Trang chủ Thể dục Thể thao Hướng dẫn kỹ thuật bóng bàn cơ bản – nâng cao

Hướng dẫn kỹ thuật bóng bàn cơ bản – nâng cao

by Ngo Thinh
640 views

Lý thuyết hướng dẫn đánh bóng bàn từ cơ bản đến nâng cao, tấn công – phòng thủ. (Hình ảnh minh họa chi tiết)

1. Tác dụng của môn Bóng bàn

Chơi bóng bàn làm toát ra mồ hôi giúp thanh lọc độc tố khỏi cơ thể và giảm cân và nâng cao nhịp tim qua những phản xạ qua lại để đánh bóng, giúp việc cung cấp máu lưu thông tốt.

Ngoài ra, chơi bóng bàn còn giúp cải thiện phản xạ, mắt và tay phối hợp, sự tỉnh táo và tốc độ chuyển động, cải thiện sự cân bằng và làm giảm nguy cơ té ngã và chấn thương, đặc biệt là người lớn tuổi.

2. Các động tác kỹ thuật bóng bàn

2.1. Cách cầm vợt và tư thế chuẩn bị và di chuyển

2.1.1. Cách cầm vợt

Cầm vợt rất quan trọng nó liên quan trực tiếp đến việc tiếp thu, hình thành, phát huy, phát triển nâng cao kĩ thuật và hiệu quả thi đấu bóng bàn. Vì vậy người mới tập đánh bóng bàn phải nắm vững và cầm vợt đúng kỹ thuật. Có 2 cách cầm vợt: Cầm vợt ngang và cầm vợt dọc.

Cách cầm vợt ngang:

Cầm vợt ngang sử dụng được cả hai mặt vợt để đánh bóng, nên phạm vi đánh bóng rộng, kết hợp tốt giữa tấn công và phòng thủ, cổ tay linh hoạt phát huy được sức mạnh đánh bóng trái tay.

Kiểu cầm vợt ngang thứ nhất: Ngón tay cái đặt ở bên phải mặt vợt, ngón tay trỏ đặt bên trái mặt vợt, ba ngón còn lại cầm lấy cán vợt. Cầm vợt kiểu này tương đối linh hoạt, có thể sử dụng được sức mạnh của cánh tay, phạm vi đánh bóng rộng. Đây là kiểu cầm vợt thuận lợi cho vợt ngang, phát huy kỹ thuật tương đối toàn diện, dễ tấn công và phòng thủ. Để thuận lợi trong việc dùng lực khi vụt bóng, có thể thay đổi vị trí ngón tay. Nếu vụt thuận tay, ngón tay cái giữ nguyên, ngón tay trỏ di chuyển lên một ít để giữ thăng bằng và điều chỉnh góc độ mặt vợt.

Kiểu cầm vợt ngang thứ nhất

Kiểu cầm vợt ngang thứ nhất

Kiểu cầm vợt ngang thứ hai: Ngón tay cái đặt ở mặt phải vợt, ngón tay giữa và ngón trỏ đặt sát nhau và để tự nhiên bên mặt trái vợt, các ngón còn lại cầm vào cán vợt. Cầm vợt kiểu này dễ dàng vụt thuận tay, nhưng vụt trái tay khó hơn do lực tỳ yếu, cổ tay không linh hoạt, phối hợp giữa tấn công và phòng thủ kém.

Kiểu cầm vợt ngang thứ hai

Kiểu cầm vợt ngang thứ hai

Cách cầm vợt dọc: Cầm vợt dọc tương tự như cầm bút, viết. Cầm vợt dọc thường được sử dụng phổ biến ở các vận động viên Đông Á và một số nước Đông Nam Á. Gần đây đã phát triển ở châu Âu và châu Mỹ La Tinh.

Cầm vợt dọc thường sử dụng một mặt vợt đánh cả hai bên cổ tay linh hoạt nên chuyển tay nhanh, điều chỉnh mặt vợt dễ, đánh bóng thuận tay mạnh, xoáy, chính xác và đặc biệt là giao bóng biến hóa đa dạng, tấn công nhanh tốt. Khi đánh bóng góc độ mặt vợt ít thay đổi nên đối phương khó phán đoán. Cầm vợt dọc có khuyết điểm là đánh trái tay khó, do biên độ động tác hẹp, lực đánh bóng nhẹ, khó cắt bóng, phạm vi đánh bóng hẹp, khó phối hợp giữa tấn công và phòng thủ.

