Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Phương pháp tính giá kế toán

Phương pháp tính giá kế toán

by Ngo Thinh
256 views

1. Khái niệm và ý nghĩa của phương pháp tính giá

Khái niệm phương pháp tính giá:

Tính giá là phương pháp thông tin và kiểm tra về sự hình thành và phát sinh chi phí có liên quan đến từng loại vật tư, sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ. Có thể nói, tính giá là phương pháp dùng thước đo giá trị để biểu hiện các loại tài sản khác nhau nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho quản lý để thực hiện các phương pháp khác của kế toán. Tính giá là việc xác định giá trị ghi sổ của các đối tượng kế toán.

Ý nghĩa của phương pháp tính giá:

Phương pháp tính giá có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quản lý nói chung và kế toán nói riêng. Ý nghĩa của phương pháp tính giá được thể hiện trên những khía cạnh sau:

  • Đảm bảo theo dõi, tính toán được các đối tượng của kế toán bằng thước đo tiền tệ (tính giá là phương pháp thực hiện chức năng kế toán bằng tiền).
  • Có thể tính toán chính xác chi phí từ đó xác định được hiệu quả sản xuất kinh doanh.
  • Tính giá giúp kế toán ghi nhận, phản ánh được các đối tượng của kế toán vào chứng từ, sổ sách kế toán và báo cáo tài chính.

2.  Yêu cầu và nguyên tắc tính giá

Yêu cầu tính giá:

Việc tính giá phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

  • Tính chính xác: Giá trị của tài sản được tính phải phù hợp với giá thị trường, với chất lượng, số lượng của tài sản.
  • Tính thống nhất: Việc tính giá phải đảm bảo đánh giá đúng hiệu quả kinh tế giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế ở từng thời kỳ khác nhau hoặc giữa các kỳ kế toán khác nhau trong một doanh nghiệp.

Nguyên tắc tính giá:

Việc tính giá phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

– Xác định đối tượng tính giá phù hợp: Đối tượng tính giá cần phải phù hợp với đối tượng thu mua, sản xuất, tiêu thụ. Đối tượng tính giá có thể là từng loại vật tư, hàng hoá, tài sản mua vào, sản phẩm, dịch vụ thực hiện,… (Tuỳ theo yêu cầu quản lý và nhu cầu về thông tin kế toán mà đối tượng tính giá có thể được mở rộng hoặc thu hẹp).

– Phân loại chi phí một cách hợp lý: Chi phí là bộ phận cơ bản cấu tạo nên giá trị của tài sản. Có nhiều loại chi phí khác nhau nên cần phải phân loại chi phí một cách hợp lý để có thể tính giá tài sản một cách chính xác. Nói cách khác, để có thể tính giá tài sản chính xác, cần xác định được các loại chi phí cấu thành nên giá trị của tài sản đó. Có một số cách phân loại chi phí dựa trên các căn cứ cơ bản sau:

Căn cứ trên lĩnh vực phát sinh chi phí:

– Chi phí thu mua: Chi phí thu mua bao gồm toàn bộ các chi phí phát sinh liên quan đến việc thu mua vật tư, tài sản, hàng hoá như chi phí vận chuyển, bốc dỡ, bến bãi, bảo quản, lương nhân viên thu mua, hao hụt trong định mức, chi phí lắp đặt, chạy thử, chi phí hoa hồng môi giới thu mua…

– Chi phí sản xuất: là toàn bộ các chi phí phát sinh liên quan đến sản xuất, chế tạo sản phẩm, thực hiện lao vụ, dịch vụ trong phạm vi phân xưởng, bộ phận sản xuất. Thuộc chi phí sản xuất bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung.

– Chi phí bán hàng: Bao gồm toàn bộ các chi phí phát sinh phục vụ cho việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, lao vụ, dịch vụ như chi phí nhân viên bán hàng, chi phí vật liệu bao gói, chi phí quảng cáo, chi phí khấu hao phương tiện bán hàng, hoa hồng đại lý, chi phí vận chuyển…

– Chi phí quản lý doanh nghiệp: Bao gồm toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra nhằm duy trì việc tổ chức, điều hành và quản lý hoạt động chung của toàn bộ doanh nghiệp: Các chi phí điện, nước, điện thoại phục vụ công tác quản lý, văn phòng phẩm, lương nhân viên bộ máy quản lý, chi phí khấu hao thiết bị quản lý… Căn cứ trên quan hệ với khối lượng sản phẩm sản xuất:

– Biến phí: là các chi phí có tổng số biến đổi tỉ lệ thuận với số lượng sản phẩm sản xuất. Khi số lượng sản phẩm sản xuất tăng lên, tổng chi phí biến đổi tăng, nhưng chi phí biến đổi đơn vị sản phẩm không thay đổi.

