Niêm mạc là gì?
Niêm mạc là màng bao phủ mặt trong các bộ phận rỗng thông ra ngoài bởi các lỗ tự nhiên.
Ví dụ: Niêm mạc mắt, mũi, đường tiêu hóa, đường sinh dục…
Bề mặt niêm mạc lúc nào cũng ướt và có chất nhầy, gọi là niêm dịch.
Niêm dịch có tác dụng bảo vệ (chống laị các tác dụng hóa học , cản nhiệt, giữ vi trùng và bụi bẩn).
Tương mạc là gì?
Tương mạc là màng mỏng phủ các hốc kín của cơ thể, có màu trong suốt, nhẵn, ướt.
Về cấu tạo tương mạc gồm 3 lá:
- Lá ngoài (lá thành): Áp sát vào thành trong của cơ thể.
- Lá giữa (lá trung gian): Nối liền lá thành và lá tạng.
- Lá trong (lá tạng): Dính sát vào mặt ngoài phủ tạng.
Những tương mạc chính là: Phúc mạc (màng bụng), phế mạc (màng bọc phổi), tâm mạc (màng bao tim), não mạc (màng não), túi nhờn khớp xương. Trong trạng thái bình thường giữa lá thành và lá tạng có một ít dịch vừa đủ làm ướt mặt tương mạc gọi là tương dịch. Tương dịch có tác dụng giảm sự cọ xát khi các cơ quan bộ phận mà nó bao bọc hoạt động. Ví dụ: Dịch trong xoang bao tim làm giảm cọ xát khi tim co bóp…
Trong trạng thái bệnh lý, tương dịch tiết nhiều lưu lại trong xoang (gọi là hiện tượng tràn dịch, tích dịch). Ví dụ: Khi viêm xoang bao tim; khi viêm màng phổi.
Nguồn: Giáo trình giải phẫu sinh lý động vật