Nhà giáo dục Jack Canfield đã viết trong cuốn sách “Nguyên tắc thành công”: Mục tiêu mơ hồ sẽ cho kết quả mơ hồ. Để các bạn đạt được một mục tiêu, bạn cần phải hết sức rõ ràng và chính xác những gì bạn muốn. SMART là chữ viết tắt thú vị cho việc thiết lập các tiêu chí mà một mục tiêu khả thi phải có để mục tiêu đó sẽ được thực hiện được. Nguyên tắc SMART là nguyên tắc THÔNG MINH giúp bạn định hình và nắm giữ được mục tiêu của mình trong tương lai. Bạn sẽ biết được khả năng của mình có thể làm được gì và xây dựng kế hoạch cho chúng.
S.M.A.R.T là gì?
Năm chữ cái trong chữ SMART đại diện cho một tiêu chí khi bạn đặt mục tiêu cá nhân. Chúng ta có thể kể đến năm tiêu chí sau đây:
- Specific: Cụ thể
- Measurable: Có thể đo lường được
- Attainable/Achievable: Có thể đạt được
- Realistic/Relevant: Thực tế, liên quan
- Time-bound: Có hạn định
1. Specific: Cụ thể, dễ hiểu:
Mục tiêu phải được cá nhân hóa. Mục tiêu phải phản ánh ước mơ và các giá trị của riêng bạn, không phải của bạn bè, gia đình. Khi nêu mục tiêu của bạn, luôn luôn sử dụng từ “tôi” trong câu để dấu hiệu đó như là của riêng bạn. Khi mục tiêu của bạn có tính cá nhân, bạn sẽ có thêm động lực để thành công và tự hào nhiều hơn trong thành tựu của bạn
Mục tiêu phải cụ thể, rõ ràng. Thường thì khi bắt đầu đặt mục tiêu cá nhân khá nhiều bạn thích đặt những mục tiêu khó hình dung như “trở thành giám đốc”, “trở thành người thành đạt”. Trong khi đó các bạn lại chưa có một khái niệm hay định nghĩa cụ thể cho việc thành đạt là gì? Trở thành giám đốc là gì? Điều này sẽ hạn chế khả năng đạt được mục tiêu của bạn. Mục tiêu của bạn cần phải rõ ràng, cụ thể và dễ hiểu.
Ta hãy xem xét ví dụ về mục tiêu sau để thấy rõ hơn điều này.
Ví dụ:
Nga đặt mục tiêu cho mình như sau: “Có được bằng đại học loại khá trở lên”.
Bạn có thấy mục tiêu trên có rõ ràng, cụ thể hay không? Ở đây ta sẽ thấy có sự không rõ ràng trong mục tiêu này. Khi Nga phát biểu muốn tốt nghiệp “loại khá trở lên” thì thực sự Nga đang muốn đạt được bằng đại học loại gì? Khá, Giỏi, hay Xuất sắc? Bạn có thấy như vậy là Nga thực sự đang muốn gì không?
Bạn vẫn có thể biện luận rằng tôi đang đặt mục tiêu tối thiểu phải đạt được bằng tốt nghiệp loại khá, và nếu được cao hơn thì càng tốt. Nhưng vấn đề sẽ phát sinh khi ta phát biểu như vậy. Chắc hẳn bạn biết rằng nỗ lực mà bạn phải bỏ ra để có được bằng loại Xuất sắc hoặc loại Giỏi lớn hơn rất nhiều so với bằng loại Khá đúng không nào. Hơn nữa, thực sự khi bạn đặt mục tiêu như vậy, trong thâm tâm của mình, bạn muốn nhận được bằng tốt nghiệp cao hơn loại khá, chứ không phải là khá. Thế tại sao mình không đặt mục tiêu một cách rõ ràng, chính xác về điều mình muốn “Tôi muốn tốt nghiệp đại học với bằng Giỏi”?
Ngoài ra, khi đặt mục tiêu như vậy, bạn sẽ thấy bạn có thể mất động lực để theo đuổi mục tiêu của mình.
