Trang chủ Địa lý kinh tế và xã hội Trình tự lập quy hoạch giao thông vận tải

Trình tự lập quy hoạch giao thông vận tải

by Ngo Thinh
273 views

[Lytuong.net] – Công việc lập quy hoạch giao thông vận tải cần được thực hiện theo một trình tự nhất định, điều này tùy thuộc nhiều vào quan điểm tiếp cận vấn đề quy hoạch giao thông hiện đại và bền vững. Như đã trình bày ở các phần trên việc quy hoạch giao thông vận tải cần phải đạt được các mục tiêu mong muốn của chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Ngày nay, việc quy hoạch giao thông vận tải đều hướng tới việc tích hợp các vấn đề quy hoạch khác trong quá trình đưa ra các giải pháp quy hoạch, vì vậy các bước quy hoạch cần phải được thực hiện đồng bộ cùng với các vấn đề quy hoạch khác như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế, các vấn đề môi trường và xã hội, mà không chỉ xem xét riêng đối với các mục đích giao thông.

BƯỚC 1: KHỞI TẠO QUY HOẠCH

Việc khởi tạo quy hoạch là xác định mục tiêu quy hoạch theo cấp độ quy hoạch (quốc gia, vùng, địa phương). Các mục tiêu cần đạt được sau quy hoạch phải được xác định rõ rang để tiến hành các bước quy hoạch. Các mục tiêu cần phải xem xét đến bao gồm tất cả các lĩnh vực liên quan đến quy hoạch giao thông hoặc chịu ảnh hưởng của quy hoạch giao thông như tăng trưởng kinh tế, lợi ích xã hội, môi trường… Các mục tiêu cần đạt được phải được xem xét xuyên suốt các nhu cầu và lợi ích của cả thế hệ hiện tại và tương lai, xem xét đến lợi ích và nhu cầu của các ngành kinh tế liên quan. Các mục tiêu đặt ra phải đảm bảo tính bền vững của sự phát triển của tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.

BƯỚC 2: ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Đánh giá hiện trạng khu vực cần quy hoạch cho phép ta nhận biết rõ tình trạng của hệ thống giao thông vận tải, hiện trạng của các phương thức vận tải, tình trạng và năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông đối với nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai.

Đánh giá hiện trạng của hệ thống giao thông vận tải về chất lượng phục vụ, năng lực vận tải, tính tiếp cận với các dịch vụ và các điểm đến, tính thuận tiện, ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng cuộc sống của cộng đồng, từ đó tìm ra các vấn đề hạn chế của hệ thống giao thông sẵn có so với mục tiêu quy hoạch xác định ở bước trên để có định hướng cải tạo và xây dựng mới hạ tầng giao thông vận tải trên nguyên tắc tận dụng tối đa hạ tầng sẵn có.

Việc đánh giá hiện trạng được thực hiện với tất cả các loại hình giao thông như đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường ống và đường hàng không. Cần xem xét cụ thể các loại hình này xem hiện trạng của chúng có phù hợp với mục tiêu quy hoạch của các ngành kinh tế khác hay chưa, có đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu về vận chuyển hàng hóa và hành khách hay không, việc phối hợp và tính kết nối giữa các loại hình có đạt được không, có đảm bảo tính tiếp cận và tính tiện nghi chưa, có đảm bảo các yêu cầu về tính than thiện với môi trường và đặc biệt là tính bền vững của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải….?

BƯỚC 3: ĐIỀU TRA VÀ PHÂN TÍCH CÁC DỮ LIỆU VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI, MÔI TRƯỜNG VÀ SỬ DỤNG ĐẤT

Để phục vụ cho công tác quy hoạch giao thông vận tải thì việc điều tra các số liệu về kinh tế, xã hội và môi trường là rất cần thiết. Các thông tin này sẽ giúp cho các nhà quy hoạch có được các dữ liệu đầu vào cần thiết cho việc xác định nhu cầu của cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng trong tương lai.

Công tác điều tra và phân tích phải được thực hiện với các ngành kinh tế chủ đạo của vùng nghiên cứu. Từ việc phân tích chiến lược phát triển sẽ xác định được nhu cầu vận tải hàng hóa và các dịch vụ, đồng thời xác định được vị trí phát triển của các đặc khu kinh tế để phục vụ cho công tác xây dựng và quy hoạch các đầu mối giao thông và các hành lang giao thông chính cho vận tải hàng hóa.

Xác định và phân tích về chiến lược phát triển của các khu đô thị, các trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa của vùng, địa phương để từ đó xác định rõ các phân khu chức năng, chiến lược sử dụng đất để từ đó tích hợp việc quy hoạch sử dụng đất vào quy hoạch giao thông và ngược lại. Việc xác định rõ chiến lược sử dụng đất cho phép việc tích hợp quản lý nhu cầu đi lại vào trong quy hoạch giao thông vận tải. Điều tiết nhu cầu đi lại cần phải được thực hiện từ việc xác định rõ về các khu chức năng, chiến lược sử dụng đât. Thông qua việc điều tiết và quản lý nhu cầu đi lại thì việc quy hoạch các hệ thống giao thông vận tải và dịch vụ sẽ đảm bảo được sự phù hợp với nhu cầu và bền vững với tương lai dài hạn

Xác định rõ các yêu cầu đối với việc đảm bảo tính thân thiện của hệ thống giao thông với môi trường như việc khuyến khích các loại hình giao thông không phát thải, hay các biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực của hệ thống giao thông đối với môi trường là cần phải thực hiện ở bước này. Thông qua việc phân tích về các chiến lược bảo vệ môi trường sinh thái cho phép xây dựng các định hướng và mục tiêu của quy hoạch và xây dựng hạ tầng, cũng như chiến lược phát triển giao thông theo quan điểm thân thiện và bền vững với môi trường.

