Trang chủ Bảo hiểm Bảo hiểm thất nghiệp là gì? Đối tượng, điều kiện và mức hưởng trợ cấp

Bảo hiểm thất nghiệp là gì? Đối tượng, điều kiện và mức hưởng trợ cấp

by Ngo Thinh
149 views

1. Một số khái niệm cơ bản

Khái niệm về thất nghiệp và người thất nghiệp

Đã có nhiều khái niệm về thất nghiệp, song định nghĩa thất nghiệp của Tổ chức lao động quốc tế (IL0) được nhiều nhà kinh tế và nhiều nước tán thành. Theo định nghĩa của tổ chức này thì: Thất nghiệp là tình trạng tồn tại khi một số người trong độ tuổi lao động, muốn làm việc nhưng không thể tìm được việc làm ở mức lương thịnh hành. Còn khái niệm về người thất nghiệp cũng có những quan điểm và nhận thức khác nhau; tuỳ theo mục đích và hoàn cảnh của mỗi nước, chẳng hạn:

  • Luật bảo hiểm thất nghiệp của Cộng hoà liên bang Đức định nghĩa: Người thất nghiệp là người lao động tạm thời không có quan hệ lao động hoặc chỉ thực hiện những công việc ngắn hạn.
  • Ở Thái Lan người ta cho rằng: Người thất nghiệp là người lao động không có việc làm, muốn làm việc, có năng lực làm việc.
  • Nhật Bản lại quan niệm: Người thất nghiệp là người không có việc làm trong tuần lễ điều tra, có khả năng làm việc, đang tích cực tìm việc làm hoặc chờ kết quả xin việc làm.
  • Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì cho rằng: Người thất nghiệp là người lao động không có việc làm, không làm kể cả 1 giờ trong tuần lễ điều tra đang đi tìm việc làm và có điều kiện là họ làm

Như vậy, dù quan niệm thế nào đi chăng nữa thì một người lao động được coi là thất nghiệp phải thể hiện đầy đủ các đặc trưng sau:

  • Là người lao động, có khả năng lao động;
  • Đang không có việc làm;
  • Đang đi tìm việc làm.

Người thất nghiệp có thể là công nhân trong các doanh nghiệp, có thể là học sinh, sinh viên các trường chuyên nghiệp đã tốt nghiệp ra trường hoặc là bộ đội xuất ngũ. Những người ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động nhưng không lao động, không có nhu cầu việc làm thì không được coi là người thất nghiệp. Chẳng hạn, những người đang có việc làm nhưng tạm thời không làm việc vì một lý do nào đó như: nghỉ phép, nghỉ ốm, nghỉ tạm thời vì tai nạn lao động, hoặc học sinh sinh viên còn đang theo học tại các trường, những người nội trợ… không phải là những người thất nghiệp.

Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ người lao động bị thất nghiệp ở thành thị thường cao hơn nông thôn, phụ nữ cao hơn nam giới, độ tuổi từ 16 đến 24 cao hơn độ tuổi trên 24. Thất nghiệp có quan hệ chặt chẽ với công tác giáo dục và đào tạo, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, với lạm phát và với tỷ lệ tăng dân số của mỗi quốc gia.

Khái niệm việc làm. Mọi hoạt động lao động tạo ra các sản phẩm vật chất và dịch vụ, tạo ra thu nhập không bị pháp luật ngăn cấm đều được thừa nhận là việc làm.

2. Các chính sách khắc phục tình trạng thất nghiệp

Khắc phục và giải quyết tình trạng thất nghiệp luôn là vấn đề nan giải, bởi lẽ vấn đề này đã trở thành căn bệnh cố hữu của nền kinh tế thị trường. Tuỳ theo điều kiện thực tế mà mỗi nước có những chính sách và những biện pháp giải quyết khác nhau. Dưới đây là một số chính sách và biện pháp giải quyết tình trạng thất nghiệp mà các nước đã và đang áp dụng:

