Trang chủ Thể dục Thể thao Chấn thương trong tập luyện thể thao và phương pháp sơ cứu

Chấn thương trong tập luyện thể thao và phương pháp sơ cứu

by Ngo Thinh
209 views

1. Khái niệm chấn thương thể thao

Khái niệm về chấn thương: Chấn thương là sự tổn hại những tổ chức tế bào, mô của cơ thể do một tác động nào đó từ bên ngoài cơ thể gây nên như: tác động cơ học, hóa học, lý học.

Khái niệm về chấn thương thể thao: Chấn thương thể thao là các chấn thương xảy ra trong quá trình tập luyện và thi đấu thể dục thể thao. Chấn thương thể thao liên quan trực tiếp với các nhân tố và điều kiện tập luyện thể dục thể thao như: các môn thể thao, kế hoạch huấn luyện, động tác kỹ thuật, trình độ tập luyện, tổ chức thi đấu,…

2. Phương pháp sơ cứu một số chấn thương thường gặp trong tập luyện và thi đấu thể thao

Trong tập luyện và thi đấu thể dục thể thao, những tai nạn gây nên chấn thương đã được hạn chế nhiều nhờ sự hiểu biết và sự trợ giúp của các phương pháp, phương tiện tập luyện hiện đại, tuy nhiên hiện nay vấn đề chấn thương và tai nạn trong thể thao vẫn mang tính thời sự cấp thiết. Trước những tai nạn đó, các huấn luyện viên, vận động viên và người tập thể thao cần có những kiến thức y học cần thiết để sơ cấp cứu tự bảo vệ cho bản thân và cho những người bị nạn. Vấn đề sơ cấp cứu có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi vì làm kịp thời và có hiệu quả thì sẽ giúp cho người bị nạn tránh được rủi ro, thậm trí cứu sống tính mạng và tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc cứu chữa tiếp theo tại các cơ sở y tế điều trị chuyên ngành.

a. Vết xây xát

Là sự tổn thương bề mặt da (do vận động viên bị ngã, da cọ sát vào vật cứng như nền nhà tập, đường chạy bê tông, hoặc cọ sát vào dụng cụ).

Các biểu hiện:

Chỗ xây xát da đau chảy máu không nhiều, chỉ rớm máu, chủ yếu là rỉ huyết tương, nếu xử trí không tốt có thể bị nhiễm trùng.

Cách xử trí: Nguyên tắc chung là làm sạch vết xây xát (rửa bằng dung dịch NaCl 9%, dùng bong gạc tẩm oxy già 3% lau chỗ bị thương, bôi xanhmetylen, hoặc thuốc đỏ. Có thể hòa thêm dung dịch Novocain 2%). Đối với các vết xước lớn, trước khi băng vô trùng nên bôi mỡ kháng sinh và tiêm huyết thanh chống uốn ván.

b. Đụng giập (chạm thương).

Đụng giập: đó là những tổn thương phần mềm không gây sự phá hủy toàn bộ giải phẫu bề mặt của da. Thường thường nó đi cùng với tổn thương mạch máu và gây ra hiện tượng xuất huyết dưới da. Đây là một chấn thương rất hay gặp trong tập luyện và thi đấu thể

– Các triệu chứng chính:

+ Tại chỗ bị đau dập xuất hiện đau.

+ Sưng nề

+ Thay đổi sắc thái da do xuất huyết dưới da: xuất hiện vết bầm tím. Nếu chạm thương nông, vết bầm tím xuất hiện ngay sau khi bị va đập, hoặc sau một vài giờ. Nếu chạm thương sâu (vào cơ và màng xương), vết bầm tím xuất hiện muộn hơn sau 2 – 3 ngày và vết bầm tím lan rộng xuống phía dưới.

+ Có thể gây khó khăn trong cử động, nhưng vẫn cử động được khớp.

– Phương pháp sơ cứu:

+ Cho người tập ngừng vận động ngay, nếu tại chỗ đụng giập bị xây xước cần rửa bằng dung dịch iod ( Betadin) hoặc dung dịch xanhmetylen.

+ Để làm giảm sự chảy máu da và để giảm đau có thể xịt chloretilamin.

+ Chườm lạnh: nếu không có túi nước đá chuyên dùng có thể dùng nước lạnh, miếng nước đá được gói trong khăn gạc sạch chườm lên chỗ tổn thương từ 15 – 20 phút.

