Trước khi kết thúc chương này, cần lược lại lịch sử phát triển của khoa học qua các thời kỳ và nhận biết những nhà khoa học lỗi lạc trong tiến trình này. Điều này mang lại khá nhiều thú vị. Mặc dù dữ liệu về tiến bộ khoa học được ghi nhận trong suốt nhiều thế kỷ, nhưng thuật ngữ “khoa học”, “nhà khoa học” và “phương pháp khoa học” mới chỉ được đưa ra trong thế kỷ XIX. Trước thời kỳ này, khoa học được xem như là một phần của triết học, tồn tại cùng với các ngành khác của triết học như logic học, siêu hình học, đạo đức học và mỹ học, cho dù ranh giới giữa các ngành này còn mờ nhạt.
Chủ nghĩa duy lý
Trong thời kỳ bình minh của loài người, tri thức thường được biết đến dưới dạng thuật ngữ giáo huấn thần học dựa trên đức tin. Trong suốt thế kỷ thứ III trước Công nguyên, các nhà triết học Hy Lạp như Plato, Aristotle, Socrates đã phủ nhận điều đó khi các ông cho rằng bản chất cơ bản của hiện hữu và thế giới có thể được hiểu chính xác hơn thông qua quá trình suy luận logic có hệ thống, được gọi là chủ nghĩa duy lý (Rationalism). Đặc biệt, công trình nghiên cứu Siêu hình học cổ điển (theo nghĩa đen có nghĩa là “vượt qua [tồn tại] vật lý”) của Aristotle (322-384 tr.CN) phân tách thần học (nghiên cứu các vị thần) khỏi bản thể học (nghiên cứu bản thể và tồn tại) và khoa học phổ quát (các nghiên cứu nguyên tắc sơ khởi làm nền tảng của logic). Chủ nghĩa duy lý (không được nhầm lẫn với sự “hợp lý”) xem lý tính là nguồn gốc của tri thức hoặc biện giải và cho rằng tiêu chuẩn của chân lý (truth) không phải là cảm giác mà là lý trí và suy luận diễn dịch – thường bắt nguồn từ một tập hợp các nguyên tắc đầu tiên hoặc tiên đề (chẳng hạn như “Định luật không mâu thuẫn” của Aristotle).
Chủ nghĩa thực nghiệm
Sự thay đổi quan trọng tiếp theo trong tư tưởng khoa học diễn ra trong suốt thế kỷ XVI, khi nhà triết học người Anh Francis Bacon (1561-1626) đề xuất rằng tri thức chỉ có thể hình thành từ những quan sát trong thế giới thực. Dựa trên tiền đề này, Bacon nhấn mạnh tri thức chỉ có được thông qua hoạt động thực nghiệm (mà không phải là hoạt động tư biện) và phát triển chủ nghĩa thực nghiệm (empiricism) thành một nhánh triết học lớn. Các tác phẩm của Bacon dẫn đến (1) sự phổ biến của phương pháp quy nạp trong nghiên cứu khoa học, (2) sự phát triển của “phương pháp khoa học” (ban đầu gọi là “phương pháp Bacon”) bao gồm các quan sát có hệ thống, đo lường, thí nghiệm và (3) gieo mầm cho chủ nghĩa vô thần (từ chối các giáo huấn thần học bởi chúng “không thể quan sát được”).
Chủ nghĩa thực nghiệm tiếp tục xung đột với chủ nghĩa duy lý trong suốt thời Trung cổ trong quá trình các nhà triết học tìm cách hữu hiệu nhất để có được tri thức khoa học có giá trị. Triết gia Pháp Rene Descartes đứng về phía các nhà duy lý, trong khi các nhà triết học người Anh John Locke và David Hume đứng về phía các nhà thực nghiệm chủ nghĩa. Các nhà khoa học khác như Galileo Galilei và Issac Newton đã cố gắng kết hợp hai trường phái này thành triết học học tự nhiên – natural philosophy (triết lý về thế giới tự nhiên), tập trung đặc biệt vào nhiệm vụ tìm hiểu thế giới tự nhiên và vũ trụ – đây được coi là tiền thân của khoa học tự nhiên. Có lẽ Galileo (1564-1642) là người đầu tiên nêu rõ rằng các quy luật của tự nhiên là toán học và là người đã đóng góp vào lĩnh vực thiên văn học thông qua một sự kết hợp sáng tạo giữa các thí nghiệm và toán học.