  • Chính sách dân số: Đây là chính sách mang tính chiến lược lâu dài nó không chỉ góp phần làm giảm thất nghiệp, mà còn tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế – xã hội. Hạ thấp tỷ lệ tăng dân số cũng có nghĩa là giảm được tỷ lệ tăng lực lượng lao động từ đó tạo thêm cơ hội tìm kiếm việc làm. Thực hiện chính sách dân số cũng có nghĩa là thực hiện các chương trình kế hoạch hoá gia đình, cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng, giáo dục và cơ hội cho phụ nữ giảm tỷ lệ sinh đẻ để từ đó giảm được tỷ lệ tăng dân số và nguồn lao động.
  • Ngăn cản di cư từ nông thôn ra thành thị: Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị thường cao hơn nông thôn, nhưng một bộ phận dân cư nông thôn vẫn có xu hướng di cư ra thành thị để tìm kiếm việc làm. Bởi lẽ, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, nếu ở thành thị người lao động tìm được việc làm thì thu nhập thường cao hơn khi họ làm việc ở nông thôn. Đây là một áp lực rất lớn làm cho bản thân cư dân thành thị cũng lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, người ta đã thực hiện một loạt các chương trình như: Định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, thay đổi công nghệ trong nông nghiệp, xây dựng thêm trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng, tăng cường các dự án đầu tư để phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn… Tuy nhiên, khi thực hiện các chương trình này, chính phủ các nước thường gặp khó khăn về vốn và sử dụng vốn đầu tư.
  • Áp dụng các công nghệ thích hợp: Nói chung khi áp dụng các công nghệ thích hợp sẽ sử dụng được nhiều lao động hơn. Vì vậy, chính phủ thường khuyến khích các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực nông thôn sử dụng công nghệ thích hợp để sản xuất ra những hàng hoá thu hút nhiều lao động phù hợp với thị hiếu và túi tiền của người có thu nhập thấp. Khi thực hiện chính sách này, có thể sử dụng các công cụ thuế, lãi suất để điều tiết, chẳng hạn: những hàng xa xỉ phẩm đánh thuế cao hơn những mặt hàng thiết yếu hay giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp địa phương thu hút nhiều lao động…
  • Giảm độ tuổi nghỉ hưu: Đây là biện pháp “tình thế”, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh gây nên những áp lực lớn về chính trị. Việc cắt giảm tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ nhanh chóng thu hút được một bộ phận lao động đang bị thất nghiệp thay thế chỗ làm việc của người về hưu. Bộ phận này chủ yếu nằm ở độ tuổi lao động từ 16 đến 24 tuổi. Tuy nhiên, cách làm này sẽ làm cho số tiền chi trả trợ cấp hưu trí tăng lên, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng góp cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất của họ, đồng thời ngân sách chính phủ cũng phải gánh vác một phần để giải quyết hậu quả. Chính vì vậy, khi thực hiện biện pháp này người ta phải tính toán và cân nhắc khá kỹ lưỡng.
  • Chính phủ tăng cường đầu tư cho nền kinh tế: Ngoài việc gọi vốn và kích thích đầu tư nước ngoài, chính phủ còn tăng cường đầu tư cho nền kinh tế bằng cách “bơm tiền” một cách trực tiếp để xây dựng thêm những vùng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng để tạo thêm việc làm cho người lao động và thực hiện những mục tiêu kinh tế – xã hội khác. Tuy vậy, nếu số chi lớn hơn số thu từ thuế của chính phủ thì rất có thể lạm phát sẽ xảy ra. Cách làm này được Mỹ tiến hành sau cuộc tổng khủng hoảng (1929-1933) nhưng kết quả rất hạn chế và phát sinh nhiều khó khăn cho chính phủ, đặc biệt là tình trạng lạm phát.
  • Trợ cấp thôi việc, mất việc làm: Đây cũng là biện pháp “tình thế” mà các doanh nghiệp thường áp dụng góp phần giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống khi người lao động của mình phải thôi việc hoặc mất việc làm do doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, tinh giảm biên chế… Khoản tiền trợ cấp mà người lao động nhận được do phải thôi việc, là bởi họ có một quá trình đóng góp để tạo nên phúc lợi cho doanh nghiệp, thực chất là phần lợi nhuận mà trước đây người lao động đã tham gia tạo nên. Mức trợ cấp phụ thuộc vào thời gian làm việc cho doanh nghiệp trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm. Tuy nhiên biện pháp này có nhược điểm cơ bản là, khi doanh nghiệp có nhiều người thôi việc, mất việc, cũng là lúc doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đồng thời lại phải chi ra một khoản tiền lớn để trả trợ cấp thôi việc, mất việc nên sẽ rất bị động về tài chính, nhiều doanh nghiệp không có khả năng chi trả.
  • Trợ cấp thất nghiệp: Biện pháp này được thực hiện rất đa dạng và phong phú. Có nước do Liên đoàn lao động thực hiện nhằm giúp các thành viên của họ có được một khoản tiền để ổn định cuộc sống và xúc tiến tìm kiếm việc làm mới sau khi bị thất nghiệp. Có nước do Nhà nước trợ cấp cho người lao động bị thất nghiệp. Khoản tiền trợ cấp này lấy từ quỹ bảo hiểm quốc gia, với điều kiện người được nhận trợ cấp phải có quá trình đóng góp vào quỹ trước khi bị thất nghiệp. Thực chất đây là chế độ trợ cấp thất nghiệp nằm trong hệ thống các chế độ BHXH mà Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã khuyến cáo từ năm 1952 và cho đến nay đã nhiều nước thực hiện. Có những nước, trợ cấp thất nghiệp vừa do Liên đoàn lao động thực hiện vừa do Nhà nước thực hiện. Liên đoàn lao động thực hiện cho thành viên của mình là những người lao động làm trong các doanh nghiệp không may bị thất nghiệp, còn Nhà nước thực hiện với những đối tượng còn lại, số tiền trợ cấp từ phía Nhà nước được lấy từ ngân sách.
  • Bảo hiểm thất nghiệp: Đây là một chính sách nằm trong hệ thống các chính sách kinh tế – xã hội của quốc gia. Bảo hiểm thất nghiệp là một bộ phận của BHXH nhưng vì nhiều lý do khác nhau nó đã dần dần tách khỏi Ngày nay, BHTN được coi là một trong những chính sách có vai trò to lớn khắc phục tình trạng thất nghiệp.

