Trang chủ Tâm lý học Truyền thống là gì? Các loại hình truyền thống

Truyền thống là gì? Các loại hình truyền thống

by Ngo Thinh
1,2K views

Khái niệm truyền thống

Truyền thống là những đức tính, tập quán, tư tưởng và lối sống được hình thành trong đời sống và được xã hội công nhận, nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và có tác dụng to lớn đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội. Là tài sản tinh hoa của thế hệ trước chuyển giao cho thế hệ sau.

Khi nói về truyền thống dưới góc độ Tâm lý học xã hội coi truyền thống là những di sản tinh thần nó luôn được kế thừa. Truyền thống luôn gắn liền với sự tồn tại và phát triển trong con người, nó theo chiều hướng của tương lai. Mỗi người đều mang trong mình những giá trị truyền thống ở các mức  độ khác nhau. Truyền thống là do con người xây dựng và phát triển, nó  là một mặt không thể thiếu được của nền văn minh.

Nó được coi là thứ keo kết dính các thành viên với nhau làm cho tập thể trở thành một chỉnh thể đoàn kết và thống nhất. Vì vậy mà truyền thống có sức mạnh to lớn trong đời sống xã hội. Ví dụ: truyền thống tôn sư trọng đạo, kính già yêu trẻ, lá lành đùm lá rách…

Chủ nghĩa yêu nước gắn liền với khát vọng công lý, hòa bình và lòng nhân ái, nhân văn giữa con người với con người.

Truyền thống có sức mạnh to lớn trong đời sống xã hội, bởi lẽ truyền thống có các đặc điểm cơ bản: tính chất quần chúng, tính ổn định bền vững, tính kế thừa và sáng tạo, tính tiến bộ và dễ gây cảm xúc.

Cùng với đặc điểm cơ bản thì truyền thống thể hiện vai trò duy trì trật tự các quan hệ xã hội, đảm bảo sự ổn định mọi hoạt động và sinh hoạt của các thành viên trong nhóm. Truyền thống góp phần xây dựng những chuẩn mực khuôn mẫu hành vi ứng xử trong  các  quan hệ xã hội ổn định cho các thành  viên  trong  nhóm, đ ặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Truyền thống tạo ra sự khác biệt độc đáo cần thiết giữa các nhóm xã hội, giữa các cộng đồng trong cuộc sống sinh hoạt.

Các loại hình truyền thống

Truyền thống được tồn tại dưới hai dạng: Lịch sử vật thể và lịch sử tinh thần.

Căn cứ nội dung của truyền thống ta có: Truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc, truyền thống lao động, chiến đấu, truyền thống thể thao…

Căn cứ ý nghĩa tích cực của truyền thống ta có: Truyền thống tốt đẹp, tiến bộ đồng thời cũng có truyền thống xấu, lạc hậu. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ cùng với sự phát triển của xã hội, quan hệ kinh tế, điều kiện sống thay đổi… Vì thế nên có thể có truyền thống đối với xã hội hiện đại sẽ trở nên lạc hậu, không còn thích hợp nữa.

Nói đến truyền thống là nói đến phong tục tập quán, lễ hội mang bản sắc dân tộc được truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng truyền thống bao giờ cũng thay đổi chậm hơn lạc hậu hơn so với sự thay đổi của hình thái kinh tế xã hội, vì thế ta phải kế thừa truyền thống một cách sáng tạo có chọn lọc.

Phong tục tập quán: Là một mặt biểu hiện của truyền thống, đó là những thói quen xã hội mang các đặc trưng trong lối sống của một cộng đồng của dân tộc, được biểu hiện trong cách ăn mặc, cách ứng xử, trong quan hệ xã hội, trong lễ tết hội hè, trong cả lao động sản xuất…Phong tục mang tính chất cộng đồng, tính ổn định và tính truyền thống.

Lễ hội: Là bộ phận cấu thành phong tục của một dân tộc. Ở nước ta, theo thống kê chưa đầy đủ, trong một năm ở các vùng trên đất nước có hơn 40 lễ hội chính.