BƯỚC 4: DỰ BÁO NHU CẦU VẬN TẢI

Dự báo nhu cầu vận tải là một bước quan trọng trong việc quy hoạch hệ thống giao thông. Việc dự báo đúng sẽ đảm bảo cho việc cung cấp các dữ liệu chính xác cho công tác xác định về vị trí và quy mô của hạ tầng giao thông vận tải.

Công tác dự báo nhu cầu vận tải gồm có dự báo nhu cầu vận tải hành khách và nhu cầu vận tải hàng hóa. Việc dự báo này nhằm:

  • xác định các điểm phát sinh và thu hút hành trình
  • xác định khối lượng vận tải phát sinh từ các điểm đi và thu hút tới các điểm đến
  • xác định việc sử dụng các loại hình giao thông đối của các hành trình
  • xác định các khối lượng vận tải trên các trục giao thông sẵn có và dự kiến

Việc dự báo nhu cầu vận tải thường được thực hiện thông qua các mô hình dự báo. Mô hình dự báo được sử dụng rộng rãi trên thế giới là mô hình 4 bước (mô hình hàm ẩn), ngoài ra còn có mô hình dự báo trực tiếp (mô hình hàm tường).

BƯỚC 5: ĐỀ XUẤT CÁC PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG GIAO THÔNG VẬN TẢI

Sau khi đã dự báo nhu cầu vận tải, các số liệu sẽ được sử dụng để xây dựng và đề xuất các phương án về vị trí, loại hình và quy mô của hạ tầng giao thông vận tải và phương tiện. Việc đề xuất các phương án bao gồm:

  • Xác định khả năng tận dụng các hạ tầng giao thông vận tải sẵn có
  • Xác định các loại hình giao thông (đường săt, đường bộ, đường thủy, hàng không,…) và các tuyến đường sẽ được triển khai xây dựng mới
  • Định tuyến theo nguyên tắc tích hợp với việc quy hoạch sử dụng đất và phù hợp với các luồng vận tải
  • Quy mô và tiêu chuẩn kĩ thuật của các tuyến giao thông tương ứng với các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt,…)
  • Quy mô và mô hình các trạm trung chuyển, các vị trí đầu mối giao thông (nhà ga, sân bay, cảng biển, trạm trung chuyển giao thông công cộng)
  • Lập kế hoạch phát triển các loại hinh giao thông công cộng, đi bộ và xe đạp trong hệ thống giao thông vận tải.

Các phương án đề xuất phải được nghiên cứu kĩ càng về tính khả thi, tính kinh tế và tính bền vững, thân thiện với môi trường, đáp ứng được nhu cầu của cả thế hệ hiện tại và tương lai dài hạn. Các phương án phải thực hiện theo quan điểm quy hoạch giao thông tích hợp trình bày ở các phần trên đảm bảo được các mục tiêu mong đợi của chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

BƯỚC 6: ĐÁNH GIÁ CÁC PHƯƠNG ÁN, LẤY Ý KIẾN CỘNG ĐỒNG VÀ LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN

Việc đánh giá các phương án phải được thực hiện dưới sự phối hợp của các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp và cả cộng đồng. Các phương án phải được đánh giá bằng phương pháp đa tiêu chí với mục tiêu phát triển bền vững. Các nhóm tiêu chí đánh giá phải được thực hiện thông qua các bên liên quan đến công tác quy hoạch giao thông và đúng chuyên môn. Có thể tóm tắt các vấn đề cần phải đánh giá khi đề xuất các phương án quy hoạch như sau:

  • về tính khả thi về mặt vốn đầu tư
  • về hiệu quả tăng trưởng kinh tế
  • về nâng cao phúc lợi xã hội
  • tính tiếp cận và tính tiện nghi của hệ thống giao thông và dịch vụ
  • tính an toàn và an ninh của hệ thống giao thông và dịch vụ
  • khả năng đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại, đáp ứng và không xung đột với nhu cầu của thế hệ tương lai
  • khả năng đảm bảo nâng cao chất lượng sống của cộng đồng
  • tính thân thiện và trách nhiệm với môi trường

Đối với các quy hoạch dự kiên triển khai thì việc lấy ý kiến cộng đồng là rất quan trọng, việc lấy ý kiến người dân có thể thực hiện bằng cách công bố các quy hoạch dự kiến để người dân đóng góp ý kiến, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà chuyên môn,… Việc lấy ý kiến cộng đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo tính bền vững của phương án quy hoạch, đảm bảo không xung đột với các nhu cầu và giá trị của cộng đồng và doanh nghiệp.

BƯỚC 7: TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH

Sau khi thực hiện việc đánh giá các phương án thì các cơ quan chính phủ phải tiến hành việc đưa ra các quyết định về phương án lựa chọn, các quyết định đầu tư, kêu gọi đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Lập kế hoạch thực hiện quy hoạch, giám sát quá trình triển khai thực hiện thông qua việc lập các dự án đầu tư xây dựng công trình, xây dựng các mô hình quản lý dự án hiệu quả, đảm bảo về nguồn vốn và tính minh bạch khi thực hiện đầu tư.

(Lytuong.net – Nguồn: Bùi Xuân Cậy – Quy hoạch, kỹ thuật và tổ chức giao thông)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]