Kiểu cầm vợt dọc

Kiểu cầm vợt dọc

2.1.2. Tư thế chuẩn bị

Tư thế chuẩn bị là vị trí và tư thế thân người đứng khi giao, đỡ giao bóng, có thích hợp hay không, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giao và đỡ giao bóng, mà còn quan hệ mật thiết với sự nhanh, chậm khi di chuyển bước chân.

Lựa chọn vị trí đứng cơ bản chủ yếu dựa vào các điểm dưới đây: Căn cứ vào đặc điểm lối đánh khác nhau của vận động viên để xác định vị trí cơ bản; căn cứ vào chiều cao khác nhau của vận động viên để xác định vị trí đứng cơ bản. Những người thấp thường đứng gần bàn hơn, người cao đứng xa bàn; căn cứ vào mặt mạnh, yếu của vận động viên mà xác định vị trí cơ bản.

2.1.3. Di chuyển

Căn cứ vào mục đích tính chất các động tác, người ta chia kỹ thuật đánh bóng thành 4 nhóm kỹ thuật cơ bản: Di chuyển bước đơn, di chuyển bước đôi, di chuyển bước chéo và di chuyển bước nhảy.

Kỹ thuật các bước di chuyển:

Di chuyển bước đơn: Ở tư thế chuẩn bị, chân ngược hướng bóng đến làm trụ, chân còn lại di chuyển theo hướng ra trước, sau, sang phải, trái đến vị trí thích hợp để đánh bóng.

Đặc điểm và tác dụng của bước đơn: Di chuyển bước đơn tương đối đơn giản. Được vận dụng ở trường hợp bóng đến cách thân người không xa, phạm vi nhỏ. Trọng tâm tương đối thăng bằng, ổn định. Nó là loại bước pháp thường sử dụng trong tấn công nhanh, líp giật và cắt bóng.…

Di chuyển bước đơn

Di chuyển bước đơn

Di chuyển bước đôi: Ở tư thế chuẩn bị, bóng đến hướng nào thì chân cùng hướng bóng đến bước ra trước, ra sau hoặc sang trái, phải một bước lớn ; chân kia nhanh chóng bước theo đến vị trí thích hợp để vung tay đánh bóng đi.

Đặc điểm và tác dụng của đổi bước: Di chuyển đổi bước biên độ lớn hơn bước đơn. Tấn công nhanh thường sử dụng phương pháp này đối với bóng đến cách xa thân người. Hay lối đánh cắt bóng để đối phó với bóng tấn công đột ngột của đối phương. Do biên độ lớn, nên trọng tâm hạ thấp, phần lớn dựa lực đánh bóng.

Di chuyển bước đôi

Di chuyển bước đôi

Di chuyển bước chéo (bước ngang): Ở tư thế chuẩn bị, khi bóng đánh sang chân ngược hướng bóng đến di chuyển (bước chéo) ; chân kia nhanh chóng bước theo chân kia một bước, rồi vung tay đánh bóng.

Di chuyển bước chéo

Di chuyển bước chéo

Đặc điểm và tác dụng của bước chéo: Di chuyển bước chéo biên độ di chuyển lớn hơn các loại bước đơn, bước đổi và bước nhảy. Nó được sử dụng chủ yếu để đối phó với bóng đến quá xa thân người. Bước này thường sử dụng trong lúc di chuyển để tấn công nhanh hoặc líp, giật sau khi né người tấn công, góc phải bỏ trống, hoặc khi cắt bóng, líp bóng.

Di chuyển bước nhảy: Ở tư thế chuẩn bị, lấy chân đối diện với phía bóng đến làm chân giậm nhảy, khi bóng đến hai chân gần như đồng thời rời mặt đất để nhảy vượt về phía bóng đến. Chân giậm nhảy chạm đất trước, chân còn lại chạm đất sau đứng vững, sau đó vung tay đánh bóng.