Chủ nghĩa duy tâm Đức
Vào thế kỷ XVIII, triết gia Đức Immanuel Kant tìm cách giải quyết tranh chấp giữa chủ nghĩa thực nghiệm và chủ nghĩa duy lý. Trong cuốn sách Phê phán lý tính thuần túy, ông lập luận rằng kinh nghiệm là hoàn toàn chủ quan và việc xử lý chúng bằng cách sử dụng lý trí thuần túy mà không sâu bản chất chủ quan của kinh nghiệm sẽ dẫn ảo tưởng lý thuyết. Ý tưởng của Kant đã dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa duy tâm Đức (German idealism), truyền cảm hứng phát triển các phương pháp nghiên cứu diễn giải như hiện tượng học, thông diễn học (chú giải văn bản cổ) và lý thuyết xã hội phê phán.
Chủ nghĩa thực chứng
Cũng vào khoảng thời gian đó, nhà triết học Pháp Auguste Comte (1798-1857), người sáng lập ngành xã hội học, đã cố gắng dung hợp chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa thực nghiệm trong một học thuyết mới gọi là chủ nghĩa thực chứng (positivism). Ông đề xuất quan điểm rằng lý thuyết và quan sát phụ thuộc nhau theo chu trình hình tròn. Lý thuyết được tạo ra qua quá trình suy luận lý tính, nhưng chúng chỉ được xem là xác thực nếu được kiểm nghiệm thông qua quan sát thực tiễn. Sự nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm nghiệm lý thuyết qua thực tiễn đã đưa đến sự tách khoa học hiện đại ra khỏi triết học và siêu hình học, phát triển các “phương pháp khoa học” như là phương tiện chủ yếu để kiểm chứng các luận điểm khoa học. Ý tưởng của Comte được Emile Durkheim phát triển thành chủ nghĩa thực chứng trong nghiên cứu xã hội học (thực chứng như là nền tảng của nghiên cứu xã hội) và Ludwig Wittgenstein phát triển thành chủ nghĩa thực chứng logic (logical positivism).
Vào đầu thế kỷ XX, các luận điểm cơ bản của chủ nghĩa thực chứng bị các nhà xã hội học diễn giải (các nhà xã hội học phản thực chứng – antipositivists) thuộc trường phái chủ nghĩa duy tâm Đức phản đối. Chủ nghĩa thực chứng thường bị đánh đồng với các phương pháp nghiên cứu định lượng như thí nghiệm và khảo sát mà không có bất kỳ ràng buộc triết lý rõ ràng nào. Trong khi đó, chủ nghĩa phản thực chứng (antiposotivism) sử dụng các phương pháp định tính như các cuộc phỏng vấn phi cấu trúc và quan sát tham dự.
Ngay cả những người theo chủ nghĩa thực chứng, chẳng hạn nhà xã hội học người Mỹ Paul Lazarsfield – người đi tiên phong trong nghiên cứu khảo sát quy mô lớn và sử dụng kỹ thuật thống kê để phân tích dữ liệu điều tra, cũng thừa nhận những vấn đề tiềm ẩn liên quan đến định kiến chủ quan của nhà nghiên cứu và những hạn chế ở mức độ vĩ mô của các nghiên cứu thực chứng. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa phản thực chứng nhấn mạnh các hành vi cá nhân phải được nghiên cứu bằng phương pháp diễn giải, dựa trên sự hiểu được biết về ý nghĩa và mục đích cá nhân chi phối hành vi của họ. Quan điểm này truyền cảm hứng cho công trình nghiên cứu của Georg Simmel về thuyết tương tác biểu tượng (symbolic interactionism), công trình nghiên cứu của Max Weber về các loại hình tư tưởng (ideal types) và công trình nghiên cứu của Edmund Husserl về hiện tượng luận (phenomenology).