3. Nội dung cơ bản của bảo hiểm thất nghiệp

a. Đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm thất nghiệp

BHTN xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu, trong một nghề khá phổ biến và phát triển: Nghề sản xuất các mặt hàng thuỷ tinh ở Thụy sĩ. Nghề này rất cần thợ lành nghề và được tổ chức trong một phạm vi nhỏ hẹp khoảng 20 đến 30 công nhân. Để giữ được những công nhân có tay nghề cao gắn bó với mình, năm 1893 các chủ doanh nghiệp ở Thụy sĩ đã lập ra quỹ doanh nghiệp để trợ cấp cho những người thợ phải nghỉ việc vì lý do thời vụ sản xuất. Sau đó, nhiều nghiệp đoàn ở châu Âu cũng đã lập ra quỹ công đoàn để trợ cấp cho đoàn viên trong những trường hợp phải nghỉ việc, mất việc. Tiền trợ cấp được tính vào giá thành sản phẩm và người sử dụng hàng hoá phải gánh chịu. Khi thấy rõ vai trò và tác dụng của trợ cấp nghỉ việc, mất việc đối với công nhân, nhiều cấp chính quyền địa phương đã tổ chức liên kết các doanh nghiệp, các nghiệp đoàn lao động để hình thành quỹ trợ cấp, thực chất đó là quỹ BHTN. Quỹ BHTN tự nguyện đầu tiên ra đời tại Bécnơ (Thuỵ Sỹ) vào năm 1893. Tham gia đóng góp cho quỹ lúc này không chỉ có giới chủ mà cả những người lao động có công việc làm không ổn định. Để tăng mức trợ cấp thất nghiệp đòi hỏi quy mô của quỹ phải lớn, cho nên đã có sự tham gia đóng góp của cả chính quyền địa phương và trung ương.

Năm 1900 và 1910, Nauy và Đan mạch ban hành Đạo luật quốc gia về BHTN tự nguyện có sự hỗ trợ về tài chính của nhà nước.