Đặc điểm và tác dụng của bước nhảy: Di chuyển bước nhảy có biên độ di chuyển lớn hơn một chút so với bước đơn và bước đổi. Khi di chuyển thường có một thời gian rất ngắn trên không, có ảnh hưởng nhất định đối với việc giữ ổn định của trọng tâm cơ thể. Thông thường dùng hoãn xung của khớp gối, khớp cổ chân để giảm bớt dao động của trọng tâm.

Di chuyển bước nhảy

Di chuyển bước nhảy

* Những điểm cần chú ý khi di chuyển bước chân:

  • Di chuyển bước chân là cực kì quan trọng đánh bóng bàn, phải di chuyển nhanh, tạo tư thế và khoảng cách đánh bóng tốt mới nâng cao được hiệu quả.
  • Phải phán đoán tốt hướng đối phương đánh bóng sang khoảng cách giữa và bóng mà sử dụng loại bước di chuyển nào cho hợp lí.
  • Sau di chuyển phải tạo được tư thế thuận lợi, tạo khoảng cách thích hợp cho đánh bóng.
  • Trong quá trình di chuyển bước chân phải phối hợp nhịp nhàng của trọng tâm cơ thể, động tác tay hợp lí.
  • Kết thúc di chuyển phải nhanh chóng chiếm vị trí và chủ động thực hiện động tác đánh bóng.

(* Theo Nguyễn Quang Vinh – Giáo trình bóng bàn – Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, 2014)

2.2. Kỹ thuật giao bóng, đỡ giao bóng thuận tay và trái tay

2.2.1. Kỹ thuật giao bóng

Giao bóng là một kỹ thuật cơ bản của môn bóng bàn và là kỹ thuật đầu tiên bắt đầu đưa bóng vào cuộc. Mục đích cao nhất của giao bóng là thắng điểm trực tiếp; giao bóng tốt giúp vận động viên hoàn toàn chủ động, chiếm ưu thế tạo cơ hội nhanh chóng dứt điểm; giao bóng tốt có thể phá vỡ chiến thuật của đối phương, thuận lợi cho việc áp đặt chiến thuật của mình.

Kỹ thuật giao bóng rất đa dạng và phong phú, căn cứ vào đặc điểm, tính chất xoáy của bóng và đường vòng cung bóng bay mà người ta chia kỹ thuật giao bóng thành giao bóng tốc độ, giao bóng xoáy một chiều, giao bóng xoáy hỗn hợp và giao bóng điểm rơi.

Giao bóng tốc độ: Người giao bóng sử dụng động tác nhanh, mạnh, lực tác dụng gần như đi qua tâm bóng, bóng bay nhanh đường vòng cung thấp nhưng gần như không xoáy hoặc giao bóng xoáy lên mạnh làm xung lực tiến về phía trước lớn. Cách giao bóng này thường kết hợp với giao nhẹ, biến đổi điểm rơi, tạo cơ hội thuận lợi cho việc tấn công nhanh.

Giao bóng xoáy một chiều: Bóng đánh sang chỉ có một chiều xoáy như xoáy lên, xoáy xuống hoặc xoáy ngang, trong thực tế bóng xoáy ngang đơn thuần chiếm tỷ lệ rất thấp trong tập luyện và thi đấu.

Giao bóng xoáy hỗn hợp: Loại giao bóng kết hợp giữa hai tính chất xoáy như xoáy ngang lên hoặc xoáy ngang xuống. Loại giao bóng này được sử hầu hết trong tập luyện và thi đấu, do nó dễ biến hóa, thay đổi tính chất xoáy, độ xoáy và kết hợp với điểm rơi gây khó khăn cho người đỡ.

Giao bóng điểm rơi: Loại giao bóng tổng hợp các loại giao bóng trên như: Bóng bay xa hay gần, mạnh hay nhẹ, xoáy hay không xoáy… lấy biến hóa điểm rơi của bóng làm chính để buộc người đỡ vào thế bị động tạo cơ hội tấn công dứt điểm.

