hoá.

II. Các triều đại Hạ, Thương, Chu.

1. Hạ, Thương và Tây Chu.

a/ Vài nét về xã hội nguyên thủy.

Trung Quốc đã trải qua xã hội nguyên thủy. Hiện nay rất nhiều nơi trên lãnh thổ Trung Quốc đã phát hiện được nhiều di chỉ thuộc thời kỳ đồ đá cũ, đồ đá giữa và đồ đá mới.

Bên cạnh các hiện vật khảo cổ học, các thư tịch Trung Quốc cũng ghi chép nhiều truyền thuyết về thời kỳ nguyên thủy.

Theo truyền thuyết, đến thiên kỷ III TCN, ở lưu vực Hoàng Hà có nhiều bộ lạc cư trú. Thủ lĩnh nổi tiếng nhất của các bộ lạc đó là Hoàng đế. Nhân vật này được coi là thủy tổ của người Trung Quốc.

Đến cuối thiên kỷ III TCN, các hậu duệ của hoàng đế là Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Hạ Vũ nối tiếp nhau làm thủ lĩnh. Nghiêu và Thuấn là hai thủ lĩnh của liên minh bộ lạc, nhưng về sau hai ông được coi là hai vị Hoàng Đế tốt nhất trong lịch sử Trung Quốc.

b/ Triều Hạ. (khoảng thế kỷ XXI – XVII TCN)

Sau khi Hạ Vũ chết, con của ông là Khải được cử lên thay. Sự kiện đó đánh dấu chế độ bầu thủ lĩnh của xã hội nguyên thủy chấm dứt, Trung Quốc bắt đầu chuyển sang xã hội có nhà nước. Tuy Khải là ông vua đầu tiên nhưng ông Vũ được suy tôn là người sáng lập triều Hạ, vương triều đầu tiên của Trung Quốc.

Tuy đã bước sang xã hội có nhà nước, nhưng tình hình mọi mặt của triều Hạ còn rất thấp. Thời Hạ người Trung Quốc chỉ mới sử dụng đồng đỏ, chử viết cũng chưa có.

Trải qua bốn thế kỷ, đến đời vua Kiệt, bạo chúa nổi tiếng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, mâu thuẫn trong xã hội rất gay gắt. Nhân tình hình ấy, nước Thương mới thành lập ở hạ lưu Hoàng Hà đã tấn công và tiêu diệt Hạ.

c/ Triều Thương. (khoảng thế kỷ XVI – XI TCN).

Triều Thương do ông Thang thành lập. Nhân khi triều Hạ suy yếu, Thang đem quân đánh hạ. Vua Kiệt chạy xuống phía Nam, Triều Hạ diệt vong, triều Thương làm chủ được một địa bàn rộng lớn ở Trung và hạ lưu Hoàng Hà. Sau khi thành lập, để tránh nước lụt, triều Thương đã phải dời đô nhiều lần. Đến cháu 10 đời của ông Thang là Bàn Canh thì dời kinh đô đến đất Ân, Vì vậy triều Thương còn được gọi là triều Ân.

Thời Thương, xã hội Trung quốc đã có một bước phát triển rõ rệt về mọi mặt. Bắt đầu từ thời kỳ này, người Trung Quốc mới biết sử dụng đồng thau. Ngày nay đã phát hiện được hàng vạn đồ đồng thau được chế tác với trình độ nghệ thật rất cao của đời Thương.

Bắt đầu từ đời Thương, chữ viết đã ra đời. Chữ viết đời Thương được khắc trên mai và yếm rùa hoặc xương thú nên được gọi là chữ “giáp cốt”, đó là một loại chữ tượng hình. Chữ giáp cốt chính là cơ sở đầu tiên của chữ Trung Quốc ngày nay.

Đến cuối triều Thương, các vua thường dâm loạn bạo ngược, trong đó đặc biệt nhất là vua Trụ, một bạo chúa nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Trụ bóc lột thậm tệ nhân dân trong nước để ăn chơi xa xỉ, lại còn luôn luôn gây chiến tranh với các bộ lạc xung quanh làm cho nhân dân càng thêm khốn khổ. Nhân tình hình ấy, nước Chu mới thành lập ở phía Tây đem quân tấn công và tiêu diệt nước Thương.

d/ Tây Chu. (khoảng 1066 – 771 TCN).