Năm 1911, Vương quốc Anh ban hành đạo luật đầu tiên về BHTN bắt buộc và tiếp sau đó là một số nước khác ở châu Âu như: Thuỵ Điển, Cộng hoà Liên bang Đức… Sau cuộc tổng khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933) một số nước châu Âu và Bắc Mỹ ban hành các Đạo luật về BHXH và BHTN, chẳng hạn: Ở Mỹ năm 1935, Canađa vào năm 1939.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, đặc biệt là sau khi có Công ước số 102, năm 1952 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì một loạt nước trên thế giới đã triển khai BHTN và trợ cấp thất nghiệp. Tính đến năm 1981, có 30 nước thực hiện BHTN bắt buộc và 7 nước thực hiện BHTN tự nguyện, đến năm 1992 những con số trên là 39 và 12 nước. Ở châu Á, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đã thực hiện BHTN.

BHTN là bảo hiểm bồi thường cho người lao động bị thiệt hại về thu nhập do bị mất việc làm để họ ổn định cuộc sống và có điều kiện tham gia vào thị trường lao động.

Như vậy, mục đích của BHTN là trợ giúp về mặt tài chính cho người thất nghiệp để họ ổn định cuộc sống cá nhân và gia đình trong một chừng mực nhất định, từ đó tạo điều kiện cho họ tham gia vào thị trường lao động để có những cơ hội mới về việc làm. Vì thế, một số nhà kinh tế học còn cho rằng BHTN là hạt nhân của thị trường lao động và nằm trong chính sách kinh tế xã hội của quốc gia. Chính sách này trước hết vì lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động sau nữa là vì lợi ích xã hội.

Mặc dù nhiều nước triển khai BHTN độc lập với BHXH, song đối tượng của BHTN cũng giống đối tượng của BHXH, đó là thu nhập của người lao động. Còn đối tượng tham gia BHTN cũng là người lao động và người sử dụng lao động, song đối tượng này rộng hay hẹp còn tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể và quy định của từng nước. Đại đa số các nước đều quy định đối tượng tham gia BHTN là những người lao động trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động. Bao gồm:

  • Những người làm công ăn lương trong các doanh nghiệp có sử dụng một số lượng lao động nhất định.
  • Những người làm việc theo hợp đồng lao động với một thời gian nhất định (thường là một năm trở lên) trong các doanh nghiệp, các cơ quan đoàn thể, các đơn vị hành chính sự nghiệp (nhưng không phải là viên chức và công chức).

Những công chức, viên chức Nhà nước; những người lao động độc lập không có chủ; những người làm thuê theo mùa vụ thường không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Về phía người sử dụng lao động, họ cũng có trách nhiệm tham gia đóng góp BHTN cho người lao động mà họ sử dụng. Vì rủi ro việc làm trong một chừng mực nào đó xuất phát từ phía người sử dụng lao động. Như vậy, đối tượng tham gia BHTN hẹp hơn rất nhiều so với BHXH.

b. Điều kiện hưởng trợ cấp

Rủi ro thuộc phạm vi BHTN là rủi ro nghề nghiệp, rủi ro việc làm. Người lao động tham gia BHTN bị mất việc làm họ sẽ được hưởng trợ cấp BHTN. Điều kiện để được hưởng trợ cấp BHTN khá chặt chẽ:

  • Người tham gia bảo hiểm phải nộp phí bảo hiểm trong một thời gian nhất định;
  • Thất nghiệp không phải do lỗi của người lao động;
  • Phải đăng ký thất nghiệp, đăng ký tìm kiếm việc làm tại Cơ quan lao động có thẩm quyền do Nhà nước quy định;
  • Phải sẵn sàng làm việc;
  • Có sổ BHTN để chứng nhận có tham gia đóng phí BHTN đủ thời hạn quy định. Những người thất nghiệp mặc dù có đóng BHTN nhưng không được hưởng trợ cấp khi họ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bị sa thải do vi phạm kỷ luật lao động hoặc từ chối không đi làm việc do Cơ quan lao động việc làm giới thiệu… Để được hưởng trợ cấp BHTN, người lao động phải có một thời gian nhất

định đã tham gia đóng góp vào quỹ BHTN – thời gian dự bị. Việc đặt ra thời gian dự bị có nhiều tác dụng. Một mặt nó đảm bảo rằng, chỉ có những người thường xuyên tham gia hoạt động kinh tế mới được xem như bị mất thu nhập thực sự do bị thất nghiệp, còn đối với những người chưa từng có việc làm, chưa có thu nhập, không được coi họ là những người họ bị thiệt hại về thu nhập. Mặt khác, thông qua thời gian dự bị, quỹ BHTN có thể đảm bảo số đóng góp của mỗi người lao động đạt tới một mức tối thiểu trước khi xảy ra thất nghiệp. Điều này sẽ tích cực góp phần cân đối quỹ tài chính BHTN.