Lễ: là một hệ thống hành động đặc biệt mang tính cách điệu, để biểu thị một sự trân trọng, lòng ngưỡng mộ của công chúng đối với đối tượng được cử lễ.

Hội: là hệ thống những hình thức vui chơi, giải trí có tính truyền thống của dân tộc, của địa phương…

Tóm lại: Truyền thống, phong tục tập quán và lễ hội là các yếu tố mang đậm đà bản sắc tâm lý dân tộc, nhưng khi khôi phục lại lễ hội, phong tục tập quán cần chú ý chọn lựa những cái tốt đẹp, chống khôi phục những truyền thống bảo thủ lạc hậu không phù hợp với xã hội hiện nay.

Sự hình thành và phát triển truyền thống

Truyền thống được tồn tại và phát triển nhờ vào hoạt động sáng tạo của con người, của tập thể, của cộng đồng dân tộc. Bản chất của truyền thống là sự lặp đi, lặp lại có tuyển chọn, là sự tích lũy truyền bá, sự kế thừa và sáng tạo những kinh nghiệm lịch sử xã hội của các thế hệ nối tiếp nhau.

Truyền thống có chức năng thông báo thông tin, điều chỉnh và giáo dục… Nhờ các chức năng đó mà các chuẩn mực hành vi hoạt động và nguyên tắc của các mối quan hệ xã hội, những kinh nghiệm sống và đấu tranh, những giá trị văn hóa tinh thần của con người được lưu truyền và phát triển. Lịch sử Việt Nam có 4000 năm dựng nước và giữ nước đã để lại cho thế hệ trẻ một kho tàng truyền thống dân tộc, cách mạng vô cùng phong phú và độc đáo. Nó được thể hiện qua hàng trăm di tích lịch sử văn hóa; hệ thống các nhà bảo tàng, lăng tẩm, đền chùa miếu mạo; những pho sách tư liệu phong phú và quí giá, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chiến đấu và sinh hoạt được lưu truyền sâu rộng trong nhân dân, truyền thống dân tộc được thể hiện ở các đặc trưng văn hóa, văn học nghệ thuật, lối sống… nó cũng bao hàm những vấn đề tâm lý dân tộc và được thể hiện trong văn học dân gian, ca dao tục ngữ, dân ca, truyện tiếu lâm Việt Nam…

Ông cha ta đời này qua đời khác đã coi trọng việc xây dựng những truyền thống tốt đẹp và chuyển giao nó cho các thế hệ con cháu mai sau. Do vậy, việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là một vấn đề mà xã hội và các nhà giáo dục cần quan tâm.

Con đường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ: Nhà trường, xã hội và gia đình cần giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, truyền thống hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo bằng cách tổ chức cho học sinh tiếp xúc các nhân vật lịch sử, tham quan du lịch các khu di tích lịch sử văn hóa. Giáo dục truyền thống thông qua hệ thống thông tin đại chúng, qua các loại hình nghệ thuật, qua các tác phẩm văn học nghệ thuật…

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cần phải bồi dưỡng và giáo dục những truyền thống tốt đẹp, tiến bộ của dân tộc. Phải giúp cho thế hệ trẻ kế thừa và phát triển những truyền thống đó một cách sáng tạo. Bên cạnh việc giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ, cần phải giáo dục cho thế hệ trẻ có thái độ đấu tranh xóa bỏ những truyền thống, phong tục tập quán xấu, đồng thời xây dựng và phát triển những truyền thống mới. Việc chống lại những truyền thống, phong tục lạc hậu ta không nên sử dụng sức mạnh quyền lực, không nên dùng bạo lực để áp đảo, mà chủ yếu là phải biết tuyên truyền giáo dục từ từ. Việc xóa bỏ những truyền thống xấu lạc hậu là một công việc rất khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải được tiến hành trong thời gian dài, không nên nóng vội.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net