Triều Chu được chia làm hai thời kỳ Tây Chu và Đông Chu.

Người đầu tiên thành lập nước Chu là Văn Vương. Nhận thấy nước Thương đang suy yếu, Văn Vương định tấn công nước Thương nhưng chưa kịp thực hiện thì chết.

Bốn năm sau con của Văn Vương là Vũ Vương đem đại quân tấn công kinh đô Triều Ca của vua Trụ. Vua Trụ phải tự tử, triều Thương diệt vong.

Để mua chuộc lòng người vùng mới chinh phục, Vũ Vương phong cho con của vua Trụ là Vũ Canh một vùng đất của nước Thương và phong cho ba người em của mình vùng đất bên cạnh để giám sát, còn Vũ Vương thì rút về Cảo kinh ở phía Tây, vì vậy thời kỳ nhà Chu đóng đô ở đây gọi là Tây Chu.

Hai năm sau Vũ Vương chết. Vì người con nối ngôi là Thành Vương còn nhỏ tuổi nên một người em khác của Vũ Vương là Chu Công nắm quyền nhiếp chính. Nhân tình hình ấy, Vũ Canh đã nổi dậy chống lại nhà Chu. Chu công phải đem quân đi dẹp và sau ba năm mới trấn áp được. Về sau, Thành Vương chinh phục nốt các bộ tộc ở phía đông Nam, do đó bản đồ nhà Chu được mở rộng đến tận biển Đông.

Trên cơ sở ấy, Tây Chu thi hành chính sách phân phong đất đai và tước hiệu qúy tộc cho con em của mình, do đó đã lập nên một hệ thống nước chư hầu. Tương truyền rằng Vũ Vương, Chu Công và Thành Vương đã phân phong 71 nước, trong đó Lỗ, Vệ ,Tấn Tề, Yên v.v… là những nước tương đối lớn. Từ đó Tây Chu được cường thịnh một thời.

Đến cuối thời Tây Chu, vì U Vương là một kẻ chỉ biết ăn chơi xa xỉ, lại say đắm nàng Bao Tự nên đã dẫn đến một cuộc bạo loạn ở kinh đô, U Vương bị giết chết, ngay sau đó, con là Bình Vương nối ngôi, rồi dời đô sang Lạc Ấp ở phía đông. Thời Tây Chu kết thúc, Thời Đông Chu bắt đầu.

2. Thời Xuân Thu – Chiến Quốc (770 – 221 TCN).

Thời kỳ Đông Chu (770 – 256 TCN) tương đương với hai thời kỳ:

  • Thời Xuân Thu (770 – 475 TCN).
  • Thời Chiến Quốc (475 – 221 TCN)

a/ Thời Xuân Thu.

Xuân Thu là tên của quyển sử nước Lỗ do Khổng Tử soạn, ghi chép lịch sử nước Lỗ từ năm 722 – 481 TCN. Lịch sử Trung Quốc thời kỳ này cũng được phản ánh trong cuốn sách đó, do vậy thời kỳ này gọi là Thời Xuân Thu.

Đến thời Xuân Thu, trải qua một quá trình phát triển lâu dài, một số nước như Tề, Tấn, Tần, Sở đã trở thành những nước lớn mạnh. Trong khi đó, do thế lực ngày càng suy yếu, nhà Đông Chu không còn đủ sức để chỉ huy các chư hầu. Hơn nữa, nhà Chu và một số nước chư hầu đang bị các tộc Man Di đe dọa từ phía Bắc và phía Nam.

Trước tình hình ấy, đến thế kỷ VII TCN, theo kế hoạch của Quản Trọng, nước Tề nêu khẩu hiệu “Tôn vua trừ Di”. Một mặt, nước Tề cùng nhiều nước khác đã ngăn chặn được sự xâm lấn của các tộc Nhung Địch, một mặt liên hợp với một số nước khác tấn công nước Sở. Việc đó mở đầu cho một phong trào kéo dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ V TCN gọi là cuộc tranh quyền bá chủ. Trong phong trào ấy, nước Tề được làm bá chủ một thời gian ngắn ở miền hạ lưu lưu vực Hoàng Hà; nước Tần khống chế được vùng Tây Bắc; nước Tấn và nước Sở sau một thời gian kình địch lâu dài, đến năm 546 TCN đều được công nhận làm bá chủ.