c. Mức hưởng trợ cấp và thời gian hưởng trợ cấp

– Mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp

Về nguyên tắc mức trợ cấp thất nghiệp phải thấp hơn thu nhập của người lao động khi đang làm việc. Việc xác định mức trợ cấp phải dựa trên cơ sở đảm bảo cho người thất nghiệp đủ sống ở mức tối thiểu trong thời gian không có việc làm, đồng thời sao cho họ không thể lạm dụng để muốn hưởng trợ cấp hơn là đi làm. Vì vậy, hầu hết các nước đã triển khai BHTN, đều dựa trên những cơ sở sau đây để xác định mức trợ cấp BHTN:

  • Mức lương tối thiểu.
  • Mức lương bình quân cá nhân.
  • Mức lương tháng cuối cùng trước khi bị thất nghiệp.

Dựa vào mức lương nào là tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể, nhưng mức lương nào dùng để xác định mức trợ cấp cũng là mức lương làm căn cứ đóng phí BHTN. Theo (ILO), mức trợ cấp BHTN tối thiểu bằng 45% thu nhập trước khi thất nghiệp. Song trong quá trình vận dụng đã có 3 phương pháp xác định mức trợ cấp thất nghiệp sau đây:

– Phương pháp thứ nhất: Xác định theo một tỷ lệ đồng đều cho tất cả mọi người thất nghiệp căn cứ vào mức lương tối thiểu, mức lương bình quân cá nhân, hay mức lương tháng cuối cùng.

– Phương pháp thứ hai: Xác định theo tỷ lệ giảm dần so với tiền lương tháng cuối cùng. Ví dụ, ở nước cộng hoà Séc và Hungari quy định:

  • 3 tháng đầu mức trợ cấp là 70% lương tháng cuối cùng.
  • 6 tháng sau mức trợ cấp là 50% lương tháng cuối cùng
  • 3 tháng cuối mức trợ cấp là 40% lương tháng cuối cùng.

– Phương pháp thứ ba: Xác định theo tỷ lệ luỹ tiến điều hoà, nghĩa là mức lương thấp thì được hưởng tỷ lệ trợ cấp cao, ngược lại mức lương cao thì tỷ lệ trợ cấp lại thấp nhằm duy trì mức sống tối thiểu, tránh tình trạng lợi dụng bảo hiểm thất nghiệp. Ví dụ: mức lương thấp thì tỷ lệ được trợ cấp là 80%, còn mức lương cao thì tỷ lệ được trợ cấp là 50% so với tiền lương tháng cuối cùng của người lao động trước khi bị thất nghiệp.

Ngoài ra, có nước còn căn cứ vào số con trong gia đình, lao động trí óc, lao động chân tay, thành thị và nông thôn khi xác định mức trợ cấp thất nghiệp.

– Thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp

Thời gian hưởng trợ cấp BHTN tối đa phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố tài chính, vào quỹ bảo hiểm và thời gian tham gia BHTN, ngoài ra còn phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế – xã hội. Trong các thời kỳ mà tỷ lệ thất nghiệp thấp, người lao động có khả năng tìm kiếm được việc làm và có nhiều ngành nghề mức cầu về lao động còn có khả năng thu hút dễ hơn, thì thời hạn hưởng trợ cấp sẽ hạ thấp xuống. Ngược lại, vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, số người thất nghiệp gia tăng thì thời hạn hưởng được kéo dài, nhưng cũng chỉ có thể kéo dài trong phạm vi quỹ BHTN có thể chịu được.