Trong bóng bàn, đỡ giao bóng giữ vai trò hết sức quan trọng. Đỡ giao bóng không tốt, sẽ mất điểm trực tiếp hoặc tạo cơ hội tốt cho đối phương tấn công dứt điểm, hoặc không thực hiện được ý đồ của mình, ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu nhất là ở thời điểm quan trọng quyết định. Đỡ giao bóng tốt có thể thắng điểm trực tiếp hoặc phá vỡ, hạn chế ý đồ chiến thuật của đối phương, hoặc đưa đối phương vào thế bị động đánh trả, tạo cơ hội tốt cho mình tấn công dứt điểm.

Trong thi đấu có bao nhiêu loại giao bóng thì có bấy nhiêu loại đỡ giao bóng tương ứng. Vấn đề cơ bản của đỡ giao bóng là:

  • Phán đoán đúng hướng bóng đến, sức mạnh, mức độ và chiều bóng xoáy, điểm bóng rơi trên mặt bàn bên mình, tiếp cận với bóng tạo khoảng cách thích hợp cho việc thực hiện động tác đỡ bóng;
  • Cân bằng sức xoáy của bóng đối phương đánh sang bằng trả ngược chiều xoáy;
  • Dùng sức xoáy với mức độ lớn hơn để đưa bóng sang bàn đối phương.

Người ta thường dùng kỹ thuật như gò, cắt, chặn, đẩy, líp, vụt, bạt, giật để đánh quả giao bóng. Ngoài ra còn dùng phương pháp điều chỉnh góc độ mặt vợt thích hợp hướng bóng bay trở lại bên bàn đối phương;

Những yêu cầu trong đỡ giao bóng: Đỡ giao bóng phải sao cho đường bóng bay thấp; điểm bóng rơi phải biến hoá; đỡ bóng phải nhanh; tạo cho bóng xoáy càng nhiều càng tốt.

2.2.2. Kỹ thuật đỡ giao bóng thuận tay

Đối phương giao bóng nhẹ gần lưới: Sử dụng mặt phải của vợt thực hiện đẩy, gò hoặc líp bóng nhẹ vào chỗ trống hoặc gần lưới;

Đối phương giao bóng mạnh, nhanh: Sử dụng mặt phải của vợt thực hiện đẩy, chặn bóng vào chỗ trống trên bàn đối phương;

Đối phương giao bóng xoáy xuống mạnh, dài: Sử dụng mặt vợt phải ngửa nhiều thực hiện gò bóng. Nếu dùng vụt bóng, giật bóng để đánh trả thì phải điều chỉnh độ nghiêng mặt vợt hợp lý, động tác đánh bóng phải dứt khoát, miết mạnh cổ tay để tăng ma sát vợt với bóng;

Đối phương giao bóng xoáy ngang lên hoặc ngang xuống: Phải điều chỉnh độ nghiêng mặt phải vợt để hướng ngược chiều xoáy của bóng đối phương đánh sang.

2.2.3. Kỹ thuật đỡ giao bóng trái tay

Đối phương giao bóng nhẹ gần lưới: Sử dụng mặt trái của vợt thực hiện đẩy, gò hoặc líp bóng nhẹ vào chỗ trống hoặc gần lưới;

Đối phương giao bóng mạnh, nhanh: Sử dụng mặt trái của vợt thực hiện đẩy, chặn bóng vào chỗ trống trên bàn đối phương;

Đối phương giao bóng xoáy xuống mạnh, dài: Sử dụng mặt vợt trái ngửa nhiều thực hiện gò bóng. Nếu dùng vụt bóng, giật bóng để đánh trả thì phải điều chỉnh độ nghiêng mặt vợt hợp lý, động tác đánh bóng phải dứt khoát, miết mạnh cổ tay để tăng ma sát vợt với bóng;

Đối phương giao bóng xoáy ngang lên hoặc ngang xuống: Phải điều chỉnh độ nghiêng mặt trái của vợt để hướng ngược chiều xoáy của bóng đối phương đánh sang.