Trả lời được câu hỏi tại sao. Một vấn đề khác bạn cần lưu ý khi xác định mục tiêu là bạn cần phải thực sự trả lời được câu hỏi “Tại sao bạn muốn đạt được điều đó”. Một khi câu trả lời của bạn cho câu hỏi này rõ ràng, thuyết phục với chính bản thân bạn, bạn sẽ thấy rằng nó sẽ tạo ra sự cam kết của bạn với mục tiêu đó, đồng thời tạo nên động lực để bạn đạt được mục tiêu. Khi đó bạn thấy rằng bạn dễ dàng đạt mục tiêu hơn nhiều. Trong ví dụ trên Nga trả lời cho câu hỏi “Tại sao tôi muốn tốt nghiệp với bằng loại Giỏi?” là “tạo điều kiện thuận lợi cho tôi có được công việc làm theo đúng sở thích ở những tập đoàn kinh tế lớn”. Bạn có thấy mình sẽ có động lực hơn khi bạn giải thích, thuyết phục được mình là tại sao mình lại muốn điều đó, đúng không nào.
Hình tượng hóa mục tiêu. Việc tiếp theo bạn cần thực hiện để tạo cảm xúc cho bạn về mục tiêu đã định là bạn cần hình tượng hóa (visualization) viễn cảnh đó cho mình.
Cảm xúc và hình dung mục tiêu của bạn sẽ giúp bạn tạo ra những mong muốn để cụ thể hoá nó vào cuộc sống của bạn. Một trong những công cụ trực quan tốt nhất là một bản tầm nhìn (visionboard). Đơn giản chỉ cần tìm một tạp chí, cắt ra hình ảnh cộng hưởng với mục tiêu mà bạn muốn đạt được, dán chúng lên một mảnh poster và để ở một nơi nào đó mà bạn có thể xem nó vài lần một ngày.
Để trực quan để làm việc, đó là cần thiết rằng bạn hình dung (emotionalize) mục tiêu của bạn càng nhiều càng tốt. Tạo một danh sách các lợi ích mà bạn sẽ thấy khi bạn đạt được mục tiêu và tập trung vào việc làm thế nào để điều đó xảy ra
2. Measurable: Đo lường được
Khi bạn đặt mục tiêu cá nhân bạn phải biết được mục tiêu của mình có đo lường được hay không, bạn có cân, đong, đo đếm được hay không.
Tiêu chí này sẽ giúp bạn biết được khi nào bạn sẽ đạt được mục tiêu. Bạn sẽ thấy rằng những từ ngữ mang tính khái niệm để chỉ sự việc, hiện tượng, … như giàu có, tốt, khá, ổn định, hạnh phúc, khỏe mạnh, … sẽ không giúp bạn biết được chính xác mình thực sự muốn điều gì.
Ví dụ:
Trong ví dụ trên của Nga, ta thấy khi đặt mục tiêu đạt bằng đại học loại Giỏi, Nga sẽ biết được trong quá trình thực hiện, mình có đạt được mục tiêu hay không.
Ví dụ:
Một ví dụ khác về mục tiêu thường thấy là “Tôi muốn trở nên giàu có” là dạng mục tiêu mà ta thấy rằng vừa không đảm bảo được tiêu chí Cụ thể (Specific) ở trên và không thể đo lường được.
“Giàu có” – Nếu để nói chuyện, trao đổi với nhau, ta đều hiểu ý nghĩa của nó phải không nào. Nhưng khi ta đưa vào mục tiêu ta cần phải xác định chính xác từ này. Bạn muốn “giàu có” như thế nào? Làm thế nào để bạn có thể biết được rằng mình đã “giàu có”? Ta xem xét sự “giàu có” kỹ hơn ở khía cạnh tài chính là “có nhiều tiền”, bạn sẽ thấy phát sinh thêm vấn đề là “Thế nào là nhiều tiền? Bao nhiêu tiền là nhiều?
Như thế bạn thấy ta cần phải chú ý cả yếu tố đo lường được của mục tiêu nữa. Phát biểu mục tiêu đảm bảo tiêu chí đo lường được tốt hơn sẽ là “Tôi muốn có 10 tỷ đồng”
3. Attainable/Achievable: Có thể đạt được
Mục tiêu cần phải nằm trong khả năng của bạn. Đồng ý rằng khi bạn đặt mục tiêu to lớn, vĩ đại có thể sẽ tạo cho bạn khát vọng lớn, động lực, nhưng bạn cũng cần chú ý rằng đặt mục tiêu quá cao có thể làm cho bạn mệt mỏi và chán nản khi không đạt được điều đó. Thế nên bạn hãy đặt mục tiêu vừa với khả năng và tiềm lực của bạn.
