Trang chủ Đạo đức học Mối quan hệ giữa đạo đức và nghệ thuật

Mối quan hệ giữa đạo đức và nghệ thuật

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 534 views

Tương quan giữa đạo đức và nghệ thuật được quy định bởi sự thống nhất giữa cái thiện và cái đẹp:

1. Cái thiện là cội nguồn của cái đẹp

Trong triết học Hy Lạp cổ đại, Platon cho rằng: cái thiện cao nhất và cái đẹp cao nhất trong bản chất liên hệ mật thiết với nhau. Cái đẹp là một dạng đặc biệt của cái thiện và chỉ cái gì là thiện thì cái đó mới có thể đẹp. Cái thiện là nguyên nhân của cái đẹp, soi đường cho cái đẹp cũng như mặt trời soi đường cho con người.

Đạo đức đặt ra cho nghệ thuật nhiệm vụ quan trọng là giáo dục và hoàn thiện nhân cách con người. Cho nên tác giả, tác phẩm nào đề cập đến những vấn đề đạo đức, tình yêu, tự do, lòng dũng cảm…thì giá trị của nó được lưu truyền mãi . Cái thiện là động lực to lớn thúc đẩy con người sáng tạo cái đẹp. Các nhà thơ, văn đã từng nói: phải biết yêu hết mình, nhớ đến cháy lòng, ghét đến cay đắng, căm thù đến tận xương tuỷ mới ra thơ, văn. Chính đời sống đạo đức của nhân dân là cội nguồn làm cho văn nghệ sĩ giàu tình yêu cuộc sống hơn, nó là cội nguồn của sự sáng tạo cái đẹp không ngừng, không nghỉ.

2. Cái đẹp có tác dụng giáo dục đạo đức

a/ Nghệ thuật chân chính giáo dục tình cảm đạo đức:

Tác phẩm nghệ thuật giáo dục và nâng cao đạo đức của con người không những vì nó truyền cho con người khoái cảm thẩm mỹ, nó gợi nhắc những chuẩn mực của đạo đức lành mạnh và truyền cho họ lòng yêu quý đức hạnh. Mỗi tác phẩm nghệ thuật ít nhiều đều có tác động thuận lợi tới sự phát triển tình cảm đạo đức của con người. Tình cảm đạo đức là ngọn nguồn của cái thiện

b/ Nghệ thuật chân chính giáo dục ý thức đạo đức:

Tình cảm đạo đức là một trong những điều kiện của đạo đức, nhưng điều kiện này chưa đủ. Tình cảm đạo đức là xu hướng vươn tới cái thiện nhưng chưa phải là bản thân cái thiện. Ngoài tình cảm đạo đức, con người phải có quan niệm rõ ràng về nghĩa vụ của mình, đó là ý thức đạo đức. Chúng ta cần phải quan niệm rõ ràng những hậu quả có thể xảy ra với hành vi của mình. Nếu chỉ hành động theo sự thôi thúc của tình cảm có thể dẫn đến sai lầm.

Nghệ thuật đem lại cho con người một loại “tri thức” mà không một khoa học nào có thể đem lại. Đó là tri thức về cuộc đời, sự khám phá những điều bí ẩn của con người. Nghệ thuật giúp con người hiểu và thể nghiệm những bí ẩn

này. Thông qua những tình huống và hình tượng phong phú, nghệ thuật có thể khái quát những quy luật của cuộc sống.

Nghệ thuật dạy cho chúng ta hiểu được ý nghĩa cuộc sống con người, sứ mệnh và nghĩa vụ con người.

Trong đời sống xã hội. nền nghệ thuật chân chính luôn luôn biểu hiện rõ thái độ của người nghệ sĩ phê phán những hiện tượng sai trái trong xã hội. Đồng thời họ cũng ca ngợi những tấm gương tiêu biểu, những con người tận tụy vì sự tiến bộ của con người.

c/ Nghệ thuật tác động đến ý chí đạo đức của con người:

Nghệ thuật giúp cho con người vượt lên trên những ham mê cá nhân chật hẹp, đưa con người đến những khát vọng có ý nghĩa nhân loại phổ biến. Nghệ thuật giáo dục, bồi dưỡng nghị lực con người để dũng cảm làm điều thiện, chống cái ác.( Chẳng hạn như bài thơ “Người đi tìm hình ảnh của Nước” của Chế Lan Viên)

Nghệ thuật chân chính luôn luôn gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh của giai cấp tiên tiến chống lại những thế lực lạc hậu, phản tiến bộ và những thói hư, tật xấu khác như sự lười biếng, thói kiêu ngạo, vị kỷ, sự phản bội, giả dối.v.v…

Aristote đã viết về vai trò của âm nhạc: Âm nhạc không giới hạn ở chức năng thẩm mỹ và chức năng trí tuệ. Không những nó gây khoái cảm cho con người những lúc nghỉ ngơi và giải trí, không những nó giúp cho tư duy phát triển, nó còn tác động tới đạo đức của con người: âm nhạc phát triển ở con người năng lực vui mừng và buồn phiền đối với những điều đáng buồn phiền.

3. Sự tiến bộ của nghệ thuật gắn liền với sư tiến bộ của đạo đức

Xã hội càng phát triển cao, con người càng dành nhiều thời gian quan tâm đến nghệ thuật thì ảnh hưởng của nghệ thuật tới đạo đức càng mạnh. Cho dù khoa học có phát triển đến đâu đi nữa, con người vẫn vượt lên trên những tư tưởng “lạnh lùng” và kỷ thuật “vô hồn”. Tư tưởng và cảm xúc, chân lý và cái đẹp mãi mãi sẽ đi với nhau mở lối cho cái thiện trong đời sống .

Nền nghệ thuật xã hội chủ nghĩa ở nước ta dựa trên quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin đã và đang kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống dân tộc đồng thời phản ánh những giá trị hiện đại trên bước đường đổi mới hiện nay.

Những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao góp phần giáo dục, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng đất nước.

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net