2.3. Kỹ thuật líp bóng thuận tay và trái tay

Líp bóng là kỹ thuật đánh bóng đảm bảo độ chính xác cao, dễ điều khiển điểm rơi. Líp bóng là kỹ thuật tấn công chủ yếu đối phó với bóng xoáy xuống của đối phương, là quả đánh quá độ tạo điều kiện thuận lợi cho các kỹ thuật tấn công tiếp theo.

2.3.1. Kỹ thuật líp bóng thuận tay

Kỹ thuật líp bóng thuận tay

Kỹ thuật líp bóng thuận tay

Giai đoạn chuẩn bị: Chân trái đứng trước, chân phải đứng sau, khoảng cách hai chân rộng bằng vai, gối hơi khuỵu, trọng tâm dồn vào chân phải. Tay phải cầm vợt ngang hông, cách hông 25 – 30 cm, cánh tay duỗi tự nhiên, góc giữa cánh tay và cẳng tay là 45O (góc này phụ thuộc vào chiều cao của thân người, người cao góc độ này hẹp hơn một ít), góc độ giữa người với bàn khoảng 45O, góc độ giữa cẳng tay và cánh tay khoảng 135 O, vai phải hạ thấp và thả lỏng hơn vai trái. Nếu sử dụng mặt vợt gai cao su thì ngả về sau, sử dụng vợt mousse thì úp về trước.

Giai đoạn đánh bóng: Khi bóng đối phương đánh sang bàn nảy qua điểm cao nhất (điểm 3 – 4 của đường vòng cung bóng rơi) nhanh chóng lăng vợt từ sau ra trước, lên trên và sang trái. Vợt tiếp xúc với bóng ở phần giữa bóng hoặc giữa dưới bóng (đối với bóng xoáy xuống vợt hơi ngửa ra phía sau). Lực phối hợp đánh bóng bắt đầu từ đạp chân, xoay hông, chuyển trọng tâm qua lườn, gập cẳng tay, cổ tay miết vào bóng tăng sức xoáy, tạo đường vòng cung qua lưới.

Giai đoạn kết thúc: Sau khi đánh bóng, vợt theo quán tính chuyển động chậm dần và kết thúc ở ngang đuôi mắt trái. Trọng tâm cơ thể chuyển sang chân trái. Sau khi đánh bóng xong, đạp mạnh chân trái nhanh chóng chuyển trọng tâm trở về tư thế chuẩn bị để đánh quả tiếp theo.

2.3.2. Kỹ thuật líp bóng trái tay

Kỹ thuật líp bóng trái tay

Kỹ thuật líp bóng trái tay

Giai đoạn chuẩn bị: Chân phải đứng trước, chân trái đứng sau, khoảng cách hai chân rộng bằng vai, gối hơi khuỵu, trọng tâm dồn vào chân trái. Tay phải cầm vợt ngang hông để ngang hông bên trái, cách hông 25 – 30 cm. Cánh tay duỗi tự nhiên, góc giữa cánh tay và thân người khoảng 30O, giữa cánh tay và cẳng tay khoảng 90 O, vai phải hạ thấp và thả lỏng hơn vai trái.

Giai đoạn đánh bóng: Khi bóng đối phương đánh sang bàn nảy qua điểm cao nhất (điểm 3 – 4 của đường vòng cung bóng rơi) nhanh chóng lăng vợt từ sau ra trước, lên trên và sang phải. Vợt tiếp xúc với bóng ở phần giữa bóng hoặc giữa dưới bóng (đối với bóng xoáy xuống vợt hơi ngửa ra phía sau). Vợt lăng đến đâu thì trọng tâm cơ thể được dịch chuyển tương ứng tới đó, để phối hợp đánh bóng. Khi đánh bóng nhanh chóng gập cẳng tay, cổ tay miết vào bóng tăng sức xoáy, tạo đường vòng cung qua lưới.

Giai đoạn kết thúc: Sau khi đánh bóng, vợt theo quán tính chuyển động chậm dần và kết thúc ở ngang đuôi mắt phải. Trọng tâm cơ thể chuyển sang chân phải. Sau khi đánh bóng xong, đạp mạnh chân phải nhanh chóng chuyển trọng tâm trở về tư thế chuẩn bị để đánh quả tiếp theo.