Đến cuối thế kỷ thứ VI TCN, nước Ngô và nước Việt ở vùng hạ lưu Trường Giang cũng trở thành hai nước lớn mạnh và sang thế kỷ V TCN cũng lần lượt dành được quyền bá chủ.

Trong khi các nước lớn lần lượt trở thành bá chủ, các nước nhỏ không những phải triều cống nhà Chu mà còn phải nộp cống cho bá chủ.

b/ Thời Chiến Quốc.

– Các nước thời Chiến Quốc.

Trải qua cuộc đấu tranh lâu dài giữa các nước và trong nội bộ một số nước, đến thế kỷ V TCN, ở Trung Quốc có 7 nước lớn là Yên, Tề, Triệu, Ngụy, Hàn, Tần, Sở (nước Tấn thời Xuân Thu bị chia thành ba nước là Triệu, Ngụy, Hàn). Ngoài ra còn có một số nước nhỏ như Lỗ, Vệ, Tống, Trịnh, Đằng, Tiết, Trâu v.v… Nước Việt đầu thời Chiến Quốc vẫn là một nước lớn nhưng đến năm 306 TCN thì bị nước Sở

– Cuộc cải cách Thương Ưởng ở nước Tần: Đến thời Chiến Quốc, để làm cho nước mình giàu mạnh, một số nước đã tiến hành cải cách, trong đó cuộc cải cách Thương Ưởng ở nước Tần là có hiệu quả nhất.

Trong số 7 nước lớn thời Chiến Quốc, nước Tần lúc đầu tương đối lạc hậu. Vì vậy năm 359 TCN, Tần Hiếu Tông đã ban hành những luật cải cách của Thương Ưởng. Nội dung chủ yếu của chính sách cải cách gồm những biện pháp nhằm:

+ Tăng cường trật tự trị an.

+ Khuyến khích việc sản xuất nông nghiệp.

+ Khuyến khích việc lập quân công.

Ngoài ra còn có các chính sách nhằm củng cố nền thống nhất của nước Tần như thành lập các quận huyện, thống nhất đo lường.

Kết quả, nước Tần trở thành một nước giàu mạnh.

– Hợp tung-Liên hoành.

Sự hùng mạnh của nước Tần làm cho 6 nước phía Đông (Triệu, Ngụy, Hàn, Sở, Yên, Tề ) đều lo sợ. Vì vậy ở các nước phía Đông đã có một số chính khách vận động 6 nước phía Đông liên minh với nhau để chống Tần. Đó là liên minh giữa các nước từ Bắc xuống Nam nên gọi là “hợp tung”. Những người có vai trò quan trọng trong phong trào hợp tung là Công Tôn Diễn, Tướng quốc của nước Ngụy và Tô Tần, Tướng quốc của nước Yên.

Để phá “hợp tung” của các nước phía Đông, năm328 TCN, Tướng quốc của Tần là Trương Nghi đã lôi kéo các nước phía Đông liên minh với Tần gọi là “liên hoành” nhưng thực chất là bắt các nước này phải thần phục Tần.

Do các nước phía Đông vừa sợ Tần, vừa có mâu thuẫn với nhau nên sự liên minh giữa các nước không bền chặt.

– Nước Tần thống nhất Trung Quốc: Đến cuối thời Chiến quốc, cuộc chiến tranh giữa các nước nhất là những cuộc chiến tranh giữa Tần và các nước láng giềng là Triệu, Ngụy, Hàn, Sở diễn ra càng ác liệt. Đặc biệt, trong trận Trường Bình diễn ra năm 260 TCN sau khi tướng của quân Triệu là Triệu Quát bị bắn chết, tướng của Tần là Bạch Khởi đã ra lệnh chôn sống 40 vạn hàng binh của Triệu.

Trong khi Tần không ngừng giành được thắng lợi, năm 256 TCN, Tần tiêu diệt nhà Chu.

Ít lâu sau, từ năm 230 đến năm 221 TCN, Tần lần lượt tiêu diệt các nước Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề. Đến đây Tần đã hoàn thành việc thống nhất Trung Quốc.

III. Tình hình kinh tế xã hội.

1. Sự phát triển của các ngành kinh tế.

a/ Nông nghiệp.

