Trang chủ Lịch sử Cuộc đấu tranh thống nhất nước Đức

Cuộc đấu tranh thống nhất nước Đức

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 601 views

1. Tình hình phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và khả năng thống nhất nước Đức

Xem: Cách mạng Đức 1848

Sau cuộc cách mạng 1848, nền công nghiệp Đức phát triển nhanh chóng. Từ năm 1849 đến năm 1859 kinh tế tư bản chủ nghĩa Đức phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy. Có thể nói rằng nước Đức trong thời kỳ này đã chuyển từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp. Mặc dầu còn thua những tiến bộ đã đạt được trong cùng thời gian ở nước Anh và nước Pháp, nhưng ở nước Đức, mức sản xuất trong vòng hai mươi năm nhiều hơn so với sản phẩm của cả thế kỷ trước đây mang lại. Trừ miền Đông Bắc vẫn là cơ sở kinh tế nông nghiệp của địa chủ, còn tất cả nước Đức đều được lôi cuốn vào cao trào công nghiệp hóa.

Sản lượng than, thép, sắt từ 1850-1860 tăng hơn gấp đôi. Số lượng động cơ chạy bằng hơi nước từ năm 1846-1861 tăng lên gần gấp 6 lần. Năm 1850 năng suất của tất cả những động cơ hơi nước trong công nghiệp Đức là 0,26 triệu sức ngựa, đến năm 1879 lên tới 2,48 triệu sức ngựa. Năm 1850, chiều dài đường sắt là 5856 kilômét và 10 năm sau tăng gấp đôi. Ngân hàng mọc lên liên tiếp.

Do kết quả của việc phát triển công nghiệp, số công nhân tăng lên vùn vụt. Năm 1849, ở Béclin có 5 vạn công nhân, đến năm 1859 đã tăng lên 18 vạn. Béclin trở thành trung tâm chế tạo máy móc.

Trong các nhà máy vũ khí của hãng Cơrup (Krupp), năm 1845 tất cả chỉ có 122 công nhân, đến năm 1870 tăng lên 16.000 công nhân.

Mặc dầu công nghiệp phát triển nhanh chóng, thủ công nghiệp ở Đức vẫn còn ở quy mô lớn. Sự tồn tại của công nghiệp gia đình vẫn còn khá phổ biến.

17 trong số 16 triệu cư dân sống ở nông thôn. Chỉ có 12 trong số 984 thành phố có số dân trên 100 ngàn mà trong đó tỷ lệ người làm công nghiệp chỉ trong khoảng 10 – 20%.

Một vấn đề quan trọng mà cách mạng chưa giải quyết được là vấn đề nông dân. Chính phủ ban bố đạo luật về “giải quyết quan hệ giữa quý tộc và nông dân” (3-1850) hủy bỏ chừng hai mươi loại nghĩa vụ phong kiến phụ là những điều thực ra đã không tồn tại từ lâu rồi. Tất cả những nghĩa vụ phong kiến cơ bản vẫn duy trì. Nông dân phải bỏ ra nhiều tiền chuộc mới được giải phóng khỏi chế đó lao dịch và các nghĩa vụ phong kiến khác. Năm 1851 lại ban hành “quy tắc về tiền công trong nông nghiệp” quy định phạt tù bất cứ tá điền nào có ý định đình công. Bọn địa chủ quý tộc có cảnh binh riêng, có thể tùy ý ra lệnh bắt giam bất cứ nông dân nào. Vì phải nộp tiền chuộc nên nông dân bị phá sản, bần cùng hóa. Còn địa chủ quý tộc thì nhờ những đạo luật đó mà làm giàu thêm. Sau năm 1850, giá lúa mì lên cao vì công nghiệp và các thành thị phát triển nhanh chóng làm cho nhiều quý tộc địa chủ chuyển sang kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa, dùng máy móc, thuê mướn lao động, đẩy mạnh khai khẩn v.v… Nhiều địa chủ đã có cối xay chạy bằng hơi nước, nhà máy rượu… Một vài địa chủ còn làm chủ lò luyện kim, lò đúc gang. Phương thức kinh doanh mới tạo nên tầng lớp quý tộc tư sản hóa gọi là gioongke.

Đó là con đường phát triển tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp ở Phổ: trong khi đưa nông nghiệp đi theo chủ nghĩa tư bản thì vẫn duy trì tàn tích của chế độ bóc lột phong kiến.

Lênin gọi con đường đó là “con đường kiểu Phổ”.

Sự phát triển của công thương nghiệp và của chủ nghĩa tư bản trong nông nghiệp gặp trở ngại lớn là tình trạng phân tán của nước Đức. Việc thống nhất nước Đức trở thành vấn đề trung tâm, đòi hỏi phải giải quyết cấp bách.

Do đó, vấn đề cơ bản của sự phát triển chủ nghĩa tư bản Đức là vấn đề thị trường dân tộc, tức là vấn đề thống nhất đất nước. Và việc thống nhất Đức có thể thông qua hai con đường hoàn toàn khác nhau, hoặc bằng một cuộc cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo, thành lập một nước cộng hòa bao gồm tất cả các bang ở Đức, hoặc bằng các cuộc chiến tranh của triều đình Phổ, tăng cường bá quyền của quý tộc Phổ trong nước Đức thống nhất.