2.4. Kỹ thuật bạt bóng thuận và trái tay

Bạt bóng là kỹ thuật tấn công nhanh, mạnh và có cơ hội dứt điểm cao, hoặc gây khó khăn cho đối phương tạo cơ hội tấn công dứt điểm. Bạt bóng thường được sử dụng để đánh những quả bóng nảy cao, sử dụng sức mạnh và đẩy tới trước nhiều khi đánh bóng, nên bạt bóng không gây ra sức xoáy lớn như các kỹ thuật khác.

2.4.1. Kỹ thuật bạt bóng thuận tay

Kỹ thuật bạt bóng thuận tay

Kỹ thuật bạt bóng thuận tay

Giai đoạn chuẩn bị: Chân trái đứng trước, chân phải đứng sau, khoảng cách hai chân rộng bằng vai, trọng tâm hạ thấp hơi nghiêng về chân phải. Cánh tay hợp với thân người một góc khoảng 50O, cẳng tay gần như song song với mặt đất, cổ tay và cẳng tay thẳng. Người đứng cách bàn 40cm, vợt để ngang lườn, mặt vợt gần như thẳng đứng (song song với lưới).

Giai đoạn đánh bóng: Khi bóng đối phương đánh sang bắt đầu nảy lên điểm cao nhất (điểm 3 của đường vòng cung bóng rơi) nhanh chóng lăng vợt từ sau ra trước, sang trái. Vợt tiếp xúc với bóng ở phần giữa của bóng (gần tâm bóng), nên bóng gần như không xoáy. Lực phối hợp đánh bóng đạp chân, xoay hông, chuyển trọng tâm qua lườn, gập nhanh cẳng tay đẩy bóng đến trước, người hơi lao về trước. Động tác đánh bóng nhanh, dứt khoát.

Giai đoạn kết thúc: Sau khi đánh bóng, vợt theo quán tính chuyển động chậm dần và kết thúc ở ngang đuôi mắt trái. Trọng tâm cơ thể chuyển sang chân trái. Sau khi đánh bóng xong, đạp mạnh chân trái nhanh chóng chuyển trọng tâm trở về tư thế chuẩn bị để đánh quả tiếp theo.

2.4.2. Kỹ thuật bạt bóng trái tay

Bạt bóng trái tay thường biên độ động tác hẹp nên lực tác động vào bóng không mạnh, nên trong thi đấu khi bóng nảy lên cao các VĐV thường né người di chuyển thực hiện kỹ thuật bạt bóng thuận tay.

Giai đoạn chuẩn bị: Chân phải đứng trước, chân trái đứng sau, khoảng cách hai chân rộng bằng vai, trọng tâm hạ thấp hơi nghiêng về chân trái. Thân người hơi nghiêng sang trái hợp với biên ngang một góc khoảng 45O, cánh tay để sát thân, cẳng tay hợp với cánh tay một góc 120O. Người đứng cách bàn 40 cm, vợt để ngang lườn bên trái, mặt vợt gần như thẳng đứng (song song với lưới).

Giai đoạn đánh bóng: Khi bóng đối phương đánh sang bắt đầu nảy lên điểm cao nhất (điểm 3 của đường vòng cung bóng rơi) nhanh chóng lăng vợt từ sau ra trước, sang phải. Vợt tiếp xúc với bóng ở phần giữa của bóng (gần tâm bóng), lăng nhanh cẳng tay đẩy bóng đến trước, người hơi lao về trước. Động tác đánh bóng nhanh, dứt khoát.

Giai đoạn kết thúc: Sau khi đánh bóng, vợt theo quán tính chuyển động chậm dần và kết thúc ở ngang đuôi mắt phải. Trọng tâm cơ thể chuyển sang chân phải. Sau khi đánh bóng xong, đạp mạnh chân phải nhanh chóng chuyển trọng tâm trở về tư thế chuẩn bị để đánh quả tiếp theo.

