Trang chủ Vật liệu may Chỉ may là gì? Phân loại, yêu cầu với chỉ may

Chỉ may là gì? Phân loại, yêu cầu với chỉ may

by Ngo Thinh
856 views

Trình bày được khái niệm và phân loại được các loại chỉ may.- Nắm được các yêu cầu đối với chỉ may và ảnh hưởng của độ săn đối với chỉ may.

Khái niệm

Chỉ là vật liệu liên kết sản phẩm may. Chỉ được sản xuất từ hai loại nguyên liệu dệt cơ bản là xơ thiên nhiên và xơ hoá học. Trong công nghiệp may sử dụng nhiều nhất là loại chỉ bông, chỉ tổng hợp. Chỉ là dạng sợi xe có thể chập

  • Chập là ghép nhiều sợi đơn lại nhằm loại bỏ khuyết tật của sợi, tăng độ bền, độ đều cho chỉ.
  • Xe là xoắn sợi đã chập nhằm nâng cao hơn nữa độ bền, độ đều và tăng độ co giãn tốt cho chỉ. Trước khi xe, chỉ được tẩm ướt để bề mặt được nhẵn hơn.

Phân loại chỉ may

1. Chỉ từ xơ, sợi thiên nhiên

– Chỉ bông.

Chỉ bông chiếm khoảng 80% tổng số các loại chỉ may trong may mặc. Chỉ được sản xuất từ sợi chải kỹ cao cấp qua các công đoạn chập, xe, nấu, nhuộm hoặc tẩy trắng, xử lý hoàn tất, làm bóng và đóng cuộn.

Phụ thuộc vào số sợi xe thành chỉ mà chỉ bông có các loại chỉ ghép hoặc chập 2, 3, 4, 6, 9, 12. Trong đó chỉ chập 2 hoặc 3 dùng để may quần áo thông dụng. Chỉ chập 6 dùng để may quần áo chuyên dụng. Những loại sản phẩm đặc biệt thì có thể dùng chỉ chập 9 và 12.

Chỉ sau khi quấn thành cuộn, chiều dài ống chỉ thường 200, 400, 600, 1000, 2000, 5000…

Những số hiệu qui ước thể hiện độ mảnh của chỉ bông: 10, 20, 30, 40, 50, 60, 80, 100 và 120.

– Chỉ tơ tằm

Đây là loại chỉ chiếm khoảng 1- 2% tổng số chỉ dùng trong may mặc. Nguyên liệu ban đầu sản xuất chỉ là từ sợi tơ được xoắn lại theo một hướng ( xe ít nhất là 3 tơ) có hướng xe ngược với hướng xoắn của tơ nguyên liệu.

Chiều dài ống chỉ tơ tằm khoảng 50-100m.

Chỉ tơ tằm có các số hiệu 13, 18, 33, 65, 75. Chỉ thông dụng có số 33, 65, 75 dùng để may quần áo bằng lụa mỏng. Chỉ số 13, 18 dùng để vắt sổ, may trang trí.

Chỉ tơ tằm phải đảm bảo được độ bền theo qui định, không được phép khuyết tật, các vết dầu mỡ… .

Chỉ tơ có đặc điểm trơn, đàn hồi, bền màu và chịu kéo rất tốt.

2. Chỉ từ xơ, sợi hoá học

a. Chỉ từ xơ, sợi nhân tạo

  • Chỉ vitxcô

Chỉ tơ vixco làm bằng tơ vixco, chỉ được xe hai lần, dùng để vắt sổ. Chỉ được quấn ống lớn.

Chỉ được dùng ở mức độ hạn chế do một số nhược điểm về tính chất của xơ vitxcô như: độ bền kém chịu tác dụng với nhiệt kém, độ co lớn…

  • Chỉ polinôzic

Chỉ polinôzic được sử dụng rộng rãi hơn chỉ vitxcô do có nhiều ưu điểm hơn như : trong môi trường khô cũng như môi trường ướt độ bền được nâng cao.

Chỉ bền vững khi giặt và khả năng chịu nhiệt cao hơn chỉ vitxcô. Chỉ được sử dụng cho các loại máy may có tốc độ khác nhau.

Chỉ có tính chất mềm, bóng và có thể hay thế các chức năng của chỉ bông khi may các loại quần áo khác nhau.

b. Chỉ từ xơ, sợi tổng hợp

Nguyên liệu sản xuất là từ các loại sợi hóa học kéo từ xơ polyamid, polyester. Quá trình sản xuất chỉ gồm chập, xe, nấu, tẩy trắng hoặc nhuộm màu hoàn tất, tẩm chất chống tích điện để nâng cao tính chịu nhiệt.

  • Chỉ polyamid

Chỉ có độ bền ma sát cao, độ bền kéo cao (cao gấp 1,5→2 lần so với chỉ tơ tằm và chỉ bông). Chỉ được sử dụng hạn chế, do nhược điểm của chỉ polyamid là có tính đàn hồi, chịu nhiệt kém nên gây tác dụng không có lợi, làm ảnh hưởng đến quá trình tạo vòng, làm tăng độ nhăn vải tại các đường may.

Khi là các chi tiết bán thành phẩm nhiệt độ bề mặt là ép không được quá 1600C và thời gian không quá 30 giây.

