1. Khái niệm
Quyết định là loại hình văn bản dùng để quy định hay định ra chế độ, chính sách (quyết định quy phạm pháp luật) hoặc áp dụng chế độ chính sách một lần cho một đối tượng cụ thể (quyết định cá biệt).
Quyết định cá biệt dùng để tổ chức và điều chỉnh hoạt động của cơ quan, tổ chức trong việc chấp hành pháp luật, thường được sử dụng trong những trường hợp sau đây:
- Quyết định ban hành các chế độ, chính sách trong cơ quan, tổ chức như ban hành các chế độ công tác, ban hành nội quy hoạt động;
- Quyết định về công tác tổ chức nhân sự, lao động tiền lương bao gồm quyết định tiếp nhận, tăng lương, kỷ luật, cho thôi việc, bổ nhiệm, điều động cán bộ – nhân viên, quyết định thành lập cơ quan, đơn vị;
- Quyết định về việc thực hiện các quyết định quản lý sản xuất, kinh doanh; quản lý tài sản như thanh lý, kiểm kê, cấp phát vật tư tài sản…
2. Thẩm quyền ban hành
Thẩm quyền ban hành quyết định quy phạm pháp luật được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 1992 và trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp.
Đối với quyết định cá biệt, thẩm quyền ban hành căn cứ theo tư cách pháp nhân của cơ quan, doanh nghiệp trong phạm vi, chức vụ quyền hạn của chủ thể pháp nhân đã được nhà nước quy định. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có chức năng quản lý hành chính, quản lý kinh tế, quản lý nội bộ có quyền ban hành quyết định để áp dụng pháp luật trong quá trình hoạt động.
3. Cấu trúc của quyết định
Cấu trúc của quyết định gồm hai phần: phần căn cứ ban hành quyết định và nội dung điều chỉnh.
a. Phần căn cứ ban hành quyết định: gồm căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế
Căn cứ pháp lý dùng để ban hành quyết định gồm căn cứ thẩm quyền và căn cứ áp dụng.
Căn cứ thẩm quyền cần phảiđược đưa vào trong quyết định như là một nguyên tắc để chứng minh cho quyền của chủ thể pháp nhân được ban hành văn bản quyết định nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình. Căn cứ thẩm quyền được nêu dưới hình thức quyết định thành lập cơ quan.
Căn cứ áp dụng là phần nêu cơ sở pháp lý sẽ sử dụng trong nội quy điều chỉnh. Một quyết định nếu trái pháp luật sẽ không có giá trị pháp lý. Vì thế, trong phần căn cứ áp dụng của quyết định, phải nêu các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ chính sách có liên quan đến nội dung điều chỉnh của quyết định như các loại văn bản Luật, Pháp lệnh; Nghị định của Chính phủ; Thông tư hướng dẫn về quyết định ban hành hoặc quy định chế độ chính sách của cơ quan cấp Bộ, các văn bản khác của cơ quan quản lý nhà nước ở cấp địa phương về những vấn đề có liên quan.
Căn cứ thực tế là những điều kiện hay tình hình thực tiễn làm cơ sở để ban hành quyết định. Phần này thường nêu các văn bản như công văn, tờ trình, dự án… của các đơn vị trực thuộc có liên quan đến nội dung điều chỉnh của quyết định; cũng có thể thông qua việc xem xét tình hình thực tế (về đối tượng, nhu cầu và tình hình hoạt động của cơ quan) có liên quan đến đối tượng và hành vi điều chỉnh. Quyết định cũng có thể dựa vào những cơ sở thực tế (như căn cứ năng lực, phẩm chất của cán bộ và nhu cầu công tác của cơ quan, đơn vị).
Lưu ý: Mỗi căn cứ pháp lý và thực tế có thể dẫn nhiều văn bản liên quan. Khi việc dân các văn bản pháp lý, người soạn thảo cần lưu ý đến tính phù hợp của quy định trong văn bản được viện dẫn và nội dung điều chỉnh của quyết định. Khi viện dẫn, mỗi văn bản được trình bày một dòng. Cuối mỗi căn cứ có dấu chấm phẩy, cuối dòng căn cứ sau cùng sử dụng dấu phẩy.
b. Phần nội dung điều chỉnh bằng các điều khoản
Phần nội dung của quyết định được soạn thảo các điều khoản khác nhau thể hiện các mệnh lệnh và các yêu cầu của cơ quan, tổ chức. Số lượng các điều phụ thuộc vào nội dung và đối tượng điều chỉnh. Tuy nhiên, mỗi quyết định phải có tối thiểu hai điều: một điều trình bày nội dung điều chỉnh và một điều khoản thi hành.
Các điều của quyết định được trình bày ngắn gọn, cô đọng và sắp xếp theo trình tự logic nhất định, cụ thể như sau :
– Điều 1 phải nêu bốn nội dung: hành vi điều chỉnh, đối tượng được điều chỉnh, mức độ điều chỉnh và thời gian điều chỉnh, ví dụ :
Tăng lương, bổ nhiệm….. ông, bà…..
Từ….. đến…… từ ngày …..tháng……năm …….
– Điều 2 nêu những vấn đề kèm theo khi thực hiện điều chinh hoặc những điều chỉnh bổ sung cho điều 1, cụ thể như sau:
Nếu quyết định có 2 điều (như tăng lương, ban hành chế độ chính sách, cấp phát vật tư….) thì điều 2 là điều khoản thi hành.
Nếu quyết định có 3 điều (như bổ nhiệm, điều động, cho thôi việc…) thì điều 2 quy định về lương và phụ cấp.
Nếu quyết định có 4 điều (như thành lập cơ quan, đơn vị) thì điều 2 quy định chứ năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đơn vị được thành lập.
– Điều 3 nêu điều khoản thi hành, cụ thể cần xác định rõ các đối tượng trực tiếp hoặc liên quan có trách nhiệm thi hành quyết định bằng cách nêu chức danh của các đối tượng đó, ví dụ:
Các ông (bà)….(Trưởng phòng hay Trưởng đơn vị đề nghị, Trưởng các phòng ban có liên quan và đối tượng được điều chỉnh) chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
4. Mẫu trình bày quyết định
a. Mẫu chung
b. Mẫu Quyết định tuyển dụng
c. Mẫu Quyết định về việc công nhận thời gian tập sự:
d. Mẫu Quyết định khen thưởng
đ. Mẫu Quyết định kỷ luật
Nguồn: dtbd.moha.gov.vn