Cụ thể, người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong một thời gian ngắn, sau đó có việc làm sẽ ngừng hưởng trợ cấp vì họ đã có lương. Thời hạn hưởng trợ cấp tối đa phải được quy định cụ thể, nếu quá thời hạn tối đa mà người thất nghiệp chưa có việc làm vẫn phải ngừng trợ cấp và khi đó họ có thể được trợ giúp từ phía xã hội. Nhìn chung, các nước thường quy định thời hạn trợ cấp tối đa từ 12 đến 52 tuần (từ 3 tháng đến 1 năm). Thời hạn tạm chờ từ 3 đến 7 ngày đầu thất nghiệp không được hưởng trợ cấp. Điều này làm giảm nhẹ tài chính cho quỹ bảo hiểm và đơn giản hoá khâu quản lý trong trường hợp thất nghiệp ngắn ngày.

c. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Là một quỹ tài chính độc lập tập trung nằm ngoài ngân sách Nhà nước.

Quỹ được hình thành chủ yếu từ 3 nguồn sau đây:

  • Người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đóng góp;
  • Người sử dụng lao động đóng góp;
  • Nhà nước bù thiếu.

Ngoài ra còn được bổ sung bởi lãi suất đầu tư đem lại từ phần quỹ nhàn rỗi. Cũng giống như BHXH, người tham gia BHTN và người sử dụng lao động đóng góp bằng một tỷ lệ phần trăm nhất định so với tiền lương và tổng quỹ lương.

Hầu hết các quốc gia quy định mức đóng góp BHTN trong luật tài chính để đảm bảo an toàn và chắc chắn cho quỹ hoạt động.

Tình hình đóng góp bảo hiểm thất nghiệp ở một số nước trên thế giới

NướcTỷ lệ đóng góp (%)Ngân sách Nhà nước
Người lao độngNgười sử dụng lao độngChung
1. Bỉ0,871,232,10Bù thiếu
2. Ba lan2,002,00‘’
3. Pháp2,974,437,40‘’
4. Hà lan1,871,873,74‘’
5. Đức2,152,154,30‘’
6. Hy lạp1,202,003,32‘’

(Nguồn: Bộ Lao động – Thương binh và xã hội) Quỹ BHTN nhiều hay ít phụ thuộc vào tỷ lệ đóng góp của các bên tham gia và số người tham gia BHTN. Tỷ lệ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động phụ thuộc chủ yếu vào tỷ lệ thất nghiệp, mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp BHTN cũng như nội dung sử dụng quỹ.

Ngoài ra, sự hỗ trợ của nhà nước cho quỹ BHTN là không thể thiếu, bởi vì thất nghiệp là một vấn đề mang tính xã hội rộng lớn. Nhà nước không chỉ ban hành chính sách, mà phải quan tâm đến việc thực hiện chính sách, bằng cách trích một khoản ngân sách đáng kể hỗ trợ quỹ BHTN. Mặc dù chỉ hỗ trợ một phần nhưng Nhà nước có một nguồn quỹ rất lớn để khắc phục tình trạng thất nghiệp, từ đó góp phần ổn định xã hội.

Nhà nước có thể tham gia theo một trong hai hình thức sau:

– Thứ nhất là, đóng góp thường xuyên thông qua việc trích ngân sách hỗ trợ quỹ BHTN.

– Thứ hai là, Nhà nước chỉ tham gia với tư cách là người bảo hộ khi đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động không đủ bù đắp các khoản chi hoặc khi quỹ BHTN có những biến động lớn do lạm phát…

Mức độ tham gia đóng góp vào quỹ BHTN trong những năm gần đây của một số nước thực hiện BHTN cũng rất khác nhau. Có nước quy định, người lao động, người sử dụng lao động và nhà nước đóng góp ngang nhau. Cách đóng góp này có ưu điểm là giảm được mức đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời cơ quan BHTN chủ động được nguồn quỹ vì Nhà nước tham gia đóng góp ngay từ đầu. Ngoài ra nó còn tạo tâm lý công bằng chia sẻ gánh nặng thất nghiệp, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi bên. Có một số nước lại quy định, người lao động và người sử dụng lao động đóng góp ngang nhau, Nhà nước cấp bù khi có những biến động lớn. Cách đóng góp này có ưu điểm làm giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Nhưng lại tạo ra tâm lý ỷ lại vào nhà nước. Cơ quan BHTN sẽ không tích cực thu và tiết kiệm chi dẫn đến không chủ động được nguồn quỹ. Do vậy, khi áp dụng cách thức này, cơ quan BHTN phải nhận thức rõ hơn là, nhà nước chỉ cấp bù khi thị trường lao động có biến động xấu, tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến hoặc tốc độ lạm phát gia tăng…

Ngoài ra còn có nước quy định, người sử dụng lao động đóng gấp đôi người lao động, nhà nước chỉ tiến hành bù thiếu. Bởi vì, người sử dụng lao động luôn có tiềm lực kinh tế mạnh hơn và vấn đề thất nghiệp chủ yếu do họ gây ra chứ không phải do người lao động.