– Định phí: là các chi phí có tổng số không thay đổi khi số lượng sản phẩm sản xuất thay đổi trong phạm vi giới hạn công suất thiết kế. Khi số lượng sản phẩm sản xuất tăng lên trong phạm vi công suất thiết kế, tổng chi phí cố định không thay đổi, chi phí cố định đơn vị sản phẩm có xu hướng giảm xuống.

– Lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí thích hợp: Đối với những khoản chi phí có liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng tính giá nhưng không thể tách riêng cho từng đối tượng, kế toán phải tiến hành phân bổ chi phí đó cho từng đối tượng theo các tiêu thức phân bổ thích hợp sao cho gần sát với mức tiêu hao thực tế nhất. Tiêu thức phân bổ phải là đại lượng xác định, đã biết và phải có quan hệ biến động về mặt lượng với chi phí cần phân bổ.

Công thức phân bổ chi phí:

Tuỳ theo từng điều kiện cụ thể mà kế toán lựa chọn tiêu thức phân bổ thích hợp (có thể dựa trên mối quan hệ giữa chi phí với đối tượng tính giá).

Ví dụ: Phân bổ chi phí vận chuyển hàng mua có thể theo số lượng, trọng lượng hoặc giá trị tài sản mua. Phân bổ chi phí nguyên vật liệu dùng cho sản xuất có thể theo số lượng sản phẩm sản xuất, theo chi phí nguyên vật liệu chính hoặc theo định mức tiêu hao. Phân bổ chi phí thu mua cho hàng bán ra trong doanh nghiệp thương mại có thể theo số lượng, trọng lượng hàng hóa, theo giá mua hoặc giá bán của hàng hóa.

3. Trình tự tính giá tài sản

3.1. Tính giá tài sản mua:

Đối tượng tính giá của quá trình mua có thể là nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng hóa, dịch vụ và tài sản cố định. Nguyên tắc tính giá là phải đảm bảo phản ánh được các chi phí liên quan đến việc hình thành tài sản. Trình tự tính giá tài sản mua gồm các bước sau:

– Bước 1: Xác định giá mua ghi trên hoá đơn của người bán và thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu (nếu có).

Trường hợp doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi mua tài sản, giá mua được tính là giá hoá đơn không bao gồm thuế GTGT đầu vào. Trường hợp thuế GTGT đầu vào ghi trên hoá đơn mua tài sản không được khấu trừ, giá mua sẽ là tổng giá thanh toán bao gồm thuế GTGT đầu vào.

– Bước 2: Tập hợp toàn bộ chi phí liên quan đến quá trình thu mua tài sản.

Chi phí thu mua tài sản bao gồm nhiều loại (như đã nêu ở phần trên). Nếu chi phí thu mua phát sinh cho từng tài sản thì tập hợp trực tiếp cho tài sản đó. Nếu chi phí thu mua phát sinh cùng lúc cho nhiều tài sản mà không thể tách biệt được một cách rõ ràng thì cần tiến hành tập hợp toàn bộ chi phí thu mua liên quan sau đó phân bổ cho từng tài sản theo những tiêu thức thích hợp.

– Bước 3: Tổng hợp chi phí và tính ra giá ban đầu (giá thực tế) của tài sản.

Trong công thức trên, chiết khấu thương mại được hưởng và giảm giá hàng mua chỉ được trừ ra khỏi giá mua của tài sản khi chúng phát sinh sau thời điểm đã tiếp nhận hoá đơn. Trong trường hợp giá mua ghi trên hoá đơn đã trừ chiết khấu thương mại và giảm giá thì kế toán không trừ đi khi tính giá tài sản.