+ Sau đó tiến hành băng ép: nếu bị đụng giập ở chân hoặc tay thì cần băng ép chặt hơn một chút. Khi có xuất huyết dưới da nhiều và khi thấy vết bầm tím không lan rộng ra nữa, thì sau khi bị chấn thương từ 48 – 72 giờ có thể chườm nóng để nhanh làm tan máu tụ. Sau khi sơ cấp cứu cần được khám và điều trị tại các cơ sở y tế, đặc biệt là khi mất khả năng vận động của các chi. Không được chủ quan coi đụng giập là chấn thương nhẹ.

– Chú ý: Khi bị chạm thương mạnh vào vùng bụng, cần chú ý đến tình trạng của các cơ quan trong ổ bụng:

+ Có thể vỡ tạng rỗng, gây viêm phúc mạc.

+ Có thể vỡ tạng đặc (gan, lách) gây chảy máu trong ổ bụng. Khi đó có thể thấy sắc mặt nạn nhân rất nhợt nhạt, đau nhiều vùng bụng, sờ thấy thành bụng cứng, bắt mạch, mạch nhanh, nhỏ khó bắt, huyết áp hạ thấp, nạn nhân ợ, buồn nôn. Trường hợp này phải đưa gấp nạn nhân tới bệnh viện cấp cứu.

c. Bong gân.

Bong gân là những thương tổn bao hoạt dịch, bao khớp, dây chằng vùng khớp ở các mức độ khác nhau, từ nhẹ đến rất nặng như: dây chằng bị căng, dãn, đứt một phần hay đứt toàn bộ. Những khớp hay bị bong gân là cổ chân, gối, bàn chân, khuỷu tay, cổ tay và các ngón tay.

– Triệu chứng: bong gân bao giờ cũng có tổn thương dây chằng, vì vậy quan trọng nhất là vị trí của điểm đau:

  • Ở chỗ bám của dây chằng.
  • Trên đường đi của dây chằng.
  • Đau chói khi kéo căng dây chằng.

Bong gân nhẹ: đau ít, sưng xung quanh khớp và cơ năng ít bị hạn chế.

Bong gân nặng: đau nhiều, khớp sưng rất nhanh, sưng to, thường có tràn dịch, tràn máu khớp, hạn chế cử động khớp vì đau.

Phương pháp xử trí

  • Ngừng hoạt động ngay ở khớp và chi bị chấn thương.
  • Chườm lạnh (chườm đá) bằng túi chườm hoặc bọc nước đá, xoa vào vùng khớp bị bong gân (chườm lạnh trong 2 – 3 ngày, mỗi ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 20 – 30 phút).
  • Băng ép ngay vùng bị chấn thương để làm giảm chảy máu, tránh phù nề, đồng thời góp phần cố định khớp. Dùng băng thun là tốt nhất.

Sau khi sơ cứu, những trường hợp nhẹ có thể điều trị và chăm sóc tại nhà, nhưng những trường hợp nặng phải chuyển đến các bệnh viện để khám và điều trị bằng các phương pháp chuyên khoa.

– Chú ý: nên bất động đủ thời gian cần thiết tùy theo mức độ tổn thương. Không nên cho rằng hết đau là coi như bong gân đã khỏi mà vận động sớm trở lại, vì bao khớp, dây chằng chưa phục hồi, sẽ dễ bong gân trở lại và trở thành bong gân mãn tính, ảnh hưởng xấu đến cơ năng của khớp.

d. Vết thương

Vết thương là những thương tổn rách da, gân, cơ do các tác động cơ học gây nên (tai nạn hoặc trong tập luyện và thi đấu thể thao). Vết thương có thương tổn phần bao bọc (rách da, gân, cơ,…) nên rất dễ nhiểm khuẩn.

* Triệu chứng

  • Đau ở mức độ rất khác nhau tùy thuộc vào vết thương nông hay sâu, nặng hay nhẹ, độ rộng nhiều hay ít. Khi mới bị thương thì rất đau, sau đó mức độ đau giảm dần.
  • Đau tăng lên khi vết thương bị nhiễm khuẩn.
  • Chảy máu hoặc tiết dịch màu hồng nhạt ở những vết xây xước nhẹ.

* Phương pháp xử lý

Đối với các vết thương dù to hay nhỏ, đều phải chú ý đến vấn đề: chảy máu, mất máu và nhiễm trùng.

Khi vận động viên hoặc nạn nhân bị thương cần tuân thủ các bước sơ cấp cứu sau:

  • Cầm máu.
  • Băng bó.
  • Giảm đau.
  • Vận chuyển đến cơ sở điều trị chuyên khoa.

* Xử trí cầm máu: là nhiệm vụ số một khi thực hiện sơ cứu vết thương, bởi vì tất cả các loại vết thương đều có chảy máu, chỉ có khác là mức độ chảy máu nhiều hay ít.