* Mục đích sử dụng quỹ

Quỹ BHTN được sử dụng chủ yếu để chi trả trợ cấp BHTN. Ngoài ra nó còn được sử dụng cho các hoạt động nhằm đưa người thất nghiệp mau chóng trở lại vị trí làm việc (như: đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho người lao động; chi phí tìm kiếm và môi giới việc làm…); Chi cho tổ chức hoạt động BHTN…

4. Bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam

Trợ cấp thất nghiệp là một chế độ nằm trong hệ thống các chế độ BHXH mà tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã khuyến nghị từ năm 1952 và cho đến nay đã có nhiều nước thực hiện. Trong điều kiện kinh tế thị trường, tình trạng thất nghiệp là không thể tránh khỏi, vì vậy việc ban hành chính sách BHTN ở Việt Nam là rất cần thiết. Đây là một vấn đề hết sức bức xúc trong một quãng thời gian dài. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp giải quyết tình trạng thất nghiệp như: Trợ cấp thôi việc, trợ cấp 1 lần… nhưng đó chỉ là những biện pháp tình thế. Do đó, chúng ta cần phải tham khảo kinh nghiệm của các nước để ban hành chính sách này.

BHTN bắt đầu được thực hiện ở Việt Nam 01/01/2009 theo quy định của Luật BHXH. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng với người sử dụng lao động có sử dụng từ mười lao động trở lên.

Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;
  • Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;
  • Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp

Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp phụ thuộc vào thời gian đóng góp và được quy định như sau:

  • Ba tháng, nếu có từ đủ mười hai tháng đến dưới ba mươi sáu tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;
  • Sáu tháng, nếu có từ đủ ba mươi sáu tháng đến dưới bảy mươi hai tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;
  • Chín tháng, nếu có từ đủ bảy mươi hai tháng đến dưới một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;
  • Mười hai tháng, nếu có từ đủ một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên.

Ngoài ra, trong thời gian người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề với thời gian không quá sáu tháng. Mức hỗ trợ bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn theo quy định của pháp luật về dạy nghề. Đồng thời, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Một điểm khác biệt rất cơ bản với BHXH là sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp lần sau.

Tóm lược

– Bảo hiểm thất nghiệp là bảo hiểm bồi thường cho người lao động bị thiệt hại về thu nhập do bị mất việc làm, cho nên đối tượng của nó cũng chính là thu nhập của người lao động. BHTN có đặc điểm là không có hợp đồng trước; người tham gia và người thụ hưởng quyền lợi là một. Đặc biệt là không có việc chuyển rủi ro của những người bị thất nghiệp sang những người khác có khả năng thất nghiệp.

– Quỹ BHTN cũng là 1 quỹ tài chính độc lập, tập trung nằm ngoài ngân sách nhà nước. Quỹ được hình thành chủ yếu từ 3 nguồn : người lao động, người sử dụng lao động đóng góp còn Nhà nước thì bù thiếu. Quỹ được sử dụng chủ yếu để trợ cấp BHTN, ngoài ra còn được dùng để chi phí quản lý và đào tạo lại nghề cho người lao động để họ có cơ hội tham gia vào thị trường lao động.

– Mức trợ cấp và thời gian trợ cấp BHTN là những nội dung phức tạp khi xây dựng chính sách BHTN. Song về nguyên tắc, mức trợ cấp BHTN phải thấp hơn thu nhập của người lao động khi đang làm việc, nhưng vẫn phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ. Vì vậy, hầu hết các nước khi triển khai BHTN đều phải dựa vào mức lương tối thiểu hoặc mức lương tháng cuối cùng trước khi bị thất nghiệp để xác định mức trợ cấp thất nghiệp. Còn thời gian trợ cấp BHTN phụ thuộc vào yếu tố tài chính, vào quỹ BHTN. Ngoài ra còn phải tính đến các điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.

(Nguồn: neu.topica.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]