Ví dụ
Ta tiếp tục với ví dụ của Nga. Lúc này Nga cần xem xét thực lực hiện tại của mình là việc đạt điểm Giỏi cho tất cả các môn học để nhận được bằng loại Giỏi là có thể thực hiện được hay không.
Ví dụ:
Bạn muốn trở nên khỏe mạnh hơn và bạn đặt mục tiêu “mỗi ngày tập thể thao trong 2 tiếng” trong khi từ trước đến nay bạn chưa hề tập luyện gì cả.
Trong điều kiện đó bạn sẽ thấy rằng đây là mục tiêu quá tham vọng và bạn sẽ dễ dàng bị thất bại. Chỉ qua buổi tập trong 2 tiếng đầu tiên đã là quá sức với thể lực của bạn, chưa kể đến bạn sẽ bị đau nhức các cơ bắp trong vài ngày tới. Với tình hình như vậy thì việc bạn cố gắng thực hiện mục tiêu là tiếp tục tập thể thao trong 2 tiếng vào ngày hôm sau là điều gần như không thể thực hiện được.
Ví dụ:
Bạn có thể đặt những mục tiêu như trở thành quản lý trong vòng 2 năm khi bạn nhận thấy khả năng của mình hoàn toàn có thế. Đừng đặt những mục tiêu kiểu như chạy bộ mỗi ngày 10km hay trở thành tỷ phú trước 30 tuổi bạn sẽ không hoàn thành nó được đâu.
Khi thiết lập mục tiêu bạn phải bảo đảm chúng này nằm trong khả năng của bạn. Ban đầu phải đi từ dễ đến khó, không đặt ra những mục tiêu thật khó vì nó sẽ dễ làm bạn chán nản.
Mặt khác, bạn cũng cần chú ý là đừng thiết lập những mục tiêu quá dễ dàng. Mục tiêu quá dễ là một con dao hai lưỡi, nó giúp bạn dễ dàng đạt được nhưng cũng dễ làm bạn mất đi động lực.
Khi bạn lập mục tiêu đủ khó, đủ thách thức cho mình bạn sẽ thấy có sự thay đổi tích cực về những kỹ năng, khả năng trong bản thân bạn.
4. Realistic/Relevant: Thực tiễn / Liên quan đến tầm nhìn chung
Mục tiêu của bạn cần phải thực tiễn, liên quan đến mục tiêu dài hạn của bạn. Mục tiêu bạn đặt ra phải phù hợp và cùng hướng đến mục tiêu lâu dài của bạn.
Ví dụ:
Bạn đặt cho mình mục tiêu mua xe mới. Bạn cần xác định rằng bạn cần mua xe mới để làm gì? Việc mua xe có liên quan đến công việc của bạn hay không? Hay mua xe chỉ để thỏa mãn sở thích cá nhân của bạn?
Việc bạn xác định mục tiêu thực tiễn, liên quan đến tầm nhìn lớn hơn của mình sẽ giúp bạn tập trung được nguồn lực hạn chế của mình để hoàn thành mục tiêu của mình nhanh hơn. Lúc này bạn thấy rằng một lần nữa bạn gặp lại câu hỏi “Tại sao bạn muốn điều đó” và cần phải trả lời rõ ràng, thuyết phục trong bối cảnh bạn nhìn nhận mục tiêu đó trong mối tương quan với mục tiêu lớn hơn của mình.
5. Time-bound: Hạn định
Một mục tiêu mà không bị giới hạn thời gian sẽ không phải là mục tiêu. Nếu không thiết lập thời hạn cho các mục tiêu của bạn, bạn sẽ không có lý do hay động lực thực sự hấp dẫn để bắt đầu thực hiện chúng.
Ví dụ
Trong ví dụ ở trên Nga đã đặt cho mình mục tiêu có được bằng đại học loại Giỏi. Bạn hãy xem xét 2 trường hợp sau để thấy sự khác biệt khi có và không có hạn định cho mục tiêu.
