Trang chủ Xã hội học Phản biện là gì?

Phản biện là gì?

by Ngo Thinh
553 views

Theo nghĩa từ nguyên, phản có nghĩa là nghĩ, xét lại, theo Hán – Việt, chữ phản gồm 5 nghĩa; 1) trái, đối lập với chữ chính; 2) trả lại, trở về; 3) nghĩ, xét lại; 4) trở, quay; 5) trái lại, phản đối, trái lại không chịu. Biện phân tích, biện luận. Nếu gắn phản với biện có nghĩa là phân định xấu, tốt, trên cơ sở phân tích, biện luận. Theo nghĩa trên, “có thể hiểu phản biện là đặt lại, xét lại một sự việc, một vấn đề trên cơ sở lập luận, phân tích một cách khách quan khoa học có sức thuyết phục, nhằm phát hiện hoặc đưa các chính kiến trở về đúng giá trị của nó. Ban đầu khái niệm phản biện thường dùng để nhận xét, đánh giá chất lượng một công trình khoa học, sau đó dần mở rộng ra lĩnh vực chính trị – xã hội” .

Trong Từ điển Tiếng Việt (1992) của Viện Ngôn ngữ học ghi phản biện là: “Đánh giá đúng chất lượng một công trình khoa học khi công trình được đưa ra bảo vệ để lấy học vị của hội đồng chấm thi” . Các Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Nhà xuất bản Thanh Hóa, v.v. cũng nhất trí với quan điểm trên.

Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30-1-2002 của Thủ tướng Chính phủ Về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nêu rõ; Phản biện là hoạt động cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá tính khả thi và các kiến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án đối với mục tiêu và các điều kiện ràng buộc ban đầu hoặc thực trạng đặt ra.

Theo đó, phản biện là một hoạt động khoa học, là quá trình diễn ra các hoạt động được đảm bảo bởi những nguyên tắc chặt chẽ, gồm các khâu đánh giá, phân tích, lập luận, thẩm định chất lượng, nhằm chứng minh, khẳng định hoặc bổ sung, bác bỏ một phần hay toàn bộ công trình nghiên cứu của cá nhân hoặc một nhóm người. Phản biện là sự tranh luận, đưa ra lập luận khác nhau để làm rõ đúng – sai một vấn đề nhất định. Phản biện là một hoạt động phân tích độc lập. Đây là một yếu tố rất quan trọng bảo đảm tính khách quan và chính kiến của chủ thể phản biện. Mất đi yếu tố này thì phản biện sẽ giảm hoặc không còn giá trị. Phản biện hoàn toàn không đồng nghĩa với phản bác, lại càng trái ngược với bài bác, v.v.. Phản biện có những cấp độ, phương diện khác nhau (mức độ thấp, mức độ trung bình, mức độ cao) mà đỉnh cao là phản biện lý luận, phản biện khoa học.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]