– Chảy máu từ động mạch: máu chảy thành tia, thành dòng, máu có màu đỏ tươi; nếu mất nhiều thì người nhợt nhạt, tím tái, mạch nhanh, nhỏ và rất khó bắt.

– Chảy máu từ tĩnh mạch: máu đỏ thẫm, nếu tĩnh mạch lớn thì cũng nguy hiểm, máu “ ộc ra”, “trào ra” khá nhiều.

Thông thường vết thương lớn có lẫn cả máu động mạch và tĩnh mạch vì chúng đi từng bó với nhau.

– Chảy máu từ mao mạch: máu chảy rỉ ra thấm ướt, màu hồng tươi, không ồ ạt nhưng thấm dần. Vết thương càng rộng, mất máu càng nhiều.

Cầm máu có thể thực hiện bằng phương pháp cơ học, lý, hóa và sinh học.

Các biện pháp cơ học cầm máu tạm thời là: băng ép, giơ cao chi bị thương, gấp khớp tối đa. Chèn động mạch và garo.

Tùy theo từng dạng chảy máu như chảy máu mao mạch, chảy máu tĩnh mạch hay chảy máu động mạch và độ lớn của mạch máu bị tổn thương mà có chỉ định cầm máu hợp lý và hiệu quả.

– Chảy máu mao mạch: chỉ cần giơ cao chi và băng ép vết thương.

– Chảy máu động mạch và tĩnh mạch nhỏ chỉ cần băng ép, đặt gạc vô trùng lên miệng vết thương và dùng cuộn băng băng chặt lại cả một đoạn

– Chảy máu động mạch thì trong thời gian chuẩn bị các phương tiện cầm máu khác ta sử dụng phương pháp ấn động mạch để cầm máu tức thời.

+ Phương pháp ấn động mạch (đè động mạch): người cấp cứu dùng các ngón tay hoặc cả bàn tay nắm lại đè động mạch trên nền xương.

+ Vị trí ấn trên đường đi của động mạch giữa vết thương và tim. Phương pháp này chỉ ứng dụng khi có tổn thương lớn ở chi và trên đầu.

Vị trí các điểm đè trong chảy máu động mạch ( xem hình 2).

Hình 2: Vị trí các điểm đè trong chảy máu động mạch

+ Phương pháp gấp khớp tối đa: có thể được áp dụng đồng thời với các phương pháp khác để tăng hiệu quả cầm máu (xem hình 3).

Hình 3: Phương pháp gấp khớp tối đa

+ Phương pháp đặt garo: chỉ áp dụng khi chi bị thương chảy máu nhiều, các phương pháp cầm máu tạm thời khác không có kết quả.

Kỹ thuật đặt garo: dây garo có thể là dây cao su tròn hoặc dây cao su dẹt, ở đầu dây có gắn móc xích để cố định garo, có thể dùng một dây bất kỳ nào đó thay thế nhưng phải bền nếu không có dây garo chuyên dùng.

Trước khi đặt garo nên dùng vải quấn quanh da vùng định thắt để tránh xoắn và kẹp da phía dưới dây thắt.

Khi đặt vòng garo đầu tiên nên thắt chặt nhất sau đó lực thắt giảm dần. Các vòng garo nằm cạnh nhau sao cho da không bị xoắn kẹp, đầu dây garo phải được cố định lại.

– Trường hợp đặt garo đúng, máu nhanh chóng ngừng chảy, chi trắng nhợt, phía dưới chỗ đặt garo mạch không còn đập.

Nếu thắt garo quá chặt có thể gây dập nát tổ chức phần mềm (cơ, dây thần kinh, mạch máu) và có thể là nguyên nhan gây liệt chi.

Nếu garo đặt không đủ chặt, máu vẫn tiếp tục chảy, đồng thời ứ tắc tĩnh mạch (chi có màu tím thẫm).

Không được phép để garo lâu quá 1,5 – 2h, nếu lâu quá phần dưới chỗ garo sẽ bị hoại tử. Vì vậy, khi đặt garo nhất thiết phải ghi giờ, ngày, tháng đặt garo vào một mảnh giấy và buộc mảnh giấy đó vào ngay chỗ đặt garo, cứ 1 giờ nới lỏng garo một lần, nới từ từ mỗi lần khoảng 30 giây (xem hình 4).

Hình 4: Cách đặt garo

Vết thương chảy máu có đặt garo phải được ưu tiên, chuyển tới bệnh viện sớm nhất, nhanh nhất.

– Phương pháp lý học để cầm máu: chườm lạnh có tác dụng làm cho mạch giảm chảy máu và giảm đau.