Mô hình tính giá các loại tài sản mua vào chủ yếu được khái quát qua các sơ đồ sau:

Mô hình tính giá nguyên vật liệu, công cụ, hàng hoá mua vào:

3.2. Tính giá sản phẩm, dịch vụ sản xuất:

Việc tính giá sản phẩm, dịch vụ sản xuất sẽ hình thành nên giá thành sản xuất của sản phẩm, dịch vụ. Trình tự tính giá thành sản phẩm, dịch vụ sản xuất bao gồm các bước sau:

  • Bước 1: Tập hợp các chi phí trực tiếp (vật liệu trực tiếp, nhân công trực tiếp) liên quan đến từng đối tượng tính giá.
  • Bước 2: Tập hợp và phân bổ chi phí sản xuất chung cho các đối tượng tính giá.
  • Bước 3: Xác định giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ.
  • Bước 4: Tính ra tổng giá thành sản xuất sản phẩm và giá thành sản xuất đơn vị sản phẩm.

Mô hình tính giá sản phẩm, dịch vụ sản xuất có thể được khái quát qua sơ đồ sau:

3.3. Tính giá sản phẩm, hàng hoá xuất bán và vật tư xuất dùng:

Trình tự tính giá gốc sản phẩm, dịch vụ, hàng hoá tiêu thụ (giá vốn) và giá vật tư xuất dùng cho sản xuất kinh doanh (chi phí) gồm có các bước sau:

– Bước 1: Xác định số lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tiêu thụ theo từng loại, chi tiết cho từng khách hàng, cùng với số lượng vật liệu, công cụ đã xuất dùng cho sản xuất kinh doanh.

– Bước 2: Xác định giá đơn vị của từng loại hàng xuất bán, xuất dùng (với sản phẩm, dịch vụ: Giá thành sản xuất; Với hàng hoá: Đơn giá mua; Với vật tư xuất dùng: Giá thực tế xuất kho).

Để xác định giá đơn vị của hàng xuất bán, xuất dùng kế toán có thể sử dụng một trong các phưng pháp tính sau đây:

+ Phương pháp giá đơn vị thực tế đích danh: Phương pháp này xác định giá trị hàng tồn kho xuất bằng cách lấy số lượng hàng tồn kho xuất nhân với giá đơn vị của lần nhập kho hàng tồn kho tương ứng. Hay nói cách khác, hàng tồn kho nhập theo giá nào thì khi xuất được tính đúng theo giá đó. Như vậy, phương pháp này có ưu điểm là kết quả tính toán đạt độ chính xác rất cao nhưng đòi hỏi đơn vị phải tách riêng hàng tồn kho giữa các lần nhập kho khác nhau.

+ Phương pháp nhập trước – xuất trước: Phương pháp này tính giá hàng tồn kho xuất trên cơ sở giả định rằng lượng hàng tồn kho nào có trước sẽ được xuất sử dụng trước. Giá đơn vị của lượng hàng tồn kho nhập đầu tiên sẽ được dùng để tính giá hàng tồn kho xuất, nếu lượng hàng tồn kho của lần nhập đó không đủ để xuất thì tính theo giá của lần nhập tiếp theo. Giá trị hàng tồn kho tồn cuối kỳ sẽ là giá của những lần nhập kho sau cùng.

+ Phương pháp giá đơn vị bình quân: Theo phương pháp này, giá trị hàng tồn kho xuất được xác định trên cơ sở lấy số lượng hàng tồn kho xuất nhân với giá đơn vị bình quân. Phạm vi tính giá đơn vị bình quân của hàng tồn kho có thể là cuối kỳ trước, sau mỗi lần nhập hoặc cả kỳ hiện tại. Nhìn chung, phương pháp giá đơn vị bình quân có ưu điểm là tính toán đơn giản nhưng độ chính xác không cao.

– Bước 3: Phân bổ phí thu mua cho hàng tiêu thụ (với kinh doanh thương mại) theo tiêu thức phù hợp (số lượng, khối lượng, doanh thu, trị giá mua…).

– Bước 4: Nhân số lượng sản phẩm, hàng hóa xuất bán, vật tư xuất dùng với giá đơn vị của từng loại tương ứng. Đối với kinh doanh thương mại thì cộng thêm với chi phí thu mua đã phân bổ cho hàng hóa tiêu thụ.

Mô hình tính giá sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa xuất bán và vật tư xuất dùng có thể được khái quát qua các sơ đồ sau:

(Lytuong.net – Nguồn tham khảo: topica.edu.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]