1848-1871 thời kỳ đấu tranh giữa hai con đường thống nhất: con đường “từ dưới lên” là con đường cách mạng của quần chúng và con đường “từ trên xuống” là con đường chiến tranh vương triều phản cách mạng do giai cấp quý tộc phong kiến gioongke là tư sản tiến hành. Giai cấp công nhân Đức còn đang trong quá trình hình thành, lực lượng phân tán nên chưa thể lãnh đạo công cuộc thống nhất đất nước. Hai quốc gia lớn là Áo và Phổ tranh chấp nhau, đều muốn giữ địa vị lãnh đạo nước Đức thống nhất sau này.

2. Quá trình thống nhất nước Đức

Ốttô phon Bixmac (1815-1898) làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phổ, người đại diện cho quan điểm và quyền lợi của tầng lớp gioongke, thực hiện chính sách liên minh chặt chẽ giữa địa chủ quý tộc và đại tư bản. Bixmac ủng hộ đặc quyền của tầng lớp địa chủ quý tộc, tăng cường vương quyền và đồng thời quan tâm đến quyền lợi của giai cấp tư sản. Bixmac theo chủ nghĩa dân tộc Phổ, đặt nước Phổ đứng đầu quốc gia Đức chủ trương dùng bạo lực để chống Áo và các nước khác cản trở việc thống nhất nước Đức. Ông ta tuyên bố Biên giới Phổ theo hiệp nghị Viên không phù hợp với sự tồn tại của một chính phủ vững mạnh nữa. Những vấn đề lớn của thời đại không thể quyết định bằng diễn văn hay biểu quyết – đó là sai lầm lớn trong những năm 1848-1849, mà phải “bằng sắt và máu”. Bixmac trở thành người trụ cột lãnh đạo.

Những cuộc chiến tranh vương triều

Chiến tranh chống Đan Mạch (1864). Năm 1864, Bixmac khai chiến với Đan Mạch để chiếm Sơlêxvich và Hônxtainơ. Ở Hônxtainơ chỉ có người Đức và nằm trong Liên bang Đức. Còn ở Sơlêxvich, tuy có người Đức, nhưng đa số là người Đan Mạch, không nằm trong Liên bang Đức. Năm 1863, Đan Mạch quyết định sáp nhập Sơlêxvich vào Đan Mạch. Việc đó đã làm cho những người dân tộc chủ nghĩa Đức bất mãn. Bixmac nắm luôn thời cơ đó, lôi kéo Áo cùng đánh Đan Mạch, đi bước đầu tiên trong việc thôn tính, gây uy tín và cũng để kiếm cớ gây sự với Áo sau này. Chiến sự bùng nổ vào tháng 2 năm 1864. Đan Mạch thất bại phải xin đình chiến và ký hòa ước Viên ngày 30-10-1864, nhường Sơlêxvich và Hônxtainơ cho Phổ và Áo. Áo được Phổ chia cho Hônxtainơ, còn Phổ nhận Sơlêxvich và có quyền chiếm đóng Kin (Kiel) ở Hônxtainơ. Như vậy, quân Phổ muốn đến Sơlêxvich phải đi qua Hônxtainơ, do đó có nhiều cơ hội để gây sự và châm ngòi lửa gây chiến với Áo. Tháng 61866 quân đội Phổ đuổi Áo ra khỏi Hônxtainơ.

Chiến tranh PhổÁo (1866). Đế quốc Áo là đối thủ chính trong việc giành quyền lãnh đạo nước Đức. Phổ tìm mọi cách cô lập và khiêu khích Áo, buộc Áo phải ra lệnh động viên quân đội của mình. Cuộc chiến tranh Phổ-Áo bùng nổ, đối với cả hai bên đều là cuộc chiến tranh vương triều phản động. Bị thua, Áo phải rút khỏi Liên bang Đức (thành lập từ 1815), thừa nhận Phổ có quyền xây dựng một tổ chức chính trị mới là Liên bang Bắc Đức, Áo thừa nhận Sơlêxvich, Hônxtainơ, Hanôvơ, Khua Hetxen, Naxau và Phrăngphua bên sông Mainơ sáp nhập vào Phổ.

Như vậy, bằng cuộc chiến tranh Phổ-Áo, Bixmac đã áp dụng phương thức “từ trên xuống” tiến hành chiến tranh vương triều để thực hiện việc thống nhất nước Đức bằng con đường phản cách mạng.