- Trường hợp 1: “Tôi muốn nhận được bằng đại học loại Giỏi”
- Trường hợp 2: “Tôi muốn nhận được bằng đại học loại Giỏi sau 4 năm học đại học”
Nếu Nga nhận được bằng đại học loại Giỏi của mình vào năm Nga 40 tuổi thì, trong từng trường hợp ở trên, Nga có đạt được mục tiêu của mình hay không?
Quan trọng hơn là việc Nga đạt mục tiêu như vậy thực sự có còn ý nghĩa, có giá trị gì hay không.
Một ví dụ khác: Thay vì bạn nói “mục tiêu của tôi là có 10 tỉ trong tài khoản” thì hãy nói “Mục tiêu của tôi là có 10 tỉ trong tài khoản khi tôi 35 tuổi”
Bạn hãy giới hạn cho mục tiêu của mình trong thời gian là bao lâu ví dụ như trong 1 tháng, 1 năm hay lâu hơn một chút…. Khi ta giới hạn cho những mục tiêu chúng ta sẽ hoàn thành nhanh hơn và có kỷ luật hơn để hoàn thành mọi việc đúng hạn.
Ví dụ về thiết lập mục tiêu SMART cho cá nhân / tổ chức
Một mục tiêu SMART là kết quả có thể đo lường được mà tổ chức mong muốn nhận được thông qua việc triển khai các chiến lược. Mục tiêu SMART thường bao gồm:
- Sẽ thực hiện những gì?
- Bao nhiêu?
- Đến khi nào?
Dưới đây là ví dụ về mục tiêu SMART trong học tập:
Mục tiêu chưa SMART: Học tốt môn Anh văn
=> Mục tiêu SMART: Đạt điểm trung bình môn Anh Văn 8.0 trong học kỳ II; hoặc Biết thêm 100 từ tiếng Anh về chủ để thể thao vào cuối học kỳ I.
Mục tiêu chưa SMART: Ôn nhiều nhất có thể trước kỳ thi
=> Mục tiêu SMART: Dành 2h mỗi ngày trong vòng 4 tuần trước kỳ thi để ôn bài.
Mục tiêu chưa SMART: Đạt điểm cao nhất có thể
=> Mục tiêu SMART: Đạt điểm 8 trong kỳ thi môn học Ngoại ngữ.
Tình huống: Mục tiêu này có phải là SMART không?
Tăng tỷ lệ dùng các biện pháp tránh thai lên 15% ở phụ nữ độ tuổi từ 30-49.
- Cụ thể: có, kết quả mong đợi của chương trình cụ thể.
- Đo lường được: có, tỷ lệ dùng các biện pháp tránh thai có thể đo lường được.
- Phù hợp: không biết, vì cần phải biết mục đích của chương trình để xem mục tiêu có liên quan chặt chẽ với mục đích không.
- Thực tế: không biết, vì cần phải biết các nguồn lực sẵn có cho chương trình.
- Đúng thời gian: không, thời gian đạt được mục tiêu không cụ thể.
Như vậy, mục tiêu này không được gọi là “SMART” vì mặc dù đáp ứng được một số tiêu chí ở trên nhưng không đáp ứng được tất cả các tiêu chí
Một số ví dụ khác về mục tiêu SMART:
- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 15% (năm 2017) xuống còn 12% (năm 2020)
- Tăng tỷ lệ trẻ vị thành niên có kiến thức đầy đủ về sức khỏe sinh sản tại tỉnh X từ 45% năm 2020 lên 60% năm 2021
- Tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai tại xã Văn Phú huyện X, tỉnh Y đến khám thai đủ 4 lần trong toàn bộ thai kỳ từ 60% lên 80% trong giai đoạn 2021-2022
- Đến tháng Tám năm 2014, 80% học sinh tham gia học sẽ vượt qua được đợt kiểm tra khả năng đọc.
Kết luận: Tổ chức/cá nhân có thể xây dựng nhiều mục tiêu SMART. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng sẽ phải thực hiện các hoạt động để hoàn thành các mục tiêu đó. Do đó, tổ chức/cá nhân nên tập trung vào những mục tiêu quan trọng nhất, và không nên đưa ra những mục tiêu không thể đạt được. Các mục tiêu SMART sẽ được sử dụng để đo lường tiến độ triển khai kế hoạch.
Các mục tiêu càng chính xác, bạn càng dễ theo sát và tập trung. Thế giới tạo ra con đường cho người biết mình đang đi đâu.