Thuyết hậu thực chứng
Đến giữa và cuối thế kỷ XX, cả hai trường phái thực chứng và phản thực chứng trở thành chủ đề bị chỉ trích và phê phán. Nhà triết học Karl Popper người Anh cho rằng kiến thức nhân loại không dựa trên nền tảng cố định bất biến, mà phải dựa trên một tập hợp các giả thuyết phỏng đoán. Những giả thuyết này có thể không bao giờ được chứng thực một cách chắc chắn và tuyệt đối, mà ngược lại chúng chỉ có thể bị bác bỏ mà thôi. Bằng chứng thực nghiệm là cơ sở để bác bỏ những giả thuyết phỏng đoán hay những “lý thuyết” này. Quan điểm siêu lý thuyết này, được gọi là thuyết hậu thực chứng (postpositivism) hay hậu thực nghiệm (postempiricism), đã sửa đổi thuyết thực chứng khi cho rằng chúng ta chỉ có thể bác bỏ một quan điểm sai lầm không thể kiểm chứng được tính chân thực của nó. Tuy nhiên, Thuyết hậu thực chứng vẫn thống nhất với thuyết thực chứng về sự tồn tại của sự thật khách quan và nhấn mạnh vai trò của các phương pháp khoa học trong việc hình thành tri thức khoa học.
Tương tự như vậy, các nhà phản thực chứng cũng bị chỉ trích vì họ chỉ cố gắng để hiểu về xã hội mà không phê phán và đưa ra những thay đổi để xã hội phát triển theo hướng tốt hơn. Nguồn gốc của tư tưởng này nằm trong bộ sách Tư bản (Das Capital) của hai nhà triết học Đức Karl Marx và Friedrich Engels. Học thuyết của Marx và Engels đã phê phán xã hội tư bản là xã hội bất bình đẳng và thiếu hiệu năng; đề xuất giải quyết sự bất bình đẳng thông qua đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản. Chủ nghĩa Marx đã truyền cảm hứng cho các cuộc cách mạng xã hội ở các quốc gia như Đức, Ý, Nga và Trung Quốc. Nhưng nhìn chung, chủ nghĩa Marx đã thất bại trong việc xây dựng một xã hội bình đẳng như mong muốn. Nghiên cứu phê phán (còn gọi là Lý thuyết phê phán – Critical Research hay Critical theory) do Max Horkheimer và Jurgen Habermas đề xuất trong thế kỷ XX.
Trong khi giữ lại những tư tưởng phê phán và cách thức giải quyết bất bình đẳng xã hội tương tự chủ nghĩa Marx, Lý thuyết phê phán bổ sung rằng con người có khả năng và cần hành động có ý thức để thay đổi hoàn cảnh kinh tế và địa vị xã hội của mình, mặc dù khả năng thực hiện của họ bị hạn chế bởi các hình thức khác nhau của sự thống trị chính trị, văn hóa và xã hội. Học thuyết phê phán cố gắng hướng tới phát hiện và phê phán các điều kiện khó khăn, trở ngại của hoàn cảnh thực tại bằng cách phân tích các đối kháng, xung đột và mâu thuẫn trong xã hội đương đại, tìm cách loại bỏ nguồn gốc của sự tha hóa và sự thống trị (tức là giải phóng giai cấp bị áp bức). Còn nhiều triết lý nghiên cứu và phương pháp tiếp cận khác nhau sẽ được đề cập trong các chương tiếp theo của cuốn sách này.