2.5. Kỹ thuật gò bóng thuận tay và trái tay

Gò bóng là kỹ thuật cơ sở của cắt bóng. Gò bóng đánh bóng xoáy xuống đối phó với bóng xoáy xuống của đối phương. Gò bóng đứng gần bàn, biên độ động tác nhỏ, vợt tiếp xúc bóng chủ yếu ở trên mặt bàn. Gò bóng kết hợp với độ xoáy và điểm rơi hạn chế khả năng tấn công của đối phương, giành thế chủ động tấn công dứt điểm.

Gò bóng gồm có: Gò nhanh, gò chậm, gò xoáy, gò không xoáy.

  • Gò nhanh: Phù hợp với lối đánh tấn công, với mục đích đưa đối phương vào thế bị động, giành cơ hội dứt điểm.
  • Gò chậm: Phù hợp với lối đánh phòng thủ, gò chậm thường kết hợp với gò xoáy và không xoáy.

2.5.1. Gò bóng thuận tay

Giai đoạn chuẩn bị: Người đứng cách bàn khoảng 40cm, chân trái đứng trước, chân phải đứng sau, khoảng cách hai chân rộng bằng vai, gối hơi khuỵu, trọng tâm dồn vào chân phải. Tay phải cầm vợt ngang hông, cách hông 25 – 30 cm, mặt vợt ngửa, cánh tay duỗi tự nhiên, góc giữa cánh tay và cẳng tay là 45O, góc độ giữa người với bàn khoảng 45O, góc độ giữa cẳng tay và cánh tay khoảng 80O, vai phải hạ thấp và thả lỏng hơn vai trái.

Kỹ thuật gò bóng thuận tay

Kỹ thuật gò bóng thuận tay

Giai đoạn đánh bóng: Khi bóng đối phương đánh sang bàn, nảy lên giai đoạn 1 – 2 gò nhanh và giai đoạn 4 – 5 gò chậm, nhanh chóng đưa vợt từ sau ra trước, xuống dưới và sang trái. Vợt tiếp xúc với bóng ở phần giữa dưới bóng, gập cẳng tay, cổ tay miết vào bóng tăng sức xoáy, tạo đường vòng cung qua lưới.

Giai đoạn kết thúc: Sau khi đánh bóng, vợt theo quán tính chuyển động chậm dần và kết thúc ở trước bụng. Trọng tâm cơ thể chuyển sang chân trái. Sau khi đánh bóng xong, đạp mạnh chân trái nhanh chóng chuyển trọng tâm trở về tư thế chuẩn bị để đánh quả tiếp theo.

2.5.2. Gò bóng trái tay

Kỹ thuật gò bóng trái tay

Kỹ thuật gò bóng trái tay

Giai đoạn chuẩn bị: Chân trái đứng trước, chân phải đứng sau, khoảng cách hai chân rộng bằng vai, gối hơi khuỵu, trọng tâm dồn vào chân phải. Tay phải cầm vợt ngang hông, cách hông 25 – 30 cm, mặt vợt ngửa, cánh tay duỗi tự nhiên, góc giữa cánh tay và cẳng tay là 45O, góc độ giữa người với bàn khoảng 45O, góc độ giữa cẳng tay và cánh tay khoảng 80O, vai phải hạ thấp và thả lỏng hơn vai trái.

Giai đoạn đánh bóng: Khi bóng đối phương đánh sang bàn, nảy lên giai đoạn 1 – 2 gò nhanh và giai đoạn 4 – 5 gò chậm, nhanh chóng đưa vợt từ sau ra trước, xuống dưới và sang phải. Vợt tiếp xúc với bóng ở phần giữa dưới bóng, duỗi cẳng tay, cổ tay miết vào bóng tăng sức xoáy, tạo đường vòng cung qua lưới.

Giai đoạn kết thúc: Sau khi đánh bóng, vợt theo quán tính chuyển động chậm dần và dừng lại ở ngang lườn bên phải. Trọng tâm cơ thể chuyển sang chân phải. Sau khi đánh bóng xong, đạp mạnh chân phải nhanh chóng chuyển trọng tâm trở về tư thế chuẩn bị để đánh quả tiếp theo.