  • Chỉ polyester

Chỉ chịu nhiệt cao hơn chỉ PA và không nhăn khi may. Chỉ có kết cấu bề ngoài giống như chỉ bông nhưng có độ bền cao, chịu được các tác nhân hóa học và chịu nhiệt.

Chỉ polyeste sử dụng được ở những máy may có tốc độ 3000 mũi/phút. Có thể dùng kim xử lý đặc biệt để giảm nhiệt ma sát ở những máy may có tốc độ cao. Chỉ được sử dụng để may các loại đường may khác nhau, thường dùng làm chỉ may quần áo mặc ngoài và làm chỉ thêu.

  • Chỉ lõi.

Chỉ được tạo ra từ hai loại nguyên liệu:

  • Phần lõi thường là sợi tổng hợp như polyester, polyamid, chiếm khoảng 70 % thể tích chỉ
  • Phần nguyên liệu bao quanh bên ngoài thường là băng quấn từ xơ bông hay polinôzic

Chỉ lõi có ưu điểm là rất bền (bền chỉ bông khoảng 2 lần), đàn hồi và chịu nhiệt tốt, độ bền va đập lớn.

Chỉ được sử dụng để may đối với tất cả các loại vải và các loại quần áo khác nhau và được dử dụng nhiều để làm chỉ may quần áo mặc ngoài

Yêu cầu đối với chỉ may

1. Đồng đều về chi số

Trong quá trình tạo đường may, chỉ chịu sức kéo mạnh và sự ma sát với kim,vải, với các chi tiết dẫn chỉ của máy may. Độ đều của chỉ phải bảo đảm để ổn định độ bền của chỉ. Nếu sợi chỉ có chỗ thô, chỗ mảnh chênh lệch nhau nhiều thì trong khi may chỉ hay bị đứt ở đoạn chỉ mảnh, khi hình thành đường may chỗ yếu sẽ bị đứt trước làm đường may giảm.

Khi tạo thành đường may kết cấu của chỉ trở nên kém chặt chẽ và giảm độ bền chắc từ 10-40%. Trên các máy may tốc độ cao chỉ còn bị nung nóng do cọ xát mạnh với kim và dễ cháy khi may. Vì vậy độ đồng đều theo độ nhỏ của chỉ của chỉ có ảnh hưởng đáng kể tới lực căng của chỉ trong quá trình may.

2. Mềm mại

Chỉ cần có độ mềm mại, cân bằng xoắn để dễ may, giảm độ đứt khi may. Đối với vật liệu ít co phải dùng chỉ ít co để tránh đứt đường may khi giặt ủi. Độ mềm mại không đạt yêu cầu thì lúc đó mũi may có khả năng phồng lên lam giảm độ bền của đường may.

3. Độ đàn hồi

Trong quá trình sử dụng, sản phẩm may chịu tác động của nhiều lực, của việc giặt, là, của các loại hóa chất, chất tẩy… Chỉ sẽ bị bào mòn và bị kéo căng nhiều lần. Độ bền của chỉ sẽ giảm và sẽ bị đứt sau một thời gian sử dụng. Do vậy chỉ phải có độ đàn hồi cần thiết để làm giảm bớt hiện tượng đứt chỉ trong quá trình may cũng như trong quá trình sử dụng.

4. Cân bằng xoắn

Trong quá trình may, chỉ tiếp xúc với lỗ kim, cạnh của lưỡi kim tác dụng liên tục lên chỉ gây ra khả năng mở xoắn làm tăng bề mặt chỉ, làm chỉ dễ bị đứt . Vì vậy chỉ cần đạt được về độ cân bằng xoắn, nó liên quan đến hướng xoắn và độ săn của chỉ. Chỉ có độ săn không được lớn quá, nếu không chỉ sẽ cứng và dễ tạo ra gút, bỏ mũi may và bị đứt trong khi may do không cân băng xoắn. Để chỉ khâu cân bằng xoắn người ta xe sợi theo hướng xoắn thứ 2 ngược chiều với hướng xoắn thứ nhất.

5. Độ sạch và bền màu

Chỉ chứa nhiều tạp chất sẽ làm cho chỉ có những điểm dày điểm mỏng, chỉ không đạt về độ sạch. Chỉ không sạch là một trong những nguyên nhân làm đứt chỉ trong quá trình may và làm cho mũi may không đều.

Chỉ phải có độ bền màu (độ bền màu thể hiện khi sử dụng, khi giặt , là, khi tác dụng với ánh….), để không làm ảnh hưởng đến tới chất lượng của đường may và chất lượng của sản phẩm.

6. Độ co

Chỉ có độ co không phù hợp với vải sẽ tạo hiện tượng đường may bị nhăn và dễ bị đứt. Vì vậy cần lựa chọn chỉ may phù hợp với mỗi loại sản phẩm để không ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.

Ảnh hưởng của độ săn đối với chỉ may

Độ săn có ảnh hưởng rất lớn đối với chỉ may:

  • Nếu chỉ có độ săn quá lớn khi may hay bị xoắn, rối, đứt chỉ và đường may bị dúm.
  • Nếu chỉ có độ săn thấp thì chỉ kém bền khi may hay bị đứt.
  • Nếu chỉ có độ săn không đồng đều khi may bị đứt chỉ, gãy kim và đường may cục cộm.
  • Nếu vải mỏng cần độ mềm mại chọn chỉ có độ săn thấp, nếu vải dầy cần chọn chỉ có độ săn sợi cao hơn.
5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net