Thành lập Liên bang Bắc Đức (1867). Kết quả của cuộc chiến tranh Áo-Phổ là Bixmac thành lập được Liên bang Bắc Đức năm 1867 dưới quyền lãnh đạo của Phổ, bao gồm 18 nước ở Bắc Đức và 3 thành phố tự do là Hămbua, Brêmen và Liubêch. Hiến pháp của Liên bang được thông qua ngày 17-4-1867 và quốc hội Liên bang Đức được thành lập. Quyền của quốc hội bị hạn chế bởi quyền của Tổng thống Liên bang và của Hội đồng Liên bang bao gồm các đại biểu các nước trong Liên bang. Hiến pháp dành ghế Tổng thống cho nhà vua Phổ, có quyền rất lớn đến nỗi các bang khác ở Đức hầu như bị mất hoàn toàn quyền độc lập. Giúp vua có thủ tướng, nhưng thủ tướng không chịu trách nhiệm trước quốc hội mà chỉ chịu trách nhiệm trước tổng thống. Bixmac vừa là Thủ tướng Phổ, vừa là Thủ tướng Liên bang.

Bixmac xem việc thành lập Liên bang Bắc Đức chỉ là một giai đoạn trên con đường đi đến thống nhất hoàn toàn. Bixmac vội vàng lợi dụng tình hình do các chiến thắng vừa thu được, nghĩa là tinh thần sô-vanh Đức để tiến hành cuộc chiến tranh với Pháp, nhằm sáp nhập luôn miền Tây Nam vào Đức, hoàn thành thống nhất nước Đức.

Chiến tranh Pháp Phổ (1870 1871)

Sau cuộc chiến tranh Phổ-Áo, quyền lãnh đạo trong nội bộ nước Đức đã được giải quyết. Nhưng trên con đường thực hiện thống nhất nốt các quốc gia miền Nam, Đức còn vướng Pháp. Điều chủ yếu là sự ngăn trở của Napôlêông III, bởi vì Napôlêông III muốn chia cắt nước Đức vĩnh viễn, không muốn bên cạnh mình có một quốc gia thống nhất hùng mạnh trở thành một mối nguy cho Pháp. Đồng thời, Bixmac cũng muốn tranh thủ thời cơ để xâm chiếm một phần lãnh thổ của Pháp. Cho nên cuộc chiến tranh giữa Pháp và Phổ là không thể tránh khỏi. Ngày 19-7-1870 chiến tranh bùng nổ. Đây là cuộc chiến tranh quyết định sự thống nhất nước Đức thành một quốc gia toàn vẹn theo con đường “sắt và máu”. Tháng 111870, các quốc gia Nam Đức đã gia nhập Liên bang Bắc Đức, Pháp thất bại thảm hại trong chiến tranh, phải bồi thường 5 tỉ Phờrăng và cắt cho Đức hai vùng Andát và Lôren.

Như vậy, việc hoàn thành công cuộc thống nhất nước Đức là tiến bộ, mặc dầu mục đích ấy được thực hiện theo con đường “từ trên xuống”. Nhưng ngay từ thời kỳ đầu, khi nước Đức tư bản mới ra đời, giai cấp tư sản và giới quân phiệt Phổ còn đề ra cho mình một nhiệm vụ khác là cướp đoạt nước Pháp, xâm nhập Andat và Lôren. Càng tiến gần đến thắng lợi thì mục đích đó càng có vị trí quan trọng. Sau khi Napôlêông III đầu hàng ngày 2-9-1870, sự thống nhất Đức không còn bị cản trở nữa, thì Đức đưa quân sang xâm chiếm nước Pháp. Khi đó, đứng về phía Đức thì cuộc chiến tranh trở thành xâm lược, phi nghĩa.

Đối với nước Pháp, lúc chiến tranh mới bắt đầu là phi nghĩa vì nó nhằm ngăn cản sự thống nhất Đức, tạo điều kiện để sau này tư bản Pháp có thể bóc lột nhân dân Đức. Nhưng từ 2-9-1870, nhân dân Pháp phải chiến đấu chống quân xâm lược, nên đứng về phía Pháp thì đó là cuộc chiến tranh tự vệ chính nghĩa.

Ngày 18-1-1871, lễ thành lập Đế quốc Đức đã được tổ chức tại cung điện Vecxai ở Pháp đang bị Phổ chiếm đóng. Vua Phổ Vimhem I chính thức lên ngôi hoàng đế. Đế quốc Đức là một liên bang gồm 22 nước và ba thành phố tự do. Hiến pháp đế quốc được ban hành ngày 16-4-1871, củng cố sự thống nhất đế quốc, bảo tồn chế độ quân chủ và tàn dư phong kiến ở nông thôn, bảo đảm địa vị thống trị của nhà nước quân chủ địa chủ quý tộc Phổ.

Như vậy, việc thống nhất nước Đức đã hoàn thành. Sự thống nhất là một tiến bộ lịch sử, vì nó mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Nước Đức đã thống nhất bằng con đường chiến tranh vương triều “từ trên xuống” dưới sự lãnh đạo của quý tộc Phổ, duy trì chế độ quân chủ và những đặc quyền quý tộc, đồng thời phát triển chủ nghĩa tư bản. Phương thức ấy làm cho nước Đức trở thành một nguồn gốc quan trọng của chủ nghĩa quân phiệt và là lò lửa của cuộc chiến tranh sau này.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net