2.6. Kỹ thuật tấn công và phòng thủ (thuận và trái tay)

Tấn công và phòng thủ là 2 kỹ thuật đối lập nhau được sử dụng thường xuyên trong trận đấu bóng bàn. Tấn công nhằm mục đích áp đảo, giành điểm của đối phương còn phòng thủ nhằm mục đích chống đỡ, bảo vệ không cho đối phương ghi điểm chờ thời cơ để thực hiện tấn công lại.

2.6.1. Kỹ thuật tấn công

– Kỹ thuật tấn công thuận tay: Được thực hiện khi bóng đối phương đánh sang ở bên phía tay thuận. Tùy theo tình huống bóng (tốc độ, độ cao, độ xoáy, quỹ đạo bay của bóng) mà sử dụng kỹ thuật tấn công cho phù hợp.

– Kỹ thuật tấn công trái tay: Được thực hiện khi bóng đối phương đánh sang ở phía bên phía trái. Tùy theo tình huống bóng (tốc độ, độ cao, độ xoáy, quỹ đạo bay của bóng) mà sử dụng kỹ thuật tấn công cho phù hợp.

2.6.2. Kỹ thuật phòng thủ

– Kỹ thuật phòng thủ thuận tay được thực hiện khi bóng đối phương tấn công sang ở bên phía tay thuận. Tùy theo tình huống bóng (tốc độ, độ cao, độ xoáy, quỹ đạo bay của bóng) mà áp dụng kỹ thuật phòng thủ phù hợp. Kỹ thuật phòng thủ thuận tay thường được sử dụng là: Chặn bóng, gò bóng, cắt bóng thuận tay.

+ Chặn bóng thuận tay: Áp dụng khi đối phương đánh bóng nhanh, không xoáy – thường được sử dụng trong bàn khi bóng vừa nẩy lên.

+ Gò bóng: Áp dụng khi đối phương đánh bóng ngắn, gần bàn.

– Kỹ thuật phòng thủ trái tay được thực hiện khi bóng đối phương tấn công sang ở bên phía tay trái. Tùy theo tình huống bóng (tốc độ, độ cao, độ xoáy, quỹ đạo bay của bóng) mà sử dụng kỹ thuật phòng thủ phù hợp. Kỹ thuật phòng thủ trái tay thường được sử dụng là: Chặn bóng, gò bóng, cắt bóng.

+ Chặn bóng trái tay: Áp dụng khi đối phương đánh bóng nhanh, không xoáy – thường được sử dụng trong bàn khi bóng vừa nẩy lên.

+ Gò bóng: Áp dụng khi đối phương đánh bóng ngắn, gần bàn.

+ Cắt bóng: Thường áp dụng khi phòng thủ xa bàn.

3. Một số quy định của Luật Bóng bàn

(Quyết định số 836/QĐ-UBTDTT ngày 15 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng – Chủ nhiệm ủy ban thể dục thể thao ban hành Luật Bóng bàn)

3.1. Trình tự thi đấu

  • Trong đánh đơn, người giao bóng đầu tiên thực hiện quả giao bóng tốt, sau đó người đỡ giao bóng sẽ trả lại bóng tốt và từ đó người giao bóng và người đỡ giao bóng luân phiên trả lại bóng tốt.
  • Trong đánh đôi, người giao bóng đầu tiên thực hiện quả giao bóng tốt, sau đó người đỡ giao bóng trả lại bóng tốt, rồi tới đồng đội của người giao bóng trả lại bóng tốt, kế tiếp đồng đội của người đỡ giao bóng trả lại bóng tốt và từ đó mỗi đấu thủ luân phiên nhau theo thứ tự trên mà trả lại bóng tốt.

3.2. Một ván

  • Một đấu thủ hay cặp đánh đôi được tính là thắng một ván khi họ được 11 điểm trước trừ khi 2 đấu thủ hay 2 cặp đôi đều đạt mỗi bên 10 điểm thì sau đó bên nào thắng liên 2 điểm trước nữa là thắng ván đó.

3.3. Một trận

Một trận sẽ gồm các ván thắng của một số lẻ nào đó (1 trận có thể gồm 3, 5, 7 ván).

(Nguồn: Giáo trình môn học giáo dục thể chất, Trường cao đẳng kỹ nghệ II, 2020)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]