– Công cụ sản xuất : Thời Hạ người Trung quốc chỉ mới biết đồng đỏ nên nông cụ chủ yếu vẫn làm bằng đá, gỗ, xương v.v…

Thời Thương và Tây Chu đồ đồng thau ngày càng phát triển.

Thời Xuân Thu, đồ sắt bắt đầu xuất hiện. Đến thời Chiến quốc công cụ bằng sắt càng được sử dụng rông rãi.

– Kỹ thuật sản xuất: Bắt đầu từ thời Xuân Thu, người Trung quốc đã biết dùng trâu bò để kéo cày.

– Vấn đề thủy lợi: Từ trước khi thành lập nhà nước, cư dân ở Trung Quốc đã chú ý đến việc khắc phục nạn lụt. Đến đời Thương, trên đồng ruộng thường có nhiều mương dẫn nước.

Thời Xuân Thu Chiến quốc, Trung quốc đã xây dựng nhiều công trình thủy lợi lớn.

– Năng suất sản xuất: Nhờ đất đai ở lưu vực Hoàng Hà màu mỡ nên năng suất lao động không ngừng tăng lên. Do vậy từ đời Thương, thói quen uống rượu đã rất thịnh hành.

Đến thời Chiến quốc mỗi mẫu ruộng trung bình mỗi năm thu hoạch được 1 thạch 5 đấu, năm được mùa có thể thu được sáu thạch.

b/ Thủ công nghiệp.

Từ sớm Trung quốc đã có nhiều nghề thủ công. Đến đời Thương Chu, nghề thủ công phát triển nổi bật nhất là nghề đúc đồng thau. Ngoài ra, các nghề khác như nghề làm đồ gốm, đồ đá, đồ ngọc, đồ xương, đồ da, đồ gỗ, nghề dệt… đều đạt đến trình độ khá cao.

c/ Trao đổi và buôn bán.

Từ đời Thương việc trao đổi đã tương đối phát triển. Đến thời Xuân Thu Chiến quốc, hoạt động thương nghiệp càng phát triển mạnh. Các mặt hàng được đem ra trao đổi là nông sản, hải sản, các sản phẩm của nghề chăn nuôi và nghề thủ công.

Trong quá trình trao đổi, từ đời Thương, người Trung quốc đã dùng một loại vỏ ốc biển gọi là “bối” để làm vật môi giới (tức là một thứ tiền). Đến thời Xuân Thu Chiến quốc, người Trung quốc dùng đồng để đúc các loại tiền khác nhau: các nước Triệu, Ngụy, Hàn dùng tiền hình lưỡi xẻng gọi là “bố” ; các nước Yên, Tề đúc tiền hình con dao gọi là “đao” ; nước Sở đúc tiền hình vỏ ốc gọi là “bối” ; nước Tần dùng tiền đồng hình tròn.

Ngoài ra, thời Chiến quốc còn dùng vàng để làm tiền tệ.

Cùng với sự phát triển công thương nghiệp, các thành phố ở Trung quốc cũng ngày càng phồn thịnh. Đến thời Chiến quốc các thành phố lớn chủ yếu là kinh đô của các nước như Lâm Truy của Tề, Hàm Đan của Triệu, Đại Lương của Ngụy, Lạc Dương của Chu v.v…

Tuy công thương nghiệp đã tương đối phát triển, nhưng nền kinh tế của Trung quốc ở thời kỳ này chủ yếu là nền kinh tế tự cấp tự túc, trong đó nông nghiệp giữ vai trò chủ yếu.

2. Chế độ ruộng đất.

a/ Chính sách phân phong ruộng đất thời Tây Chu.

Thời Tây Chu, toàn bộ ruộng đất thuộc về nhà nước tức là thuộc về vua. Trên cơ sở ấy, vua Chu giữ lại cho mình một lãnh địa gọi là “vương kỳ”. Phần lớn đất đai còn lại, vua Chu đem phong cho con em của mình lập thành các nước chư hầu.

Ruộng đất trong vương kỳ và trong các nước chư hầu lại đem phong cho các quan lại (gọi là khanh đại phu) làm thái ấp.

Khanh đại phu lại chia thái ấp của mình cho những người giúp việc gọi là sĩ.