– Phương pháp hóa học để cầm máu: dùng dung dịch adreralin 1% bôi lên bề mặt vết thương có tác dụng co thắt các mạch máu và dung dịch oxy già 3% có tác dụng làm tăng sự đông máu.

– Phương pháp sinh học để cầm máu: chỉ sử dụng ở bệnh viện.

* Xử trí chống nhiễm trùng:

Các vết thương dù nhỏ hay lớn, có dập nát tổ chức hay không có dập nát vẫn có nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy xử trí vết thương phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc vô trùng.

– Người sơ cứu rửa tay thật sạch bằng xà phòng, dùng bông cồn lau tay cẩn thận.

– Không dùng dụng cụ chưa vô trùng đụng chạm vào vết thương.

– Đối với vết thương nhỏ và nông thì dùng nước muối sinh lý (NaCl 9 %), dung dịch oxy già 3% rửa sạch vết thương, sau đó bôi thuốc sát trùng và băng lại.

– Đối với vết thương rộng và sâu, không nên rửa, vì khi rửa vết thương, nước bẩn chảy vào trong kẽ sâu của vết thương và tăng thêm nguy cơ nhiễm trùng. Chỉ nên dùng bông tẩm cồn lau từ mép vết thương ra phía ngoài theo hình xoáy chôn ốc cho tới khi sạch rồi dùng bông cồn iốt bôi lên da xung quanh miệng vết thương, sau đó phủ gạc sạch lên miệng vết thương rồi băng kín lại. Nên bất động vùng có vết thương, chuyển sớm người bị thương tới bệnh viện chuyên khoa.

– Đối với các vết thương sâu cần chú ý đề phòng nhiễm trùng uốn ván bằng cách tiêm dự phòng huyết thanh chống uốn ván. Sau đó theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn: sốt và sưng, đỏ, đau tại chỗ.

Cách băng bó: băng để giúp vết thương khỏi bị nhiễm khuẩn và các tác động ngoại cảnh ( nhiệt độ, độ ẩm, bụi,v.v..).

Khi băng bó cần tuân thủ một số quy tắc nhất định. Giữ cuộn băng (xem hình 5).

Hình 5: Cách băng bó

Hình 5: Cách băng bó

Bắt đầu băng từ phải qua trái, thường từ phần nhở hơn trước. Trước hết băng một vài vòng cố định, sau đó băng tiếp, mỗi vòng băng tiếp theo đè lên 2/3 vòng băng trước, băng phải chắc nhưng không được chặt quá.

Một số phương pháp băng bó cơ bản (xem hình 6).

Hình 6: Một số phương pháp băng bó cơ bản

Hình 6: Một số phương pháp băng bó cơ bản

e. Sai khớp.

* Triệu chứng.

– Đau giữ dội.

– Sưng nề, một phần do chảy máu hoặc tổn thương các tổ chức quanh khớp, một phần do các diện khớp lệch nhau làm gồ vồng cao lên;

– Mất cử động: khớp bị sai không thể hoạt động được; tay (chân) ở một tư thế bất thường nhất định không thể thay đổi được.

– Biến dạng khớp: thay đổi hình dạng khớp bị sai, so với bên lành có thể thấy chỗ trước kia đầu xương lồi ra nay lại lõm vào, đầu xương lồi ra ở một chỗ khác, sờ vào ổ khớp thấy “ dấu hiệu ổ khớp rỗng”.

+ Dấu hiệu của sai khớp vai: vai có vẻ vuông hơn, gồ lên ở phía trước vai, cánh tay luôn bị dạng ra, không áp vào thân như bình thường được, bàn tay luôn ngửa ra ngoài.

+ Dấu hiệu của sai khớp khuỷu: khuỷu hơi gập, mỏm khuỷu nhô cao phía sau, làm cho cánh tay phía trước như bị lõm vào, bệnh thường có động tác: tay lành đỡ tay đau.

* Phương pháp xử trí.

– Cố định là công việc đầu tiên khi xác định có sai khớp. Tiến hành cố định tại chỗ nếu có điều kiện cho phép. Để nguyên tay, chân ở tư thế biến dạng mà cố định, không được cố nắn, kéo, vì sẽ gây ra đau và tổn thương thêm các phần mềm xung

+ Nếu sai khớp vai, cố định tạm thời bằng cách treo tay bằng khăn: dùng hai chiếc khăn tam giác gấp thành băng rộng, một khăn dùng để treo cẳng tay, còn khăn kia vòng qua cánh tay bên bị chấn thương, rồi buộc sang phía dưới nách của bên tay lành.

