Chỉ còn
Tết 2024
Đón giao thừa là một phong tục đẹp của ông cha được con cháu lưu giữ khá trọn vẹn đến ngày nay. Giao thừa còn được gọi là trừ tịch, là “điểm thời gian chuyển tiết giữa năm Cũ – Mới, được huyền thoại quan niệm như sự giao hòa Âm – Dương, phối ngẫu Trời – Đất để từ trong cái Chết – Cũ nảy sinh sự Sống – Mới” (Trần Quốc Vượng, 2000). Vậy nên mọi người cố thức để chứng kiến giây phút giao hòa của đất trời, nghe tiếng pháo, tiếng trống rộn ràng báo hiệu sang canh, cúng kính tạ ơn trời đất, tổ tiên, đi lễ đền chùa rồi hái lộc cầu may.
Đây cũng là lúc các nhà Nho ghi lại phong tục thiêng liêng này với những nỗi lòng suy tư về nhân tình thế thái.
Thời khắc chuyển giao đem lại sức sống mới cho muôn vật khiến tác giả Đặng Đức Siêu cảm nhận đêm giao thừa với tâm trạng hết sức lạc quan:
“Tháng lụn năm cùng, sự chẳng cùng
Nửa đêm xuân lại nửa đêm đông
Gà kêu, pháo nổ, năm canh trót
Mừng cội mai già gặp chúa Đông” (Trừ tịch).
Nhưng Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương lại đón giao thừa trong sự buồn tẻ. Không khí giao thừa làng Vị Hạ mùa đói kém khá ảm đạm. Người làng nghe vẫn có tiếng trống nhưng là trống các làng khác vọng lại “ình ịch” nhỏ lẻ, vẫn có tiếng pháo nổ báo hiệu xuân sang nhưng chỉ đôi ba tiếng pháo của nhà giàu “lẹt đẹt”: “Ình ịch đêm qua trống các làng/ Cách ao lẹt đẹt pháo thầy Nhang” (Khai bút – Nguyễn Khuyến).
Trần Tế Xương cũng tả cảnh đón giao thừa của người nghèo đô thị qua không gian tối tăm “om thòm” và tiếng pháo lẻ tẻ chỉ “đì đẹt”: “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Om thòm trên vách bức tranh gà”. Chứng kiến cảnh ấy khiến nhà thơ phải buông lời chửi xéo bọn hãnh tiến rởm đừng quên đi nỗi nhục mất nước:
“Dám hỏi những ai nơi cố quận
Rằng xuân, xuân mãi thế ru mà” (Xuân ru).
Sở dĩ không khí giao thừa trong thơ hai nhà Nho buồn đến vậy vì trời đất có sang canh thì đất nước cũng không thay đổi được điều gì. Nhân dân vẫn phải sống trong “thời đại khủng hoảng toàn diện” và điều khó cứu vớt nhất chính là “khủng hoảng về hệ tư tưởng – văn hóa”, trong đó có phong tục lễ Tết dân tộc.
Bởi đêm ba mươi trời tối nhất nên các nhà thơ cảm thức khoảnh khắc giao thừa chủ yếu từ tín hiệu âm thanh. Nghe tiếng pháo giao thừa báo sang canh, Nguyễn Trãi biết mình già hơn và rồi suy ngẫm về bản thân – một ông quan già an hưu chỉ ngồi chờ đếm tuổi:
“Chong đèn chực tuổi cay con mắt,
Đốt trúc khua na đắng lỗ tai”
(Trừ tịch), (Đinh Gia Khánh, 2007a).
Thời khắc sang canh khiến người ta thường nhìn lại những điều mình đã thực hiện trong quá khứ và mong muốn đến tương lai. Nguyễn Trãi cũng ngẫm ngợi hơn nhiều về bản thân và nhân tình thế thái khi từ bỏ chính trường. Lúc còn làm quan, sắp Tết triều đình ban lịch như một ân huệ gọi là “lịch quan”, nay nghỉ hưu không còn ưu ái đó nên “chẳng thấy”, mà cũng chả cần hỏi. Thức khuya đợi giao thừa mà “cay mắt”, nghe pháo trúc nổ lại “đắng tai”. Cách dùng từ là mộ t sự chuyển nghĩa tinh tế biểu thị cả m xúc của người già đang chờ đợi khoảnh khắc mới trong tâm trạng vừa vui vừa buồn tủi. Năm mới đến, người càng có tuổi càng chạnh lòng hơn.
Cùng với tâm trạng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến thương cho mình tóc đã bạc, mắt đỏ ngầu vì tuổi tác ập đến một cách không mong muốn. Đêm giao thừa làng mở cửa đình để cúng kính và bắt cỗ. Nhưng trong đêm ấy, biết mình sẽ lên tuổi lão làng “năm mươi nhăm”, sắp được ngồi “cỗ phe” và “ăn dưng”, Nguyễn Khuyến ngồi dưới bóng đèn, lặng lẽ uống rượu và kí thác nỗi niềm qua những câu thơ: “Bất tri đầu thượng kỷ hành bạch,/ Chỉ hữu niên lai song nhãn hồng” (Chẳng hay trên đầu đã có mấy sợi tóc bạc,/ Chỉ biết độ một năm nay hai mắt đỏ ngầu). Tuy nhiên không lâu nghĩ ngợi cho năm tháng đời mình, nhà thơ đã mở lòng cảm thương cho những người nghèo đang đón xuân:
“Nhân dục tầm xuân minh nhật kiến,
Bần duy thử tịch bách ưu không”
(Ai muốn tìm xuân sáng mai sẽ thấy,
Nhà nghèo chỉ có đêm nay là không lo gì).
Chỉ có đêm giao thừa là họ không phải lo, không lo vì không có gì để kiếm, không bị ai hành hạ, người ta còn bận đón xuân (Trừ tịch kì 2).
Đêm giao thừa là thời điểm thiêng liêng của đất trời, con người và cả dân tộc. Đây cũng là thời gian nghệ thuật đầy tâm trạng, nỗi niềm của mỗi người trong thời khắc sang xuân.