Ơ các làng xã, ruộng đất được định kỳ chia cho nông dân cày cấy. Chế độ chia ruộng công cho nông dân được gọi là chế độ “tỉnh điền”. Mức ruông đất mà mỗi hộ nông dân được chia thường là 100 mẫu.

b/ Sự thay đổi về quyền sở hữu ruộng đất thời Xuân Thu Chiến quốc.

Đến thời Xuân Thu quyền sở hữu ruộng đất bắt đầu có sự thay đổi:

Trước hết các nước chư hầu đều coi đất được phong thuộc quyền sở hữu của họ.

Trong các nước chư hầu một số khanh đại phu cũng biến thái ấp được phong thành đất riêng, đồng thời các khanh đại phu còn chiếm thêm đất đai của kẻ khác.

Chế độ tỉnh điền đang tan rã, do đó nhiều nông dân cũng có ruộng đất riêng.

Tóm lại: Bắt đầu từ thời Xuân Thu đã có mầm mống của ruộng tư. Ruộng đất bắt đầu được mua bán. Đến thời Chiến quốc, chế độ ruộng tư phát triển mạnh.

3. Quan hệ giai cấp.

a/ Giai cấp thống trị:

Do chính sách phân phong ruộng đất, giai cấp thống trị thời Tây Chu gồm có Thiên tử, Chư hầu, Khanh Đại phu, Sĩ. Các tầng lớp đó đều sống bằng nguồn cống nạp và thuế khóa.

Đến thời Chiến quốc, do chế độ ruộng tư phát triển, trong xã hội xuất hiện thêm một tầng lớp mới, đó là tầng lớp địa chủ. Hình thức bóc lột của tầng lớp này là địa tô.

b/ Giai cấp nông dân:

Thời Tây Chu giai cấp nông dân cày ruộng tỉnh điền. Họ là nông dân tự do, có nghĩa vụ phải nộp thuế, làm lao dịch và đi lính cho nhà nước.

Đến thời Chiến quốc, do chế độ ruộng tư phát triển, chế độ tỉnh điền tan rã, một bộ phận nông dân biến thành nông dân tự canh, một bộ phận khác không có ruộng đất biến thành tá điền cày cấy ruộng đất của địa chủ, do đó họ phải nộp địa tô cho chủ ruộng.

c/ Giai cấp nô lệ:

Giai cấp nô lệ ở Trung quốc cổ đại khá đông. Nguồn nô lệ chủ yếu là tù binh, những người phá sản và những người phạm tội.

Thân phận của họ rất cực khổ. Họ bị chủ tùy tiện giết hại, trừng phạt và coi như một món hàng để mua bán. Đặc biệt ở Trung quốc cổ đại có tục giết nô lệ để chôn theo chủ mà thịnh hành nhất là đời Thương.

Giá nô lệ thời Tây Chu rất rẻ mạt: Năm nô lệ mới đổi được một con ngựa và và một bó tơ. Đến thời Chiến quốc giá nô lệ có tăng lên.

Nô lệ tuy cũng có tham gia lao động sản xuất, nhưng phần lớn là làm việc hầu hạ, vì vậy trong đời sống kinh tế họ không giữ vai trò quan trọng.

d/ Tầng lớp công thương:

Những người làm nghề công thương trước kia bị lệ thuộc vào nhà nước, do đó chưa hình thành những tầng lớp độc lập. Bắt đầu từ thời Xuân Thu, trong xã hội mới xuất hiện một số thợ thủ công và người buôn bán tự do. Cùng với sự phân công ngành nghề ngày càng phát triển, các loại thợ thủ công khác nhau càng ngày càng xuất hiện nhiều. Mạnh Tử nói: “Thợ gốm, thợ rèn đem sản phẩm đổi lấy thóc”. Hàn Phi cũng nói: “Người thợ đóng xe muốn người ta giàu sang, người thợ đóng áo quan thì muốn người ta chết non”.

Tầng lớp buôn bán cũng ngày càng đông đảo. Do công thương nghiệp phát triển, đến cuối thời Xuân Thu sang thời Chiến quốc, trong xã hội đã xuất hiện nhiều lái buôn giàu có mà Phạm Lãi, Bạch Khuê, Tử Cống , Lã Bất Vi là những người tiêu biểu.

(Nguồn tài liệu: Nguyễn Gia Phu, Giáo trình Lịch sử thế giới cổ đại)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net