+ Sai khớp khuỷu: cố định bằng hai nẹp trước và sau có độn bông, rồi dùng băng tam giác buộc treo cẳng tay lên cổ.

+ Sai khớp háng cố định như gãy xương đùi: để nạn nhân nằm ngửa, kê gối và chèn cho chân được ở trong tư thế hiện có. Nếu nghi ngờ có gãy xương hoặc sai khớp cột sống thì tuyệt đối tránh không để thân mình nạn nhân bị xoay, cho nằm ngửa trên ván cứng, chèn chắc hai bên để khỏi xê dịch.

Khi có sai khớp lớn phải tiêm thuốc giảm đau (như morphin 0,01 ml tiêm bắp hoặc các loại thuốc khác thay thế như promedon, dolacgan).

Không được tự ý nắn chỉnh khớp nếu như không phải là các bác sỹ chuyên khoa, phải nhanh chóng chuyển nạn nhân tới các cơ sở y tế càng sớm càng tốt, vì nắn sớm dễ và ít đau hơn.

f. Gãy xương.

Gãy xương là do xương bị gãy, mất sự liên tục thường có của xương, thường xảy ra đột ngột do chấn thương hoặc tai nạn.

* Triệu chứng.

  • Đau tại vùng xương gẫy là dấu hiệu rất điển hình, đau tăng lên khi sờ ấn, hoặc nhúc nhíc đoạn kề đó (còn gọi là đau khu trú).
  • Sưng nề: sưng nề to khi gẫy xương lớn, chảy máu, đôi khi còn bầm tím đặc trưng cho từng loại gẫy xương.
  • Mất cử động không thể nhấc chân hoặc tay lên được vì đoạn gãy không còn là cánh tay đòn để cơ kéo.
  • Thay đổi hình dạng của đoạn chi (thường là biến dạng), ví dụ đoạn chi đó ngắn hơn, cong, vẹo, lồi lõm bất thường, chi bị vẹo lệch hướng trục.
  • Tại đoạn chi gãy thấy có cử động bất thường mà bình thường chỉ có cử động ở các khớp.
  • Trong trường hợp gãy xương hở, ta có thể nhìn thấy đầu xương gãy.

* Phương pháp xử trí:

– Cố định: cố định tạm thời làm giảm đau và tránh được các biến chứng như xương di lệch thêm hoặc gây tổn thương mạch máu, thần kinh hoặc cơ. Trong trường hợp gẫy xương hở, trước khi cố định, cần xử lý vết thương theo nguyên tắc: không rửa, không đẩy xương thò ra vào sâu, phải lau bẩn xung quanh vết thương, bôi thuốc sát trùng và băng ép vô khuẩn.

Cố định bằng các loại nẹp y tế tiêu chuẩn sản xuất theo phương pháp công nghiệp như nẹp Tomat cố định gãy xương đùi, nẹp Cramer hình bậc thang cố định nhẹ và thông dụng ở mọi vị trí. Tuy nhiên cũng có thể dùng các nẹp tự tạo hoặc phương tiện có sẵn ở nơi xảy ra chấn thương như đòn gánh, đoạn tre, gỗ đủ độ dài,..

+ Nếu gãy xương đùi cần cố định ở khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân (xem hình 7).

Hình 7: Cố định xương đùi

Hình 7: Cố định xương đùi

+ Nếu gãy xương cẳng chân cần cố định khớp gối, khớp cổ chân.

+ Nếu gãy xương cánh tay cần cố định khớp vai và khớp khuỷu tay (xem hình 8).

Hình 8: Cố định xương cánh tay

Hình 8: Cố định xương cánh tay

+ Nếu gãy xương cẳng tay cần cố định khớp khuỷu và khớp cổ tay (xem hình 9).

Hình 9: Cố định xương cẳng tay

Hình 9: Cố định xương cẳng tay

Yêu cầu của cố định: phải chắc chắn, đủ độ dài (dài quá mức sẽ thừa, vướng nhưng ngắn quá sẽ không cố định được chi) và cố gắng cố định trong tư thế chức năng là dễ chịu nhất và là tư thế thường sử dụng nhất.

Khi vận động viên hoặc nạn nhân bị gẫy xương phải vận chuyển bằng mọi phương tiện đến cơ sở điều trị nhanh nhất và an toàn nhất, trong đó lấy an toàn làm chính. Phải chuẩn bị phương tiện và cố định thật tốt mới chuyển. Gãy xương cột sống phải đặt nằm trên ván cứng, gãy xương đùi cũng phải vận chuyển trên cáng nằm, còn gãy xương chi trên có thể vận chuyển ở tư thế ngồi.

(Nguồn: Bộ môn Lý thuyết Điền kinh)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net